Bài toán khó với các nền kinh tế hàng đầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các nền kinh tế lớn trên thế giới đang chứng tỏ sức chống chịu tốt hơn dự báo trong môi trường lãi suất cao khi công bố số liệu tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, mục tiêu lạm phát chưa đạt được, trong khi câu hỏi về thời điểm hạ lãi suất vẫn chưa có lời đáp.
Trung Quốc gia tăng xuất khẩu hàng hóa với giá rẻ
Trung Quốc gia tăng xuất khẩu hàng hóa với giá rẻ

Chưa rõ xu hướng

Nửa năm vừa qua là quãng thời gian lạ thường. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đều ghi nhận tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong lịch sử, nhưng vẫn tích cực hơn các dự báo được đưa ra.

Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, thị trường lao động duy trì trạng thái tích cực và hoạt động sản xuất phục hồi. Trong khi đó, khu vực kinh tế chung châu Âu thoát khỏi mối nguy khủng hoảng kinh tế bằng cách tăng trưởng “cầm chừng” trong quý IV/2023 và quý I/2024.

Ngày 16/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) tháng 4, trong đó nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ lên 2,7% trong năm nay - cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với dự đoán vào tháng 1. Động thái này nêu bật việc Mỹ đang vượt trội so với các nền kinh tế tiên tiến khác, đặc biệt là châu Âu vốn đang phải vật lộn để lấy lại động lực sau đại dịch, với lãi suất cao và tác động kéo dài của việc chi phí năng lượng tăng trước đó.

IMF dự đoán 20 quốc gia khu vực đồng euro chỉ tăng trưởng 0,8% trong năm nay, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng 3,2% (cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự đoán vào tháng 1).

Kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái kỹ thuật trong nửa cuối năm ngoái, nhưng Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, nền kinh tế nước này đã thoát khỏi suy thoái nhờ GDP sau điều chỉnh theo lạm phát trong quý IV/2023 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2022. Chính phủ Nhật Bản đánh giá nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ vừa phải. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước chưa đủ mạnh do giá hàng hóa ngày càng tăng cao gây sức ép lên các hộ gia đình.

Trong báo cáo công bố vào ngày 22/3, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục nhấn mạnh cần chấm dứt giảm phát và cam kết hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) để đảm bảo “quản lý chính sách linh hoạt”. Báo cáo tháng 3 là báo cáo đầu tiên kể từ khi BoJ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào ngày 19/3. Chính sách này đã được duy trì trong thập kỷ qua nhằm giải quyết tình trạng giảm phát nhiều năm tại quốc gia này.

Theo nghiên cứu của Triodos Investment Management, nhiều số liệu về kinh tế toàn cầu đang phát các tín hiệu hỗn loạn, khó có thể đưa ra dự báo về việc nền kinh tế sẽ vận hành theo hướng nào. Trong quý I/2024, thị trường lao động ấm trở lại khi hoạt động sản xuất mở rộng, nhưng lạm phát vẫn “cứng đầu” và giảm chậm so với mục tiêu mà các nhà quản lý đặt ra.

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc qua các năm. Nguồn: Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc qua các năm. Nguồn: Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc

2 vấn đề lớn với nền kinh tế Trung Quốc

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 16/4 cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chứng kiến GDP tăng trưởng 5,3% trong quý I/2024, cao hơn mức tăng 5,2% của quý trước đó và vượt xa mức dự báo 4,6% được các chuyên gia kinh tế đưa ra.

Tuy nhiên, động lực cho tăng trưởng xuất phát từ “chiến thuật” cơ bản: đầu tư mạnh cho lĩnh vực sản xuất, bao gồm nhiều nhà máy mới, giảm giá hàng hóa nhằm thúc đẩy bán hàng ra thị trường toàn cầu, tập trung vào một số lĩnh vực mới như tấm pin mặt trời, xe điện...

Diễn biến này khiến một số chuyên gia lo ngại dòng chảy hàng hóa Trung Quốc ồ ạt tràn tới đe dọa đời sống doanh nghiệp và việc làm tại các quốc gia khác. Trong cuộc gặp gỡ với giới chức đứng đầu Trung Quốc đầu tháng 4/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet L. Yellen đã cảnh báo về tình trạng hàng hóa xuất khẩu giá rẻ có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng và đe dọa các ngành công nghiệp. Tương tự, trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ lo ngại và cảnh báo về các lệnh bảo hộ thương mại sẽ được châu Âu áp dụng với hàng hóa Trung Quốc.

