Ba vấn đề lớn có thể đe dọa sự ổn định tài chính ở châu Âu

Tuần lễ Tài chính Euro (Euro Finance Week) lần thứ 21 diễn ra từ ngày 12 đến ngày 16/11 tại thành phố Frankfurt (Đức) là sự kiện lớn nhất của ngành tài chính-ngân hàng ở châu Âu trong năm nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: FAZ)
Ảnh minh họa. (Nguồn: FAZ)

Với khoảng 300 diễn giả, 25 hội nghị chuyên đề cùng các sự kiện kết nối, thu hút khoảng 4.000 chuyên gia và nhà quản lý hàng đầu trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, tuần lễ Tài chính Euro 2018 đã làm nổi bật những thách thức nghiêm trọng nhất mà ngành này đang phải đối mặt, ở từng quốc gia cũng như trên bình diện châu Âu.

Mặc dù kinh tế khu vực châu Âu tăng trưởng tốt trong những năm qua, song những rủi ro xuất phát từ chu kỳ tài chính vĩ mô của Mỹ, tình trạng căng thẳng gia tăng tại các thị trường đang nổi liên quan tới đồng USD mạnh hơn và tranh chấp thương mại leo thang, cùng mối lo về khả năng xử lý nợ của các nền kinh tế được xem là 3 vấn đề lớn có thể đe dọa sự ổn định tài chính ở châu Âu. Bên cạnh đó, nhiều nguy cơ đang kìm hãm hoạt động của các ngân hàng và công ty bảo hiểm châu Âu. 

Một trong những thách thức được đề cập nhiều tại Tuần lễ Tài chính Euro 2018 là vấn đề tấn công mạng.

Trong vài năm gần đây, các cuộc tấn công mạng không ngừng gia tăng, và một phần rất đáng kể nhắm vào hệ thống tài chính-ngân hàng, vốn là lĩnh vực hết sức nhạy cảm, ảnh hưởng nhanh chóng đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế trên quy mô lớn. Hơn một nửa số ngân hàng hàng đầu ở Đức nhận ra rằng họ đang phải đối mặt với những "nguy hiểm đến từ thế giới mạng."

Theo dòng chảy phát triển, "chuyến tàu" số hóa đang là xu thế thời đại mà không một nước châu Âu nào muốn mình bị "bỏ lại trên sân ga."

Trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, những thay đổi đã diễn ra mạnh mẽ trong nhiều năm qua, và tiếp tục được thúc đẩy ở nhiều lĩnh vực mới, ví dụ như đồng tiền kỹ thuật số. Các đồng tiền ảo dạng như Bitcoin, Ethereum hay Litecoin... đang làm đảo lộn và trở thành đối thủ cạnh tranh với hoạt động tài chính-ngân hàng truyền thống.

Điều này buộc các nhà hoạch định chính sách phải có những bước đi cần thiết để thích nghi với nền kinh tế kỹ thuật số mới. Việc tối ưu hóa cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng được các chuyên gia cho rằng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu phân tích và quản trị trong tình hình mới.

Đối với ngành tài chính-ngân hàng, lãi suất là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng và nhạy cảm. Hiện Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn áp dụng chính sách lãi suất bằng 0, song tăng lãi suất là xu hướng tất yếu, và giới chuyên gia đều nhận định rằng điều đó sẽ sớm xảy ra trong thời gian tới.

Việc tăng lãi suất luôn có tính hai mặt, và điều này dự báo sẽ khiến thị trường tài chính - ngân hàng ở châu Âu biến động, ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế khác.

Chính sách lãi suất tiền gửi âm như hiện nay, với rất nhiều quy định nghiêm ngặt, sẽ kết thúc, mang lại niềm vui cho các ngân hàng thương mại. Khi chính sách được nới lỏng, các ngân hàng có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn từ tiền gửi của khách hàng.

Ở chiều ngược lại, những người đi vay tiền sẽ đối mặt với lãi suất cao hơn. Trên bình diện toàn cầu, các thị trường mới nổi sẽ phải chịu sức ép lớn hơn từ lãi suất cao của đồng euro cũng như đồng USD. Vốn từ đồng euro vì thế sẽ đắt hơn so với hiện tại.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chính sách bảo hộ gia tăng, điều này sẽ gây áp lực lớn lên các nền kinh tế châu Âu.

Tỷ giá hối đoái của đồng euro đối với các đồng nội tệ khác cũng sẽ cao hơn, ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu của các quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đặc biệt là Đức. Trong trường hợp này, các ngân hàng cũng lâm vào tình thế khó xử, khi phải vừa đạt được mục tiêu lợi nhuận, song vẫn phải làm sao không gây ra quá nhiều gánh nặng cho các khách hàng.

Nội bộ Liên minh châu Âu (EU) cũng tồn tại những bất đồng liên quan vấn đề tài chính, ví dụ như kế hoạch ngân sách của Italy. Chính phủ của Thủ tướng Giuseppe Conte cương quyết bảo vệ kế hoạch ngân sách 2019 với chương trình chi tiêu khổng lồ dẫn đến mức thâm hụt Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể tăng lên 2,4%, cao gấp 3 lần so với mức 0,8% như chính quyền tiền nhiệm từng cam kết, bất chấp những cảnh báo từ EU về nguyên tắc các quốc gia thành viên có trách nhiệm phải tuân thủ các quy định chung về tài chính.

Cũng ở Frankfurt, khi các thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng của kinh tế Đức đã chậm lại trong quý III/2018, giảm 0,2% - lần đầu tiên giảm kể từ năm 2015, các chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng bắt đầu cảm thấy lo ngại. Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, và việc kinh tế Đức "giảm tốc" sẽ ảnh hưởng đến cả khu vực.

Trong dự báo mới nhất, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng xu thế thương mại toàn cầu không rõ ràng cùng với những căng thẳng thương mại gia tăng sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm 2019 và những năm sau đó.

Trong khi đang phải cùng lúc đối mặt với quá nhiều thách thức từ cả truyền thống lẫn phi truyền thống, cả xuất phát từ bên trong và từ ngoài vào, thì bản thân các quốc gia thành viên EU lại rất khó khăn trong việc tìm được một tiếng nói chung trong vấn đề tài chính-ngân hàng.

Điều đó dự báo sẽ tác động tiêu cực tới sự ổn định tài chính và hoạt động của hệ thống ngân hàng châu Âu trong thời gian tới, khi "bóng ma" khủng hoảng tài chính theo chu kỳ 10 năm đang có dấu hiệu quay trở lại./.

Tin cùng chuyên mục