Bản tin thời sự 18/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tỷ lệ tán thành là 92,75%.

1. Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)

Chiều ngày 18/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tỷ lệ tán thành là 92,75% (448/456 đại biểu tham gia biểu quyết).

Như vậy, Việt Nam đã có Luật chung, tạo hành lang pháp lý cao nhất để thu hút đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng thiết yếu theo phương thức PPP.

Luật PPP có nhiều nội dung mới. Có thể nêu lên 10 điểm quan trọng như sau: Lĩnh vực đầu tư; Quy mô đầu tư; Phân loại dự án PPP; Hội đồng thẩm định dự án PPP; Vốn nhà nước trong dự án PPP; Lựa chọn nhà đầu tư; Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; Huy động vốn của doanh nghiệp dự án; Kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP; Dự án BT. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

2. Đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định Dự án Nghị định giảm lệ phí trước bạ ô tô nội địa 50%

Bộ Tài chính vừa có Công văn số 7164/BTC-CST kèm hồ sơ dự án Nghị định gửi Bộ Tư pháp để xin ý kiến thẩm định về Dự án Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trước khi trình Chính phủ.

Bản tin thời sự 18/6 ảnh 2

Sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Nguồn: Bộ Tài chính.

Theo đó, ngày 29/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong đó có nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ là giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.

Ngày 5/6, Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo Nghị định và có công văn số 6797/BTC-CST gửi lấy ý kiến các cơ quan ban ngành. Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định và đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định. Được biết, ngày 17/6/2020, Bộ Tư pháp sẽ họp hội đồng thẩm định Dự án Nghị định.

Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu (không giảm mức thu lệ phí trước bạ từ lần thứ 2 trở đi) đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với các loại xe này quy định tại Nghị định số 20/2019 ngày 21/02/2019 của Chính phủ. Mức lệ phí trước bạ mới áp dụng từ ngày Nghị định có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020. Từ ngày 01/01/2021, sẽ áp dụng trở lại mức thu lệ phí trước bạ cũ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước.    

3. Ngày 17/6, Quốc hội biểu quyết thông qua 4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, ngày 17/6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Bản tin thời sự 18/6 ảnh 3

Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết. Ảnh: Quốc hội

Sau khi nghe, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày. Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) với 446/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,34% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật Đầu tư (sửa đổi) với 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục kèm theo. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.

Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan cơ chế kiểm soát, giám sát ngành, nghề đầu tư kinh doanh và điều kiện đầu tư kinh doanh; đồng thời đưa ra những tiêu chí rõ ràng đối với việc bãi bỏ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Một trong những điểm đáng chú ý là luật cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và xin tiếp thu theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội. Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự án luật, các đại biểu đã nhất trí với quy định như Điều 6 cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ với tỷ lệ 436/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 90,27% tổng số đại biểu Quốc hội).

Trong ngày 17/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, với 90,68% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Trong đó, Quốc hội thống nhất không đưa hộ kinh doanh vào quy định trong Luật để xây dựng một luật riêng về đối tượng này.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với quy mô 10 Chương, 219 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Luật quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty.

Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo luật với 92,34% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Như vậy, từ ngày 1/7/2021, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều gồm 3 Điều có hiệu lực thi hành, nhằm tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời không để phát sinh khoảng trống về pháp lý trong công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều.

Sau khi được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 17/6, nhiều điều khoản trong Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực ngay từ tháng 8 tới đây, thay vì đến tháng 1/2021. Điều này nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng triển khai các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Chiều 17/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng với tỷ lệ đại biểu tán thành đạt tỷ lệ 92,96%.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng lần này không mở rộng phạm vi mà về cơ bản chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung thuộc ba nhóm chính sách lớn như Chính phủ đã trình Quốc hội.

4. Các hãng hàng không chuẩn bị sẵn kế hoạch bay quốc tế từ tháng 7

Ngay khi Chính phủ chủ trương nghiên cứu mở lại các đường bay quốc tế, nhiều hãng hàng không đã chuẩn bị sẵn kế hoạch “xuất ngoại” ngay từ đầu tháng 7.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, từ cách đây hơn 2 tháng, Vietnam Airlines đã lập tổ chuyên trách của từng khu vực, thị trường, đường bay để chuẩn bị về nguồn lực, tổ bay, tiếp viên, chính sách thương mại... sẵn sàng khai thác trở lại các đường bay quốc tế ngay khi được Chính phủ cho phép.

