ASEAN: Thị trường tài chính bền vững có những bước phát triển bất chấp một năm đầy thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Báo cáo ASEAN Sustainable Finance - State of the Market 2022 công bố mới đây, Climate Bonds Initiative và HSBC cho biết, thị trường nợ xanh, xã hội, bền vững, liên kết bền vững và chuyển đổi (GSS+) trong năm 2022 trên khắp ASEAN chứng kiến sự sụt giảm 32% so với năm trước. Tuy nhiên, mức giảm này được đánh giá là phù hợp với xu hướng chung trên toàn cầu.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Mặc dù vậy, theo Báo cáo, lượng trái phiếu bền vững được phát hành vẫn duy trì ở mức cao, nhiều hơn gấp đôi so với năm 2020. Bên cạnh đó, chính phủ các quốc gia trong khu vực cũng đã đưa ra một loạt sáng kiến phát triển chính sách và thị trường, qua đó củng cố thêm khung pháp lý và chuyên môn.

Báo cáo cho biết, năm 2022 là một năm năng động của khu vực xét về các sáng kiến phát triển chính sách và thị trường với sự ra mắt của hệ thống Tiêu chuẩn Trái phiếu Liên kết Bền vững ASEAN. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng đã tham vấn ý kiến nhiều bên về phiên bản đầu tiên của Hệ thống phân loại ASEAN (ASEAN Taxonomy).

"Thị trường tài chính bền vững ASEAN đang ở thời điểm thay đổi quan trọng. Các đợt phát hành trái phiếu chính phủ đã trở nên quen thuộc ở ASEAN. Điều này cho thấy sự quan tâm cao của các quốc gia trong khu vực trong việc phát triển thị trường”, ông Kelvin Tan - Giám đốc Đầu tư và Tài chính bền vững khu vực ASEAN tại HSBC, nhận định.

Ông Kelvin Tan cho biết thêm, với mức độ nhận thức gia tăng và tác động đối với hoạt động doanh nghiệp dần thay đổi, sự quan tâm của các chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tương lai mảng tài chính bền vững trong khu vực.

Theo ông Kelvin Tan, các nước ASEAN cần giữ vững đà phát triển này và tiếp tục tận dụng mối quan hệ hợp tác công tư bền chặt trong khu vực, ví dụ như Thỏa thuận Hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) ở Indonesia và Việt Nam. Những sự hợp tác này sẽ cung cấp thêm nguồn tài chính cho các quốc gia trong quá trình cân bằng phát thải.

Báo cáo của Climate Bonds Initiative và HSBC cho biết, thị trường tài chính xanh của Việt Nam đã ghi nhận những dấu mốc tích cực. Theo đó, năm 2022 ghi nhận 5 khoản vay xanh và liên kết bền vững đến từ các nhà phát hành khác nhau.

Các chuyên gia tại Climate Bonds Initiative và HSBC nhận định, những điểm sáng này đến từ sự ủng hộ của Nhà nước trong các nỗ lực và chính sách hỗ trợ liên quan đến tài chính bền vững. Việt Nam đã công bố chương trình quốc gia hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân phát triển kinh doanh bền vững tới năm 2025. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.

Ngoài ra, Việt Nam đã công bố tham gia Thỏa thuận JETP với nguồn vốn ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD. Trên nền tảng đó, Chính phủ cam kết cải thiện khung pháp lý tài chính xanh nhằm thúc đẩy sự quan tâm trong lĩnh vực này.

"Cùng với những nỗ lực và chính sách về tài chính bền vững được chính phủ các nước ASEAN ủng hộ, chúng tôi lạc quan rằng thị trường tài chính bền vững của ASEAN và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới", ông Tim Evans - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ.