Bản tin thời sự sáng 11/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Khánh Hòa đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan tới Tập đoàn Phúc Sơn; Bộ Công Thương sắp đấu giá 20 ôtô Camry, Mercedes, Pajero; thêm 63 người bị bắt vì liên quan sai phạm đăng kiểm; trong tháng 2/2024, chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…

Khánh Hòa đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan tới Tập đoàn Phúc Sơn

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn và các công ty thành viên cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - kinh tế - buôn lậu, Bộ Công an.

Khu đất sân bay Nha Trang cũ được UBND tỉnh Khánh Hòa giao Tập đoàn Phúc Sơn

Khu đất sân bay Nha Trang cũ được UBND tỉnh Khánh Hòa giao Tập đoàn Phúc Sơn

Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - kinh tế - buôn lậu Bộ Công an có công văn gửi UBND tỉnh Khánh Hòa nêu rõ, đơn vị này đang điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan.

Để phục vụ công tác điều tra, cơ quan cảnh sát đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa và các đơn vị, địa phương trực thuộc cung cấp toàn bộ thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan quá trình phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện đầu tư, xây dựng... liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị thành viên.

UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, UBND thành phố Nha Trang cung cấp cho cơ quan công an các hồ sơ, tài liệu liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn và các công ty thành viên là chủ đầu tư, thi công các dự án trên địa bàn Tỉnh.

Được biết, từ năm 2013, Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn đã thi công, chủ đầu tư nhiều dự án tại tỉnh Khánh Hòa như Dự án Khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang và 3 dự án BT (xây dựng - chuyển giao) hoàn vốn bằng đất từ sân bay Nha Trang cũ.

Các dự án BT gồm: Dự án xây dựng các tuyến đường, nút giao thông kết nối với khu sân bay Nha Trang; Dự án nút giao thông Ngọc Hội và Dự án đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội. Hiện nay, các dự án này đều dang dở.

Bộ Công Thương sắp đấu giá 20 ôtô Camry, Mercedes, Pajero

Lô tài sản sắp thanh lý của Bộ Công Thương bao gồm 20 chiếc xe Toyota Camry, Mitsubishi Pajero, Hyundai Country, Mercedes Benz... đã sử dụng 14 - 22 năm.

Loạt ôtô sắp được Bộ Công Thương mang ra đấu giá đều đã qua sử dụng 14 - 22 năm. Ảnh minh họa

Loạt ôtô sắp được Bộ Công Thương mang ra đấu giá đều đã qua sử dụng 14 - 22 năm. Ảnh minh họa

Văn phòng Bộ Công Thương cho biết đang có nhu cầu thẩm định giá để xác định giá khởi điểm cho 20 chiếc ôtô theo giá trị thực tế, làm cơ sở thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cụ thể, tài sản có nhu cầu thẩm định để đấu giá bao gồm 17 ôtô con loại 5 - 8 chỗ nhãn hiệu Toyota Camry, Mitsubishi Pajero, Ford Laser, Mitsubishi Jolie, Ford Everest, Toyota Zace, Toyota Inova năm sản xuất từ 2000 - 2005; 3 ôtô khách loại 16 - 29 chỗ nhãn hiệu Toyota Hiace, Hyundai Country, Mercedes Benz năm sản xuất từ năm 2003 - 2005.

Theo danh sách, số xe trên đã sử dụng trong khoảng thời gian 14 - 22 năm và chạy được 124.000 - 384.000 km. Bộ Công Thương cho biết, 21 chiếc xe có nguyên giá từ 400 triệu đồng đến 940 triệu đồng.

Thời gian gần đây, nhiều tài sản là ôtô của cơ quan và doanh nghiệp nhà nước đang được đưa ra đấu giá với mức khởi điểm chỉ từ vài chục triệu đồng.

Chẳng hạn, Văn phòng Tổng cục Hải quan đang đấu giá một chiếc ôtô 5 chỗ nhãn hiệu Ford Focus biển kiểm soát 80B - 4165 với giá khởi điểm 105 triệu đồng. Tương tự, chiếc xe 9 chỗ hiệu Toyota Landcruiser biển kiểm soát 80B - 1573 đã qua sử dụng của Trường Đại học kỹ thuật y dược Đà Nẵng cũng đang được rao bán đấu giá với mức khởi điểm chỉ từ 69 triệu đồng.

