Khởi công Dự án đường bộ song hành đường Vành đai 5 - Vùng thủ đô Hà Nội
Tuyến đường có tổng chiều dài 8,372 km, quy mô đường cấp 3 đồng bằng; xây dựng mới 3 cầu gồm cầu Tiên Tân, cầu vượt qua kênh thủy lợi và cầu Tiên Phong.
![]() |
Hướng tuyến dự án đường bộ song hành đường Vành đai 5 - Vùng thủ đô Hà Nội |
Chiều 9/2, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ động thổ Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành đường Vành đai 5 - Vùng thủ đô Hà Nội (giai đoạn 1), đoạn từ nút giao kết nối với Quốc lộ 21B đến nút giao với đường nối hai cao tốc tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam cho biết, giai đoạn 1 của Dự án có điểm đầu tại nút giao kết nối vào Quốc lộ 21B (phía bờ hữu sông Nhuệ) thuộc địa phận phường Tân Hiệp, thành phố Phủ Lý và điểm cuối tại nút giao với đường nối hai cao tốc thuộc địa phận xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục.
Tuyến đường có tổng chiều dài 8,372 km, quy mô đường cấp 3 đồng bằng; xây dựng mới 3 cầu gồm cầu Tiên Tân, cầu vượt qua kênh thủy lợi và cầu Tiên Phong; đầu tư xây dựng các nút giao bằng với Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam...; tổ chức giao thông bằng đảo xuyến, vạch sơn kết hợp đèn tín hiệu giao thông; hệ thống thoát nước, trồng cây xanh, điện chiếu sáng, phù hợp với kết cấu hạ tầng và cảnh quan. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2024 - 2027.
Tuyến đường được đầu tư hoàn thiện sẽ hình thành trục động lực Đông - Tây của Tỉnh, kết nối liên thông hạ tầng khung dọc hai bên tuyến đường Vành đai 5 và các vùng lân cận thông qua hệ thống giao thông địa phương, góp phần từng bước hình thành tuyến đường song hành Vành đai 5.
Quảng Ngãi đề xuất dùng khí hóa lỏng nhập khẩu làm điện khí
Để nhà máy điện khí sớm hoạt động, Quảng Ngãi đề xuất dùng khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu thay thế tạm nguồn khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh chậm tiến độ.
![]() |
Quảng Ngãi đề xuất dùng khí hóa lỏng nhập khẩu làm điện khí. Ảnh minh họa |
Đề xuất này nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện các nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Dung Quất I và III, được Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang nêu trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, chiều 9/2.
Mỏ khí Cá Voi Xanh là dự án trọng điểm quốc gia, nằm cách bờ biển Quảng Nam - Quảng Ngãi khoảng 100 km, có trữ lượng thu hồi tại chỗ ước tính khoảng 150 tỷ m3, gấp 3 lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ - thuộc Dự án khí Nam Côn Sơn (lớn nhất Việt Nam tại thời điểm hiện tại).
Mục tiêu chính của Dự án là cung cấp khí cho chuỗi nhà máy điện khí tại miền Trung. Các nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Dung Quất I và III có công suất khoảng 750 MW mỗi nhà máy, được kỳ vọng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, tiến độ Dự án khai thác khí Cá Voi Xanh đang gặp nhiều vướng mắc. Hiện chưa xác định được thời điểm cấp khí từ mỏ, khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa thể trình cấp thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các nhà máy điện khí dù công tác thẩm định đã hoàn thành. Nếu tình trạng này kéo dài, các nhà máy điện khí Dung Quất có nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ.
Để tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất chuyển phương án sử dụng nguồn khí hóa lỏng nhập khẩu thay thế trong giai đoạn đầu. Theo Tỉnh, giải pháp này giúp các nhà máy sớm được xây dựng và đưa vào hoạt động, tránh lãng phí tài nguyên, đồng thời bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế Tỉnh đến năm 2025 là 8,5%, hướng tới trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Khí hóa lỏng (LNG) là khí thiên nhiên được làm lạnh để hóa lỏng, giúp dễ dàng lưu trữ và vận chuyển. Đây là nguồn nhiên liệu được cho là sạch và đang được sử dụng ở một số nước trên thế giới. Tại Việt Nam, các dự án điện khí sử dụng LNG như Nhơn Trạch 3, 4 đang được triển khai, cho thấy đây là giải pháp khả thi.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khẩn khắc phục hư hỏng trên tuyến đường bộ cao tốc
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa ký công điện tăng cường công tác kiểm tra và sửa chữa, khắc phục các tồn tại, hư hỏng công trình tại các dự án đường bộ cao tốc.
![]() |
Lối vào cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt |
Để đảm bảo chất lượng công trình và an toàn giao thông các tuyến đường bộ cao tốc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh vừa ký công điện tăng cường công tác kiểm tra và sửa chữa, khắc phục các tồn tại, hư hỏng công trình (nếu có) tại các dự án đường bộ cao tốc nhằm đảm bảo chất lượng công trình, an toàn trong quá trình khai thác sử dụng.
