Bản tin thời sự sáng 10/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cho thuê vỉa hè ở 11 tuyến đường trung tâm TP.HCM; công an điều tra dự án khu dân cư Cồn Tân Lập có vị trí đắc địa ở Nha Trang; Quảng Ninh lần thứ 7 đứng đầu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thanh tra 19 doanh nghiệp bất động sản, kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.400 tỷ đồng…

Cho thuê vỉa hè ở 11 tuyến đường trung tâm TP.HCM

11 tuyến đường có vỉa hè rộng ở trung tâm được Quận 1 (TP.HCM) thí điểm cho sử dụng một phần tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa có thu phí.

Vỉa hè đường Hoàng Sa, phường Đa Kao, Quận 1

Vỉa hè đường Hoàng Sa, phường Đa Kao, Quận 1

Theo kế hoạch của Quận, thời gian thí điểm thực hiện từ nay đến hết ngày 30/9. Các tuyến đường bao gồm: Hoàng Sa, Mạc Đĩnh Chi, Hải Triều, Chu Mạnh Trinh, Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo, Cô Bắc, Võ Văn Kiệt.

Trước đó, Quận 1 lên danh mục 52 tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện sử dụng một phần tổ chức hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hoá và 12 tuyến cho giữ xe có thu phí. Việc thí điểm trước 11 tuyến được đưa ra nhằm hoàn thiện, chuẩn hoá công tác quản lý và đăng ký sử dụng một phần vỉa hè phố làm điểm kinh doanh, mua bán trên địa bàn.

Địa phương cho biết sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý việc cho thuê vỉa hè. Trong đó, Quận triển khai phần mềm tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố, giúp người dân thuận tiện tìm kiếm các thông tin liên quan khi có nhu cầu sử dụng vỉa hè và đóng phí.

Tháng 7 năm ngoái, TP.HCM ban hành quyết định mới về quản lý và sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố, thay quyết định cũ đã áp dụng 15 năm. Trên cơ sở này, HĐND Thành phố ban hành mức phí để áp dụng cho từng trường hợp sử dụng vỉa hè, lòng đường, hiệu lực từ đầu năm nay. Ngoài Quận 1, nhiều quận huyện khác trên địa bàn cũng đang rà soát, lập danh mục các tuyến đủ điều kiện tổ chức các hoạt động có thu phí.

Hiện, các trường hợp được sử dụng một phần lòng đường, hè phố và đóng tiền, gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm giữ ôtô phục vụ hoạt động văn hóa; điểm kinh doanh dịch vụ, mua - bán hàng hóa; giữ xe có thu tiền dịch vụ; nơi trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị...

Theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải, vỉa hè thuộc diện cho sử dụng một phần phải rộng ít nhất 3 m, trong đó 1,5 m dành cho người đi bộ. Còn với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất 2 làn ôtô cho một chiều đi, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.

Công an điều tra dự án khu dân cư Cồn Tân Lập có vị trí đắc địa ở Nha Trang

Công an tỉnh Khánh Hòa đang xác minh, điều tra vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thu hồi đất và giao đất để thực hiện Dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập, phường Xương Huân, TP. Nha Trang.

Dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập chậm tiến độ đưa vào sử dụng

Dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập chậm tiến độ đưa vào sử dụng

Ngày 9/5, nguồn tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Khánh Hòa cho biết, đơn vị này đang rà soát hồ sơ để cung cấp cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa liên quan đến Dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập, phường Xương Huân, TP. Nha Trang.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Sở TN&MT cho biết đang xác minh, điều tra vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thu hồi đất và giao đất để thực hiện Dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập. Để phục vụ quá trình xác minh và điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở TN&MT Tỉnh cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan đến vụ việc.

Cụ thể, Công an tỉnh Khánh Hòa yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình triển khai thực hiện Dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; nghĩa vụ tài chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tiến độ thực hiện dự án, xử lý vi phạm...

Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu Sở cung cấp hồ sơ xung quanh việc dự án có nằm trong kế hoạch sử dụng đất của TP. Nha Trang đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt không; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất TP. Nha Trang đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt không; có thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai không.