Hay Văn phòng tỉnh ủy Đồng Nai đang đấu giá 2 ôtô khách, loại 16 chỗ ngồi, nhãn hiệu Toyota giá khởi điểm 60 triệu đồng/chiếc. Bên cạnh đó, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Bình Dương cũng có nhu cầu đấu giá ôtô khách 12 chỗ ngồi Toyota Hiace sử dụng từ năm 2003 với giá khởi điểm chỉ 17,5 triệu đồng; Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam đấu giá chiếc Mitsubishi Pajero 7 chỗ với giá khởi điểm từ 66 triệu đồng.

Thêm 63 người bị bắt vì liên quan sai phạm đăng kiểm

63 người ở các trung tâm đăng kiểm và doanh nghiệp cải tạo phương tiện xe cơ giới trên cả nước vừa bị bắt với cáo buộc sai phạm liên quan hoạt động đăng kiểm.

Các nghi can vừa bị khởi tố

Các nghi can vừa bị khởi tố

Ngày 10/3, Công an TP.HCM cho biết, những người này bị điều tra về các hành vi Nhận hối lộ, Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Như vậy, từ khi Công an TP.HCM khởi tố vụ án (tháng 12/2022) đến nay đã có tổng cộng 318 người bị khởi tố về 11 tội danh, gồm 5 tội danh trên và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Tham ô tài sản, Giả mạo trong công tác, Sản xuất, mua bán, trao đổi, tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật, Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, tính đến cuối năm 2023, công an 49 địa phương đã khởi tố 114 vụ án, hơn 800 bị can. Tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, hai nguyên Cục trưởng đang bị điều tra tội Nhận hối lộ là ông Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà.

Cơ quan chức năng cho rằng các vụ án đều có tính chất chung là ăn chia "có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên tục, nhiều cấp độ".

Tính đến tháng 8/2023, Đảng ủy Cục Đăng kiểm đã kỷ luật cảnh cáo 10 chi bộ, khai trừ Đảng 47 đảng viên, đình chỉ sinh hoạt 24 đảng viên sai phạm trong hoạt động đăng kiểm.

Trong tháng 2/2024, chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 2 với trị giá 1.165 tỷ đồng, bằng khoảng 60% cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ có ba đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 2 với trị giá 1.165 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Chỉ có ba đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 2 với trị giá 1.165 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lãi suất phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp trong tháng 2 cũng không còn quá nóng, gấp 2 - 3 lần mặt bằng lãi tiền gửi, như giai đoạn trước.

Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An phát hành thành công lô trái phiếu 500 tỷ đồng, lãi suất cố định 6% một năm. Mức này chỉ cao hơn một chút so với mặt bằng lãi suất tiền gửi 4 - 5% hiện nay.

Hai lô trái phiếu của công ty khác là Đầu tư và Xây dựng Xa Lộ Hà Nội và Du lịch Lạc Hồng có mức lãi suất lần lượt 10,1% và 9% mỗi năm. Trong đó, Xa Lộ Hà Nội huy động 550 tỷ đồng, còn Du lịch Lạc Hồng 115 tỷ đồng.

Trước đó trong tháng 1, có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 1.650 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng trị giá 2.000 tỷ đồng. Các đợt phát hành trong tháng 1 có lãi suất trung bình 10,7% một năm, kỳ hạn trung bình là 5,25 năm.

Cũng trong tháng 2, các doanh nghiệp đã mua lại 2.056 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, ước tính trong 10 tháng còn lại của năm 2024, sẽ còn khoảng 255.732 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó 38,4% là của doanh nghiệp bất động sản.

Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ảm đạm trong 2 tháng đầu năm do một số điều trong Nghị định 65/2022 có hiệu lực trở lại. Theo đó, các quy định về phát hành trái phiếu được thắt chặt hơn, ví dụ như tiêu chí xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm.

