Chuẩn bị khởi công đường băng số 2 Sân bay Long Thành
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang hoàn tất thủ tục để khởi công đường băng số 2 Sân bay Long Thành vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
![]() |
Nhà ga sân bay Long Thành đang thi công |
Thông tin trên được đại diện ACV cho biết tại cuộc họp của Bộ Xây dựng. Đường băng số 2 sẽ được thi công trong 12 tháng, bảo đảm khai thác cùng đường băng số 1, khi Sân bay Long Thành hoạt động đồng bộ vào nửa đầu năm 2026.
Đến nay, đường cất hạ cánh số 1 đã hoàn thành các hạng mục điện, ánh sáng, sẵn sàng phục vụ bay hiệu chuẩn, rút ngắn tiến độ 3 tháng so với kế hoạch.
Đối với hai tuyến giao thông kết nối Sân bay Long Thành, đường T1 dài 4,3 km kết nối sân bay với nút giao Quốc lộ 51 đã cơ bản hoàn thành, thảm xong 2/3 lớp bê tông nhựa trong tháng 4. Tuyến T2 dài 3,5 km nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang được thi công tăng tốc để về đích dịp 2/9.
Các hạng mục sân đỗ máy bay, khu cung cấp nhiên liệu đáp ứng tiến độ theo yêu cầu, cơ bản hoàn thành cuối năm 2025.
Hiện Gói thầu 4.8 Thi công xây dựng giao thông nội cảng và hạ tầng kỹ thuật cảng đang được các nhà thầu dồn lực ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ. Gói thầu có khối lượng công việc lớn với hơn 20.000 đầu việc. Phần cống thoát nước, hầm kỹ thuật dài hơn 22 km phấn đấu tháng 6 sẽ hoàn thành.
Theo lãnh đạo ACV, thách thức lớn nhất đối với Dự án là thiếu vật liệu xây dựng, đặc biệt là đá - chưa đáp ứng tiến độ thi công. Các tháng qua, mỗi ngày công trường chỉ có 12.000 m3 đá thi công trong khi yêu cầu cần 20.000 m3. Sở dĩ công trường duy trì được tiến độ là nhờ trước Tết, Chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu chủ động tập kết được gần 1 triệu m3.
Để bảo đảm tiến độ Dự án, Chủ đầu tư kiến nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng có ý kiến để địa phương tạo điều kiện khơi thông nguồn vật liệu.
Bộ Y tế thu hồi 9 loại mỹ phẩm
Bộ Y tế thu hồi 9 loại mỹ phẩm của Công ty TNHH Thương mại tổng hợp và Dịch vụ Linh Anh (Phú Thọ), sau khi phát hiện các nhãn sản phẩm ghi công dụng không đúng với hồ sơ đã công bố.
![]() |
Bộ Y tế gần đây liên tục phát hiện mỹ phẩm, dược phẩm giả, kém chất lượng. Ảnh minh họa |
Quyết định của Bộ Y tế vừa được ban hành dựa trên báo cáo kiểm tra của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, liên quan đến Công ty Linh Anh, trụ sở tại huyện Thanh Ba.
Trong số các sản phẩm bị thu hồi, Zunya Shiny Facial Cleanser và Zunya Collagen 3D Perfect Whitening Cream Make up bị phát hiện có công thức và nhãn ghi công dụng không đúng với hồ sơ công bố.
7 sản phẩm còn lại gồm Zunya Nano Collagen Whitening Day Cream SPF 50+++; Zunya Serum Nano Collagen 3D Spot Whitening; Zunya Cleansing Water; Zunya Steam Cell Serum; Zunya Pure Clean Peeling Gel; Zunya Essence Suncream SPF 50+/PA+++ UVA/UVB Protection; và Sakenzin Whitingday Cream đều bị thu hồi vì lý do nhãn công dụng không thống nhất với hồ sơ đã đăng ký.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, người mua... tạm dừng ngay việc lưu hành, sử dụng 9 sản phẩm trên và hoàn trả chúng về nơi cung ứng. Các sản phẩm vi phạm cần được thu hồi và xử lý theo quy định hiện hành. Đồng thời, Công ty Linh Anh phải gửi thông báo thu hồi tới các điểm phân phối, sử dụng,..., sau đó tiếp nhận sản phẩm trả lại.
