Bản tin thời sự sáng 1/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Tổ hợp hóa dầu miền Nam hơn 5 tỷ USD vận hành thương mại; dự kiến gia hạn trả nợ cho khách vay thiệt hại vì bão Yagi; dỡ nhà, di dời 115 hộ dân tại huyện Mường Lát, Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) vì nhiều quả đồi sạt lở; TP.HCM chi hơn 1.300 tỷ đồng mở rộng đường cửa ngõ gấp 4 lần…

Tổ hợp hóa dầu miền Nam hơn 5 tỷ USD vận hành thương mại

Tổ hợp hóa dầu miền Nam, tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD, vận hành thương mại từ 30/9.

Tổ hợp hóa dầu miền Nam từ trên cao

Tổ hợp hóa dầu miền Nam từ trên cao

Tổ hợp hóa dầu miền Nam do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn thuộc Tập đoàn SCG, Thái Lan đầu tư, đóng tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, sau hơn 5 năm khởi công.

Tổ hợp này được đầu tư hơn 5 tỷ USD xây một nhà máy olefins quy mô lớn; ba nhà máy polyolefin, cùng với bồn bể, cảng chuyên dụng... Khi đi vào vận hành tối đa công suất, Tổ hợp sẽ tạo ra 1,35 triệu tấn olefins và 1,4 triệu tấn polyolefin một năm, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đây là nguyên liệu sản xuất ra nhiều loại sản phẩm nhựa phục vụ cho cuộc sống hàng ngày và nhiều lĩnh vực khác.

Ông Kulachet Dharachandra, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn cho biết, Tổ hợp hóa dầu miền Nam vận hành sẽ mang lại tăng trưởng kinh tế lâu dài và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp hóa dầu và ngành nhựa tại Việt Nam.

Dự kiến, tổ hợp này sẽ đạt doanh thu 1,5 tỷ USD mỗi năm và đóng góp thuế giá trị gia tăng khoảng 150 triệu USD. Công ty cũng tạo việc làm cho khoảng 1.000 nhân sự tại nhà máy, trong đó 85% là người Việt. Ngoài ra, khoảng 800 lao động làm việc cho các nhà thầu hợp tác lâu dài với Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, trong đó hơn một nửa là lao động địa phương.

Dự kiến gia hạn trả nợ cho khách vay thiệt hại vì bão Yagi

Ngân hàng Nhà nước dự kiến cho phép các ngân hàng được cơ cấu hạn trả nợ tối đa 1 năm với khách vay bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

Dự kiến gia hạn trả nợ cho khách vay thiệt hại vì bão Yagi

Dự kiến gia hạn trả nợ cho khách vay thiệt hại vì bão Yagi

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định về cơ cấu hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng khó khăn do thiệt hại của bão số 3. Chính sách này áp dụng cho người đi vay tại 26 tỉnh, thành phố gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa.

Theo đó, các ngân hàng có quyền cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ gốc, lãi dựa trên đề nghị của khách hàng và khả năng tài chính của chính nhà băng. Chính sách này chỉ áp dụng với dư nợ gốc phát sinh trước 7/9 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi từ 7/9 đến hết năm 2025.

Việc xem xét cơ cấu hạn trả nợ được thực hiện trong 3 tháng đầu tiên kể từ ngày Thông tư có hiệu lực và thời gian cơ cấu hạn trả không quá 1 năm. Thời điểm trả nợ cuối cùng của khoản vay được cơ cấu tùy theo mức độ khó khăn của khách hàng nhưng không được muộn hơn 31/12/2026.

Chính sách hoãn, giãn nợ theo các lãnh đạo ngân hàng là rất cần thiết để hỗ trợ khách hàng chịu thiệt hại bởi bão Yagi. Bởi nhiều khách hàng chưa có dòng tiền vì thiệt hại nặng sau bão, nếu không trả nợ đúng hạn sẽ bị tự động nhảy nhóm, rơi vào nợ xấu và không tiếp cận được vốn mới. Do đó, cơ chế cho phép ngân hàng hoãn, giãn nợ sẽ giúp nhiều khách hàng không rơi vào nợ xấu một cách tự động và có thêm thời gian phục hồi.