Bên cạnh đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu làm rõ, quá trình triển khai thực hiện Dự án có vi phạm pháp luật về đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường không; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lãnh đạo Sở TN&MT Khánh Hòa trong quá trình triển khai thực hiện Dự án; danh sách các cá nhân liên quan đến việc tham mưu cho UBND Tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện.

Quảng Ninh lần thứ 7 đứng đầu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Quảng Ninh lần thứ bảy liên tiếp giữ ngôi đầu, Long An, Đồng Tháp có tiến bộ vượt bậc, PCI của hai đầu tàu kinh tế TP.HCM, Hà Nội vẫn giảm.

Một góc thành phố Hạ Long, Quảng Ninh

Một góc thành phố Hạ Long, Quảng Ninh

Sáng 9/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023. Chỉ số này được thực hiện định kỳ từ năm 2005, là một trong những chỉ báo đánh giá khả năng xây dựng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của chính quyền các địa phương.

Kết quả PCI 2023 được đưa ra dựa trên khảo sát từ 11.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 9.100 công ty tư nhân trong nước và 1.500 doanh nghiệp FDI.

Tương tự năm ngoái, PCI 2023 chỉ đề cập 30 địa phương có điểm số cao nhất, nhằm khuyến khích sự tập trung, nỗ lực thay đổi của các tỉnh, thành dẫn đầu.

Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân năm thứ bảy liên tiếp với 71,25 điểm. Địa phương này từ 2017 đến nay luôn giành vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính.

Tỉnh này vượt kỷ lục 6 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hàng PCI trước đó của Đà Nẵng. Địa phương này ghi dấu trong giảm thiểu gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, khi chỉ số thành phần chi phí thời gian cao nhất cả nước. Cùng đó, Quảng Ninh đứng thứ hai về chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp; thứ ba cả nước về nỗ lực cắt giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các địa phương đứng đầu như Quảng Ninh đang có xu hướng chững lại. So với năm ngoái, điểm tổng của tỉnh này giảm 1,7 điểm, từ mức 72,95 năm ngoái.

Long An là địa phương đứng thứ hai, với 70,94 điểm, khi ghi nhận bước tiến về điểm số và tăng 8 bậc so với 2022. Các doanh nghiệp đánh giá cao địa phương này về nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức, chất lượng, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính.

Ngoài Quảng Ninh, Long An, các tỉnh nằm trong top 5 địa phương dẫn đầu còn có tỉnh Hải Phòng (70,34 điểm); Bắc Giang (69,75 điểm) và Đồng Tháp (69,66 điểm).

Phú Thọ lần đầu tiên có mặt trong 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước. Địa phương này được các doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng đào tạo lao động.

Trong khi nhiều địa phương có cải thiện thứ hạng PCI, TP.HCM vẫn duy trì vị trí thứ 27; Hà Nội tụt 8 bậc, đứng thứ 28.

Thanh tra 19 doanh nghiệp bất động sản, kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.400 tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, qua thanh tra 19 doanh nghiệp bất động sản đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.400 tỷ đồng. Hết năm 2023, vẫn có một số “ông lớn” như Handico nợ hơn 731,8 tỷ đồng.

Giai đoạn 2015 - 2023, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra và kết luận thanh tra tại 19 đơn vị có ngành nghề kinh doanh bất động sản

Giai đoạn 2015 - 2023, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra và kết luận thanh tra tại 19 đơn vị có ngành nghề kinh doanh bất động sản

Bộ Tài chính vừa có báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo đó, giai đoạn 2015 - 2023, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra và kết luận thanh tra tại 19 đơn vị có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Bộ đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.418 tỷ đồng; trong đó yêu cầu nộp ngân sách nhà nước 493,1 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 999,8 tỷ đồng.

Số tiền các cơ quan thanh tra kiến nghị xử lý tài chính chủ yếu liên quan đến tiền sử dụng đất, kê khai nộp thiếu các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, xác định sai thuế suất ưu đãi…

Loạt các doanh nghiệp bị thanh tra, yêu cầu xử lý tài chính đều là các “ông lớn” trên thị trường bất động sản như: Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng UDIC, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty IDICO-CTCP, Tổng công ty 319 BQP, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico)…

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, đến 31/12/2023, các đơn vị và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản được thanh tra đã cơ bản thực hiện nghiêm túc các kiến nghị và nộp ngân sách.