Gần đây, Bộ Y tế liên tục phát hiện thuốc, mỹ phẩm, sản phẩm giả, kém chất lượng. Ngày 7/5, Cục Quản lý dược đã yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo do không đạt chất lượng.
KBC đầu tư thêm khu công nghiệp hơn 140 ha tại Bắc Ninh
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) là nhà đầu tư Dự án Khu công nghiệp Quế Võ mở rộng 2, vốn đầu tư gần 1.900 tỷ đồng.
![]() |
KBC đầu tư bất động sản khu công nghiệp tại Bắc Ninh từ năm 2003. Ảnh minh họa |
Theo thông tin vừa được KBC công bố, Dự án Khu công nghiệp Quế Võ mở rộng 2 có diện tích 140,34 ha, nằm tại xã Mỗ Đạo, xã Yên Giả và phường Phượng Mao, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Tổng vốn đầu tư của Dự án là 1.878 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Dự án này được KBC định hướng đầu tư xây dựng trở thành khu công nghiệp đa ngành, công nghệ cao, tập trung thu hút đầu tư trong lĩnh vực điện tử, linh kiện điện tử, cơ khí chính xác. Điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh Bắc Ninh.
KBC bắt đầu đầu tư bất động sản khu công nghiệp tại Bắc Ninh từ năm 2003, thu hút hàng trăm dự án FDI trong các lĩnh vực điện tử, cơ khí chính xác như Foxconn, Canon, Goertek, Nippon Zoki, Hanwha Techwin, Mitac... Hai dự án khu công nghiệp Quế Võ và Quế Võ mở rộng của chủ đầu tư này có tổng diện tích 611 ha, hiện lấp đầy 100%.
Với Khu công nghiệp Quế Võ mở rộng 2, doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm đặt mục tiêu bàn giao đất cho các nhà đầu tư trong năm nay. Hiện tại, KBC đang đẩy nhanh thủ tục, tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng và chuẩn bị triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật.
Ba tháng đầu năm nay, KBC đạt doanh thu trên 3.110 tỷ đồng, tăng gần 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, lãi sau thuế của Công ty đạt gần 850 tỷ, trong khi quý I/2024 lỗ khoảng 76,7 tỷ đồng. Trong quý I, chủ đầu tư này đã ký cho thuê 68 ha đất, chiếm hơn 30% diện tích đất khu công nghiệp cho thuê cả năm nay.
Rà soát hệ thống đê điều cả nước
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa yêu cầu các địa phương kiểm tra hiện trạng đê điều, có phương án đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ.
![]() |
Đê xã Quyết thắng, Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bị vỡ ngày 11/9/2024 sau bão Yagi |
Yêu cầu trên được đưa ra dựa trên hai nguyên nhân. Thứ nhất, bão Yagi tháng 9/2024 đã gây ra đợt lũ diện rộng trên 7 tuyến sông chính của 25 tỉnh, thành miền Bắc và Thanh Hóa. Lũ đã gây ra 805 sự cố đê điều, trong đó có nhiều sự cố "đặc biệt nguy hiểm" uy hiếp hầu hết hoạt động kinh tế xã hội từ vùng núi đến đồng bằng.
Thứ hai, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đánh giá, từ tháng 7, bão, áp thấp nhiệt đới sẽ hoạt động mạnh với số lượng xấp xỉ trung bình nhiều năm (11 - 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 4 - 6 cơn ảnh hưởng đến đất liền). Tổng lượng mưa ở hầu hết khu vực được dự báo tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường lưu ý các địa phương chú ý hệ thống cống dưới đê, đặc biệt là cống đã xảy ra sự cố như Cẩm Đình, Liên Mạc (Hà Nội); Tắc Giang (Hà Nam); Long Phương, Văn Thai (Bắc Ninh); Đa Mai, cống Bún, Đa Hội (Bắc Giang); Liên Nghĩa (Hưng Yên); Triệu Đề (Vĩnh Phúc); Ngọc Quang, Nổ Thôn (Thanh Hóa)...
