Anh - EU đạt được dự thảo Brexit sau hơn 2 năm

Dự thảo này sẽ phải vượt qua quy trình phê duyệt phức tạp tại nội các, Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu mới có thể chính thức được ký kết...
Thủ tướng Anh Theresa May - Ảnh: Getty Images.
Thủ tướng Anh Theresa May - Ảnh: Getty Images.

Theo thông tin từ văn phòng của Thủ tướng Anh Theresa May ngày 13/11, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý với một dự thảo thỏa thuận Brexit sau hơn 2 năm đàm phán kể từ khi Anh tiến hành trưng cầu dân ý về việc rời khỏi khối này.

Theo CNN, bà May đã triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp để thảo luận về dự thảo này sau nhiều tháng đàm phán rơi vào bế tắc. Người phát ngôn của văn phòng thủ tướng Anh cho biết cuộc họp sẽ diễn ra vào lúc 2h00 chiều ngày 14/11 để "xem xét dự thảo mà nhóm đàm phán đã đạt được tại Brussels (Bỉ) và quyết định các bước tiếp theo". 

Đây là thời khắc quan trọng đối với Thủ tướng Anh - người đang hứng chịu nhiều áp lực trong việc đạt được một thỏa thuận rời khỏi EU. Trước đó, bà bày tỏ kỳ vọng về một dự thảo trong tuần này để có cơ hội đạt được thỏa thuận chính thức trước thời hạn Anh rời khỏi EU vào cuối tháng 3 năm sau. 

Giờ đây, Thủ tướng Anh phải đưa dự thảo này ra trước nội các đang chia rẽ của mình, trong bối cảnh có nhiều tin đồn rằng một số bộ trưởng phản đối thỏa thuận và cân nhắc việc từ chức. Kể cả khi được nội các thông qua, dự thảo trên vẫn phải được xem xét phê duyệt tại Quốc hội Anh. 

Boris Johnson, người đã từ chức Bộ trưởng Ngoại giao hồi đầu năm, từng tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho một thỏa thuận như trên. "Thật vô nghĩa khi rời khỏi EU khi nước Anh cuối cùng lại được quyết định bởi EU", ông nói với Sky News. 

Trong khi đó, các quan chức EU cho biết vẫn còn nhiều chi tiết cần phải thống nhất trong dự thảo. Một nhà ngoại giao nói rằng EU đang trong "trạng thái chờ đợi". "Không thể coi đây là một thỏa thuận cho đến khi nó được Nội các Anh thông qua", vị này cho biết.

Đại diện của các nước thành viên EU cũng sẽ họp mặt tại Brussels vào ngày 14/11, cùng giờ với cuộc họp của Nội các Anh.

Nếu dự thảo vượt qua được Nội các Anh, nó sẽ được đưa trở lại Brussels để các nước thành viên EU thông qua. Sau đó, phần khó khăn nhất của quy trình này dự thảo được đưa lên Quốc hội Anh xem xét. Bước phê quyệt cuối cùng được thực hiện tại Nghị viện châu Âu. Theo các nhà phân tích, với tiến trình thông qua phức tạp như vậy, một "thỏa thuận ly hôn" sẽ khó đạt được trước thời hạn.

Theo một khảo sát của Changing Europe, 42% người Anh tin rằng nước này sẽ rời châu Âu mà không có thỏa thuận nào. Trong khi đó, chỉ 16% chuyên gia hàng đầu về Brexit cho rằng bà Theresa May có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với EU trước thời hạn tháng 12/2020. 

Tin cùng chuyên mục