Bản tin thời sự sáng 10/12

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Phú Quốc trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam; cầu Thăng Long sẽ hoàn thành sửa chữa vào 31/12; Bộ Giao thông vận tải triển khai Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển giữa năm tới…

Phú Quốc trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất cho thành lập thành phố Phú Quốc trên cơ sở giữ nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số gần 180.000 người của huyện đảo Phú Quốc.

Phú Quốc thành thành phố đảo đầu tiên tại Việt Nam

Phú Quốc thành thành phố đảo đầu tiên tại Việt Nam

Nội dung thành lập thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và các phường thuộc thành phố này được xem xét, quyết định trong phiên họp chiều 9/12/2020.

Thành phố Phú Quốc được thành lập trên cơ sở giữ nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc. Thành phố Phú Quốc giáp thành phố Hà Tiên, huyện Kiên Lương và các nước: Campuchia, Thái Lan.

UBTVQH cũng tán thành lập phường Dương Đông, trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 60.415 người của thị trấn Dương Đông; phường An Thới, trên cơ sở nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 4.610 người của xã Hòn Thơm và nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 37.485 người của thị trấn An Thới thuộc thành phố Phú Quốc.

Với việc lập các phường này, thành phố Phú Quốc gồm 9 đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể là phường Dương Đông, phường An Thới và 7 xã: Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu.

Đi liền với việc thành lập thành phố Phú Quốc, các cơ quan như TAND, VKSND của thành phố này cũng được thành lập.

Kể từ ngày Nghị quyết này của UBTVQH có hiệu lực (từ 1/3/2021), tỉnh Kiên Giang sẽ có 15 đơn vị hành chính cấp quận huyện, trong đó có 3 thành phố (Hà Tiên, Rạch Giá, Phú Quốc) và 12 huyện. Phú Quốc chính thức trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam.

Cầu Thăng Long sẽ hoàn thành sửa chữa vào 31/12

Với khối lượng công trình và tiến độ giải ngân đến nay đạt trên 80%, cầu Thăng Long dự kiến hoàn thành sửa chữa cuối tháng 12.

Một đoạn mặt cầu Thăng Long đã được trải bê tông cường độ cao, chưa trải bê tông nhựa polymer

Một đoạn mặt cầu Thăng Long đã được trải bê tông cường độ cao, chưa trải bê tông nhựa polymer

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết, hiện nay hạng mục trải bê tông siêu tính năng trên mặt cầu đã sắp hoàn thành, còn thi công 3.000 m3 bê tông nhựa polymer trong một tuần, dự kiến kết thúc vào 22/12. Sau đó cầu Thăng Long sẽ sơn kẻ lan can, lắp đặt trang thiết bị an toàn, chiếu sáng, hoàn thành vào ngày 31/12, đạt tiến độ mà Bộ Giao thông vận tải đề ra.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long với tổng mức đầu tư 269 tỷ đồng, được Tổng cục Đường bộ khởi công vào tháng 8 năm nay, sau nhiều nghiên cứu về công nghệ sửa chữa cầu.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, công trình ghi dấu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, nối liền các tỉnh phía Bắc với thủ đô Hà Nội. Cầu được thiết kế và xây dựng từ năm 1974, hoàn thành cuối năm 1985. Qua hơn 20 năm sử dụng, cầu nhiều lần xuống cấp và được tu sửa hơn chục lần với kinh phí cả trăm tỷ đồng.

Triển khai Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ Giao thông vận tải là Cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Bộ GTVT triển khai Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa

Bộ GTVT triển khai Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan, rà soát, cập nhật nội dung Báo cáo nghiên cứu Tiền khả thi Dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) và pháp luật có liên quan.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7 km, trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai dài 34,2 km. Điểm đầu nối với tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối giao với đường vành đai TP. Bà Rịa.

Dự án xây dựng 7 nút giao liên thông, 13 cầu vượt dòng chảy, 4 cầu vượt đường ngang và 19 cầu đường ngang vượt đường cao tốc. Tổng diện tích đất sử dụng để xây dựng dự án khoảng 588,5 ha.

Hà Nội: CSGT sẽ dán thông báo "phạt nguội" trên kính ôtô

Từ ngày 15/12, CSGT Hà Nội sẽ ghi hình xe ôtô vi phạm dừng đỗ trên phố và dán thông báo "phạt nguội" trên kính xe.

