Apple bắt đầu bước vào thời kỳ “hậu iPhone”?

Lần đầu tiên kể từ 2012, iPhone đóng góp chưa đầy một nửa tổng doanh thu của Apple...
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Lần đầu tiên kể từ 2012, iPhone đóng góp chưa đầy một nửa tổng doanh thu của Apple - một dấu hiệu cho thấy "táo khuyết" có thể đã bắt đầu bước vào thời kỳ "hậu iPhone".

Theo báo cáo tài chính công bố ngày 30/7, Apple đạt doanh thu kỷ lục 11,5 tỷ USD từ mảng dịch vụ, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ các thiết bị đeo thông minh (wearable) cũng lần đầu tiên vượt ngưỡng 5 tỷ USD.

Trái lại, doanh thu từ iPhone đạt 25,99 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn dự báo của giới phân tích. Với con số này, iPhone chiếm 48% tổng doanh thu của Apple.

Theo hãng tin Bloomberg, mức độ phụ thuộc của Apple vào iPhone vẫn còn rất lớn, vì các sản phẩm khác của hãng bị ràng buộc vào chiếc điện thoại thông minh (smartphone) này.

Tất cả các dịch vụ chính và thiết bị đeo thông minh của Apple, gồm Watch và tai nghe Airpods, đòi hỏi phải có hoặc hoạt động tốt nhất với iPhone. Những dịch vụ như App Store, Apple Pay, Apple News+… đều chủ yếu sử dụng với iPhone.

Trong khi đó, hai dòng sản phẩm độc lập chính của Apple không ràng buộc với iPhone, gồm máy tính cá nhân Mac và máy tính bảng iPad, chỉ đóng góp 20% doanh thu của hãng trong quý 2, dù tỷ trọng này đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái.

Apple hiện đang chế tạo một thiết bị kính thực tế ảo, dự kiến vài năm nữa sẽ ra mắt, và thiết bị này có thể cũng sẽ phụ thuộc vào iPhone.

Để chuẩn bị cho một tương lai "hậu iPhone", Apple có hai lựa chọn, hoặc tiếp tục bán iPhone với doanh số như hiện nay; hoặc phải đưa ra các dịch vụ âm nhạc, thanh toán trực tuyến, video… có thể sử dụng và sử dụng tốt trên thiết bị di động của các hãng đối thủ, để người dùng smartphone của các nhà sản xuất khác có thể dùng dịch vụ Apple.

Trong một cuộc điện đàm với các nhà phân tích, các nhà điều hành Apple đã trấn an về sự suy giảm doanh số của iPhone. Họ nói rằng nỗ lực của công ty trong việc thúc đẩy doanh thu thông qua các chương trình giảm giá, hỗ trợ tài chính, đổi thiết bị… đang phát huy tác dụng.

Giám đốc tài chính (CFO) Luca Maestri cho biết chương trình kích cầu tại các cửa hiệu bán lẻ của Apple đang tăng tốc, giúp tăng gấp 5 lần lượng đổi iPhone cũ lấy máy mới so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giám đốc (CEO) Tim Cook nói công ty nhận thấy sự phản hồi mạnh mẽ của người tiêu dùng với chương trình này.

Tổng doanh thu quý 2 của Apple tăng 1% so với cùng kỳ 2018, đạt 53,8 tỷ USD. Hãng dự báo sẽ đạt doanh thu từ 61-64 tỷ USD trong quý 3 năm nay, vượt kỳ vọng 61 tỷ USD mà các nhà phân tích đưa ra.

Nhờ dự báo khả quan về doanh thu, giá cổ phiếu Apple có lúc tăng 4,3% trong phiên giao dịch ngoài giờ, đưa giá trị vốn hóa thị trường của công ty lên gần ngưỡng 1 nghìn tỷ USD.

Doanh thu của Apple tại Trung Quốc trong quý 2 giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đây đã là một sự cải thiện lớn so với mức giảm hơn 20% trong quý 1.

Theo các nhà phân tích, Apple có lượng người dùng lớn, nhưng hãng chủ yếu hỗ trợ những dịch vụ mới trên điện thoại iPhone được bán trong vòng 3 năm gần nhất. Điều này có nghĩa là Apple cần phải thuyết phục được người dùng mua iPhone mới sau vài năm để họ sử dụng các dịch vụ mới nhất của công ty.

"iPhone tiếp tục là cốt lõi của Apple. Nhưng việc hãng đẩy mạnh mảng dịch vụ và thiết bị đeo thông minh cho thấy hãng có thể sẽ trải qua một cuộc tiến hóa. Phố Wall xem kết quả kinh doanh vừa rồi của hãng là một bước đi tới tương lai đó", nhà phân tích Dan Ives thuộc Wedbush Securities nhận xét.

Tin cùng chuyên mục