Bản tin thời sự sáng 10/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Công Thương yêu cầu EVN giải quyết với 14 dự án điện mặt trời bị áp sai giá; thông xe cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu trước ngày 2/9; TP.HCM chuyển hơn 2.400 ha đất ở Cần Giờ sang diện phi nông nghiệp; Bộ Công an bỏ đề xuất thay đổi phân hạng giấy phép lái xe…

Bộ Công Thương yêu cầu EVN giải quyết với 14 dự án điện mặt trời bị áp sai giá

EVN được yêu cầu rà soát, đề xuất giải pháp xử lý với 14 dự án điện mặt trời đã và đang hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng Nghị quyết 115 của Chính phủ và báo cáo Bộ Công Thương trước ngày 31/8.

EVN đã phải trả thêm khoảng 1.481 tỷ đồng cho 14 dự án điện mặt trời bị áp sai giá. Ảnh minh họa

EVN đã phải trả thêm khoảng 1.481 tỷ đồng cho 14 dự án điện mặt trời bị áp sai giá. Ảnh minh họa

Bộ Công Thương vừa yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát, tổng hợp và đề xuất giải pháp xử lý kinh tế với 14 dự án điện mặt trời đã và đang được hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng với nội dung Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018.

Cụ thể, các dự án bao gồm Nhà máy Hacom Solar, Sinenergy Ninh Thuận 1, Thuận Nam Đức Long, Thiên Tân solar Ninh Thuận, Phước Ninh, Mỹ Sơn 2, Mỹ Sơn, Solar Farm Nhơn Hải, Bầu Zôn, Thuận Nam 12, SP Infra1, Adani Phước Minh, Hồ Bầu Ngứ (ngăn 473), Nhà máy điện mặt trời 450MW kết hợp trạm 500kV Thuận Nam và Đường dây 500kV, 220kV.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết có 14 dự án trên được áp dụng giá điện hỗ trợ (FIT) 9,35 UScent/kWh không đúng đối tượng tại Nghị quyết số 115. Do vậy, từ năm 2020 đến ngày 30/6/2022, EVN đã phải thanh toán tăng khoảng 1.481 tỷ đồng (tạm tính) so với việc thanh toán theo đúng đối tượng.

Với các dự án điện mặt trời, điện gió nối lưới trên toàn quốc đã được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) theo giá FIT, EVN được yêu cầu báo cáo, cung cấp các căn cứ theo quy định của pháp luật để thực hiện các thỏa thuận chuyên ngành điện lực; ký kết hợp đồng mua bán điện…

EVN cũng được yêu cầu rà soát toàn bộ quá trình thực hiện các thỏa thuận chuyên ngành điện lực, ký hợp đồng mua bán điện, kiểm tra điều kiện và đóng điện điểm đấu nối, công nhận COD, đưa công trình điện lực vào vận hành và thanh toán tiền mua điện theo giá FIT cho chủ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời.

EVN được yêu cầu đề xuất các phương án giải quyết, xử lý với các tồn tại, vi phạm của chủ đầu tư và của EVN. Báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra của EVN được yêu cầu gửi về Bộ Công Thương trước ngày 31/8.

Thông xe cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu trước ngày 2/9

Kết luận tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu khối lượng còn lại rất lớn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo một loạt nhiệm vụ nhằm thông xe 2 tuyến cao tốc Quốc lộ 45- Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu trước ngày 2/9

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo một loạt nhiệm vụ nhằm thông xe 2 tuyến cao tốc Quốc lộ 45- Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu trước ngày 2/9

Để đáp ứng kế hoạch thông xe chính tuyến, đưa vào khai thác trước ngày 2/9, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) 2 và Ban QLDA 6 chỉ đạo các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi tổ chức thi công để đưa công trình vào khai thác đúng tiến độ đã cam kết.

Song song đó, các ban QLDA yêu cầu các nhà thầu bổ sung thiết bị, dây chuyền thi công và tổ chức thi công 3 ca liên tục.

Cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km, tổng mức đầu tư hơn 5.530 tỷ đồng. Trong giai đoạn đầu, đoạn cao tốc được xây dựng 4 làn xe, nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí điểm dừng. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, nền đường 32 m, vận tốc thiết kế 100 - 120 km/h.