Để khắc phục các sự cố, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị địa phương tập trung nguồn lực, bao gồm cả ngân sách và xã hội hóa. Với các phương án được duyệt cần chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ cho từng tuyến đê, công trình thủy lợi, đồng thời có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân, kể cả vật tư, thiết bị của doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn để sử dụng khi xảy ra sự cố.
Ngoài ra, cơ quan trung ương yêu cầu các địa phương tổ chức diễn tập phương án hộ đê, ứng phó khẩn cấp; kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin liên lạc để khắc phục kịp thời thiếu sót.
Thiên tai năm 2024 đã làm 519 người chết, mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế hơn 89.000 tỷ đồng.
TP.HCM còn hơn 17.200 nhà đất vướng mắc chưa được cấp sổ hồng
TP.HCM đã tháo gỡ hơn 78% hồ sơ vướng mắc cấp sổ hồng cho nhà ở thương mại, 22% còn lại chưa xử lý xong do vướng khâu định giá đất và đang bị thanh tra.
![]() |
TP.HCM còn hơn 17.200 nhà đất vướng mắc chưa được cấp sổ hồng. Ảnh minh họa |
Báo cáo về tình hình tháo gỡ khó khăn trong giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) tại các dự án nhà ở thương mại, Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM (thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường) thông tin, tính đến tháng 4, TP.HCM đã tháo gỡ vướng mắc, cấp sổ hồng cho 63.821 hồ sơ nhà đất, đạt 78,7%.
Hiện tại, Thành phố còn 17.264 căn nhà chưa được cấp sổ hồng (chiếm khoảng 22%). Đa phần các dự án chưa cấp sổ thuộc nhóm dự án đang bị thanh tra, điều tra, một số chưa xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh quy hoạch, nên chưa hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, Thành phố cũng còn nhiều trường hợp chưa thể cấp sổ hồng vì chủ đầu tư hoặc người dân chưa nộp hồ sơ.
Với nhóm hồ sơ còn lại này, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ thực hiện phân nhóm, phân loại vướng mắc và giải quyết dứt điểm trong năm nay. Riêng nhóm dự án đang thanh tra, điều tra, việc tháo gỡ sẽ phụ thuộc tiến độ xử lý của các cơ quan liên quan.
Theo báo cáo từ UBND TP.HCM, những năm qua, Thành phố tồn hơn 81.085 căn nhà thuộc 335 dự án đã đủ điều kiện nhưng chưa thể hoàn tất cấp sổ hồng, do phát sinh 6 nhóm vướng mắc gồm: nhóm chờ thuế; nhóm dự án chậm nộp hồ sơ giấy chứng nhận; nhóm bất động sản mới; nhóm dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung; nhóm dự án có vướng mắc khác; và nhóm dự án đang thanh tra, điều tra. Để gỡ vướng số dự án trên, Thành phố đã lập tổ công tác vào tháng 11/2024, với đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Trong 3 tháng đầu năm, TP.HCM đã cấp khoảng 100.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, trong đó có 138 giấy cấp lần đầu. Đáng chú ý, hơn 92.500 giấy chứng nhận (tương ứng 92%) được cấp từ hồ sơ biến động do chuyển nhượng. Số còn lại là giấy chứng nhận cho người mua nhà trong các dự án.
Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng ở Thanh Hóa thành cơ sở đào tạo bóng đá
Sau hơn 10 năm chủ yếu bỏ hoang, Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa) hơn 160 tỷ đồng sẽ được giao làm nơi đào tạo vận động viên bóng đá cho Tỉnh.
![]() |
Toàn cảnh Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng |
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa thống nhất phương án giao công trình Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng cho Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Tỉnh làm nơi ở, tập luyện cho vận động viên đội tuyển thể thao thành tích cao.
Lãnh đạo Tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc quá trình triển khai đúng tiến độ, tuân thủ quy định pháp luật.
