Bản tin thời sự sáng 11/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện K, Thanh tra Chính phủ đề nghị chuyển hồ sơ sang công an; bắt tạm giam nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai; TP.HCM thúc tiến độ làm nút giao gần 4.000 tỷ đồng; xử lý 41 điểm ngập nước trên quốc lộ ở Đồng bằng sông Cửu Long…

Vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện K, Thanh tra Chính phủ đề nghị chuyển hồ sơ sang công an

Thanh tra Chính phủ xác định, việc thực hiện mua sắm đối với một số gói thầu tại Bệnh viện K có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cần chuyển hồ sơ hoặc chuyển thông tin sang cơ quan điều tra Bộ Công an.

Thanh tra Chính phủ xác định thiết bị liên doanh, liên kết tại Bệnh viện K có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cần được tiếp tục điều tra, làm rõ

Thanh tra Chính phủ xác định thiết bị liên doanh, liên kết tại Bệnh viện K có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cần được tiếp tục điều tra, làm rõ

Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), kết quả thanh tra tại Bệnh viện K cho thấy, bệnh viện này ký hợp đồng với các doanh nghiệp đặt máy và tổ chức đấu thầu đối với hóa chất chỉ sử dụng cho máy đã đặt sẵn tại Bệnh viện không đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong đấu thầu theo Luật Đấu thầu 2013, cũng như quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu, vi phạm chỉ đạo của Bộ Y tế tại Văn bản số 8450 ngày 28/11/2016 và Văn bản số 1661 ngày 8/12/2017 của Bộ Tài chính.

Theo TTCP, việc thực hiện đấu thầu đi kèm điều kiện nhà thầu trúng thầu phải có trách nhiệm cung cấp máy kèm theo hóa chất, vật tư của gói thầu là trái quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Cũng đối với việc thực hiện mua sắm đối với một số gói thầu tại Bệnh viện K, TTCP xác định, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cần chuyển hồ sơ hoặc chuyển thông tin sang cơ quan điều tra Bộ Công an như Gói thầu TB-05/2014 Cung cấp lắp đặt thiết bị xạ trị 1 và Gói thầu TB-06/2014 Cung cấp và lắp đặt thiết bị xạ trị 2.

Bắt tạm giam nguyên chủ tịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai

Ông Nguyễn Ngọc Hai - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng 4 thuộc cấp vừa bị bắt tạm giam để điều tra về sai phạm tại dự án đất đai làm khu đô thị trên địa bàn.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai bị bắt

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai bị bắt

Tối 10/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hai về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Liên quan đến vụ án, Lương Văn Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận); Hồ Lâm; Lê Nguyễn Thanh Danh (nguyên Giám đốc, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) và Ngô Hiếu Toàn (Phó giám đốc Sở Tài chính) cũng bị bắt về cùng tội danh.

Các bị can được cho là có nhiều sai phạm xảy ra tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (3 lô đất số 18,19,20), thuộc quỹ đất hai bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thông) phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) phê chuẩn, ngày 10/2/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định, lệnh trên để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

TP.HCM thúc tiến độ làm nút giao gần 4.000 tỷ đồng

Thành phố đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm có ý kiến với thiết kế cơ sở Dự án nút giao An Phú, tổng vốn gần 4.000 tỷ đồng để hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Phối cảnh nút giao 3 tầng An Phú ở TP. Thủ Đức

Phối cảnh nút giao 3 tầng An Phú ở TP. Thủ Đức

Nội dung đề cập trong văn bản do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoà Bình ký gửi Bộ Giao thông vận tải, chiều 10/2. Động thái được đưa ra bởi Dự án nút giao An Phú (TP. Thủ Đức) hiện đã cơ bản hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Thiết kế cơ sở dự án trên có liên quan, kết nối trực tiếp các công trình do Bộ Giao thông vận tải làm chủ quản, gồm: mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và hai tuyến đường sắt TP.HCM - Nha Trang, TP.HCM - Long Thành. Việc Bộ sớm có ý kiến với thiết kế dự án nút giao sẽ giúp các công trình được kết nối đồng bộ và thuận lợi triển khai.