Theo nội dung công điện, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát các chủ thể thực hiện quản lý bảo trì hệ thống đường bộ cao tốc; kịp thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức sửa chữa, khắc phục các hư hỏng công trình bảo đảm điều kiện khai thác bình thường của hệ thống đường bộ cao tốc, tuân thủ theo quy định.
Đối với các tuyến đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn bảo hành, kịp thời yêu cầu chủ đầu tư các dự án tổ chức sửa chữa, khắc phục các hư hỏng công trình (nếu có) thuộc trách nhiệm bảo hành của nhà thầu bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.
Về phía chủ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong giai đoạn bảo hành công trình tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện các tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng công trình để yêu cầu nhà thầu sửa chữa, khắc phục theo đúng các quy định của hợp đồng.
Trước khi sửa chữa, khắc phục, các chủ đầu tư phải chấp thuận: giải pháp sửa chữa, khắc phục bảo đảm tuân thủ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án; phương án đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động trên công trường. Trong suốt quá trình sửa chữa, khắc phục, phải tổ chức giám sát chất lượng công trình, giám sát công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động trên công trường.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý khai thác trong suốt thời gian bảo hành công trình.
Công điện cũng nêu rõ Cục Quản lý đầu tư xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư tổ chức sửa chữa, khắc phục các hư hỏng công trình (nếu có) thuộc trách nhiệm bảo hành của nhà thầu.
Công điện này được ban hành ngay sau sự việc một số ô tô bị thủng lốp khi di chuyển tại km 341+182 cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn vào ngày 6/2, do khe co giãn trên mố M1 cầu sông Nhơm bị bong bật tấm thép hình răng lược, dài khoảng 2 m.
Hà Nội dự kiến thành lập các sở mới trước 20/2
Thành phố vừa giao Sở Nội vụ hoàn thiện hồ sơ sắp xếp tổ chức bộ máy để xin ý kiến, trình HĐND phê duyệt thành lập các sở mới trước ngày 20/2.
![]() |
Hà Nội dự kiến thành lập các sở mới trước 20/2 |
Sở Nội vụ cũng được giao hoàn thiện hồ sơ quy định lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy đối với các sở, đơn vị mới sau khi được HĐND thành phố thông qua và các sở giữ nguyên, nhưng quy định lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong. Hồ sơ sẽ được Sở Tư pháp thẩm định và báo cáo sau kỳ họp HĐND Thành phố, dự kiến tổ chức ngày 18/2.
Trước đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội đã có tờ trình gửi Thường trực Thành ủy xin chủ trương điều chỉnh phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các sở thuộc khối chính quyền.
Theo đó, UBND Thành phố kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy đối với 13 sở gồm: Nội vụ; Tư pháp; Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa Thể thao; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Thanh tra Thành phố; Văn phòng UBND Thành phố; Dân tộc và Tôn giáo; Du lịch.
Thành phố điều chỉnh phương án sắp xếp so với dự thảo cũ 3 sở là Xây dựng, Giao thông vận tải và Quy hoạch Kiến trúc. Cụ thể, Sở Giao thông vận tải hợp nhất với Sở Xây dựng, lấy tên gọi là Sở Xây dựng; Sở Quy hoạch - Kiến trúc giữ nguyên mô hình như hiện nay.
9 phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã, kiện toàn sắp xếp gồm: Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện; Thanh tra quận, huyện, thị xã; Phòng Tư pháp; Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Phòng Nông nghiệp và Môi trường (ở các quận là Phòng Tài nguyên và Môi trường); Phòng Nội vụ; Phòng Y tế; Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Phòng Công Thương và Phòng Quản lý đô thị được điều chỉnh như sau: hợp nhất Phòng Công Thương và Phòng Quản lý đô thị thành Phòng Kinh tế Hạ tầng và Đô thị theo đúng định hướng của Ban Chỉ đạo Chính phủ.
Kỳ họp bất thường của Quốc hội sẽ diễn ra từ 12 - 18/2, một trong số nội dung Quốc hội sẽ quyết định là thông qua cơ cấu, tổ chức bộ máy, số lượng thành viên Chính phủ khóa XV. Ngay khi kỳ họp kết thúc, HĐND TP. Hà Nội sẽ họp sẽ xem xét thông qua cơ cấu bộ máy chính quyền Thành phố.
Thi công dự án giải tỏa công suất nguồn điện từ Lào về Việt Nam
Dự án đường dây 220kV Đô Lương - Nam Cấm được khởi công nhằm đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Nghệ An và giải quyết tình trạng căng thẳng nguồn điện khu vực miền Bắc.
![]() |
Trạm biến áp 220kV Nam Cấm được đặt tại Xóm 1, xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc |
Sáng 9/2, tại Nghệ An, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thi công Dự án Đường dây 220kV Đô Lương - Nam Cấm.
Dự án có quy mô xây dựng 2 mạch đường dây 220kV từ Trạm biến áp 220kV Đô Lương đến Trạm biến áp 220kV Nam Cấm với chiều dài khoảng 37 km.