Cụ thể, hãng đã xây dựng và ban hành các quy trình, quy định về khai thác tàu bay, quy trình phục vụ hành khách để đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy định, yêu cầu của Chính phủ Việt Nam cũng như chính phủ các nước.

Theo lịch khai thác từ nay đến cuối năm mà Vietnam Airlines vừa gửi các đại lý, hãng có thể mở lại một số chuyến bay thương mại quốc tế từ đầu tháng 7 đến các thị trường: Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia. Với đường bay Hàn Quốc, Vietnam Airlines dự kiến khai thác trở lại các chặng TP.HCM/Hà Nội - Seoul tần suất 7 chuyến/tuần, TP.HCM/Hà Nội - Busan tần suất 3 - 4 chuyến/tuần. Đường bay TP.HCM/Hà Nội - Hồng Kông; TP.HCM/Hà Nội - Đài Loan dự kiến tần suất 3 - 4 chuyến/tuần từ ngày 1/7...

Tương tự, trên trang web chính thức, Bamboo Airways thông báo mở lại các đường bay quốc tế từ đầu tháng 7. Thậm chí hãng này còn khẳng định hành khách có thể mua vé máy bay của Bamboo Airways đến Hàn Quốc, CH Czech, Đức, Úc... Cụ thể, hãng này sẽ khai thác lại đường bay TP.HCM - Seoul (Hàn Quốc) tần suất 7 chuyến/tuần; TP.HCM - Tokyo (Nhật Bản) 7 chuyến/tuần; chặng Hà Nội - Bắc Kinh (Trung Quốc) 7 chuyến/tuần; Hà Nội - Prague (Czech) 3 chuyến/tuần; Hà Nội/TP.HCM - Kansai (Nhật Bản) 14 chuyến/tuần; chặng Hà Nội/TP.HCM - Munich (Đức) 3 chuyến/tuần và chặng Hà Nội/TP.HCM - Brisbane, Melbourne (Úc) 8 chuyến/tuần.

Các chuyến bay này có thể thực hiện đúng kế hoạch được hay không vẫn phải chờ vào quyết định cuối cùng của Chính phủ.

5. Từ ngày 18/6, công dân Việt Nam nhập cảnh Singapore không phải cách ly tập trung

Theo các quy định mới về xuất nhập cảnh liên quan dịch Covid-19 do Bộ Y tế Singapore vừa công bố, kể từ ngày 18/6, người nhập cảnh Singapore từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, sẽ không phải thực hiện cách ly 14 ngày tại các cơ sở được chỉ định.

Bản tin thời sự 18/6 ảnh 5

Hệ thống đo thân nhiệt tại sân bay Changi, Singapore.

Theo quy định mới, tất cả người nhập cảnh Singapore từ ngày 18/6 và trong 14 ngày liên tiếp trước đó đã ở các quốc gia và vùng lãnh thổ - gồm Australia, Brunei, Nhật Bản, Trung Quốc lục địa, các đặc khu hành chính Hong Kong và Macau (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam - sẽ không phải thực hiện cách ly 14 ngày tại các cơ sở được chỉ định.

Cũng từ ngày 18/6, các nhà chức trách Singapore sẽ áp dụng quy định xét nghiệm Covid-19 đối với tất cả người nhập cảnh nước này. Tất cả trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh từ ngày 18/6 nếu phải tiến hành xét nghiệm Covid-19 sẽ phải thanh toán phí xét nghiệm. Chi phí xét nghiệm khoảng 200 đô la Singapore (tương đương 144 USD). Theo quy định, những người nhập cảnh không được sử dụng phương tiện công cộng để đi xét nghiệm.

Ngoài ra, người nhập cảnh không phải công dân Singapore hoặc người thường trú tại Singapore nếu phải thực hiện cách ly tại những cơ sở được chỉ định sẽ phải trả phí cho thời gian cách ly. Chi phí cách ly khoảng 2.000 đô la Singapore (tương đương 1.440 USD).

6. 500 con lợn sống đầu tiên được nhập khẩu từ Thái Lan đã về Việt Nam

Hiện tại, 500 con lợn sống nhập khẩu đã về đến cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) và hoàn tất thủ tục hành chính để đưa về khu cách ly ở Nghệ An.