Thời gian qua, 32 ngân hàng cũng đã công bố giảm 0,5 - 2% lãi suất cho cá nhân và hộ kinh doanh vay vốn chịu thiệt hại vì bão Yagi với tổng giá trị 405.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo đánh giá của các ngân hàng, đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 tại tất cả tỉnh thành lên tới 165.000 tỷ đồng. Số khách hàng chịu ảnh hưởng là hơn 94.000.

Dỡ nhà, di dời 115 hộ dân tại huyện Mường Lát, Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) vì nhiều quả đồi sạt lở

115 hộ với hơn 500 người dân ở huyện Mường Lát, Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) phải dỡ nhà, sơ tán đến nhà người thân vì nhiều quả đồi nứt toác, nguy cơ đổ sụp.

Một số hộ dân trong vùng không an toàn ở Na Khà đã phải dỡ nhà đi sơ tán

Một số hộ dân trong vùng không an toàn ở Na Khà đã phải dỡ nhà đi sơ tán

Sáng 30/9, UBND huyện Quan Sơn cho hay, lực lượng chức năng vừa di dời hai khu dân cư với 93 hộ dân tới nơi ở tạm đề phòng đồi sạt lở.

Cụ thể, tại đỉnh đồi Cha Khót, xã Na Mèo xuất hiện vết nứt dài khoảng 300 m, rộng 50 - 70 cm, có chỗ tụt sâu gần 2 m. Ngay phía dưới vị trí nứt là khu dân cư, trường học, nhà văn hóa nên chính quyền phải sơ tán 55 hộ dân với 220 người.

Ngoài vị trí trên, một vết nứt chạy dài xuyên qua khu dân cư bản Muỗng, xã Trung Xuân phía tả ngạn sông Lò khiến 38 hộ với 166 khẩu phải sơ tán.

Tại huyện Mường Lát, ông Ngân Trọng Hiệp, Chủ tịch thị trấn Mường Lát, cho biết địa phương đang tổ chức sơ tán, ổn định đời sống cho 25 hộ với 123 nhân khẩu sinh sống tại hai khu phố Na Khà và Chiên Pục do đất đồi nguy cơ sạt.

Theo ông Chủ tịch UBND thị trấn Mường Lát, mưa lớn những ngày qua đã khiến phần taluy dương trên đồi Na Khà ngay sát nhà văn hóa xuất hiện vết sạt lở rất lớn. Cung sạt trượt dài khoảng 400 m, rộng 30 - 40 cm và ngày càng lan rộng. Hiện khối lượng đất đá hàng nghìn m3 đang có chiều hướng xê dịch về phía taluy âm, có vị trí xé gãy đường bêtông trong khu dân cư, ăn sát nhà dân.

Ngoài điểm sạt lở ở đồi Na Khà, 4 hộ dân với 12 khẩu ở phố Chiên Pục, thị trấn Mường Lát cũng được sơ tán do khu đồi sát nhà dân nứt gãy, sạt lở. Các vệt sạt lở có từ những năm trước, song gần đây mưa lớn khiến đồi đứt chân, uy hiếp khu dân cư.

Hiện nước lũ trên sông suối ở Mường Lát đã rút, trời tạnh ráo, lực lượng chức năng tập trung xử lý các điểm sạt lở. UBND huyện Quan Sơn và Mường Lát vừa báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị ban bố tình huống khẩn cấp và cấp ngân sách hỗ trợ người dân làm nhà mới.

TP.HCM chi hơn 1.300 tỷ đồng mở rộng đường cửa ngõ gấp 4 lần

Đường Tân Thới Hiệp 21, Quận 12 (TP.HCM), được Thành phố bố trí hơn 1.300 tỷ đồng mở rộng từ 6 - 7 m lên 25 m nhằm giảm kẹt xe, ngập nước và chỉnh trang đô thị.

