Kết quả biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) |
Theo Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày trước khi Quốc hội biểu quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Về thời gian quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn (ĐTCTH) giai đoạn mới, UBTVQH xin quy định tại Khoản 1 Điều 60 như sau: “Tại kỳ họp cuối năm của năm thứ năm nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch ĐTCTH giai đoạn sau để Quốc hội cho ý kiến về các nội dung theo quy định tại Điều 49 của Luật này; Riêng kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau, căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển của năm đầu tiên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này”.
Tương tự, đối với kế hoạch ĐTCTH ở địa phương, UBTVQH xin chỉnh sửa tương ứng các quy định tại Điều 62 của Dự thảo Luật về trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách địa phương, trước ngày 5/12 năm thứ năm của kế hoạch ĐTCTH giai đoạn trước, UBND trình HĐND cùng cấp khóa trước cho ý kiến về kế hoạch ĐTCTH giai đoạn sau; UBND căn cứ vào dự toán chi ngân sách địa phương cho đầu tư phát triển trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau.
Về quy định đối với trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quyết định đầu tư dẫn đến thay đổi phân loại dự án, UBTVQH tiếp thu theo hướng trong mọi trường hợp điều chỉnh, cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh đầu tư chương trình, dự án đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình…
Về điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm, để đảm bảo bố trí vốn tập trung, tránh dàn trải, UBTVQH tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý Khoản 2 Điều 52. Theo đó, quy định các dự án mới phải đảm bảo thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm.
Một số nội dung khác cũng được UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý.
Theo báo cáo của Chính phủ, việc ban hành Luật Đầu tư công (sửa đổi) giúp tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư công theo hướng thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan khác nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động đầu tư công và nguồn vốn đầu tư công, tiếp tục khắc phục thêm một bước tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định pháp luật về đầu tư công, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công gắn với đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý hoạt động đầu tư công. Nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công gắn với tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư công, sử dụng nguồn vốn đầu tư công thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công, gắn với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số, góp phần tích cực vào việc chống thất thoát, lãng phí.
Cùng với đó là gắn liền với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và cơ cấu lại đầu tư công nói riêng theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực hạn hẹp của Nhà nước, tạo điều kiện khuyến khích sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân trong và ngoài nước, thông qua các hình thức đầu tư phù hợp, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ tăng trưởng nhanh, bền vững, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Luật Đầu tư công (sửa đổi) quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật được áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Luật gồm 6 chương, 101 điều, có hiệu lực lực thi hành từ ngày 1/1/2020.