Bản tin thời sự 23/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến xuất khẩu hàng dệt may, điện thoại sụt giảm mạnh với hơn 3 tỷ USD.

1. Xuất khẩu dệt may, điện thoại sụt giảm mạnh trong 5 tháng

Bản tin thời sự 23/6 ảnh 1

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 5 tháng đầu năm giảm hơn 1,6 tỷ USD do ảnh hưởng dịch COVID-19

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 5 trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 19,2 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước.

Trong đó, có những nhóm hàng có mức tăng cao như: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may…

Hết tháng 5, trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 100,21 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, hàng dệt may có mức giảm mạnh nhất, đạt 10,56 tỷ USD giảm 13,6% tương ứng giảm 1,66 tỷ USD. Điện thoại các loại và linh kiện mặc dù là nhóm hàng có trị giá xuất khẩu cao nhất, đạt 18,31 tỷ USD nhưng cũng là nhóm hàng có mức suy giảm lớn (đứng thứ hai), giảm 7,1% tương ứng giảm 1,41 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu điện thoại sang EU đạt 3,97 tỷ USD, giảm 24,7%; trong khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt trị giá 3,39 tỷ USD, giảm 10,1%; sang thị trường Trung Quốc đạt 3,21 tỷ USD, tăng gấp 3,2 lần; sang thị trường Hàn Quốc đạt 2,11 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với nhóm hàng dệt may, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với trị giá đạt 4,84 tỷ USD, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Các vị trí đứng tiếp theo là thị trường Nhật Bản với 1,39 tỷ USD, giảm 4,1%; thị trường EU với 1,26 tỷ USD, giảm 19%...

2. Giảm một nửa phí cấp căn cước công dân

Người dân chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang thẻ căn cước công dân sẽ được giảm phí còn 15.000 đồng/thẻ, thấp hơn 50% so với quy định trước đó.

Mức giảm tối thiểu với lệ phí liên quan căn cước công dân sẽ là 15.000 đồng/lần cấp thẻ và tối đa là 35.000 đồng/lần cấp

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 61/2020/TT-BTC quy định mức thu, nộp phí kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy; phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy và lệ phí cấp căn cước công dân từ ngày 22/6.

Cụ thể, theo quy định mới, tất cả công dân Việt Nam đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân, hoặc chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang thẻ căn cước công dân sẽ được giảm 50% mức thu lệ phí cũ. Kể từ năm 2021, mức nộp phí nói trên sẽ trở lại quy định trước ngày 22/6.

Hiện tại, mức thu lệ phí với các hoạt động liên quan cấp căn cước công dân được quy định tại Điều 4 Thông tư 59/2019 của Bộ Tài chính. Trong đó, mức thu lệ phí người dân chuyển từ CMND 9 số và 12 số sang thẻ căn cước công dân là 30.000 đồng/thẻ.

Với trường hợp đổi thẻ khi bị hư hỏng mà không sử dụng được hoặc thay đổi thông tin về họ, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; mức phí người dân phải nộp là 50.000 đồng/thẻ.

Trường hợp người dân muốn cấp lại thẻ căn cước công dân khi bị mất hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch thì phải nộp 70.000 đồng/thẻ.

Như vậy, mức giảm tối thiểu với lệ phí liên quan căn cước công dân sẽ là 15.000 đồng/lần cấp thẻ và tối đa là 35.000 đồng/lần cấp.

3. Giá lợn hơi xuống thấp nhất 2 tháng

Giá lợn hơi trong nước về dưới 90.000 đồng/kg nhờ việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan. Tuy nhiên, có kéo được về mức 70.000 đồng/kg hay không phụ thuộc nhiều yếu tố.

Giá lợn hơi trong nước về dưới 90.000 đồng/kg nhờ việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan

Giá lợn hơi tại miền Bắc ngày 22/6 đồng loạt giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg, đưa mức giao dịch trở lại quanh ngưỡng 85.000 - 88.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, giá lợn hơi là 85.000 đồng/kg; tại Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Thái Bình là 88.000 đồng/kg.

Thương lái mua lợn hơi tại thị trường miền Trung và miền Nam trong khoảng 83.000 - 86.000 đồng/kg, cao nhất tại Khánh Hòa và Long An bán ra 88.000 đồng/kg. Tại TP.HCM ghi nhận giá lợn hơi 85.000 đồng/kg.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, giá lợn hơi đã giảm khoảng 15.000 đồng/kg, mất mốc 90.000 đồng/kg. Đồng thời, giá hiện tại thấp nhất 2 tháng qua.

Thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đồng ý với Cục Thú y về phương án nhập khẩu heo sống từ các nước vào Việt Nam khiến giá lợn hơi trong nước liên tục đi xuống.

Theo Cục Thú y, hiện có khoảng 15 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam. Trong đó, có 8 doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu với số lượng dự kiến hơn 1,9 triệu con.

4. Tổng Giám đốc Coteccons rút lui khỏi Hội đồng quản trị

Hội đồng quản trị (HĐQT) Coteccons vừa công bố thông tin về việc xin từ chức Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022 của ông Nguyễn Sỹ Công, chức vụ Tổng Giám đốc và ông Trần Quyết Thắng.

Bản tin thời sự 23/6 ảnh 4

Ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng Giám đốc Coteccons rút lui khỏi HĐQT công ty giữa "tâm bão". Ảnh: Tư liệu Coteccons

Ngày 22/6, Hội đồng quản trị (HĐQT) của Coteccons công bố Nghị quyết số 4 về việc thay đổi nhân sự thành viên HĐQT.