Chỉ còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện xong do vướng mắc về xác định giá trị tiền sử dụng đất, phân bổ chi phí hạ tầng kỹ thuật, chuyển nhượng tài sản… dẫn đến chậm quyết toán, chậm thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan.

Trong đó tính đến cuối năm 2023, có một số doanh nghiệp như: Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico) nợ hơn 731,8 tỷ đồng, Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị nợ hơn 8,2 tỷ đồng, Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) nợ hơn 16,7 tỷ đồng…

Nhiều sai phạm tại Khu công nghiệp Tân Bình ở Bình Dương

Thanh tra tỉnh Bình Dương đã có kết luận, chỉ ra một số sai phạm liên quan đến Khu công nghiệp Tân Bình.

Khu công nghiệp Tân Bình

Khu công nghiệp Tân Bình

Ngày 9/5, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương công bố Kết luận thanh tra về kết quả trình tự đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Tân Bình do Công ty CP Khu công nghiệp Tân Bình làm chủ đầu tư.

Khu công nghiệp Tân Bình có vị trí tại thị trấn Tân Bình (huyện Bắc Tân Uyên) và xã Hưng Hòa (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương).

Theo kết luận thanh tra, Công ty Tân Bình chưa thực hiện thủ tục điều chỉnh diện tích Khu công nghiệp theo Nghị định 29 của Chính phủ. Sau khi UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt điều chỉnh địa chỉ hành chính của Khu công nghiệp Tân Bình (do tách huyện Tân Uyên), Chủ đầu tư chưa cập nhật lại vị trí của khu công nghiệp trong các văn bản, cụ thể cần ghi rõ: Khu công nghiệp Tân Bình, tại thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên và xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng.

Về thực hiện thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt dự án, cấp giấy phép xây dựng, từ tháng 8/2014, Công ty Tân Bình bắt đầu triển khai thi công xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án. Tuy nhiên, tại thời điểm trên, dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Tân Bình có điều chỉnh quy mô các tuyến đường. Đến nay, Chủ đầu tư chưa lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án và chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng cho các nội dung đã được điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng.

Về đầu tư xây dựng, công trình hạ tầng khu công nghiệp Tân Bình chưa đầu tư hoàn chỉnh và dự án chưa có đầy đủ hồ sơ về quản lý chất lượng trong quá trình thi công. Chưa được thẩm định an toàn giao thông theo quy định, tổ chức nghiệm thu không đúng trình tự, thủ tục quy định về công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC)...

Từ những hạn chế, tồn tại và sai phạm nêu trên, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương kiến nghị UBND Tỉnh tổ chức kiểm tra tình hình đầu tư xây dựng trong Khu công nghiệp Tân Bình; chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Tân Bình do đã có hành vi vi phạm tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.

Khởi tố 23 bị can liên quan đến đường dây buôn lậu trên 200 triệu lít xăng

Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, củng cố hồ sơ, tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi phạm tội của các tổ chức, cá nhân để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Lực lượng công an khám xét một trạm xăng ở Đồng Nai

Lực lượng công an khám xét một trạm xăng ở Đồng Nai

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an Tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 23 đối tượng để điều tra về hành vi buôn lậu.

Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai phê chuẩn.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Viện Kiểm sát Nhân dân Tỉnh và các đơn vị nghiệp vụ đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú; thi hành lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với 6 bị can trong vụ án trên địa bàn TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Long An. Lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều tang vật, tài liệu liên quan đến vụ án.

Đây là kết quả của việc mở rộng điều tra vụ án buôn lậu liên quan đến chuyên án do Công an tỉnh Đồng Nai xác lập vào tháng 9/2020, để đấu tranh với đường dây buôn lậu trên 200 triệu lít xăng, tương ứng với tổng giá trị hàng hóa phạm pháp trên 2.690 tỷ đồng từ Singapore về Việt Nam, tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố phía Nam, khu vực miền Trung Tây Nguyên.

Trước đó, ngày 17/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định số 72/QĐ-CSKT-Đ3 khởi tố vụ án hình sự "buôn lậu” xảy ra tại tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố khác để tiến hành điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng có dấu hiệu tội phạm chưa bị xử lý ở giai đoạn 1 của vụ án.

Tin cùng chuyên mục