Bản tin thời sự sáng 10/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Công Thương đề xuất nhiều bộ ngành cùng điều hành giá điện; Lâm Đồng yêu cầu hoàn thiện thủ tục, hồ sơ tổ chức đấu giá các cơ sở nhà, đất; Bộ Công an và Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc kiểm tra "siêu dự án" Đại Ninh; Việt Nam vượt Chile đứng thứ 2 về xuất rau quả sang Trung Quốc…

Bộ Công Thương đề xuất nhiều bộ ngành cùng điều hành giá điện

Ngoài Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề xuất các bộ, ngành liên quan phối hợp điều hành, cơ quan thống kê đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện.

Công nhân EVN Hà Nội kiểm tra đường dây

Công nhân EVN Hà Nội kiểm tra đường dây

Đây là điểm mới tại Dự thảo sửa đổi Quyết định số 24/2017 về cơ cấu điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, so với các bản thảo trước đây được Bộ Công Thương lấy ý kiến.

Hiện Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong điều hành giá điện, theo Quyết định số 24 áp dụng từ năm 2017 đến nay.

Trước đó, trong quá trình xây dựng Dự thảo sửa đổi Quyết định số 24, Bộ Tài chính từng đề nghị không quy định trách nhiệm phối hợp của Bộ tại Dự thảo sửa đổi Quyết định và bỏ nội dung "Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi hồ sơ báo cáo phương án giá điện tới Bộ Tài chính". Thay vào đó, bộ này chỉ phối hợp trong những trường hợp có biến động bất thường, hoặc tác động lớn.

Tại dự thảo mới nhất, Bộ Công Thương vẫn giữ trách nhiệm phối hợp của Bộ Tài chính nhưng cụ thể vai trò của Bộ này là "cơ quan quản lý nhà nước về giá". Bộ Công Thương cũng đề xuất các bộ, cơ quan liên quan tham gia, phối hợp với các nội dung liên quan, theo "chức năng, nhiệm vụ".

Để minh bạch hơn quá trình xem xét điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương muốn bổ sung trách nhiệm của Tổng cục Thống kê trong đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô. EVN sẽ cung cấp các số liệu liên quan để cơ quan này có cơ sở thống kê, đánh giá.

Về phía Bộ Công Thương vẫn sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong quản lý nhà nước về điện lực, sử dụng điện, trong đó có giá điện. Tức, Bộ này là cơ quan hướng dẫn EVN tính toán giá bán điện bình quân, thực hiện việc điều chỉnh giá điện, chủ trì kiểm tra, giám sát.

Ngoài ra, Dự thảo cũng bổ sung quy định chung về trường hợp Chính phủ hoặc Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ giảm tiền điện trong giai đoạn tạm thời, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại Dự thảo lần này, cơ quan chức năng vẫn giữ đề xuất giá điện được tính thêm các chi phí vốn chưa được tính trước đây như chênh lệch tỷ giá. Thời gian điều chỉnh giá điện dự kiến được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần.

Lâm Đồng yêu cầu hoàn thiện thủ tục, hồ sơ tổ chức đấu giá các cơ sở nhà, đất

Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tổ chức đấu giá các cơ sở nhà, đất trên địa bàn Tỉnh.

Tiến độ hoàn thiện thủ tục, hồ sơ tổ chức đấu giá các cơ sở nhà, đất còn chậm

Tiến độ hoàn thiện thủ tục, hồ sơ tổ chức đấu giá các cơ sở nhà, đất còn chậm

Trong thời gian vừa qua, UBND Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, sắp xếp lại và đề xuất phương án tổ chức đấu giá đối với tài sản công dôi dư hoặc tài sản công kết thúc thời hạn cho thuê đã được thu hồi giao quản lý, sử dụng.

Đặc biệt là các cơ sở nhà, đất tại Nhà hàng Thủy Tạ, Khách sạn Golf 3, Dinh 1...

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt để tổ chức đấu giá đối với các cơ sở nhà, đất đủ điều kiện đấu giá theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng các cơ sở nhà, đất trên địa bàn và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai thực hiện còn chậm so với thời hạn quy định, gây lãng phí tài sản công và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

Vì thế, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Tài chính, UBND TP. Đà Lạt khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục để đảm bảo điều kiện tổ chức đấu giá (chậm nhất trong tháng 4/2024) đối với các cơ sở nhà, đất tại Nhà hàng Thủy Tạ, Khách sạn Golf 3, Dinh 1, không để kéo dài gây lãng phí tài sản công và thất thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, tổ chức quản lý chặt chẽ các tài sản nêu trên trong thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tổ chức đấu giá.

