Airbnb ủng hộ cơ chế thuế dịch vụ kỹ thuật số của OECD

0:00 / 0:00
0:00
Công ty cung cấp dịch vụ cho thuê nhà ngắn ngày Airbnb Inc ủng hộ cơ chế thuế dịch vụ kỹ thuật số đang được OECD thảo luận nhằm thu hẹp khoảng cách giữa Mỹ và châu Âu.
Biểu tượng của Công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ nhà Airbnb. Ảnh: TTXVN
Biểu tượng của Công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ nhà Airbnb. Ảnh: TTXVN

Công ty cung cấp dịch vụ cho thuê nhà ngắn ngày Airbnb Inc ngày 12/8 cho biết họ ủng hộ xây dựng cơ chế thuế dịch vụ kỹ thuật số đang được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thảo luận nhằm thu hẹp khoảng cách giữa Mỹ và châu Âu.

Các cuộc thảo luận của OECD về việc viết lại bản quy tắc thuế toàn cầu cho phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay có sự tham gia của hơn 100 nước, song cho đến nay các bên vẫn chưa đạt được kết quả nào do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong một tuyên bố thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc đàm phán của OECD, Airbnb cho hay hệ thống cũ gần một thế kỷ mà các nước vẫn đang sử dụng không dành cho nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng tăng hiện nay và nó cần phải được sửa đổi.

Airbnb cho rằng để hệ thống thuế toàn cầu hoạt động hiệu quả, hệ thống này cần phải thực sự mang tính toàn cầu, được áp dụng nhất quán giữa các nước.

EU và Anh coi thuế dịch vụ kỹ thuật số là một công cụ để tăng doanh thu từ các hoạt động kinh doanh của các công ty công nghệ lớn ở nước sở tại, bởi Anh và EU cho rằng các công ty công nghệ thu được lợi nhuận lớn từ thị trường địa phương trong khi chỉ đóng góp hạn chế cho ngân khố công.

Trong khi đó, Mỹ cho rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số do Pháp công bố vào năm 2019 là phân biệt đối xử với các công ty công nghệ Mỹ như Google của Alphabet, Facebook và Apple Inc.

Tuy nhiên, thuế đánh vào các công ty công nghệ của Pháp và thuế trả đũa của Mỹ đều đã bị hoãn lại, mang lại hy vọng có thể tạo ra một bước đột phá trong tiến trình đàm phán của OECD.

Hồi tháng 6/2020, Mỹ thông báo sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán, với lý do các cuộc đàm phán thiếu tiến triển, mặc dù OECD cho biết Washington vẫn quan tâm tới các cuộc đàm phán./.

Tin cùng chuyên mục