Bản tin thời sự sáng 1/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt 8%; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành thôi làm đại biểu HĐND; Lâm Đồng kỷ luật Bí thư Thành ủy Đà Lạt; Cục Đường sắt Việt Nam bảo lưu xóa cà phê đường tàu; hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) bị dừng thi công…

Tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt 8%

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực từ đầu năm và cả năm có thể đạt 8%, vượt mục tiêu Quốc hội giao.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 8,83%, mức tăng cao nhất của giai đoạn 2021 - 2022

Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 8,83%, mức tăng cao nhất của giai đoạn 2021 - 2022

Ngày 30/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên thẩm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội 2022 và kế hoạch năm 2023.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 8,83%, mức tăng cao nhất của giai đoạn 2021 - 2022, vượt dự kiến kịch bản đặt ra.

Trong các khu vực kinh tế, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% (đóng góp 4,04%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (góp 41,79%); dịch vụ tăng 10,57% (góp 54,17%).

Với đà tăng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%). Dự báo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra cao hơn nhiều so với triển vọng kinh tế được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá.

Cụ thể, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay khoảng 6,5%; HSBC là 6,9%, WB là 7,2%...

Các con số dự báo có phần khác nhau nhưng các tổ chức đồng thuận quan điểm tăng trưởng của Việt Nam có thể cao nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này sẽ tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Xuất nhập khẩu cũng là điểm sáng của nền kinh tế 9 tháng qua và nếu không có biến động lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm có thể đạt 735 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu ước đạt 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,5% so với năm 2021, nhập khẩu khoảng 367 tỷ USD. Cán cân thương mại năm 2022 dự kiến xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.

Thu ngân sách ước cả năm vượt 14,3% so với dự toán, tạo dư địa trong điều hành tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống người dân. Vốn FDI thực hiện ước đạt 21 - 22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4 - 11,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước tăng 10,7%.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành thôi làm đại biểu HĐND

HĐND tỉnh Gia Lai đồng ý cho ông Võ Ngọc Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch UBND Tỉnh thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND Tỉnh khóa XII, vì lý do sức khỏe.

Ông Võ Ngọc Thành xin thôi làm đại biểu HĐND vì lý do sức khỏe
Ông Võ Ngọc Thành xin thôi làm đại biểu HĐND vì lý do sức khỏe

Sáng 30/9, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tổ chức Kỳ họp thứ tám thông qua Nghị quyết, đồng ý cho ông Võ Ngọc Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch UBND Tỉnh thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND Tỉnh khóa XII, vì lý do sức khỏe không đảm bảo. Các đại biểu tham dự Kỳ họp đã biểu quyết với tỷ lệ đồng ý 100%.

Ông Võ Ngọc Thành là đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai ứng cử tại địa bàn huyện Đắk Đoa. Ngày 13/9, ông Võ Ngọc Thành làm đơn gửi Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai xem xét trình HĐND Tỉnh xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai, khóa III, nhiệm kỳ 2021 - 2026 do sức khỏe không đảm bảo.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 17 (ngày 13 - 14/7/2022), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.

Ngày 16/8, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng, kỷ luật cách chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026 đối với ông Võ Ngọc Thành; kỷ luật cảnh cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016 - 2021; khiển trách Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021 - 2026 và xóa tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Thành do có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác.

Lâm Đồng kỷ luật Bí thư Thành ủy Đà Lạt

Ông Trần Duy Hùng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Lạt thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm quy định của Đảng, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, gây dư luận xấu, bức xúc trong xã hội.

Bí thư Thành ủy Đà Lạt Trần Duy Hùng

Bí thư Thành ủy Đà Lạt Trần Duy Hùng

Chiều 30/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có thông cáo về việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên đối với Bí thư Thành ủy Đà Lạt Trần Duy Hùng.

Theo đó, ngày 30/9, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tổ chức Kỳ họp thứ 10, do ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng chủ trì.

Tại kỳ họp này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Trần Duy Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Lạt.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng cho rằng, ông Trần Duy Hùng đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm quy định của Đảng, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, nhất là vai trò người đứng đầu Đảng bộ, gây dư luận xấu, bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng uy tín cá nhân và Đảng bộ TP. Đà Lạt.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Trần Duy Hùng.

Cục Đường sắt Việt Nam bảo lưu xóa cà phê đường tàu

Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị UBND TP. Hà Nội tiếp tục ngăn chặn người dân, du khách quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong hành lang đường sắt.