Trường hợp các đơn vị được Nhà nước cho thuê trước đây chưa tổ chức bàn giao cho địa phương và vẫn đang tổ chức kinh doanh tại các vị trí này thì phải xác định nghĩa vụ tài chính trong thời gian sử dụng theo quy định và tiến hành truy thu tiền thuê đất, tiền thuê nhà và các khoản thuế, phí khác cho ngân sách nhà nước.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tuyệt đối không để thất thu ngân sách nhà nước của các địa chỉ nhà, đất trong thời gian chưa thanh lý hợp đồng hoặc chờ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tổ chức bán đấu giá.

Bộ Công an và Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc kiểm tra "siêu dự án" Đại Ninh

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Vụ Địa bàn VII - Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang tiến hành kiểm tra một số nội dung liên quan đến Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại Lâm Đồng.

Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Lâm Đồng)

Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Lâm Đồng)

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo HĐND Tỉnh tình hình thực hiện Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.

Theo báo cáo, dự án này được UBND Tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh vào ngày 30/12/2010.

Diện tích thực hiện Dự án là 3.595,45 ha (trong đó diện tích mặt nước là 1.959,87 ha) nằm tại các xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng với tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tiến độ đầu tư từ năm 2010 đến 2018.

Dự án này đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư (thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, quy hoạch) và xây dựng một số hạng mục công trình (1 hội trường diện tích 100 m2, 1 hội trường phần thô, 15 căn nhà chuyên gia); san gạt đường giao thông (đường đất) và một số đoạn đường rải đá cấp phối.

“Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Vụ Địa bàn VII - Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra một số nội dung liên quan đến Dự án”, UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo.

Việt Nam vượt Chile đứng thứ 2 về xuất rau quả sang Trung Quốc

Nhờ xuất khẩu sầu riêng tăng vọt, Việt Nam đã vượt Chile thành nước xuất khẩu rau quả lớn thứ 2 sang Trung Quốc.

Vườn sầu riêng tại xã Tân Lập (Tân Thạnh, Long An)

Vườn sầu riêng tại xã Tân Lập (Tân Thạnh, Long An)

Số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, năm 2023, xuất khẩu rau, củ, quả và sản phẩm chế biến của các nước sang Trung Quốc đạt 24,4 tỷ USD. Trong đó, Thái Lan tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch 8,6 tỷ USD, chiếm 36% thị phần tại thị trường này. So với cùng kỳ năm 2022, thị phần của Thái Lan giảm gần 2%.

Đứng vị trí thứ 2 là Việt Nam với kim ngạch 3,4 tỷ USD. Thị phần tăng gần gấp đôi từ 8% năm 2022 lên 14% năm 2023. Việt Nam nổi lên như một hiện tượng và vượt Chile - quốc gia nhiều năm liền đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nguyên nhân khiến Việt Nam vượt Chile là nhờ kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến. Ngoài ra, năm qua, Trung Quốc cũng tăng nhập rau quả chế biến từ Việt Nam nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng vọt.

Hiện Việt Nam là đối thủ "nặng ký" mà Chile và Thái Lan dè chừng. Năm nay, khi sầu riêng đông lạnh, bơ, dừa của Việt Nam được xuất chính ngạch sang Trung Quốc, kim ngạch dự kiến sẽ bùng nổ và thị phần giữa các nước xuất khẩu vào Trung Quốc tiếp tục được chia lại. Ngoài nguồn cung dồi dào, Việt Nam đang có lợi thế hơn hai quốc gia trên về chi phí, thời gian vận chuyển. Khí hậu Việt Nam cũng thuận lợi hơn so với các quốc gia trên.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng áp đảo 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.

Lấy ý kiến dân cư về các phân khu rộng 16.200 m2 đô thị mới Cam Lâm

UBND huyện Cam Lâm cho biết, đang lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) của phân khu 1, 3 và 4 rộng hơn 16.200 m2 thuộc đồ án quy hoạch đô thị mới Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa).

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045

Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về đồ án quy hoạch phân khu được thực hiện bằng phiếu góp ý thông qua hình thức trưng bày công khai, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc giới thiệu đồ án quy hoạch tại các hội nghị.

Phạm vi triển khai thực hiện tổ chức lấy ý kiến gồm Phân khu 1 (khu vực nghiên cứu có tổng diện tích 3.603 ha, thuộc xã Cam Hải Đông), phân khu 3 (khu vực nghiên cứu có tổng diện tích 7.057 ha, thuộc một phần các xã Suối Tân, Cam Tân, Cam Hòa, Cam Hải Tây, Cam Hải Đông, Cam Hiệp Bắc và thị trấn Cam Đức) và phân khu 4 (khu vực nghiên cứu có tổng diện tích 5.652 ha, thuộc một phần các xã Cam Thành Bắc, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Nam, Cam An Bắc, Cam Hải Tây, Cam Hải Đông và thị trấn Cam Đức).