Theo đó, HĐQT chấp thuận đơn xin từ chức khỏi chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022 của ông Nguyễn Sỹ Công ngày 21/6, và ông Trần Quyết Thắng ngày 20/6 vừa qua. Ông Nguyễn Sỹ Công hiện tại vẫn chức vụ Tổng Giám đốc, kiêm đại diện công bố thông tin.

Dự kiến hai thành viên thay thế là ông Bolat Duisenov, đại diện của Kusto Việt Nam, và ông Herwig Guido H.Van Hove, Giám đốc điều hành của The8th.

The8th là cổ đông lớn nắm giữ trên 10,4% cổ phần tại Coteccons, trong khi đó, Kustocem Pte Ltd (“Kusto”) với gần 17,6% cổ phần sở hữu.

Vừa qua, xung đột nội bộ tại Coteccons đã đi đến đỉnh điểm sau khi phía ủng hộ Kusto và The8th liên tục phản ứng ban lãnh đạo Coteccons. Không những vậy, 2 trong 3 thành viên Ban Kiểm soát của Coteccons là ông Luis Fernando Garcia Agraz và ông Đặng Hoài Nam cũng đã ngả về phía Kusto trong cuộc chiến nội bộ này.

Trước khi có quyết định rút lui của chính Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công, phía The8th từng yêu cầu bổ sung tờ trình bãi nhiệm chức danh HĐQT của ông Sỹ Công và Chủ tịch Nguyễn Bá Dương vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên 2020. Về phía Kusto thậm chí muốn triệu tập một cuộc họp cổ đông bất thường nhằm bầu mới toàn bộ HĐQT hiện tại và chỉ định kiểm toán độc lập đối với những hoạt động của Coteccons kể từ năm 2017 đến nay.

5. Cục Thuế TP.HCM hụt thu trên 10.000 tỷ đồng vì đại dịch Covid-19

Theo Cục Thuế TP.HCM, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) và cá nhân kinh doanh phải tạm thời đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Số thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong tháng 5 của cục này vì thế chỉ đạt trên 13.000 tỷ đồng.

Kết quả thu nội địa trừ dầu trong 5 tháng đầu năm 2020 cũng giảm 10.040 tỷ đồng

Bên cạnh đó, việc giá dầu xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ cũng làm ảnh hưởng đến sản lượng và giá dầu trong nước. Thu từ dầu thô trên địa bàn TP.HCM 5 tháng đầu năm giảm 41,7% so với cùng kỳ (tương ứng giảm 4.068 tỷ đồng), thấp nhất từ năm 2017.

Kết quả thu nội địa trừ dầu trong 5 tháng đầu năm 2020 cũng giảm 10.040 tỷ đồng, trong đó, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh giảm 6.300 tỷ đồng. Thu thuế giá trị gia tăng giảm 2.000 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 2.500 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 1.800 tỷ đồng.

6. Hơn 100 tấn thảo dược Trung Quốc đội lốt táo, củ cải, cà rốt vào Việt Nam

Tin từ lãnh đạo Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan khẳng định đã tạm giữ và có thể khởi tố vụ án hình sự doanh nghiệp nhập dược liệu từ Trung Quốc nhưng khai là táo, củ cải, cà rốt.

Bản tin thời sự 23/6 ảnh 6

Hơn 5 container chứa hơn 100 tấn thảo dược Trung Quốc đột lốt rau quả nhập vào Việt Nam

Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu cho biết, cơ quan chức năng đang đề nghị kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm lô hàng nói trên. Đồng thời xem xét việc khởi tố hình sự vụ việc vì ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và có dấu hiệu cố ý khai báo gian dối.

Thông tin thêm về sự việc, ngày 14/6/2020, Công ty TNHH Thương mại XNK N.S (địa chỉ tại tỉnh Hải Dương) mở tờ khai nhập khẩu số 10336383661/A12 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng.

Theo khai báo, hàng hóa gồm: “táo ta, quả mơ, hạt điều, củ cải, cà rốt” sấy khô chưa qua chế biến, dùng làm thực phẩm để đun nước uống, ăn chưa qua tẩm ướt, hàng mới 100%, không nằm trong CITES.

Lô hàng này được chứa trong 5 container loại 40’, số container này được vận chuyển trên tàu INSPIR, chuyến 20003S từ cảng HangPu (Trung Quốc) đến cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) ngày 14/6/2020.

Qua nguồn tin cơ sở báo về và phân tích các thông tin nghiệp vụ, hải quan Đà Nẵng đã tiến hành kiêm tra đối chiếu hàng hóa thực nhập với khai báo để làm rõ.

Theo thông tin từ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, tại cuộc kiểm tra chiều 22/6, lực lượng chức năng phát hiện hàng hóa chứa trong 5 container trên không phải chỉ là táo ta, củ cải, cà rốt như doanh nghiệp khai báo mà phần lớn là thảo dược, bằng phương pháp cảm quan sơ bộ xác định đây là nguyên liệu làm thuốc.

Hiện cơ quan chức năng đang làm các giám định để xác định mẫu vật và tên hàng, công dụng của thuốc nói trên.

Tổng trọng lượng dự kiến của 5 container hàng hóa trên ước tính hơn 100 tấn, đang được lưu giữ tại cảng và được các cơ quan chức năng giám sát 24/24h.

Theo quy định được liệu dùng làm thuốc là mặt hàng nhạy cảm, nếu không đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn quy chuẩn sẽ không được phép nhập khẩu.

Tin cùng chuyên mục