Chính giới chức Trung Quốc cũng tỏ ra thận trọng trước diễn biến tăng trưởng của nền kinh tế. Ông Sheng Laiyun, Giám đốc Cơ quan Thống kê Trung Quốc cho biết: “Nền kinh tế đã có khởi đầu tốt năm 2024. Tuy nhiên, nền tảng cho tăng trưởng kinh tế vẫn chưa ổn định".

2 vấn đề lớn với nền kinh tế Trung Quốc hiện tại là tăng trưởng tiêu dùng nội địa và doanh nghiệp đối diện với nợ vay lớn.

Trong quý I/2024, doanh số bán hàng chỉ tăng 4,7% - mức khiêm tốn so với cùng kỳ năm trước và đặc biệt yếu trong tháng 3. Với việc tổ chức các lễ hội và nhiều hoạt động văn hóa, Chính phủ Trung Quốc cổ vũ các gia đình chi tiêu nhiều hơn trong bối cảnh người dân gia tăng tiết kiệm, nhất là khi không ít người đối diện khoản nợ lớn vì thị trường bất động sản khủng hoảng, thanh khoản thấp.

Trong khi đó, thị trường bất động sản và giá nhà vẫn đang trong giai đoạn dò đáy, kéo theo nhiều hệ lụy. Doanh số bán nhà mới giảm liên tục kể từ đầu năm 2022 tới nay. Hoạt động đầu tư bất động sản giảm 9,5% trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước. Chỉ một số ít dự án khởi động lại, trong khi nhiều nhà phát triển bất động sản đối diện tình trạng khó khăn và không thể hoàn thành nghĩa vụ với người mua.

Trong quý I, “gã khổng lồ” địa ốc Evergrande nhận được lệnh thanh lý tài sản từ tòa án, trong khi các doanh nghiệp bất động sản lớn khác như Country Garden đối mặt khả năng phải thanh lý tài sản, China Vanke đứng trước khó khăn hoạt động và áp lực thanh khoản ngắn hạn.

Những vấn đề nêu trên khiến động lực tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc càng phụ thuộc nhiều hơn vào việc xuất khẩu hàng hóa với giá rẻ. Giá cả hàng hoá suy giảm trên diện rộng là biểu hiện cho thấy nền kinh tế có thể bước vào giai đoạn giảm phát - vấn đề đau đầu đối với chính quyền mọi quốc gia. Chưa kể, nhiều công ty xuất khẩu và bán buôn đang cố hạ giá sản phẩm nhằm giành thị phần, ngay cả khi điều này dẫn tới thua lỗ.

Một số chuyên gia nhận định, đến cuối thập kỷ này, nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ rơi vào tình trạng trì trệ kiểu Nhật Bản, trừ khi Bắc Kinh thực hiện các bước điều chỉnh lại nền kinh tế theo hướng tăng cường vai trò của tiêu dùng và phân bổ nguồn lực theo thị trường.

Cùng với đó, tình trạng nợ nần của doanh nghiệp và chính quyền các địa phương cũng là vấn đề đáng quan ngại. Theo ước tính của Bloomberg, tới cuối năm 2023, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc ôm khối nợ khoảng 2,5 nghìn tỷ USD, trong khi chính quyền các địa phương ngập trong nợ xuất phát từ việc phát hành các công cụ tài chính với quy mô 13,2 nghìn tỷ USD (số liệu của Goldman Sachs).

Một trong những câu hỏi lớn nhất đặt ra với Trung Quốc lúc này là liệu việc mở rộng sản xuất, nhất là tại các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, xe điện có đủ sức trở thành trụ cột của nền kinh tế sau khủng hoảng mà thị trường bất động sản và xây dựng tạo ra.

Mới đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố kế hoạch thiết lập thị trường tài chính mới với mục tiêu bơm trực tiếp 450 nghìn tỷ nhân dân tệ cho các khu vực ưu tiên như đầu tư xanh, đầu tư công nghệ và hoạt động sản xuất có hàm lượng công nghệ cao. “Bộ ba” mới của nền kinh tế Trung Quốc là xe điện, pin lithium-ion và các tấm pin năng lượng mặt trời với giá trị xuất khẩu tăng 30% lên mức 147 tỷ USD năm 2023. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc hiện có tăng trưởng phụ thuộc lớn vào hoạt động đầu tư so với các nền kinh tế khác trên thế giới. Điều này đặt ra lo ngại về việc Trung Quốc lặp lại chiến lược tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, điều đã từng diễn ra với thị trường bất động sản.

Tin cùng chuyên mục