Chủ tịch FED Jerome Powell. Chính sách của FED tiếp tục là mối quan tâm lớn của giới đầu tư toàn cầu năm 2019 - Ảnh: Bloomberg. |
Các thị trường mới nổi đang gượng dậy sau đợt bán tháo khiến 5 nghìn tỷ USD vốn hóa chứng khoán "bốc hơi" so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 1/2018. Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg nói rằng sự sụt giảm có thể quay trở lại trong năm 2019.
Lãi suất tăng ở Mỹ, đồng USD mạnh lên, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, giá dầu giảm, sự nổi lên của các nhà lãnh đạo dân túy ở Mỹ-Latin… có thể sẽ gây áp lực giảm lên các thị trường mới nổi trong năm nay.
Dưới đây là 6 rủi ro đối với các thị trường mới nổi trong năm 2019 được Bloomberg điểm qua:
FED và lãi suất
Nhà đầu tư sẽ thận trọng theo dõi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), bởi sau khi ngân hàng trung ương này nâng lãi suất hôm 19/12, Chủ tịch FED Jerome Powell không hề có những tín hiệu mềm mỏng như kỳ vọng trước đó của thị trường. Một nỗi lo khác đến từ thông tin nói rằng ông Trump tính sa thải ông Powell, dù thông tin này đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phủ nhận.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tiến tới chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng - chương trình đã bơm nhiều tỷ USD để mua tài sản tại các thị trường có lợi suất cao trong khu vực như Ba Lan và Hungary. Điều này có thể buộc ngân hàng trung ương các nước Đông Âu phải tăng lãi suất, một việc mà từ lâu họ cố gắng không làm.
Tại châu Á, các nền kinh tế mới nổi có độ phụ thuộc lớn vào dòng vốn đầu tư nước ngoài như Indonesia, sẽ gặp thách thức trong việc giữ ổn định tỷ giá và ngăn sự thoái vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Dù Mỹ và Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy đàm phán để xuống thang cuộc chiến thương mại song phương, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ nhanh chóng nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ về sở hữu trí tuệ, chính sách công nghiệp hay trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước. Bất kỳ một sự gia tăng căng thẳng nào giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng sẽ là một đòn giáng mạnh vào giá các tài sản ở châu Á trong năm nay, sau khi thị trường chứng khoán khu vực đã giảm sâu trong năm 2018.
Cách đây ít ngày, nguồn thạo tin đã tiết lộ với Bloomberg rằng một đoàn quan chức Mỹ sẽ tới Bắc Kinh vào tuần tới để đàm phán thương mại.
Các chính phủ dân túy
Hai thị trường mới nổi lớn ở khu vực Mỹ Latin là Brazil và Mexico bước vào năm 2019 dưới sự lãnh đạo của các tân Tổng thống theo trường phái dân túy. Chứng khoán Brazil đã tăng lên mức kỷ lục sau khi Tổng thống đắc cử Jair Bolsonaro tuyên bố sẽ bán hàng chục công ty quốc doanh.
Tại Mexico, tân Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador lại khiến giới đầu tư bất an sau khi ông bất ngờ hủy một dự án sân bay trị giá 13 tỷ USD.
Lệnh trừng phạt Nga
Bộ Tài chính Mỹ đã tuyên bố sẵn sàng dỡ lệnh trừng phạt đối với United Co. Rusal, một trong những công ty lớn nhất của Nga. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn lo ngại về các động thái của Quốc hội Mỹ. Nếu cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ đi đến kết luận Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, thì Washington có thể sẽ tung thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Moscow.
Diễn biến giá dầu
Việc giá dầu thế giới giảm sâu trong quý 4/2018 là một tin xấu đối với các nền kinh tế có sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu, trong đó có Saudi Arabia.
Riyadh cần giá dầu ở mức 95 USD/thùng để cân bằng ngân sách trong năm 2019, theo ước tính của Bloomberg. Trong khi đó, giá dầu Brent hiện chỉ ở ngưỡng 53 USD/thùng.
Các cuộc bầu cử
Bầu cử toàn quốc ở Ấn Độ sẽ diễn ra vào tháng 4 hoặc tháng 5, và nếu buộc phải thành lập chính phủ liên minh sau lần bầu cử này, Thủ tướng Narendra Modi có thể sẽ gặp khó khăn trong cải cách kinh tế.
Thái Lan sẽ bầu cử vào ngày 24/2, trong khi bầu cử Tổng thống Indoneisa sẽ diễn ra vào ngày 17/4.
Tại Argentina, Tổng thống Mauricio Macri - một người "được lòng" nhà đầu tư nước ngoài - đối mặt bầu cử vào tháng 10, trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái và lạm phát ở mức 50%.
Ngoài ra, bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra ở Nam Phi vào tháng 5 và ở Nigeria vào giữa tháng 2.