Áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn, thúc đẩy nhu cầu trong nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - "Nếu đợt dịch này tác động mạnh, Chính phủ có thể xem xét thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn, trong đó có các biện pháp tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng", Ngân hàng Thế giới (WB) nêu nhận định tại Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2021 vừa công bố sáng 17/5/2021.
Hoạt động kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các lĩnh vực như du lịch, vận tải, bán lẻ, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch Covid-19 từ cuối tháng 4. Ảnh: Nhã Chi
Hoạt động kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các lĩnh vực như du lịch, vận tải, bán lẻ, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch Covid-19 từ cuối tháng 4. Ảnh: Nhã Chi

Báo cáo cho biết, trong tháng 4, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, trong khi doanh số bán lẻ phục hồi sau 2 tháng giảm liên tiếp. Xuất khẩu hàng hóa giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao nhờ vào sự phục hồi kinh tế đang diễn ra tại Hoa Kỳ và Trung Quốc. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chậm lại sau hai tháng tăng, tuy nhiên, tính chung 4 tháng, vốn FDI thu hút gần như tương đương cùng kỳ năm 2020. Ngân sách thặng dư trong 4 tháng đầu năm 2021 do thu ngân sách tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giải ngân vốn đầu tư công chậm lại làm giảm tổng chi ngân sách…

WB nhận định, các hoạt động kinh tế trong nước sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các lĩnh vực như du lịch, vận tải, bán lẻ, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch Covid-19 từ cuối tháng 4 và mức độ ứng phó nhanh của Chính phủ.

“Nếu cần duy trì thắt chặt các biện pháp hạn chế mới về y tế và đi lại, Chính phủ có thể xem xét một gói kích thích tài khóa mới, bao gồm một gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, WB khuyến nghị.