Theo đại diện Bộ GTVT, khối lượng toàn dự án này đã đạt hơn 80% tiến độ tổng thể, trong đó phần tuyến chính là trên 90%. Nhiều đoạn đã hoàn thành thảm bê tông nhựa lớp cuối, các nhà thầu đang khẩn trương thi công cuốn chiếu, thảm cấp phối đá dăm các đoạn dỡ tải theo dõi lún...

Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.290 tỷ đồng. Đoạn cao tốc này được xây dựng 4 làn xe, nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, không có làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, nền đường 32,25 m, vận tốc thiết kế 100 - 120 km/h.

Thông tin về tiến độ, đại diện Bộ GTVT cho biết hiện nay khối lượng thi công trên tuyến đạt khoảng 93%, các nhà thầu đang tăng cường nhân lực, thiết bị để thông xe vào dịp lễ 2/9.

TP.HCM chuyển hơn 2.400 ha đất ở Cần Giờ sang diện phi nông nghiệp

Giai đoạn 2021 - 2030, 2.438 ha đất nông nghiệp ở Cần Giờ sẽ được chuyển sang phi nông nghiệp.

Khu vực thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ và vùng biển xung quanh

Khu vực thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ và vùng biển xung quanh

Thông tin được nêu tại Quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 tại huyện Cần Giờ vừa được UBND TP.HCM ban hành. Vị trí, diện tích các khu vực đất phải chuyển mục đích sử dụng được xác định theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 tỷ lệ 1/25.000.

Các địa phương có đất phải chuyển đổi gồm xã Bình Khánh (637,49 ha), Lý Nhơn (480,39 ha), An Thới Đông (422,14 ha), Long Hòa (338,98 ha), Tam Thôn Hiệp (217,34 ha), Thạnh An (192,72 ha), thị trấn Cần Thạnh (149,56 ha).

Trong số đất nông nghiệp phải chuyển đổi, 45% là đất nuôi trồng thủy sản, tiếp đến là đất trồng cây lâu năm (514,62 ha), ngoài ra còn có đất làm muối, đất rừng phòng hộ...

Cần Giờ hiện có hơn 46.875 ha đất nông nghiệp, 22.540 ha đất phi nông nghiệp và 1.029 ha đất chưa sử dụng. Ngoài chuyển đổi đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, quyết định của TP.HCM cho phép Cần Giờ chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 1.139 ha như chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm hoặc sang nuôi trồng thủy sản...

Cũng tại quyết định này, trong giai đoạn 2021 - 2030, Cần Giờ chỉ được chuyển 0,27 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở tại thị trấn Cần Thạnh và xã Bình Khánh sang đất ở.

Nhiều dự án chậm triển khai và gặp vướng mắc ở Bình Thuận

Từ năm 2023 đến nay, tại Bình Thuận có 21 dự án chậm triển khai không có lý do chính đáng đã bị xử phạt (13 dự án bị phạt với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng) và chấm dứt hoạt động đầu tư (8 dự án).

Cung đường ven biển ở Bình Thuận thu hút nhiều dự án đầu tư

Cung đường ven biển ở Bình Thuận thu hút nhiều dự án đầu tư

Tính đến đầu tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 1.612 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó, 1.165 dự án đã triển khai đưa vào hoạt động, 271 dự án đang triển khai xây dựng và 176 dự án chưa triển khai. Đáng lưu ý, dự án chưa triển khai tập trung chủ yếu lĩnh vực du lịch chiếm 94 dự án.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, nửa đầu năm qua, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương kiểm tra rà soát các dự án chậm triển khai, từ đó đề xuất tháo gỡ khó khăn, sớm đưa dự án vào hoạt động. Qua đó đã có những kết quả khả quan như có 10 dự án đưa vào hoạt động và 12 dự án đưa vào khởi công xây dựng.

Bên cạnh đó, Tỉnh kiên quyết xử lý các dự án chậm triển khai không có lý do chính đáng. Qua đó, đã xử phạt 13 dự án với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng và chấm dứt hoạt động đầu tư đối với 8 dự án.

"Các dự án chậm triển khai có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu vẫn là việc bồi thường giải phóng mặt bằng, giá người dân đòi nhà đầu tư bồi thường quá cao so với giá nhà nước và việc xác định giá đất", ông Lê Ngọc Tiến - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận chia sẻ.

