Ảnh Internet |
Theo Forbes, hầu như các công ty tư vấn hàng đầu đều công bố những nghiên cứu về tác động của AI đối với ngành ngân hàng. Dòng tiền đầu tư vẫn liên tục được rót vào hoạt động phát triển các giải pháp AI. Tuy nhiên, đi kèm sự phát triển của công nghệ là mối lo ngại về việc làm dành cho con người.
Nếu một ngân hàng có thể tự động hóa quy trình thì chắc chắn họ sẽ không cần đến con người để làm điều đó, Forbes nhận xét. Trong một thập kỷ qua, việc tự động hóa các dịch vụ khách hàng đã dẫn đến sự sụt giảm về nhu cầu nhân viên “tiền sảnh” trong ngành ngân hàng, nhiều chi nhánh cũng đã phải đóng cửa. Và giờ đây, một trong những mảng chính mà ngân hàng đang triển khai các giải pháp AI cũng chính là dịch vụ khách hàng.
Một số tổ chức tài chính đã phát triển công nghệ chatbot được hỗ trợ bởi AI và trợ lý ảo. Ngân hàng J.P. Morgan sử dụng AI để trả lời các câu hỏi của khách hàng và dự đoán nhu cầu tương lai của họ. Trong khi trợ lý ảo của ngân hàng UBS được hỗ trợ bởi Amazon Alexa. Đây là những sản phẩm có nhiều khả năng sẽ thay thế các công việc của con người. Công nghệ AI càng được sử dụng nhiều thì càng được học hỏi nhiều hơn, điều này có nghĩa AI sẽ được cải thiện theo cấp số nhân trong khả năng hỗ trợ khách hàng mà không đòi hỏi có sự tham gia của con người.
Ngoại trừ chatbot và Robotic Process Automation (RPA) – công nghệ tự động hóa quy trình bằng robot, giải pháp ứng dụng AI mà các nhà băng đang sử dụng được cho là không phải mối đe dọa đáng kể đối với công ăn việc làm của nhân viên.
Ảnh Internet
Một số ngân hàng ưu tiên sử dụng hệ thống AI để phát hiện hoạt động gian lận hoặc rửa tiền. Điều này được AI giải quyết đặc biệt thành công khi giảm đáng kể thời gian lần theo đầu mối giả của các điều tra viên. Trong trường hợp này, thay vì giảm bớt nhu cầu đầu vào về con người, các hệ thống hỗ trợ AI đã hạn chế áp lực thời gian đối với các nhà điều tra, giúp họ có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu từng trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, một số nhà băng tập trung vào việc sử dụng AI trong giao dịch thuật toán, trong khi một số khác đang phát triển các giải pháp cá nhân hóa sản phẩm cung cấp đến từng khách hàng. Điểm quan trọng ở đây là các dự án này vẫn đang còn phát triển và chưa được triển khai rộng rãi.
Mặc dù các phương tiện truyền thông nói nhiều đến việc AI sẽ giúp tiết kiệm chi tiêu cho các nhà băng bằng cách cắt giảm việc làm, song AI còn có thể cải thiện khả năng chấp nhận rủi ro của tổ chức tài chính này. Rủi ro là trọng tâm của ngành ngân hàng, và đó cũng là lý do tại sao nhiều nhân viên ngân hàng tập trung vào việc đo lường rủi ro do khách hàng. Các công nghệ hiện tại chưa thể đưa ra quyết định như cách con người thực hiện, song việc áp dụng AI có thể đơn giản hóa quy trình ra quyết định.
Cuối cùng, việc áp dụng AI vào lĩnh vực ngân hàng - cũng giống như đối với bất kỳ ngành công nghiệp nào khác - sẽ làm giảm sự cần thiết của yếu tố con người. Tuy nhiên, điều này không phải để nói rằng ngành ngân hàng đang trong tình trạng biến động việc làm mạnh. AI có khả năng cách mạng hóa ngành công nghiệp này theo một hướng khác, bằng cách cải thiện hiệu quả hoạt động trong nhiều mảng có tầm quan trọng thực sự như truy tìm cá nhân rửa tiền hoặc tăng cường trải nghiệm của khách hàng.