Air Mekong - con nợ lớn của ACV đã chính thức bị khai tử khỏi thị trường hàng không |
ACV báo lãi 1.320 tỷ đồng
Kết quả kinh doanh hợp nhất từ 1/4/2017 đến 30/6/2017 của ACV cho biết, doanh thu trong thời gian này đạt mức 2.850 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.632 tỷ đồng. ACV có lợi nhuận sau thuế đạt 1.320 tỷ đồng thuộc về công ty mẹ. Kết quả này có được một phần do ACV không còn bị lỗ tỷ giá bởi đồng Yên Nhật khá ổn định trong khoảng thời gian này.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2017, ACV đạt tổng doanh thu thuần là 6.897 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 2.076 tỷ đồng. Chi phí tài chính chỉ ở mức 15 tỷ đồng.
Năm 2016, ACV đã từng có giai đoạn chịu lỗ do chênh lệch tỷ giá khá lớn. Thậm chí, trong quý II/2016, chi phí tài chính của ACV tăng đột biến lên 1.406 tỷ đồng. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc ACV lỗ là do vay nợ bằng đồng Yên quá lớn.
Tính đến ngày 30/6/2017, tổng tài sản của ACV đạt mức 47.502 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 47.336 tỷ đồng hồi cuối năm 2016. Còn tổng vốn chủ sở hữu hiện tại là hơn 26.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 25.053 tỷ đồng hồi đầu năm.
Tổng nợ phải trả của ACV tính đến thời điểm 30/6/2017 là gần 22.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay của ACV hiện ở mức 14.640 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay vốn ODA dài hạn bằng đồng Yên Nhật. Một số khoản vay lớn của ACV có thể kể đến như: khoản tín dụng cho Dự án Xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất bằng nguồn vốn ODA từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (nay là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA); khoản vay tín dụng cho Dự án Xây dựng nhà ga quốc tế Nội Bài T2 bằng nguồn vốn ODA theo Hiệp định vay vốn giữa Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam…
Năm 2017, ACV đặt kế hoạch tổng hành khách quốc tế đạt 27 triệu lượt, tăng 14% so năm 2016; khách nội địa 64 triệu lượt, tăng 12%. Theo đó, tổng doanh thu mục tiêu là 13.293 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 3.669 tỷ đồng.
Tổng chi phí của ACV trong năm 2017 dự kiến gần 9.625 tỷ đồng chủ yếu là chi phí sửa chữa tài sản. Theo đó, một số dự án tiêu biểu mà ACV sẽ thực hiện trong năm nay với tổng mức đầu tư khoảng hơn 6.000 tỷ đồng.
Air Mekong – “con nợ” lớn của ACV
Trong bảng nợ xấu của ACV có tổng cộng 19 khách nợ với tổng số tiền là 30,2 tỷ đồng, trong đó có 3 hãng hàng không. Trong số này, riêng Air Mekong chiếm 25,9 tỷ đồng phát sinh từ hợp đồng cung cấp dịch vụ cất/hạ cánh, bãi đỗ… Hai hãng hàng không còn lại bao gồm Transaero Airlines (hãng hàng không có trụ sở tại sân bay Domodedovo - Moscow, Nga) nợ 2,65 tỷ đồng và hãng hàng không SW Italia (hãng hàng không chở hàng của Italia) nợ 634 triệu đồng.
Air Mekong - con nợ lớn của ACV - đã chính thức bị khai tử khỏi thị trường hàng không Việt Nam đầu tháng 1/2015 sau gần 2 năm xin tạm ngừng khai thác để tái cơ cấu đội tàu bay. Được mệnh danh là “Sếu đỏ”, khi mới ra mắt vào cuối năm 2010, Air Mekong được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh sự phát triển của hàng không tư nhân trong nước. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm hoạt động, hãng hàng không này đã phải tuyên bố ngừng bay với nguyên nhân chính là do thua lỗ.
Trước Air Mekong, Hãng hàng không tư nhân Indochina Airlines cũng bị Bộ Giao thông vận tải rút giấy phép kinh doanh do không đáp ứng được năng lực bay. Hãng hàng không này đã ngừng hoạt động vào cuối năm 2009 với khoản nợ lên tới 70 tỷ đồng, trong đó có số nợ 30 tỷ đồng tiền nhiên liệu bay của Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec). Trước nguy cơ mất vốn nhà nước, cuối năm 2010, Skypec đã khởi kiện Indochina Airlines ra Tòa án kinh tế Hà Nội. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả tích cực.