Ả rập Xê-út bị nhấn chìm bởi dầu mỏ

Vương quốc vốn có thói quen tiêu xài hoang phí, nay đã biết nghĩ đến hai từ: Tiết kiệm.
Ả rập Xê-út bị nhấn chìm bởi dầu mỏ

Không có gì quá nếu gọi tiền là chất keo giúp Ả rập Xê-út đứng vững. Để duy trì lòng trung thành của công dân và phần tử cực đoan chống đối, các nhà làm luật đã hào phóng đưa ra nhiều khoản phúc lợi hấp dẫn và những công việc nhà nước nhàn hạ.

Trong giai đoạn bất ổn, chẳng hạn như Arab Spring – làn sóng biểu tình ở Ả rập Xê-út bắt đầu từ năm 2010, công nhân được tăng lương và thưởng. Lần “vung tay” gần đây nhất là lễ đăng quang của quốc vương Salman tháng Hai năm ngoái, tốn kém gấp nhiều lần chi tiêu chính phủ của nhiều quốc gia khác trong một năm.

Những khoản phung phí này cộng thêm chiến tranh ở Yemen, Syria, tiền viện trợ cho Ai Cập và các nước khác làm chi tiêu công tăng chóng mặt. Có thể nói, “ông hoàng dầu mỏ” Ả rập Xê-út đã quá quen chi mạnh tay.

Tuy nhiên, năm 2014, nước này chủ trương giữ giá dầu ở mức thấp bằng cách tăng sản lượng, nhằm hạ bệ các đối thủ cạnh tranh và tăng thị phần. Khi giá dầu rơi mạnh, doanh thu chính phủ Ả rập với 90% đến từ dầu mỏ, cũng giảm đáng kể. Hậu quả là thâm hụt ngân sách vượt 20% GDP năm 2015.

Hiện nước này bắt đầu có những dấu hiệu cắt giảm chi tiêu. Tháng Bảy năm ngoái, Ả rập vay 15 tỷ USD từ người dân qua trái phiếu địa phương. Đây là lần đầu tiên Ả rập phát hành trái phiếu kể từ năm 2007.

Bộ trưởng tài chính Ibrahim al-Assaf cho biết, ngoài việc tăng vay nợ, chính phủ cũng đang cắt giảm những chi phí không cần thiết.

Theo nguồn tin rò rỉ, ngày 28/9 năm ngoái, quốc vương Salman đã chỉ đạo các bộ ngưng dự án mới, chấm dứt mua xe, đồ nội thất và các trang thiết bị. Một thông tin khác cho biết, bộ tài chính sẽ dừng các khoản chi vào giữa tháng 11, sớm hơn bình thường 6 tuần.

Chính phủ vẫn chưa khẳng định tính xác thực của thông tin trên, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng các thông tin này phản ánh sự lo ngại của hoàng gia Ả rập.

Chi tiêu chính phủ Ả rập đã tăng 4 lần kể từ năm 2003, đẩy mức giá hòa vốn của dầu thô (mức giá mà chính phủ có thể cân đối sổ sách) lên hơn 100 USD một thùng. Với mức giá hiện dưới 50 USD một thùng, các chuyên gia dự đoán Ả rập sẽ còn thâm hụt ngân sách rất lớn.

Simon Williams, giám đốc bộ phận Quản lý tài sản của ngân hàng HSBC cho biết: “Mức thâm hụt lớn đến mức không thể vờ coi là chuyện bình thường được”.

Tài sản dư dả phần nào giúp Ả rập chống đỡ lại cú sốc tài chính này. Năm 2014, Ả rập đã “đốt” 80 tỷ USD dự trữ ngoại hối nhưng vẫn còn hơn 650 tỷ nữa. Nợ công của nước này chiếm khoảng 100% GDP năm 1999, nhưng hiện chỉ chiếm 2%.

Chuyên gia kinh tế Jason Tuvey đến từ công ty Capital Economics nhận định: “Ả rập có nguồn dự trữ khổng lồ để trụ vững trong hoàn cảnh này”.

Các nhà phân tích cho rằng Ả rập sẽ không đánh thuế cá nhân, dù Hội đồng hợp tác vùng Vịnh đang tính tới việc áp dụng thuế giá trị gia tăng. Họ cũng nghĩ nước này sẽ không giảm trợ cấp nhiên liệu như các quốc gia vùng Vịnh khác hay cắt giảm lương nhân viên chính phủ.

Thời kỳ khủng hoảng dầu mỏ những năm 1980, Ả rập Xê-út cắt bớt chi tiêu vốn trong khi gần như giữ nguyên các khoản viện trợ. Dù IMF khuyên ngược lại, nghĩa là duy trì đầu tư vốn và giảm viện trợ, nhưng có vẻ Ả rập sẽ lại làm theo quyết định của mình.

Nhiều ý kiến cho rằng Ả rập đang xem xét các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới và có thể hoãn hoặc giảm quy mô một số dự án. Hiện nước này đã cắt bớt kế hoạch xây 11 sân bóng mới. Cuối năm nay, việc chính phủ Ả rập có thực sự trở nên “tiết kiệm” hay không sẽ sáng tỏ.

Điều chỉnh lại nền kinh tế không phải chuyện đơn giản. Chính phủ không còn tạo ra đủ việc làm công cho người lao động, do đó, họ bị chuyển sang khu vực tư nhân nhiều hơn. Nhưng nỗ lực “Ả rập hóa” này, chẳng hạn đặt chỉ tiêu số nhân công Ả rập trong các công ty, chưa có tiến triển đáng kể.

Ở khu vực tư nhân, thường yêu cầu cao hơn và mức lương thấp hơn khu vực nhà nước, lao động nước ngoài vẫn chiếm đa số. Sau đợt xử lý công nhân nước ngoài bất hợp pháp năm 2013, người Ả rập không mấy mặn mà với nhiều vị trí không yêu cầu chuyên môn còn đang bỏ trống. Trong khi đó, các công ty lại phàn nàn có quá ít lao động trình độ cao do trường học chỉ chú trọng dạy tôn giáo.

Hơn 40 năm qua, chính phủ Ả rập nỗ lực tăng tỷ trọng khu vực tư nhân và đa dạng hóa nền kinh tế. Nhưng trong khi khu vực khác ngoài dầu tăng trưởng, ông Tuvey nhận định, “Đa dạng hóa vẫn có phần viển vông”.

Phần lớn sự tăng trưởng đến từ những ngành công nghiệp phụ thuộc dầu, chẳng hạn như hóa dầu, phụ thuộc vào nguồn năng lượng rẻ hoặc được hỗ trợ bởi chi tiêu chính phủ cho xăng dầu.

Dầu vẫn chiếm tỷ trọng khổng lồ trong thu nhập từ xuất khẩu của Ả rập và đóng góp gần một nửa GDP nước này. Hậu quả từ giá dầu giảm sẽ ngày càng rõ rệt nếu chính phủ Ả rập không đưa ra những điều chỉnh thích hợp.

Tin cùng chuyên mục