Alibaba là công ty giá trị nhất châu Á

Vốn hóa Alibaba tăng 60% năm nay, lên 570 tỷ USD, lần đầu tiên cao nhất châu Á.
Jack Ma và nhân viên Alibaba trong tiệc sinh nhật công ty hồi tháng 9. Ảnh:Reuters
Jack Ma và nhân viên Alibaba trong tiệc sinh nhật công ty hồi tháng 9. Ảnh:Reuters

Cũng như các hãng công nghệ khác trên toàn cầu, các đại gia công nghệ châu Á đã có năm tăng trưởng vượt bậc. Dựa theo giá đóng cửa ngày 20/12, Nikkei cho biết vốn hóa của Alibaba đã lên 570 tỷ USD - lần đầu tiên trở thành công ty giá trị nhất châu Á kể từ khi niêm yết năm 2014. Trên toàn cầu, vốn hóa của Alibaba đứng thứ 7, sau Facebook.

Tốc độ tăng trưởng vốn hóa của hãng là 60%, cao hơn nhiều Amazon và Alphabet - công ty mẹ của Google. "Tăng trưởng thu nhập của Trung Quốc ngày càng lên cao đã đóng góp tích cực cho đà tăng của cổ phiếu Alibaba", Ivan Platonov - nhà phân tích tại hãng tư vấn EqualOcean nhận xét. Ông cũng cho biết không như các công ty sản xuất phần cứng, làm logistics và các lĩnh vực khác, bán lẻ - nguồn doanh thu lớn nhất của Alibaba - không chịu ảnh hưởng nặng từ chiến tranh thương mại gần đây.

"Nhà đầu tư toàn cầu thích chuyện này", ông nói. Trong ngày Alibaba lên sàn Hong Kong hồi tháng 11, nhà đầu tư đã đổ xô mua hơn 11 tỷ USD cổ phiếu hãng này.

Khi rủi ro suy thoái dịu bớt và lãi suất toàn cầu giảm xuống, giới phân tích cho rằng cổ phiếu sẽ thu hút đầu tư trong năm tới. Vốn hóa các đại gia công nghệ châu Á vì thế có thể lên cao hơn.

Tencent Holdings - cái tên dẫn đầu năm ngoái - năm nay rơi xuống vị trí thứ 2, dù vốn hóa tăng 20%. Doanh thu quảng cáo của Tencent đang đi xuống. Họ cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ ByteDance - công ty mẹ TikTok và phải đối mặt với rào cản pháp lý trong mảng game cốt lõi.

Vốn hóa Samsung Electronics tăng 39% năm nay, do nhà đầu tư đặt cược vào khả năng hồi phục của mảng chip nhớ. Hồi tháng 10, hãng chip TSMC (Đài Loan, Trung Quốc) đã nâng dự tính chi tiêu vốn năm 2019 từ 10 tỷ USD lên 15 tỷ USD.

Tính chung trên toàn cầu, các thị trường chứng khoán lớn đều khởi sắc. Chỉ số chính tại thị trường Mỹ, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng từ 20% trở lên. Nhà đầu tư lạc quan trước các tín hiệu sản xuất hồi phục, cải thiện trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc và chính sách nới lỏng tài khóa, tiền tệ của nhiều nước.

"Nhà đầu tư chứng khoán thích tăng trưởng", Chetan Seth - nhà phân tích tại Nomura cho biết, "Vì thế, chỉ cần nhìn thấy một chút phục hồi thôi, chứng khoán sẽ phản ứng ngay".

Giới phân tích tỏ ra lạc quan với các cổ phiếu châu Á năm tới. Ronald Chan - Giám đốc Đầu tư phụ trách châu Á tại Manulife Investment Management dự báo: "Sự kết hợp giữa khả năng USD yếu đi, lãi suất trong khu vực giảm, nền tảng công nghệ cải thiện và tiêu dùng tăng sẽ giúp nhà đầu tư có lợi nhuận cao hơn tại châu Á so với các thị trường phát triển. Định giá các cổ phiếu châu Á vẫn khá hợp lý. Tăng trưởng lợi nhuận sẽ là một trong những yếu tố chủ chốt thúc đẩy các thị trường khu vực này năm tới".

Tin cùng chuyên mục