Bắc Vân Phong có lợi thế so sánh về điều kiện phát triển cảng biển quốc tế. Ảnh: Nhã Chi |
Khi trở thành “đặc khu”, Bắc Vân Phong không chỉ thay da đổi thịt, mà sẽ trở thành mũi nhọn tăng trưởng, có tác động lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực miền Trung. Đó là niềm tin mà chúng tôi cảm nhận được trong cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh.
Bắc Vân Phong đã được Khánh Hòa lựa chọn để xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt xuất phát từ những lợi thế so sánh đặc biệt của vùng đất này. Ông kỳ vọng gì từ sự lựa chọn này, nói cách khác là kỳ vọng gì vào “đặc khu” Bắc Vân Phong?
Khánh Hòa đã lựa chọn Bắc Vân Phong để đề xuất xây dựng thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và đã được Bộ Chính trị đồng ý cho thành lập. Sự lựa chọn của chúng tôi xuất phát từ những lợi thế so sánh đặc biệt của khu vực Bắc Vân Phong, về hạ tầng kết nối khu vực với cả nước và quốc tế, về điều kiện phát triển cảng biển quốc tế, điều kiện tự nhiên và sự quan tâm, đánh giá cao của nhiều nhà đầu tư quốc tế…
Từ những lợi thế này, tỉnh Khánh Hòa xác định mục tiêu xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong thành một “đặc khu” hành chính - kinh tế hiện đại, mang tầm đẳng cấp quốc tế, đáp ứng các chuẩn mực của một đô thị quốc tế với cơ chế, chính sách vượt trội nhằm khai thác tốt nhất lợi thế về vị trí địa kinh tế, địa chiến lược tại khu vực Bắc Vân Phong. Việc xây dựng thành công đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong sẽ tạo động lực và sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên nói chung.
Đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong được thành lập sẽ giúp tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn trên thế giới; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; tạo ra nhiều việc làm cho xã hội; phát triển thương mại, xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tăng cao; tạo điều kiện phát triển một số lĩnh vực kinh tế hiện đại; tạo tác động lan tỏa cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng xung quanh trong lãnh thổ Việt Nam và cả khu vực.
Ngoài các cơ chế, chính sách chung được xác định theo Đề án của Chính phủ, một số cơ chế, chính sách đặc thù của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong dự kiến sẽ được Tỉnh đề xuất ban hành để phát huy thế mạnh của 4 nhóm ngành, nghề chính định hướng phát triển cho “đặc khu”.
Đối với nhóm ngành, nghề về cảng biển và logistics, Tỉnh đề xuất cơ chế đặc thù về mô hình Quản lý cảng với nguyên tắc 1 đầu mối điều phối toàn bộ hoạt động của cảng theo thông lệ quốc tế, đảm bảo cạnh tranh với các cảng biển khác trong khu vực và trên thế giới.
Đối với nhóm ngành, nghề về dịch vụ tài chính quốc tế, đề xuất có cơ chế tài chính riêng cho “đặc khu”, thành lập trung tâm tài chính quốc tế, dỡ bỏ tối đa các hạn chế về tỷ lệ sở hữu vốn trong các tổ chức kinh tế, tài chính và một số chính sách khác để phát triển nhóm ngành nghề này.
Đối với nhóm ngành về du lịch, dịch vụ, đề xuất phát triển dịch vụ du lịch cao cấp, các ngành công nghiệp giải trí hiện đại và các dịch vụ liên quan bao gồm các resort nghỉ dưỡng cao cấp có casino cùng các khu vui chơi và thể thao quy mô lớn, hiện đại; bến du thuyền quốc tế; các dịch vụ bất động sản cho người nước ngoài và Việt Nam sinh sống và làm việc trong “đặc khu”.
Với nhóm ngành phát triển công nghệ cao, thân thiện môi trường, y tế, giáo dục chất lượng cao, Tỉnh đề xuất có những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước,... để thu hút nhân tài, lao động chất lượng cao vào làm việc trong “đặc khu”.
Bắc Vân Phong sẽ phát triển dịch vụ du lịch cao cấp, các ngành công nghiệp giải trí hiện đại. Ảnh: Lê Tiên
Ông nhận định thế nào về tính cấp thiết của việc sớm ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong thời điểm hiện nay?
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được quy định tại Hiến pháp 2013, tuy nhiên vẫn chưa có Luật quy định cụ thể để thực hiện. Vì vậy, cần xây dựng Luật để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, đồng thời bổ sung một số quy định mới để có thể áp dụng để triển khai xây dựng và phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là hết sức cấp thiết.
Nghị quyết 05-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị số 21-TB/TW đã có chủ trương cho phép thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Vì vậy, việc xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đã được Đảng và Quốc hội thông qua.
Ngoài ra, việc thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là cơ hội rất tốt để thử nghiệm các cơ chế chính sách về hành chính, kinh tế có tính đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, từ đó có thể áp dụng nhân rộng ra cho cả nước. Do vậy, để các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) sớm có thể áp dụng các cơ chế, chính sách mới thì việc xây dựng và thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là hết sức cấp thiết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Khánh Hòa về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tháng 2/2017
Việc phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ cần nguồn lực đầu tư rất lớn, vừa để tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, vừa để đầu tư kết cấu hạ tầng. Trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước đang rất khó khăn, Tỉnh có giải pháp gì để thu hút nguồn lực đầu tư?
Trong bối cảnh nguồn lực của Tỉnh nói riêng và cả nước nói chung còn khó khăn thì việc kêu gọi, huy động nguồn lực từ phía các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài để cùng với Tỉnh tham gia xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là hết sức cần thiết. Nhà đầu tư sẽ cùng đóng góp nguồn lực để quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đồng thời tham gia đầu tư các dự án quan trọng, động lực tại Bắc Vân Phong hoặc kêu gọi các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư vào khu vực này.
Để có thể thu hút các nhà đầu tư, UBND Tỉnh đã hoàn thiện các đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong trình lên Chính phủ, trong đó có đề xuất các cơ chế đối với nhà đầu tư chiến lược của Bắc Vân Phong. Nhà đầu tư chiến lược sẽ tham gia thực hiện quy hoạch, xây dựng khung chính sách, thể chế, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư vào “đặc khu”; được tham gia quản lý, khai thác, vận hành các hoạt động trong “đặc khu” phù hợp với quy định, được ưu tiên thực hiện các dự án có quy mô lớn, lựa chọn đối tác để hợp tác đầu tư phát triển các dự án và một số ưu đãi khác. Các cơ chế, chính sách đặc thù này sẽ là cơ sở pháp lý rất quan trọng để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển Bắc Vân Phong ngay từ giai đoạn ban đầu xây dựng.
Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách sẽ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng cho khu hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, có cơ chế để lại nguồn thu trên địa bàn Khu kinh tế Vân Phong cho Tỉnh để ưu tiên đầu tư cho khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Đồng thời, Tỉnh cũng sẽ huy động mạnh mẽ các nguồn lực tư nhân xây dựng kết cấu hạ tầng theo hình thức đầu tư PPP.
Trân trọng cảm ơn ông!