Theo phương án đề xuất, Trung tâm Đào tạo bóng đá Thanh Hóa sẽ sử dụng toàn bộ hơn 3,3 ha của Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng với các khối công trình có tổng diện tích xây dựng gần 4.200 m2.
Cụ thể, khu nhà trung tâm 2 tầng (một tầng bán hầm và một tầng nổi) dự kiến sẽ dùng làm nơi cho vận động viên tập thể lực, massage, vật lý trị liệu, nhà ăn, hội trường, phòng học... Khu này có sức chứa 300 - 400 người.
Khu nhà đón tiếp và thông tin hiện trạng (2 tầng) sẽ dành để các vận động viên, quản sinh ở. Năm căn nhà sinh thái 2 tầng phía sau dành cho các chuyên gia, huấn luyện viên, khu hành chính và bộ phận y tế. Hệ thống sân vườn dự kiến được tận dụng lại để cải tạo làm sân tập, không gian cây xanh, đường dạo...
Ngoài tiếp nhận nguyên trạng toàn bộ hạng mục thuộc Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch còn đề nghị UBND Tỉnh xem xét, cho phép làm thêm một số công trình phụ trợ khác như bể bơi; xây mới một khu nhà ở cho vận động viên gồm 4 tầng, mỗi tầng khoảng 845 m2, sức chứa khoảng 250 vận động viên.
Sở cũng đề xuất bố trí thêm một khu đất có diện tích khoảng 11 ha, cách Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng 700 m về phía Bắc (khu đất thuộc Dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Kim Quy) để làm 8 sân bóng nhân tạo, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, thi đấu cho vận động viên.
Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng được khởi công xây dựng tháng 6/2013, đưa vào sử dụng cuối năm 2014. Dự án sau nhiều lần điều chỉnh có tổng mức đầu tư hơn 160 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á và khoảng 10% vốn đối ứng từ ngân sách trung ương.
Năm 2020, trung tâm này được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung trong đại dịch Covid-19 nhưng chỉ sử dụng ít tháng, sau đó bỏ hoang đến nay.
Công an Đà Nẵng cảnh báo chiêu lừa cài app "Cổng dịch vụ công quốc gia"
Kẻ gian giả danh cán bộ yêu cầu cài app "Cổng dịch vụ công quốc gia" để chiếm quyền điều khiển điện thoại.
![]() |
Ứng dụng "Cổng dịch vụ công quốc gia" giả mạo |
Ngày 9/5, Công an Đà Nẵng phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới khi kẻ gian giả danh cán bộ nhà nước, dụ người dân cài phần mềm giả mạo "Cổng dịch vụ công quốc gia" để chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, Công an phường An Khê (TP. Đà Nẵng) tiếp nhận trình báo của nữ nạn nhân 33 tuổi, về việc bị lừa hơn 130 triệu đồng. Kẻ lừa đảo đã giả danh cán bộ nhà nước, gọi điện yêu cầu chị cài phần mềm "Cổng dịch vụ công quốc gia" để xác thực thông tin. Sau khi cài đặt, ứng dụng này đã chiếm quyền điều khiển điện thoại, từ đó lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng và thực hiện chuyển tiền trái phép.
Theo Công an Đà Nẵng, thủ đoạn lừa đảo trên đang được các nhóm tội phạm công nghệ cao sử dụng phổ biến với chiêu giả danh công an, cán bộ toà án, ngân hàng... để yêu cầu người dân truy cập website, tải ứng dụng giả.
Sau khi nạn nhân làm theo, kẻ gian dễ dàng theo dõi và điều khiển thiết bị từ xa, chiếm đoạt tài sản thông qua việc truy cập vào ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử.
Công an khuyến cáo người dân cảnh giác với các cuộc gọi yêu cầu xác minh tài khoản, phong toả tiền hoặc điều tra hình sự; tuyệt đối không cài đặt ứng dụng từ đường link lạ, không cung cấp mã OTP, mật khẩu hay bất kỳ thông tin cá nhân nào cho người lạ tự xưng là cán bộ Nhà nước.