Hiện trạng đường Tân Thới Hiệp 21

Hiện trạng đường Tân Thới Hiệp 21

Dự án vừa được HĐND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư do thay đổi quy mô mở rộng, tổng vốn, cùng thời gian thực hiện. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Quận 12 làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Trước đó, Dự án được Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2015 với tổng kinh phí hơn 403 tỷ đồng, tách làm hai dự án thành phần: giải phóng mặt bằng (hơn 269 tỷ đồng) và xây lắp (134 tỷ đồng). Thời điểm đó, công trình có quy mô mở rộng từ 6 - 7 m lên 16 m, nhưng vướng mắc trong thủ tục bồi thường nên mới thi công được một đoạn cống hộp dọc tuyến.

Theo phương án mới điều chỉnh, đường Tân Thới Hiệp 21 sẽ được mở rộng lên 25 m và bổ sung hệ thống thoát nước dài khoảng 320 m. Mặt đường được nới rộng hơn so với trước nên diện tích giải phóng mặt bằng cũng tăng. UBND Quận 12 dự kiến thu hồi khoảng 15.480 m2 với 447 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng, trong đó 37 hộ bị giải tỏa trắng.

Tân Thới Hiệp 21 là một trong những hướng giao thông chính ở Quận 12, kết nối hai tục đường lớn Quốc lộ 1 và Dương Thị Mười. Tuyến đường nhỏ hẹp, thiếu hệ thống thoát nước nên thường xuyên ùn tắc, ngập.

Thu hơn tỷ USD từ xuất khẩu tiêu nhờ giá tăng vọt

9 tháng, Việt Nam thu hơn 1 tỷ USD từ xuất khẩu tiêu, riêng tháng 9 đạt 125 triệu USD với giá xuất trung bình 6.239 USD một tấn - cao nhất 8 năm qua.

Thu hơn tỷ USD từ xuất khẩu tiêu nhờ giá tăng vọt

Thu hơn tỷ USD từ xuất khẩu tiêu nhờ giá tăng vọt

Theo số liệu sơ bộ từ Hải quan, trong tháng 9 năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 20.000 tấn hạt tiêu, thu về 125 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu hạt tiêu tăng 10,4% về lượng và 84,9% về giá trị. Giá xuất khẩu trung bình đạt 6.239 USD (hơn 153 triệu đồng) một tấn, tăng 67,5% - mức cao nhất trong 8 năm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu về hơn 1 tỷ USD từ 203.000 tấn hạt tiêu. Mặc dù lượng hàng xuất khẩu giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị lại tăng 46,9%.

Các doanh nghiệp cho biết giá tiêu tăng do nguồn cung suy giảm vì thời tiết và xu hướng chuyển đổi cây trồng. Bên cạnh đó, các nhà đầu cơ cũng góp phần đẩy giá lên cao. Tuy giá tăng, doanh nghiệp xuất khẩu đang đối mặt áp lực lớn do sức mua yếu, trong khi giá thu mua tại thị trường nội địa vẫn cao nhưng hàng hóa khan hiếm.

Sáng 30/9, giá tiêu ở thị trường nội địa dao động 148.000 - 149.000 đồng một kg, tăng 1.000 đồng so với hôm trước. Các chuyên gia dự báo giá tiêu trong nước có khả năng tiếp tục tăng, đặc biệt khi nhu cầu mua sắm cho Tết Nguyên đán sắp đến.

Trên thị trường thế giới, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ghi nhận giá tiêu đen Việt Nam ở mức 6.800 USD một tấn với loại 500 gram trên một lít; loại 550 gram trên một lít ở mức 7.100 USD một tấn; giá hạt tiêu trắng là 10.150 USD một tấn.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, giá hồ tiêu toàn cầu sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn do nguồn cung hạn chế.

Trong dài hạn, sản lượng hạt tiêu Việt Nam dự kiến giảm trong vụ mùa 2025 do ảnh hưởng của hạn hán. Điều này có thể khiến giá xuất khẩu tiếp tục được hỗ trợ..

Lãnh đạo Hiệp hội Tiêu Việt Nam nhận định, sản lượng hạt tiêu toàn cầu sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong 3 - 5 năm tới. Các chuyên gia dự đoán hạt tiêu đã bước vào chu kỳ tăng giá mới, kéo dài từ 10-15 năm, với khả năng đạt đỉnh 350.000 - 400.000 đồng một kg.

