Ẩn số “người chơi mới” trên thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giữa khó khăn bủa vây, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trong nước đành phải bán dự án hoặc cổ phần hoặc trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hé mở một số thương vụ lớn

Câu chuyện các quỹ đầu tư, doanh nghiệp (DN) nước ngoài mua lại các dự án hoặc bơm tiền mua trái phiếu chuyển đổi tại nhiều DN BĐS lớn của Việt Nam thời gian qua đang dần hé mở. Khi các DN BĐS có dự án tốt rơi vào khó khăn thì cũng là lúc hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) sôi động.

Quý I/2023, Công ty CP Địa ốc No Va (Novaland) đã hoán đổi cho đối tác Dallas Vietnam Gamma Ltd số cổ phần trị giá 1.000 tỷ đồng tại hai công ty thành viên là Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Thành Nhơn và Công ty CP Đầu tư tổng hợp Mũi Né. Giao dịch này đổi lấy việc hủy bỏ số lượng trái phiếu và chứng quyền tương ứng Dallas Vietnam Gamma Ltd đã mua của Novaland từ tháng 2/2022 (4.435 trái phiếu chuyển đổi và 185 trái phiếu kèm chứng quyền).

Mới đây, Công ty CapitaLand Development - nhánh kinh doanh và phát triển BĐS của Tập đoàn CapitaLand (Singapore) cho biết, Công ty đang đàm phán, lựa chọn mua một phần Dự án Ocean Park 3 có diện tích 294 ha gần Hà Nội hoặc một dự án khác ở phía Bắc TP. Hải Phòng, trị giá khoảng 1,5 tỷ USD, tức hơn 36.000 tỷ đồng từ Công ty CP Vinhomes.

Năm 2022, CapitaLand Development đã tiếp nhận và phát triển quỹ đất lên đến 18,9 ha tại thành phố mới Bình Dương từ Công ty Becamex IDC để xây dựng dự án nhà ở quy mô lớn. CapitaLand Development đã chi khoảng 18.330 tỷ đồng, tương đương 1,12 tỷ đô la Singapore để sở hữu dự án này.

Ông Jason Leow, Giám đốc điều hành Công ty CapitaLand Development cho hay, ngoài các dự án nhà ở, CapitaLand đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực hậu cần, trung tâm dữ liệu, khu công nghiệp. Công ty đang làm việc với cơ quan chức năng và đối tác để tìm kiếm cơ hội quy hoạch tổng thể và phát triển đô thị nhằm mở rộng danh mục đầu tư BĐS ở Việt Nam.

Vị thế của một số doanh nghiệp phát triển bất động sản điển hình. Nguồn: batdongsan.com.vn

Vị thế của một số doanh nghiệp phát triển bất động sản điển hình. Nguồn: batdongsan.com.vn

Những mục tiêu trong tầm ngắm

Trong Báo cáo thị trường BĐS quý I/2023, các chuyên gia Batdongsan.com.vn đã chia doanh nghiệp BĐS Việt Nam thành 4 nhóm điển hình, gồm: rủi ro, cân bằng, tiềm lực và người chơi mới (xem Bảng). Riêng nhóm 4 - “người chơi mới” chính là các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là ẩn số trên thị trường BĐS Việt Nam.

Mặc dù bên bán và bên mua đều kín tiếng trong các giao dịch, nhưng các chuyên gia cho rằng, việc bắt tay giữa “nhóm 1” và “nhóm 4” là giải pháp thuận cả đôi đường trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, DN cạn tiền.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, như một quy luật, các DN có rủi ro cao khi áp lực nợ ngắn hạn vượt quá khả năng tài chính thường nằm trong tầm ngắm của những nhóm chuyên thâu tóm trên thị trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để tránh nguy cơ bị thâu tóm, một số doanh nghiệp trong “Nhóm 2” đang tập trung phát triển sản phẩm lõi với hy vọng tạo được dòng tiền, ưu tiên tái cơ cấu các khoản nợ rủi ro lớn trong ngắn hạn. Một số doanh nghiệp trong “Nhóm 3” đang tìm kiếm cơ hội với phân khúc, loại hình mới và thu mua quỹ đất hợp lý, mở rộng đến khu vực địa lý.

Tuy vậy, giới chuyên gia vẫn dự báo, nhà đầu tư ngoại có tiềm lực tài chính tốt, dày dạn kinh nghiệm sẽ không bỏ qua cơ hội mua dự án tốt giá rẻ hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp đang bị định giá thấp tại Việt Nam. Thị trường BĐS cần sớm vượt qua tình trạng bế tắc mới có thể làm nhẹ đi xu thế DN BĐS bị thâu tóm, mua lại từ dòng vốn quốc tế.

Tin cùng chuyên mục