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến 2045. Khu vực quy hoạch đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Cam Lâm, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 54.719 ha, không bao gồm diện tích đầm Thủy Triều.

Bình Dương xây hầm chui hơn 1.000 tỷ đồng trên Quốc lộ 13

Hầm chui ngã năm Phước Kiến dài hơn 600 m ở phường Hiệp Thành, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương có vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc trên Quốc lộ 13.

Công nhân khảo sát địa chất trước khi khởi công Dự án hầm chui ngã năm Phước Kiến

Công nhân khảo sát địa chất trước khi khởi công Dự án hầm chui ngã năm Phước Kiến

Thông tin trên được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết ngày 9/3. Hiện, đơn vị chức năng đã triển khai khảo sát và thi công khoan khảo sát địa chất công trình.

Hầm Phước Kiến được xây bằng bê tông cốt thép, tuổi thọ thiết kế 100 năm; tĩnh không 5 m; vận tốc thiết kế hầm và đường gom hai bên 40 km/h. Hầm làm theo hướng từ đường Huỳnh Văn Cù đến Phạm Ngọc Thạch. Đường dẫn hai đầu hầm dài gần 230 m, chiều dài của tuyến khoảng 630 m. Công trình có tổng kinh phí 1.050 tỷ đồng, thi công trong hai năm.

Ngã năm Phước Kiến là trục giao thông quan trọng trên Quốc lộ 13 đi qua TP. Thủ Dầu Một, kết nối quốc lộ này với các đường Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Cù, Nguyễn Văn Tiết. Khi hoàn thành, công trình sẽ giải tỏa được lượng xe từ các hướng ra Quốc lộ 13 và về thành phố mới Bình Dương, giúp giảm ùn tắc cho khu vực.

Quốc lộ 13 dài hơn 145 km, đi qua TP.HCM, Bình Dương và Bình Phước là một trong những tuyến huyết mạch ở Đông Nam Bộ. Trong khi đoạn chạy qua hai tỉnh lân cận thường xuyên được nâng cấp, mở rộng thì hơn 5 km qua TP.HCM (từ cầu Bình Triệu đến cầu vượt Bình Phước) chỉ 4 - 6 làn, tạo "nút thắt cổ chai", thường xuyên ùn tắc.

Hơn 100 tấn rác, lục bình phủ đầy kênh Nhiêu Lộc

Hơn 100 tấn rác và lục bình phủ đầy đoạn cuối kênh Nhiêu Lộc (TP.HCM), bốc mùi hôi thối do đơn vị thu gom không được gia hạn hợp đồng xử lý chất thải.

Rác, lục bình ngập đoạn cuối kênh Nhiêu Lộc, qua quận Tân Bình, TP.HCM

Rác, lục bình ngập đoạn cuối kênh Nhiêu Lộc, qua quận Tân Bình, TP.HCM

Sáng 9/3, đoạn kênh Nhiêu Lộc dài hơn 30 m từ cầu số 2 đến cầu số 1 chảy qua Phường 4, quận Tân Bình ngập rác, lục bình. Thùng xốp, túi nilon, tấm nệm mút, ly nhựa, xác động vật nổi lềnh bềnh trên mặt nước, bốc mùi hôi thối.

Đại diện đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM) cho biết, do đơn vị phụ trách chưa ký biên bản đấu thầu hợp đồng mới với Trung tâm Quản lý đường thủy TP.HCM, nên từ giữa tháng 2 đến nay rác không được xử lý.

Theo đại diện đội này, hợp đồng cũ đã hết hạn từ 31/12/2023, sau đó đội vẫn làm thêm một thời gian trước khi buộc phải ngừng do không có kinh phí. Thông thường, đội phải vớt hơn 10 tấn rác mỗi ngày để ngăn ô nhiễm dòng kênh. Lượng rác tồn đọng ở kênh đến nay đã hơn 100 tấn. Nếu có hợp đồng mới phải mất khoảng nửa tháng để xử lý.

Với chiều dài gần 10 km, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn. Sau khi hoàn thành cải tạo hơn 10 năm trước, đây được xem là dòng kênh đẹp nhất nội đô TP.HCM.

Hiện, bắc qua kênh này có nhiều cầu lớn như Thị Nghè, Điện Biên Phủ, Bông, Hoàng Hoa Thám, Công Lý... Ngoài ra, còn một số cầu nhỏ hơn có tên số từ 1 đến 8 bắc qua kênh. Tất cả các cầu này đều cho xe chạy.

Tin cùng chuyên mục