Riêng đoạn tuyến từ G4-G6 (chiều dài tuyến khoảng 4 km) được xây dựng 4 mạch để kết hợp đi chung tuyến với 2 mạch Đường dây 110kV Đô Lương - Nam Đàn.
Phần mở rộng ngăn lộ tại Trạm biến áp 220kV Đô Lương sẽ lắp đặt thiết bị cho 2 ngăn lộ 220kV trong Trạm biến áp 220kV Đô Lương (hiện hữu) và liên kết hệ thống thông tin cho Đường dây 220kV Đô Lương - Nam Cấm. Tổng vốn đầu tư dự án gần 557 tỷ đồng.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu phụ tải khu vực miền Trung, nơi tập trung một số phụ tải công nghiệp quan trọng hiện có và trong tương lai của tỉnh Nghệ An, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.
Dự án cũng tăng cường liên kết lưới điện giữa miền Bắc Việt Nam với Lào, góp phần giải quyết tình trạng căng thẳng nguồn điện khu vực miền Bắc; hỗ trợ các đường dây trong khu vực tăng cường khả năng vận hành an toàn ổn định cho hệ thống điện quốc gia; giảm tổn thất điện năng trong lưới điện truyền tải, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVNNPT.
Dự án Đường dây 220kV Đô Lương - Nam Cấm được xây dựng trên địa bàn các huyện Đô Lương, Nghi Lộc và Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An. Đây là công trình năng lượng, cấp 1, do EVNNPT làm chủ đầu tư, CPMB quản lý điều hành dự án, Công ty Truyền tải điện 1 tiếp nhận vận hành.
Thông xe kỹ thuật tuyến đường hơn nghìn tỷ đồng tại Thanh Hóa
Sáng 9/2, Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa tổ chức lễ thông xe kỹ thuật Dự án đường Vạn Thiện đi Bến En và Dự án Đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 đoạn từ xã Hoằng Kim (huyện Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (huyện Thiệu Hóa).
![]() |
Dự án đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 thông xe kỹ thuật |
Dự án đường Vạn Thiện đi Bến En được phê duyệt với tổng mức đầu tư 1.181 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách Tỉnh. Quy mô đầu tư xây dựng mới 12,19 km đường đảm bảo quy mô 4 làn xe; chiều rộng nền đường 33 m, chiều rộng mặt đường 22 m, chiều rộng dải phân cách giữa 5,0 m, chiều rộng lề đường 6 m; diện tích thu hồi đất là 69,2 ha với 822 hộ bị ảnh hưởng. Dự án được khởi công tháng 8/2022.
Dự án Đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 đoạn từ xã Hoằng Kim (huyện Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (huyện Thiệu Hóa) có chiều dài 14,6 km với tổng mức đầu tư 1.423,6 tỷ đồng.
Dự án bao gồm đoạn tuyến từ nút giao với Quốc lộ 1A đến đầu cầu vượt Sông Mã (Km0 - Km5+250) do UBND huyện Hoằng Hóa làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 306,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Huyện.
Tiểu dự án 1 (cầu vượt sông Mã và đường hai đầu cầu từ Km5+250 - Km7+250) do Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 655,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Tỉnh. Tiểu dự án 2 (đoạn tuyến Km7+250 - Km14+603) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thiệu Hóa làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 454,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Tỉnh và ngân sách huyện.
Toàn tuyến được đầu tư với chiều rộng nền đường 12 m, chiều rộng mặt đường 11 m; trên tuyến có 6 cầu, trong đó có 2 cầu lớn là cầu Xuân Quang dài 1.028 m vượt sông Mã (thuộc Tiểu dự án 1) và cầu vượt cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 310,4 m (thuộc Tiểu dự án 2). Tổng diện tích thu hồi đất là 54,37 ha với 914 hộ bị ảnh hưởng. Dự án được khởi công tháng 10/2022.
Hà Nội thu hồi gần 1.000m2 đất do Công ty Him Lam trả lại
UBND TP. Hà Nội đã quyết định thu hồi 986m2 đất tại ô đất ký hiệu A4 thuộc khu đấu giá phường Thạch Bàn, quận Long Biên do Công ty CP Him Lam trả lại.
![]() |
Một khu vực tại quận Long Biên, TP. Hà Nội |
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 623 về việc thu hồi 986 m2 đất tại ô đất ký hiệu A4 thuộc khu đấu giá phường Thạch Bàn, quận Long Biên do Công ty CP Him Lam trả lại đất.
Theo quyết định, vị trí, ranh giới khu đất được xác định tại Bản vẽ Quy hoạch tổng mặt bằng điều chỉnh do UBND quận Long Biên phê duyệt ngày 27/6/2014. Lý do thu hồi đất là cuối năm 2024, Công ty CP Him Lam có văn bản đề nghị tự nguyện trả đất cho Nhà nước theo quy định tại Luật Đất đai 2024.
UBND TP. Hà Nội giao diện tích đất thu hồi trên cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Long Biên liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để lập hồ sơ bàn giao đất theo quy định.
Đồng thời, UBND quận Long Biên tiếp nhận, quản lý chặt chẽ và đề xuất phương án sử dụng diện tích đất thu hồi theo quy định của Luật Đất đai 2024, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.