CSGT xử lý xe vi phạm dừng đỗ ở Hà Nội

CSGT xử lý xe vi phạm dừng đỗ ở Hà Nội

Theo đại diện phòng CSGT Hà Nội, cho biết quyết định trên nằm trong nhóm giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp cuối năm.

Theo đó, các tổ tuần tra kiểm soát trên đường khi phát hiện ôtô đỗ dừng không đúng nơi qui định, tài xế không có trên xe, cảnh sát sẽ ghi lại hình ảnh và dán thông báo vi phạm trên kính xe, sau đó xác minh chủ phương tiện, gửi thông báo xử "phạt nguội".

Để tránh gây tranh cãi giữa chủ phương tiện, tài xế và cảnh sát, sau khi ghi hình xe vi phạm, cảnh sát thông báo loa không thấy chủ xe thì sẽ lập biên bản, lấy lời khai của hai người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền địa phương, sau đó dán thông báo lên phần kính cửa, vị trí người lái.

Quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày CSGT gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện hoặc tài xế không đến giải quyết thì CSGT gửi thông báo đến công an địa phương hoặc nơi làm việc của chủ phương tiện và gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm.

Trường hợp xe vi phạm dừng đỗ ở các điểm nguy cơ ùn tắc, tuyến đường đón, dẫn đoàn thì cảnh sát sẽ dán niêm phong cửa xe này, điều động xe cẩu đến di dời xe vi phạm. Trong thời hạn 3 ngày, CSGT sẽ yêu cầu chủ phương tiện hoặc tài xế đến trụ sở Đội CSGT địa bàn nơi vi phạm để giải quyết.

Theo đại diện phòng CSGT Hà Nội, trước đây đơn vị đã áp dụng việc dán niêm phong và cẩu xe vi phạm, tuy nhiên ở phạm vi hẹp và chưa áp dụng ghi hình, gửi giấy mời phạt nguội.

TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển giữa năm tới

HĐND TP.HCM thông qua đề án thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn từ 1/7/2021, với kỳ vọng mỗi năm thu hơn 3.000 tỷ đồng đầu tư hệ thống đường quanh các cảng.

Nguồn thu phí hạ tầng cảng biển sẽ đầu tư, xây dựng các trục đường xung quanh cảng ở TPHCM

Nguồn thu phí hạ tầng cảng biển sẽ đầu tư, xây dựng các trục đường xung quanh cảng ở TPHCM

Nghị quyết về chủ trương việc thu phí hạ tầng cảng biển được biểu quyết thông qua sáng 9/12, tại Kỳ họp 23 HĐND TP.HCM Khoá IX.

Mức thu thấp nhất 15.000 đồng mỗi tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng với container 40 feet. Số tiền thu được sau khi trích tối đa 1,5% cho đơn vị thu phí sẽ nộp ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông khu vực gần cảng. Việc thu phí không dùng tiền mặt mà qua hệ thống điện tử; sử dụng nhân lực tại cảng, không phát sinh nhân sự.

Sở Giao thông vận tải Thành phố - đơn vị lập đề án, cho biết lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại TPHCM năm 2019 đạt khoảng 170 triệu tấn, chiếm hơn 1/4 trong tổng 600 triệu tấn cả nước xuất qua cảng. Hệ thống cảng ở thành phố có nhiều lợi thế về khai thác, gần các khu công nghiệp, chế xuất. Các tuyến sông Đồng Nai, Sài Gòn, Soài Rạp... có mạng lưới hàng hải quốc tế dày đặc, đáp ứng các loại tàu thuyền ra vào.

HĐND thành phố Hà Nội đặt tên và điều chỉnh độ dài 27 tuyến phố

Ngày 9/12, Kỳ họp thứ 18, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Khóa XV đã thực hiện biểu quyết thông qua việc đặt tên và điều chỉnh độ dài 27 tuyến phố thuộc 11 quận, huyện của Thủ đô.

Đường phố Hà Nội

Đường phố Hà Nội

Cụ thể, đặt tên 27 tuyến đường, phố mới: 2 tuyến phố tại quận Cầu Giấy; 2 tuyến phố tại quận Đống Đa; 3 tuyến phố tại quận Hà Đông; 5 tuyến phố tại quận Hoàng Mai; 4 tuyến phố tại quận Long Biên; 1 tuyến phố tại quận Nam Từ Liêm;1 tuyến phố tại quận Thanh Xuân; 1 tuyến phố tại thị xã Sơn Tây; 3 tuyến phố tại huyện Ba Vì; 3 tuyến phố tại huyện Gia Lâm; 2 tuyến phố tại huyện Thường Tín.