Bản tin thời sự 18/6 ảnh 6

Lợn sống sau khi được đưa vào nội địa sẽ phải cách ly theo quy định để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 500 con lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan đã về đến cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), sau khi làm xong thủ tục hành chính, số lợn trên sẽ về đến khu cách ly kiểm dịch tại xóm 3, Nghĩa Đức, Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Ngoài những công ty đã được cấp phép, Cục Thú y tiếp tục xem xét hồ sơ đăng ký từ các doanh nghiệp khác và phía Thái Lan cũng thực hiện các biện pháp kiểm dịch, yêu cầu theo quy định để tìm thêm những doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu sang Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, phía Việt Nam đã có 7 doanh nghiệp đảm bảo điều kiện nhập khẩu với số lượng lợn đã được đồng ý trên 1,7 triệu con.

Về phía Thái Lan, hiện nay đã có thêm 3 doanh nghiệp được bổ sung vào danh sách được phép xuất khẩu lợn sống sang Việt Nam. Như vậy, tính đến nay, phía doanh nghiệp Việt Nam có quyền mua lợn sống từ 11 doanh nghiệp đủ điều kiện phía Thái Lan.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, để nhập khẩu được lợn sống, doanh nghiệp Việt cần đảm bảo yêu cầu như: Phải có khu cách ly đảm bảo sau khi lợn đưa về Việt Nam sẽ được cách ly 5 ngày đối với lợn thịt giết mổ được ngay và 14 ngày đối với lợn choai để nuôi thêm nữa. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có phương tiện vận chuyển chuyên dụng theo yêu cầu. Tất cả các yêu cầu này sẽ được Thú y vùng và lực lượng chức năng kiểm tra trước khi có quyết định cho phép nhập khẩu.

Ngoài ra, Cục Thú y cũng đã kiểm tra, nghiên cứu chi tiết để đánh giá nguy cơ rủi ro dịch bệnh đối với các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu mà phía Thái Lan cung cấp, cũng như thông tin thu thập từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

7. Công ty JVE phủ nhận việc từ bỏ xử lý nước sông Tô Lịch

Công ty JVE vừa chính thức lên tiếng sau khi Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng JVE từ bỏ xử lý nước sông Tô Lịch.

Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor bắt đầu từ giữa tháng 5/2019 và đã được tháo dỡ.

Liên quan đến thông tin Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho rằng Công ty JVE - đơn vị thí điểm công nghệ Nano - Bioreactor đã từ bỏ việc xử lý sông Tô Lịch, ngày 17/6, JVE đã có phản hồi chính thức.

Theo đó, Công ty JVE phủ nhận việc từ bỏ thí điểm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản. Cũng theo đơn vị này, JVE và tổ chức Nhật Bản đang lên đề án tổng thể để báo cáo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội về Dự án cải tạo sông Tô Lịch thành một khu tham quan du lịch đẹp và ý nghĩa như dòng suối Cheonggyecheon giữa lòng thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Ngoài ra, về thông tin tài liệu liên quan mà các cơ quan của Hà Nội yêu cầu, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên các chuyên gia Nhật Bản chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam và tiến hành các nội dung như đã đề cập. Công ty JVE khẳng định không có thẩm quyền thay thế phía đơn vị Nhật Bản để hoàn thành các yêu cầu mà các cơ quan của Hà Nội đưa ra.

8. Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bản tin thời sự 18/6 ảnh 8

Một góc huyện Vũ Thư. Ảnh: TTXVN

Phạm vi lập quy hoạch gồm phần lãnh thổ tỉnh Thái Bình với tổng diện tích tự nhiên là 1.586,35 km2 và phần không gian biển với diện tích 164,59 km2 với 8/8 đơn vị hành chính: thành phố Thái Bình và 7 huyện (Hưng Hà, Đông Hưng, Kiến Xương, Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Tiền Hải).

Việc lập quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với các nội dung định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021 - 2030, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành quốc gia liên quan đến địa bàn tỉnh Thái Bình.

Lập quy hoạch trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, dự báo xu hướng phát triển để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đảm bảo tính khả thi và phù hợp với khả năng cân đối, huy động về nguồn nội lực và các nguồn lực từ bên ngoài trên tất cả các lĩnh vực, các vùng của tỉnh; liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh Thái Bình với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; xây dựng tỉnh Thái Bình phát triển nhanh và bền vững trên cả ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường.

Các nội dung chính của quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo các yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 7/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.