Xóm cà phê lấn sát đường ray tàu hỏa

Xóm cà phê lấn sát đường ray tàu hỏa

Cục Đường sắt Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về kiến nghị của các hộ dân xóm cà phê đường tàu chắn Trần Phú (Hà Nội). Do các biện pháp ngăn chặn, giải tỏa khách ở xóm đường tàu của chính quyền, các hộ dân đã gửi đơn kiến nghị cho phép kinh doanh, đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn.

Cục Đường sắt Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán với chỉ đạo của Bộ GTVT là kiên quyết xử lý hành vi vi phạm an toàn giao thông đường sắt theo Luật Đường sắt; thực hiện các biện pháp ngăn chặn, giải tán điểm tụ tập đông người quay phim, chụp ảnh trên đường.

Cơ quan này cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua xử lý dứt điểm hành vi vi phạm an toàn đường sắt; treo biển cảnh báo "khu vực nguy hiểm" bằng các ngôn ngữ tại đầu đường ngang Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ để cảnh báo du khách.

Cục Đường sắt Việt Nam đồng ý với đề xuất của các hộ dân về tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, du khách như phát tờ rơi hướng dẫn an toàn bằng tiếng Việt, Anh, Pháp; ký cam kết giữa chính quyền và các hộ dân về đảm bảo trật tự an toàn đường sắt; cung cấp thông tin giờ tàu cho người dân...

Với đề xuất tăng cường tín hiệu cảnh báo tàu như đèn tín hiệu dọc tuyến, bảng điện tử hiển thị giờ tàu, Cục Đường sắt Việt Nam không đồng ý vì địa hình tại đây hạn chế, các đèn tín hiệu sẽ ảnh hưởng quan sát của lái tàu và gây nhiễu loạn với tín hiệu đường sắt.

Theo thống kê của quận Hoàn Kiếm, có hơn 30 hộ dân kinh doanh cà phê ngay sát tuyến đường tàu đi qua các phường Hàng Bông, Cửa Đông, Cửa Nam, Hàng Mã và Đồng Xuân.

TP.HCM: Hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ bị dừng thi công

Công trình hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7 (TP.HCM), tổng vốn đầu tư 830 tỷ đồng, bị đình chỉ vì đơn vị thi công gây hư hỏng mặt đường nhưng chậm khắc phục.

Công trường dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Công trường dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Quyết định thu hồi giấy phép và đình chỉ thi công dự án hầm chui ở cửa ngõ phía Nam Thành phố vừa được Sở Giao thông vận tải đưa ra trước tình trạng đường Nguyễn Văn Linh, đoạn qua khu vực thi công nút giao bị hư hỏng nặng, xuất hiện nhiều ổ gà... gây mất an toàn.

Trước đó, cơ quan này đã hai lần yêu cầu chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP) chấn chỉnh, song tình trạng trên vẫn tiếp diễn. Vấn đề này cũng bị nhiều đơn vị khác như Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng... phản ánh.

Dự án Hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ được khởi công tháng 4/2020 với tổng vốn 830 tỷ đồng (giai đoạn 1) nhằm giảm áp lực giao thông cửa ngõ phía Nam TP.HCM. Công trình gồm hai hầm ở mỗi chiều đường Nguyễn Văn Linh, mỗi hầm dài 456 m, 3 làn xe, vận tốc 60 km/h; phía trên làm đảo tròn cùng các nhánh rẽ.

Dự án hiện đạt hơn 35% khối lượng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Riêng nhánh hầm theo hướng đi Quốc lộ 1 đã hoàn thành các hạng mục đường tạm, di dời cây xanh..., dự kiến xong vào cuối tháng 4/2023.

Theo Sở Giao thông vận tải, công trình chỉ được triển khai lại sau khi đơn vị thi công khắc phục toàn bộ tình trạng hư hỏng mặt đường tại khu vực, có xác nhận từ các bên liên quan.

Từ 5/10 sẽ thu phí cao tốc Tiên Yên - Móng Cái

Sau hơn một tháng tri ân nhân dân và vận hành thử nghiệm, nhà đầu tư đoạn cao tốc Tiên Yên - Móng Cái thuộc tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ tiến hành thu phí từ ngày 5/10.