Nút giao An Phú là nơi giao nhau giữa ba trục giao thông lớn ở cửa ngõ phía Đông Thành phố, gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của, khiến áp lực giao thông rất lớn. Theo kế hoạch, dự án nút giao này được khởi công trong năm nay với tổng vốn đầu tư 3.926 tỷ đồng, thực hiện đến năm 2025.

Công trình có quy mô 3 tầng, gồm: hầm chui 2 chiều nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây qua tuyến Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Mặt đất xây đảo, tiểu đảo; trên cao làm 2 cầu vượt. TP.HCM sẽ cho thi tuyển thiết kế nút giao để tìm phương án tối ưu, độc đáo, tạo điểm nhấn cảnh quan...

Xử lý 41 điểm ngập nước trên quốc lộ ở Đồng bằng sông Cửu Long

Từ 10/2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai đồng loạt các dự án chống ngập trên quốc lộ tại Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng vốn gần 400 tỷ đồng.

Một số đoạn quốc lộ đã được thi công

Một số đoạn quốc lộ đã được thi công

Cục trưởng Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục đường bộ Việt Nam) Nguyễn Văn Thành cho biết, các nhà thầu sẽ xử lý toàn bộ 41 điểm ngập trên các tuyến quốc lộ với chiều dài gần 33 km, từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ.

Các dự án gồm 16 điểm ngập trên Quốc lộ 1 qua Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Tiền Giang; 15 điểm ngập trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Cà Mau; 5 điểm trên Quốc lộ 53; ba điểm trên Quốc lộ 57 đoạn qua Vĩnh Long; Quốc lộ 54, Quốc lộ Nam sông Hậu ở TP. Cần Thơ có hai điểm.

Các nhà thầu sẽ sửa chữa mặt đường, hệ thống thoát nước và đảm bảo an toàn giao thông trên từng đoạn quốc lộ... Dự kiến đến 30/4 các hạng mục chính cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác trước 31/5.

Trước đó, giữa năm 2021, Cục Quản lý đường bộ 4 đã đề xuất Tổng cục Đường bộ cấp kinh phí để xử lý các điểm ngập trên nhiều tuyến quốc lộ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thống kê có 41 điểm thường xuyên bị ngập 10 - 60 cm, mặt đường rạn nứt.

Metro Số 1 chạy thử giữa năm 2022

Các tàu của Metro Số 1 (TP.HCM) dự kiến chạy thử từ giữa năm nay theo từng đoạn, sau đó trên toàn tuyến dài gần 20 km từ depot Long Bình đến ga Bến Thành trước 31/12.

Đoàn tàu Metro Số 1 nhập về TP.HCM cuối năm 2021 chờ triển khai chạy thử

Đoàn tàu Metro Số 1 nhập về TP.HCM cuối năm 2021 chờ triển khai chạy thử

Thông tin được ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết tại lễ triển khai thi công sau Tết của Dự án Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Giai đoạn đầu, các tàu chạy thử nghiệm đoạn depot Long Bình đến ga Bình Thái (TP. Thủ Đức). Sau đó, tàu vận hành thử từ Bình Thái đến ga Văn Thánh (quận Bình Thạnh) vào khoảng tháng 8, trước khi trên toàn tuyến ở thời điểm cuối năm. Kế hoạch này lùi lại so với dự tính triển khai năm 2021 do Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng nhiều đầu việc tại Dự án.

Metro Số 1 hiện đã được nhập về 11 trong tổng 17 đoàn tàu, đặt ở depot Long Bình chờ chạy thử. Việc vận hành thử thời gian đầu do nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) phụ trách, phối hợp nhân sự đào tạo trong nước như lái tàu, bộ phận vận hành bảo dưỡng... Thời gian chạy thử, hệ thống tín hiệu, cấp điện, điều khiển tàu tự động, theo dõi từ xa... cũng được kiểm tra.

Các tàu của Metro Số 1 sản xuất tại Nhật Bản, thiết kế tốc độ 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm). Quá trình vận hành thử nghiệm, ban đầu tàu sẽ chạy không tải để đánh giá khả năng hoạt động và hệ thống hỗ trợ; sau đó chở khách mô phỏng nhằm đánh giá sát thực tế.