Aeon dự kiến xây trung tâm thương mại tại Hải Dương vào đầu năm 2025

Aeon Mall Hải Dương dự kiến được xây dựng vào đầu năm sau và đi vào hoạt động từ đầu năm 2026 với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Phối cảnh trung tâm thương mại Aeon Hải Dương

Phối cảnh trung tâm thương mại Aeon Hải Dương

Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đang tham vấn ý kiến của Dự án Trung tâm thương mại Hải Dương, do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Tuấn Kiệt HD làm Chủ đầu tư, Aeon Mall Hải Dương có thể được triển khai xây dựng từ quý I/2025. Dự án có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng và sẽ đi vào vận hành sau 1 năm.

Trong đó, vốn chủ sở hữu thực hiện Dự án là 244 tỷ đồng và vốn vay là 976 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm kể từ ngày 9/1. Tiến độ xây dựng và hoàn thành đưa vào hoạt động trong quý IV/2025.

Theo kế hoạch, trong quý IV năm nay, Chủ đầu tư sẽ thực hiện và hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, môi trường, đất đai. Đến năm 2025, Chủ đầu tư sẽ tiến hành thi công xây dựng và hoàn thành các công trình thuộc Dự án. Đến quý I/2026 bàn giao và vận hành Dự án.

Khi Dự án đi vào hoạt động sẽ kinh doanh bán lẻ, phân phối sản phẩm…; dịch vụ cho thuê gian hàng (sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống, điện tử, trang sức, quần áo...) với với diện tích sàn cho thuê hơn 30.000 m2.

Tháng 3 trước đó, Công ty TNHH Aeon Việt Nam cùng Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Tuấn Kiệt HD đã ký kết hợp tác đầu tư Dự án trung tâm thương mại Aeon Mall Hải Dương. Ngày 9/12/2022, UBND tỉnh Hải Dương và Công ty Aeon Việt Nam cũng đã có buổi làm việc và ký kết biên bản ghi nhớ về việc chuẩn bị các bước triển khai đầu tư Dự án trung tâm thương mại Aeon Mall Hải Dương.

Siêu tàu biển đưa gần 3.000 khách quốc tế đến Hạ Long

Tàu du lịch Costa Serena đã cập cảng ở Việt Nam nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên đến với Hạ Long và được xem là một trong những chuyến tàu du lịch quốc tế lớn nhất ghé thăm Hạ Long trong năm nay.

Tàu Costa Serena (Italy) ghé tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)

Tàu Costa Serena (Italy) ghé tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)

Ngày 30/9, Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh) đã đón tàu biển mang tên Costa Serena (quốc tịch Italy) chở gần 3.000 khách du lịch quốc tế và hơn 1.000 thủy thủ đoàn đến tham quan Hạ Long.

Tàu du lịch Costa Serena đã cập cảng ở Việt Nam khá nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên đến với Hạ Long và được xem là một trong những chuyến tàu du lịch quốc tế lớn nhất ghé thăm Hạ Long trong năm nay, tạo nên dấu ấn quan trọng cho ngành du lịch địa phương. Số du khách trên đến từ cộng đồng các quốc gia, vùng lãnh thổ nói tiếng Hoa.

Theo chương trình, du khách quốc tế sẽ tham quan vịnh Hạ Long, các điểm du lịch của thành phố Hạ Long và trung tâm thành phố. Tàu Costa Serena sẽ rời cảng vào 18 giờ cùng ngày.

Dự kiến, tàu Costa Serena sẽ đưa khách du lịch quốc tế trở lại tham quan Hạ Long vào các ngày 14/10, 18/10, 4/11 và 8/11.

Theo Sở Du lịch, năm 2024, Hạ Long dự kiến sẽ đón khoảng 60 - 70 chuyến tàu biển, mang theo khoảng 70.000 lượt khách, trong đó dịp cuối năm là thời gian cao điểm đón khách.

Vào cuối năm, Hạ Long là điểm đến của nhiều dòng khách quốc tế. Đặc biệt, khách du lịch tàu biển đang trên đà phục hồi và có sự khởi sắc. Thông thường theo lịch trình, du lịch tàu biển tới Hạ Long bắt đầu từ tháng 11 năm trước, kéo dài tới tháng 4 năm sau.