Cao tốc Tiên Yên - Móng Cái có 4 trạm thu phí

Cao tốc Tiên Yên - Móng Cái có 4 trạm thu phí

Ngày 30/9, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký văn bản cho phép thu phí dịch vụ đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái, được đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT. Theo đó, thời gian thực hiện thu phí bắt đầu từ 0h00'ngày 5/10/2022.

Theo đại diện chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn, cao tốc Tiên Yên - Móng Cái có 4 trạm thu phí, trong đó có 2 trạm đầu - cuối tuyến và 2 trạm tại các nút giao Đầm Hà, Hải Hà với tổng số 28 cửa. 100% các cửa đều được trang bị hệ thống thu phí tự động.

Để chuẩn bị vận hành thu phí, Chủ đầu tư đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC).

Mức phí tham gia cao tốc được áp dụng theo phương án tài chính hoàn vốn dự án được quy định tại Hợp đồng BOT. Cụ thể, áp dụng đối với 5 loại phương tiện từ xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng đến các loại xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container 40 feet. Giá phí thông qua trạm được tính theo số km tại từng chặng.

Cao tốc Tiên Yên - Móng Cái có chiều dài 63,26 km, rộng 25,25 m, 4 làn xe, vận tốc tối đa 120 km/h, tổng vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn là nhà đầu tư. Hiện trung bình mỗi ngày có trên 5.000 lượt phương tiện qua lại trên tuyến cao tốc này.

Ngân hàng đấu giá lô đất hơn 3.000 m2 của Công ty Nông dược HAI

Lô đất hơn 3.000 m2 tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM thuộc sở hữu của Công ty CP Nông dược HAI đang được Agribank mang ra đấu giá để thu hồi nợ.

Lô đất hơn 3.000 m2 tại TP.HCM được Công ty CP Nông dược HAI dùng làm tài sản thế chấp cho hợp đồng tín dụng ký với Agribank Chi nhánh Sài Gòn vào tháng 7/2021

Lô đất hơn 3.000 m2 tại TP.HCM được Công ty CP Nông dược HAI dùng làm tài sản thế chấp cho hợp đồng tín dụng ký với Agribank Chi nhánh Sài Gòn vào tháng 7/2021

Ngân hàng Agribank Chi nhánh Sài Gòn mới đây đã thông báo bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng lô đất 3.048 m2 tại số 358 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM.

Đây là lô đất cơ sở sản xuất, kinh doanh dùng để xây dựng trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng do Công ty CP Nông dược HAI thuê có thu tiền sử dụng đất với thời hạn 50 năm kể từ ngày 24/1/2008.

Lô đất này đã được Nông dược HAI dùng làm tài sản thế chấp cho hợp đồng tín dụng ký với Agribank Chi nhánh Sài Gòn vào tháng 7/2021. Khi Công ty không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ, Agribank đã có thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Theo kế hoạch, phiên đấu giá sẽ diễn ra vào chiều ngày 13/10 tới, giá khởi điểm gần 220 tỷ đồng, tương đương mức giá xấp xỉ 72,2 triệu đồng/m2.

Được biết, Công ty CP Nông dược HAI tiền thân là Công ty Bảo vệ thực vật II (doanh nghiệp nhà nước). Năm 2004, Công ty chính thức được cổ phần hóa và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Giá gas giảm mạnh

Từ 1/10, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm 18.500 đồng, xuống 405.000 đồng, là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 4.

Mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm 18.500 đồng

Mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm 18.500 đồng

Người dùng sẽ tiết kiệm được 1.542 đồng cho mỗi kg gas (tương ứng 18.500 đồng một bình 12 kg) so với tháng trước. Giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) khi mua tại các điểm bán lẻ ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Đây là tháng thứ sáu liên tiếp giá nhiên liệu này điều chỉnh giảm và cũng là cột mốc giảm mạnh nhất kể từ mức đỉnh hồi tháng 4 (516.000 đồng/bình gas 12 kg). Tính từ tháng 5 đến nay, giá gas giảm tổng cộng 111.000 đồng mỗi bình 12 kg.

Công ty Saigon Petro cho biết, giá gas tháng 10 giảm là do nhà cung cấp thế giới công bố giá nhiên liệu bình quân đạt 575 USD/tấn, giảm 65 USD so với tháng trước.

Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Việc khu vực châu Âu đã trữ nhiên liệu cho mùa đông ngay từ đầu mùa thu giúp giá gas thế giới tạm thời hạ nhiệt trong ngắn hạn.