5 vấn đề sau quyết định rút khỏi TPP của Tổng thống Trump

Tổng thống Donald Trump ngày 23/1 đã bắt đầu thực hiện những cam kết trong chiến dịch tranh cử khi ký sắc lệnh hành pháp rút Mỹ khỏi Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Phát biểu trước các phóng viên tại phòng Bầu Dục lúc ký sắc lệnh, Tổng thống Trump nói: "Đây là điều tuyệt vời cho người lao động Mỹ mà chính phủ chúng tôi muốn thực hiện".
Tổng thống Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP. (Ảnh: AFP)

Những tác động từ sắc lệnh trên của ông Trump với TPP sẽ ra sao? Thứ nhất, theo CNN, Tổng thống Trump đã chính thức rút Mỹ khỏi TPP - thoả thuận thương mại được Mỹ đàm phán với 11 nước khác dưới thời Tổng thống Barack Obama - nhưng hiện chưa có gì thay đổi sau quyết định của ông Trump vì quốc hội Mỹ chưa thông TPP.

Tuy nhiên, với việc rút Mỹ khỏi TPP, Tổng thống Trump đã thực hiện quyết định cho thấy ông là người giữ lời hứa, cũng như chấm dứt toàn bộ hy vọng về một thoả thuận mà người tiền nhiệm Obama từng mong muốn là một trong số những di sản to lớn mà ông để lại.

Thứ hai, giới phân tích cho rằng chính ông Trump cũng đang đối diện với sức ép. Hôm 22/1 vừa qua, Tổng thống thứ 45 của Mỹ tuyên bố sẽ khởi động đàm phán lại Thoả thuận Tự do Thương Mại Bắc Mỹ (NAFTA). Sau đó một ngày, ông quyết định rút Mỹ khỏi TPP. Điều này cho thấy Tổng thống Trump muốn nắm quyền kiểm soát các thoả thuận thương mại mà ông chỉ trích lâu nay và đang có lập trường đối lập với các Tổng thống Mỹ trước đây khi họ thường thúc đẩy việc tháo gỡ những rào cản thương mại và cố gắng kết nối nền kinh tế toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng ông Trump, người tự tin vào năng lực đàm phán của mình, sẵn sàng rút khỏi các cuộc thảo luận nếu ông không thuyết phục được các nước khác chấp nhận những điều khoản mà các đời Tổng thống Mỹ trước, như George H.W. Bush và Bill Clinton với NAFTA hay Barack Obama với TPP, chưa làm được.

Thứ ba, quyết định rút Mỹ khỏi TPP sẽ tác động tới quá trình toàn cầu hoá. Cho tới khi Tổng thống Trump bắt đầu quá trình đàm phán theo ý của ông, lịch sử hàng chục năm của quá trình toàn cầu hoá đang đặt ra nhiều thách thức với "ông chủ mới" của Nhà Trắng. Tổng thống Trump đang đối diện với nhiều hoài nghi. Các doanh nghiệp lớn đang lo ngại rằng những quyết định của Tổng thống Trump trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng tới ngành công nghiệp sản xuất của Mỹ.

Các nghị sỹ của đảng Cộng hoà lâu nay vẫn ủng hộ tư do thương mại. Giờ đây, họ sẽ gặp khó khăn giữa một vị Tổng thống có xu hướng ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ và một cộng đồng kinh tế coi quan điểm của ông Trump sẽ tách các hoạt động sản xuất hiện nay khỏi tình hình thực tế. Theo đó, những loại hàng hoá giá rẻ được bán tại Mỹ do chúng sản xuất ở nước ngoài và chưa kể các công ty Mỹ cũng thu lợi được từ những thoả thuận, kiếm hàng trăm triệu USD bằng cách bán sản phẩm ở nước ngoài.

Thứ tư, quyết định rút Mỹ khỏi TPP sẽ chưa có tác động ngay tới cuộc sống của người dân Mỹ. Giới quan sát cho rằng các tổ chức lao động sẽ được hưởng lợi từ quyết định này vì lâu nay, họ thường chỉ trích xu hướng chuyển ngành sản xuất của Mỹ ra nước ngoài, tới những quốc gia có nhân công giá rẻ và ít các quy định bảo hộ lao động.

Trong khi đó, các công ty kinh doanh sẽ mất cơ hội tiếp cận các thị trường mới. Trước đây, các công ty sản xuất xe hơi Mỹ từng hy vọng những loại thuế ở một số nước châu Á sẽ được tháo bỏ. Nông dân Mỹ từng kỳ vọng việc bỏ những thuế thương mại sẽ

Trong một tuyên bố đưa ra để phản đối sắc lệnh của Tổng thống Trump, Thượng nghị sỹ John McCain nói: “Quyết định này sẽ tước đi cơ hội thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Mỹ, xóa bỏ các rào cản thương mại, mở ra các thị trường mới cũng như bảo vệ các phát minh và sáng tạo của người Mỹ. Quyết định này sẽ mở đường cho Trung Quốc viết lại các luật chơi kinh tế khiến chính người lao động Mỹ phải trả giá. Nó cũng sẽ phát đi một tín hiệu xấu về sự thoái lui của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Cuối cùng, Trung Quốc được gì từ việc Mỹ rút khỏi TPP? Theo nhận định của giới quan sát, Bắc Kinh không được gì vì ngay từ đầu nước này đã không muốn tham gia TPP. Tuy nhiên, giờ là lúc giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ thảo luận về các biện pháp để giành lấy vị trí dẫn đầu của Mỹ và mở rộng ảnh hưởng của nước này trong khu vực.

Phát biểu tại diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện cam kết thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư thông qua các cơ chế mở và nói không với chủ nghĩa bảo hộ". 

Tin cùng chuyên mục