Bãi bỏ thủ tục kiểm định formaldehyt đối với hàng dệt may là một điển hình tốt

(BĐT) - Đó là đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Phát triển công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Thường niên 2016 (VBF) với chủ đề “Nâng cao vai trò Khu vực Kinh tế tư nhân” đang diễn ra tại Hà Nội.
Ông Lộc dẫn chứng, những thủ tục như kiểm định formaldehyt đối với hàng dệt may trước đây... đang tạo ra những chi phí khủng khiếp cho DN. Ảnh: Tường Lâm
Ông Lộc dẫn chứng, những thủ tục như kiểm định formaldehyt đối với hàng dệt may trước đây... đang tạo ra những chi phí khủng khiếp cho DN. Ảnh: Tường Lâm

Theo ông Lộc, năm 2016 là năm minh chứng rõ nhất thể hiện những kết quả ban đầu của quá trình tăng trưởng kinh tế và phát triển DN.

Điểm tích cực nhất có thể thấy là ít có thời điểm nào, Chính phủ và các bộ ngành lại dành nhiều thời gian, ưu tiên cho công tác xây dựng thể chế, sửa đổi, ban hành pháp luật như thời gian vừa rồi. Và cũng ít có thời điểm nào Chính phủ lại dành rất nhiều thời gian lắng nghe và đối thoại với DN như những tháng qua.

Tuy nhiên, nếu thẳng thắn nhìn nhận, ông Lộc cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam mặc dù có những thay đổi khá tốt nhưng so với các quốc gia trong khu vực ASEAN thì vẫn còn những khoáng cách khá lớn; so với mong muốn của DN thì lại càng xa.

Chủ tịch VCCI cho rằng, các DN vẫn đang gặp phải hàng loạt khó khăn trong hoạt động từ vay vốn khó khăn và lãi suất cao so với các nước, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ phù hợp, chất lượng hạ tầng kém; những khó khăn, vứng mắc về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan hay xuất nhập khẩu…

“Khác với nhiều nước, các DN Việt Nam vẫn phải chịu gánh nặng các khoản chi trả không chính thức, gặp phải tình trạng nhũng nhiều cho nên luôn phải tìm cách đối phó với những rủi ro có thể xảy ra từ thay đổi chính sách hay sự áp dụng và thực hiện không nhất quán, không dự đoán được của cơ quan nhà nước các cấp” – ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

Thông điệp đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ, ông Lộc cho rằng giải pháp quan trọng là phải hành động để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xóa bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy những rà soát độc lập và những ý kiến phản biện đối với các quy định đang cản trở, gây phiền hà cho DN, trước hết là điều kiện cấp phép, quy định thủ tục hành chính để kiến nghị Chính phủ thay đổi.

Qua rà soát một cách độc lập các điều kiện kinh doanh quy định tại cấp thông tư chuyển đổi lên nghị định theo yêu cầu của Chính phủ đã phát hiện hàng trăm các vấn đề bất cập, có thể bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa… cho thấy hoàn toàn có thể phát hiện thêm rất nhiều những vấn đề tương tự đang tồn tại. “Dư địa cải cách đang còn rất lớn”.

Ông Lộc dẫn chứng, những thủ tục như kiểm định formaldehyt đối với hàng dệt may trước đây, thủ tục dán nhãn năng lượng hay rất nhiều thủ tục chuyên ngành khác trong xuất nhập khẩu đang tạo ra những chi phí khủng khiếp cho DN trong khi mục tiêu quản lý đạt được là không rõ hoặc không đáng kể. Việc Bộ Công thương đã quyết định bãi bỏ thông tư 37 về formaldehyt là một điển hình tốt cần phái tiếp tục nhân rộng. 

Tin cùng chuyên mục