Tăng tốc bảo đảm điện cho tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2025 được coi là năm “tăng tốc và bứt phá” để đạt mục tiêu tăng trưởng cả giai đoạn 2020 - 2025, chuẩn bị cho giai đoạn 2026 - 2030. Để đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm nay và tạo đà tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới, hàng loạt giải pháp bảo đảm điện cho nền kinh tế đang được tăng tốc triển khai.
Nhu cầu điện dự báo sẽ tăng trưởng trên 12% để bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8%. Ảnh: Nhã Chi
Nhu cầu điện dự báo sẽ tăng trưởng trên 12% để bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8%. Ảnh: Nhã Chi

Nỗ lực bảo đảm điện cho tăng trưởng

Thông tin tại Tọa đàm Đảm bảo điện cho tăng trưởng với chủ đề: “Yêu cầu và giải pháp” vừa diễn ra tại Hà Nội, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, đáp ứng đủ nhu cầu về điện năng trong mọi tình huống là mệnh lệnh được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh thời gian qua.

Tuy nhiên, ông Hiếu lưu ý, yêu cầu thời gian tới không chỉ đơn giản là tăng về sản lượng, mức tiêu thụ mà còn nâng cao về chất lượng của nguồn năng lượng, nhất là trong bối cảnh sản xuất xanh, sạch, bền vững đang bao trùm. Ví dụ, sản xuất bán dẫn yêu cầu nguồn năng lượng rất sạch và tính ổn định của nguồn điện.

Ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục Điện lực thuộc Bộ Công Thương cho biết, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8%, nhu cầu điện dự báo sẽ tăng trưởng trên 12%. Chuẩn bị cho kịch bản này, ngay từ đầu năm, Bộ chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành điện thực hiện các nhóm giải pháp như: bảo đảm kế hoạch liên quan đến duy tu, bảo dưỡng để các tổ máy phát điện, thiết bị điện trong hệ thống sẵn sàng cao nhất; thúc đẩy và đôn đốc hoàn thành tiến độ một số công trình điện quan trọng theo kế hoạch sẽ vận hành trong năm nay; đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải…

Đại diện Cục Điện lực cho biết, việc cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân trong 4 tháng đầu năm 2025 cơ bản được bảo đảm. Đồng thời, Bộ đã và đang xây dựng những kế hoạch ứng phó để có thể xử lý, giải quyết nhanh, bảo đảm an ninh, an toàn cung ứng điện.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên cho biết sẽ đồng hành với ngành điện bằng cách đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Hiến kế thúc đẩy đầu tư ngành điện

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính nhìn nhận, giá điện hiện nay có 3 bất cập. Thứ nhất, chưa thực hiện theo cơ chế giá thị trường, trong nhiều năm qua không được tính đúng, tính đủ các chi phí đầu vào. Thứ hai, giá điện phải gánh quá nhiều mục tiêu. Thứ ba, cơ chế bù chéo trong giá điện đã kéo dài quá lâu. Ông Thỏa cho rằng, những bất cập này dẫn đến khó khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Đồng thời, không tạo áp lực mạnh để thực hiện chiến lược sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt trong sản xuất kinh doanh.

Về vấn đề giá điện, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cảnh báo, việc duy trì giá điện thấp hơn chi phí thực tế trong thời gian dài có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh tạm thời cho sản xuất hoặc an sinh xã hội, tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng trong đầu tư hạ tầng, không bảo đảm cung ứng điện ổn định, bền vững về lâu dài.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp căn cơ, dài hạn để thu hút đầu tư vào ngành điện. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, phải chuyển điều hành giá điện sang thực hiện theo cơ chế giá thị trường thông qua việc tính đúng, tính đủ giá điện và sửa biểu giá điện hiện hành; bỏ bù chéo với giá điện và xử lý bằng chính sách khác về giá điện giữa các vùng miền cho phù hợp; tách bạch chính sách xã hội ra khỏi giá điện.

Đồng quan điểm, ông Sơn nhấn mạnh, cần có lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch, phản ánh đúng chi phí, đồng thời có chính sách giảm thiểu tác động xã hội khi điều chỉnh, bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu an sinh và cơ chế thị trường. Cần hướng tới một thị trường điện minh bạch, công bằng, ổn định, để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước gắn bó dài hạn với ngành năng lượng Việt Nam.

Cũng tại Tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, rào cản lớn đối với phát triển ngành điện là môi trường pháp lý và chính sách chưa thật sự nhất quán. Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân với nhiều giải pháp mạnh mẽ tạo môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân. “Nếu thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 68, tôi tin rằng các vướng mắc lớn trong ngành điện sẽ được tháo gỡ một cách căn cơ và bền vững”, ông Sơn nói.

Ông Phan Đức Hiếu cũng nhìn nhận, Luật Điện lực (sửa đổi) mở ra cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia phát triển hạ tầng điện và Nghị quyết số 68-NQ/TW tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tư nhân trong tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn, nhân lực, từ đó tận dụng tốt hơn những cơ hội đầu tư trong lĩnh vực điện lực, góp sức cho tăng trưởng kinh tế.

Tin cùng chuyên mục