Không chỉ Chính phủ, địa phương cũng phải kiến tạo để thông điệp này thực sự đi vào thực tiễn. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiều sức ép lên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
Theo nhận định của Chính phủ, thời gian tới, lạm phát dự báo chịu nhiều sức ép tăng trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp, đặt ra yêu cầu cao đối với hiệu quả trong điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách giá cả trong những tháng còn lại của năm 2017. Giá một số mặt hàng nhà nước quản lý như phí dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện vẫn tiếp tục lộ trình tăng nhằm tiếp cận giá thị trường; lương cơ bản điều chỉnh tăng,... sẽ làm tăng chỉ số giá trong năm 2017.
Về tiền tệ, tín dụng, trong dài hạn, nếu FED tiếp tục tăng lãi suất đến mức 2,9% vào năm 2019, đồng tiền các nước sẽ liên tục giảm giá so với đồng Việt Nam thì cán cân thương mại của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng, gián tiếp tác động đến tỷ giá, sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư, làm tăng nợ công của Chính phủ, kiều hối sẽ tiếp tục giảm,... ảnh hưởng đến sản xuất và giá cả trong nước.
Chính phủ nhận định, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong các tháng cuối năm là cần thiết nhưng đang chịu nhiều sức ép và thách thức trong điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ. Trong bối cảnh tình hình thế giới chưa xuất hiện xu thế rõ ràng và đang thuận lợi trong ngắn hạn, nền kinh tế trong nước cần tập trung phát huy tối đa những tiềm năng đã có trong các tháng đầu năm như tăng nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn tư nhân và FDI đã cam kết và đăng ký từ các năm trước, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước gắn với xuất khẩu, tận dụng cơ hội thương mại và giá cả thế giới đang phục hồi...
Thông điệp kiến tạo phải đến cả địa phương
Với nhiệm vụ thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 đạt 6,7%, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu trung và dài hạn là cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Chính phủ đã đề ra các giải pháp kết hợp hài hòa giữa ngắn hạn và căn cơ dài hạn.
6 nhóm giải pháp được Chính phủ đưa ra, trong đó đầu tiên là các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, coi đây là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Các nhóm giải pháp tiếp theo gồm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh; thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ và thị trường trong nước; đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu; đẩy nhanh giải ngân và bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư; đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.
Nhìn lại tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và các tháng đầu năm 2017, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh điểm nổi bật là Chính phủ đã hun đúc tinh thần sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân và người dân. Năm 2016, lượng doanh nghiệp đăng ký tăng cao kỷ lục là thành quả rất lớn của quá trình cải thiện môi trường đầu tư. Các tháng đầu năm 2017 dù tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhưng không khí làm ăn của doanh nghiệp vẫn gia tăng nhanh, ổn định. Chính phủ cũng đã điều hành kinh tế theo hướng không phải tăng trưởng GDP bằng bất cứ giá nào.
Tuy nhiên, ông Giàu cũng lưu ý, doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, số lượng doanh nghiệp bị phá sản, giải thể lớn. Chính phủ cần đánh giá lại thực chất của tình trạng này, có phải thực sự chỉ do cạnh tranh hơn nên bị đào thải hay còn lý do nào khác?
Đánh giá cao những thông điệp, thái độ, quan điểm rất rõ ràng của Chính phủ mới trong thời gian qua về việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, nhưng ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, không chỉ Chính phủ, địa phương cũng phải kiến tạo để thông điệp này thực sự đi vào thực tiễn.