Hà Nội đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, tính đến ngày 15/7/2023, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố là 17.002 tỷ đồng, đạt 36,2% kế hoạch.

Hà Nội tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa

Hà Nội tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa

Trong số đó, ngân sách cấp thành phố giải ngân được trên 9.083 tỷ đồng, đạt 34,8% kế hoạch.

Theo đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hà Nội trong những tháng đầu năm đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm trước và đang cao hơn mức trung bình của cả nước.

Để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, Thành phố cho biết đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để khắc phục tồn tại, hạn chế thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm ở cấp thành phố và cấp huyện. Bên cạnh đó, hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 kéo dài sang năm 2023; phấn đấu hoàn thành giải ngân hết Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo quy định của Luật Đầu tư công.

TP.HCM sắp làm 5 dự án BOT hơn 37.000 tỷ đồng khơi thông cửa ngõ

Quốc lộ 1, 13, 22, trục đường Bắc - Nam và cầu đường Bình Tiên là 5 dự án được đầu tư, mở rộng theo hợp BOT (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh) với tổng vốn hơn 37.000 tỷ đồng.

Quốc lộ 13 thường xuyên ùn tắc sẽ được mở rộng theo hợp đồng BOT sắp tới

Quốc lộ 13 thường xuyên ùn tắc sẽ được mở rộng theo hợp đồng BOT sắp tới

Ngày 9/8, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM báo cáo chuyên đề cơ sở lựa chọn và đề xuất danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng trên công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98.

Theo đó, có 5 dự án khơi thông các cửa ngõ với tổng vốn hơn 37.000 tỷ đồng sẽ được đầu tư theo hình thức BOT trong giai đoạn 2023 - 2030.

Cụ thể, Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu) dài gần 5 km sẽ được mở rộng lên 53 - 60 m với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng.

Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An) dài 9,6 km sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe, tổng gần gần 12.900 tỷ đồng.

Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3) dài 9,1 km sẽ mở rộng lên gần 40 m với kinh phí khoảng 3.609 tỷ đồng.

Trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) dài 7,5 km được mở rộng từ 4 lên 10 làn xe, tổng vốn gần 4.500 tỷ đồng.

Cầu đường Bình Tiên (đi qua Quận 6, 8 và huyện Bình Chánh) dài 3,2 km, rộng 30 - 40m, tổng vốn hơn 6.200 tỷ đồng.

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, 5 dự án trên sẽ được Sở GTVT báo cáo UBND TP.HCM để trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp trong tháng 9 tới. Sau đó, dựa trên các tiêu chí nghiên cứu, ngành giao thông Thành phố sẽ tiếp tục bổ sung các dự án khác trong các đợt tiếp theo.

Bộ Công an bỏ đề xuất thay đổi phân hạng giấy phép lái xe

Dự thảo đề xuất Chính phủ sẽ quy định chi tiết về hạng giấy phép lái xe (GPLX); còn Bộ trưởng Bộ GTVT quy định chi tiết hình thức GPLX.

Dự thảo lần ba Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề xuất bỏ giấy phép lái xe hạng A1 và B2

Dự thảo lần ba Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề xuất bỏ giấy phép lái xe hạng A1 và B2

Ngày 9/8, Bộ Công an cho biết vừa có dự thảo (lần ba) tờ trình Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ để gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Đây là dự thảo mới nhất đã được chỉnh lý và bổ sung, dự kiến trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên (Cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công an) nhấn mạnh, so với dự thảo (lần hai) ban hành đầu tháng 7, tờ trình dự thảo mới nhất (lần ba) đã bỏ đề xuất thay đổi phân hạng GPLX.

Trước đó, tại dự thảo lần hai, Bộ Công an đã đề xuất phân hạng GPLX mới. Cụ thể, đề xuất bỏ GPLX hạng A1, A4, B1, B2, E, FE, FC như Luật Giao thông đường bộ hiện hành, thay vào đó sẽ là các hạng A, A3, B, C1, C.