Metro Số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Dự án hiện đạt gần 89%, đang được lên kế hoạch hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2023.

Đề nghị truy tố trùm đa cấp Thiên Rồng Việt Nguyễn Hữu Tiến

Dữ liệu công an thu thập được cho thấy các nhà đầu tư đã nộp gần 500 tỷ đồng cho doanh nghiệp đa cấp do nhóm lừa đảo lập ra.

Bị can Nguyễn Hữu Tiến

Bị can Nguyễn Hữu Tiến

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có kết luận điều tra bổ sung, đề nghị VKSND Tối cao truy tố bị can Nguyễn Hữu Tiến (trú TP.HCM) về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Ba người bị cho là đồng phạm với ông Tiến gồm Nguyễn Hồng Quân, Phạm Việt Sơn và Phạm Thị Phương Thư.

Theo kết quả điều tra, giai đoạn 2015 - 2018, Nguyễn Hữu Tiến cùng đồng phạm thành lập Công ty CP Đầu tư Thiên Rồng Việt và Công ty CP OTCMAX nhưng không có hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sau đó, các bị can đã sử dụng danh nghĩa các công ty trên, tung tin sai sự thật nhằm lôi kéo hơn 10.000 người tham gia mạng lưới đa cấp và nộp tiền.

Cơ quan điều tra cho rằng các bị can sử dụng Internet lập nhiều trang web, đăng hình ảnh, in ấn phẩm và tổ chức nhiều hội nghị, hứa trả hoa hồng cao để dụ nhà đầu tư góp vốn.

Trên thực tế, công an xác định đó là hành vi lấy tiền nộp của nhà đầu tư sau để trả một phần gốc và lãi cho các nhà đầu tư trước trong thời gian ngắn. Sau đó, nhóm lừa đảo không trả lãi và hoa hồng nữa mà chiếm đoạt tiền.

Tính đến cuối năm 2018, dữ liệu công an thu thập được cho thấy tổng số tiền các nhà đầu tư nộp vào hệ thống của 2 doanh nghiệp do Tiến thành lập là gần 500 tỷ đồng. Qua đó, nhóm bị can bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 40 tỷ đồng.

Lao động trở lại TP.HCM làm việc đạt 96%

Hơn 1,9 triệu lao động quay lại TP.HCM làm việc sau kỳ nghỉ Tết, đạt tỷ lệ khoảng 96%, theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Hơn 90% công nhân nhà máy Kềm Nghĩa ở Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) quay lại sản xuất vào ngày 7/2, nhận lì xì đầu năm

Hơn 90% công nhân nhà máy Kềm Nghĩa ở Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) quay lại sản xuất vào ngày 7/2, nhận lì xì đầu năm

Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM Nguyễn Văn Lâm cho biết, trong đó, số lao động tại các Khu chế xuất, khu công nghiệp là 262.000 trên tổng số 273.000 người; tại khu công nghệ cao là 49.700 trên tổng số hơn 51.700 người; còn lại hơn 1,6 triệu lao động là các doanh nghiệp bên ngoài ở các địa phương hơn 1,6 triệu.

Theo ông Lâm, với tình hình này dự kiến sau ngày 13/2, lực lượng công nhân ở các doanh nghiệp sẽ quay lại đầy đủ. Hiện, một số doanh nghiệp trên địa bàn đã chuẩn bị đơn hàng tới tháng 7 tới nên có các chính sách khá tốt giữ chân lao động. So với các năm trước thì năm nay tỷ lệ công nhân quay lại cao hơn, trừ một số doanh nghiệp quy mô nhỏ còn cho lao động nghỉ phép, nhưng số lượng không đáng kể.

Cũng theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, dự kiến nhu cầu lao động sau Tết tại TP.HCM khoảng 30.000 người, tập trung vào các ngành: kinh doanh, thương mại, lương thực - thực phẩm, điện tử, may mặc... Trong đó, mức lương từ 6 triệu trở lên đối với lao động không cần trình độ chuyên môn và 8 đến trên 10 triệu đồng cho lao động có tay nghề.