224 tuyến đường ở TP.HCM được đặt tên

Tên các danh nhân An Tư công chúa, Tố Hữu, Nguyễn Thiện Thành, Trần Văn Khê và nhiều bà mẹ Việt Nam Anh hùng được đặt cho 224 tuyến đường ở TP.HCM.

Một đoạn đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, được đổi tên thành Lê Văn Duyệt

Một đoạn đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, được đổi tên thành Lê Văn Duyệt

Nghị quyết về việc bổ sung quỹ tên đường và đặt tên cho 224 tuyến đường ở 13 quận, huyện trên địa bàn được các đại biểu HĐND TP.HCM Khoá IX nhất trí thông qua tại Kỳ họp thứ 23, sáng 9/12.

Đợt này, tên nhiều bà mẹ Việt Nam Anh hùng như: Phạm Thị Ba, Đỗ Thị Lời, Nguyễn Thị Gạch, Hà Thị Đát, Trần Thị Sa, Nguyễn Thị Diệp... cũng được đặt cho nhiều tuyến đường ở thành phố.

Trước đó qua khảo sát hiện trạng, các tuyến đường này đều đáp ứng quy định dài hơn 200 m, rộng hơn 12 của Hội đồng đặt đổi tên đường thành phố; thông tư năm 2006 của Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch...

Vũng Tàu cưỡng chế 75 công trình xây trái phép trên đảo

Hàng loạt quán cà phê, quán nhậu, nhà xưởng và khu du lịch xây trái phép trên xã đảo Long Sơn thời gian qua, bị chính quyền TP.Vũng Tàu cưỡng chế.

Xe cẩu di chuyển khung sắt nhà tiền chế xây trái phép sau khi tháo dỡ

Xe cẩu di chuyển khung sắt nhà tiền chế xây trái phép sau khi tháo dỡ

Sáng 9/12, đoàn gần 100 người của UBND xã Long Sơn và TP Vũng Tàu cùng nhiều xe cơ giới đến cưỡng chế các công trình xây không phép trên khu đất rộng hơn 1.000 m2. Dãy nhà tiền chế, khung sắt, lợp mái lá bán cà phê, điểm tâm sáng và bán hàng tạp hóa do bà Võ Thị Đương dự lấn chiếm từ năm 2019.

Ông Trương Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, có 90 công trình xây dựng trái phép, trong đó một khu du lịch và một nhà hàng. Trong đó, 75 công trình sẽ bị cưỡng chế, những trường hợp còn lại tự tháo dỡ. Việc cưỡng chế chia làm ba giai đoạn, hoàn tất trước tháng 3/2021.

Long Sơn là xã đảo ở phía Tây Nam, cách TP Vũng Tàu khoảng 12 km. Đảo rộng khoảng 51 km2, dân số hơn 11.00 người. Nơi đây nổi tiếng với đặc sản hàu và là địa phương phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản.

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến tái hầu tòa cùng Út “Trọc”

Tòa án quân sự Trung ương xem xét đơn kháng cáo của cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến, Đinh Ngọc Hệ và 5 bị cáo liên quan sai phạm tại 3 lô đất ở TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Hiến tại phiên xử hồi tháng 5

Ông Nguyễn Văn Hiến tại phiên xử hồi tháng 5

Sáng 10/12, tại Tòa án quân sự Thủ đô, Tòa án quân sự Trung ương mở phiên phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của ông Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) trong vụ án Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 lô đất trong 49 năm nằm trên đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM.

Ngoài ông Hiến, Đinh Ngọc Hệ (Út “Trọc”, cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), Bùi Như Thiềm (nguyên Trưởng phòng Kinh tế Quân chủng Hải quân) và 4 bị cáo khác cũng kháng cáo.

Tại phiên sơ thẩm diễn ra hồi tháng 5, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân tuyên phạt đô đốc Nguyễn Văn Hiến 4 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đinh Ngọc Hệ bị tuyên phạt 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Bùi Như Thiềm lĩnh 9 năm tù về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Các bị cáo còn lại lĩnh các mức án 4-15 năm tù.