Hà Nội sẽ cưỡng chế, thu hồi đất thực hiện dự án mở rộng tuyến phố Nguyễn Tuân

Trong các ngày từ 14 - 15/10, quận Thanh Xuân (thành phố Hà Nội) sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với 84 trường hợp không chấp hành bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án mở rộng đường Nguyễn Tuân.

Hiện trạng đường Nguyễn Tuân

Hiện trạng đường Nguyễn Tuân

UBND quận Thanh Xuân vừa phê duyệt phương án tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, GPMB đối với 84 trường hợp không chấp hành bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án mở rộng đường Nguyễn Tuân.

Theo đó, đối tượng cưỡng chế thu hồi gồm 2.479,64 m2 đất và công trình trên đất của 84 hộ gia đình, cá nhân không đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án Cải tạo, mở rộng theo quy hoạch đường Nguyễn Tuân (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân). Trong đó, 44 công trình bị thu hồi, tháo dỡ toàn bộ, 40 trường hợp cắt xén một phần.

Cụ thể, quận Thanh Xuân sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất trong các ngày từ 14 - 15/10. Trong đó, ngày 14/10 sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi 1.835,8 m2 đất và công trình trên đất đối với 47 hộ gia đình, cá nhân không đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án. Ngày 15/10 sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi 643,84 m2 đất và công trình trên đất đối với 37 hộ gia đình, cá nhân còn lại.

Được biết, Dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân được UBND quận Thanh Xuân phê duyệt vào ngày 31/8/2018. Đến ngày 20/2020, UBND quận Thanh Xuân tiếp tục phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công Dự án tại Quyết định số 1928/QĐ-UBND.

Theo phê duyệt, điểm đầu Dự án giao đường Nguyễn Trãi, điểm cuối đến ngõ 162 Nguyễn Tuân tổng diện tích 14.334 m2, dài 720 m, được mở rộng trên cơ sở đường hiện có. Tuyến đường sẽ có mặt cắt ngang là 21 m, gồm phần lòng đường rộng 15 m và 2 bên lề rộng 3 m.

Sau khi hoàn thiện, Dự án được kỳ vọng giảm tải ùn tắc giao thông, đem lại cảnh quan đô thị cũng như tạo đà, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Tuy nhiên, đến nay Dự án mới triển khai GPMB được một phần, dẫn đến nhiều đoạn có dạng nút thắt cổ chai nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm. Nguyên nhân là do một số hộ không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ di dời.

Cựu chủ tịch huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) và nhiều cán bộ bị bắt

Ông Trần Văn Công, cựu chủ tịch UBND huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa), và nhiều cán bộ đương chức bị cáo buộc có sai phạm trong quản lý đất đai.

Ông Trần Văn Công khi còn công tác

Ông Trần Văn Công khi còn công tác

Ngày 30/9, ông Công, 66 tuổi, bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa bắt tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ.

Cũng bị bắt với vai trò đồng phạm là ông Chu Đức Khương, 45 tuổi, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Xương; Lê Đình Khoa, 48 tuổi, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng; Mai Ngọc Tứ, 54 tuổi, Chủ tịch UBND xã Quảng Trung và Nguyễn Văn Luyện, 55 tuổi, cán bộ địa chính xã Quảng Trường.

Nhóm bị can được cho có nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, ký hồ sơ giao đất trái thẩm quyền ở xã Quảng Chính, xã Quảng Thái và một số địa phương thời ông Công còn công tác. Cơ quan điều tra đang mở rộng vụ án, chưa công bố sai phạm cụ thể của từng người.

Ông Trần Văn Công giữ chức Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tháng 6/2019, ông bị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hóa cho thôi chức, điều động, giới thiệu để hiệp thương bầu giữ chức Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. Tuy nhiên, ông không được Trung ương Hội nông dân chấp thuận do không còn đủ thời gian công tác theo quy định.

Ông Công sau đó được chuyển sang làm Phó giám đốc Sở Ngoại vụ trước khi nghỉ hưu vào năm 2021.