Còn trong dự thảo luật mới nhất (lần ba) đã bỏ nội dung phân hạng, chỉ quy định nguyên tắc phân hạng GPLX. Lý giải về thay đổi này, Bộ Công an cho biết, Dự thảo Luật bổ sung một số quy định mới phù hợp với xu hướng, tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân. Điều này nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Theo đó, đối với một trong các giấy tờ (GPLX, chứng nhận đăng ký xe, chứng nhận kiểm định, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự), trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo.

Ngoài ra, trong dự thảo mới nhất, Bộ Công an đề xuất Chính phủ sẽ quy định chi tiết về hạng GPLX, thời hạn GPLX. Còn Bộ trưởng Bộ GTVT quy định chi tiết hình thức của GPLX và GPLX quốc tế; quy định trình tự thủ tục cấp và sử dụng GPLX và GPLX quốc tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thanh tra mức học phí, khoản thu của các trường đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ thanh tra, kiểm tra việc công khai thông tin học phí và các khoản thu khác của các trường đại học.

Bộ GD&ĐT sẽ thanh tra mức thu học phí của các trường đại học

Bộ GD&ĐT sẽ thanh tra mức thu học phí của các trường đại học

Bộ GD&ĐT vừa ban hành văn bản hướng dẫn thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Mục tiêu của việc thanh tra, kiểm tra là để giúp các cơ sở đào tạo thực hiện đúng quy chế tuyển sinh và kịp thời nắm bắt, phát hiện, xử lý các vi phạm nếu có.

Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra 6 nội dung chính. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, thanh kiểm tra việc xây dựng, ban hành quy định tuyển sinh như: quy chế tuyển sinh, hướng dẫn tuyển sinh, quy trình tuyển sinh, kết quả tuyển sinh theo từng phương thức, từng trình độ, ngành và nhóm ngành đào tạo của hai năm liền kề trước đó.

Thứ hai, thanh kiểm tra việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điểm sàn các ngành, đặc biệt điểm sàn các trường đào tạo ngành giáo viên, sức khỏe.

Thứ ba, thanh kiểm tra các thông tin về chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học.

Thứ tư, thanh kiểm tra việc tổ chức tuyển sinh (cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi, thành phần hội đồng thi, các ban hội đồng thi, hình thức tổ chức thi...). Bên cạnh đó là kiểm tra việc thực hiện quy định về ra đề thi, in, sao, bảo mật, giao, nhận, vận chuyển, bảo vệ đề thi cùng công tác chấm thi liệu có đúng theo quy định.

Thứ năm, thanh kiểm tra công tác xét tuyển (nội dung, thời gian, lệ phí xét tuyển, quy trình xác định điểm trúng tuyển, công khai kết quả xét tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển, quy trình in và gửi giấy báo trúng tuyển, triệu tập thí sinh trúng tuyển...).

Thứ sáu, thanh kiểm tra việc nhập học, nhận hồ sơ thí sinh trúng tuyển.

Lừa 18 tỷ đồng chạy dự án làm bến du thuyền ở Đà Nẵng

Ông Nguyễn Nho Cầm bị cáo buộc nói dối có thể xin được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Bến du thuyền ven sông Hàn để nhận 18 tỷ đồng của một doanh nhân.

Nghi phạm Nguyễn Nho Cầm (áo thun) tại cơ quan công an

Nghi phạm Nguyễn Nho Cầm (áo thun) tại cơ quan công an

Ngày 9/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng bắt ông Nguyễn Nho Cầm (trú quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra, năm 2018, ông Khoa, Giám đốc một Công ty du lịch, biết UBND TP. Đà Nẵng có chủ trương kêu gọi đầu tư Dự án Bến du thuyền khu vực cảng sông Hàn nên tìm hiểu thủ tục.

Nhà chức trách cáo buộc ông Cầm đưa thông tin gian dối với ông Khoa, khẳng định có thể "chạy" được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án với điều kiện đưa tiền đi "ngoại giao".

Nhận tiền, ông Cầm cam kết chậm nhất đến ngày 30/3/2019 sẽ giao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án. Tuy nhiên, mọi việc không như hứa hẹn nên ông Khoa trình báo công an.

Công an cáo buộc ông Cầm đã chiếm đoạt của ông Khoa 18 tỷ đồng. Vụ án đang được mở rộng điều tra để xử lý những người khác có liên quan.