Đề xuất công bố chi tiết dự án địa ốc trên hệ thống thông tin các tỉnh

Doanh nghiệp có thể phải công khai đầy đủ thông tin dự án bất động sản trên hệ thống thông tin nhà ở, thị trường địa ốc của các tỉnh.

Doanh nghiệp có thể phải công khai đầy đủ thông tin dự án bất động sản

Doanh nghiệp có thể phải công khai đầy đủ thông tin dự án bất động sản

Yêu cầu này được đề cập tại điều 4 - công khai thông tin bất động sản, dự án đưa vào kinh doanh trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.

Cơ quan quản lý đang đề xuất doanh nghiệp trước khi ký hợp đồng đặt cọc hoặc bán, cho thuê bất động sản, dự án phải công khai đầy đủ, trung thực và chính xác thông tin tại hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của địa phương nơi có dự án.

Đồng thời, chủ đầu tư cũng phải tự công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp - tương tự quy định hiện hành. Bên cạnh kênh thông tin này, hiện nay các chủ đầu tư cũng chỉ cần công bố thông tin tại trụ sở ban quản lý dự án (với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản) và tại sàn giao dịch bất động sản (với trường hợp kinh doanh qua sàn). Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thường công bố thông tin về bất động sản, dự án không đầy đủ...

Dự thảo mới cũng quy định chi tiết những nội dung mà doanh nghiệp phải công bố như quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng của dự án, thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đã được cơ quan quản lý phê duyệt.

Các thông tin pháp lý của bất động sản, dự án cũng yêu cầu được công bố như văn bản chấp thuận cấp bảo lãnh của ngân hàng; văn bản của chủ đầu tư xác định rõ việc có hoặc không có thế chấp đối với nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; văn bản xác nhận hoặc hóa đơn (phiếu thu) của cơ quan thuế, kho bạc nhà nước thể hiện việc chủ đầu tư dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản đưa vào kinh doanh.

Trong trường hợp thay đổi các thông tin đã công bố, doanh nghiệp phải cập nhật lại trên trang thông tin điện tử và thông báo đến cơ quan quản lý hệ thống thông tin các tỉnh nơi có dự án chậm nhất sau 5 ngày làm việc…

Lập 150 bản đồ cảnh báo xã có nguy cơ sạt lở, lũ quét

Các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 hoặc lớn hơn cho 150 xã miền núi trong hai năm tới.

Vụ sạt lở hồi tháng 10/2023 tại Hà Tĩnh

Vụ sạt lở hồi tháng 10/2023 tại Hà Tĩnh

Theo Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam, đến năm 2025 các Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục Địa chất Việt Nam và Vụ Khoa học công nghệ sẽ ưu tiên điều tra, xây dựng dữ liệu phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét.

Hà Giang có 44 xã nằm trong danh sách dự kiến lập bản đồ, nhiều nhất cả nước. Tiếp theo là Kon Tum 21 xã, Hà Tĩnh 20 xã, Lào Cai 17 xã, Yên Bái 11 xã.

Dựa trên nghiên cứu năm 2021 của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, các xã được lập bản đồ khi có trên 60% diện tích nguy cơ sạt lở và 30% diện tích có nguy cơ lũ quét; hoặc trên 70% diện tích có nguy cơ sạt lở, trên 60% diện tích có nguy cơ lũ quét.

"Quá trình khảo sát thực địa, căn cứ nhu cầu của địa phương và diễn biến thiên tai, chúng tôi có thể điều chỉnh các xã", đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu các cơ quan liên quan điều tra lập bản đồ phân vùng tỉnh dễ bị tổn thương, mức độ phơi bày do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:50.000 và 1:25.000 cho 37 tỉnh trung du, miền núi; lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro thiên tai do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:50.000 và 1:25.000 cho 15 tỉnh miền núi ở cả ba miền Bắc, Trung Nam.

Lũ quét, sạt lở đất là một trong những loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn ở Việt Nam. Hiện nay công tác dự báo, cảnh báo còn nhiều hạn chế do thiếu dữ liệu, công nghệ.

Bộ Tài chính vẫn muốn áp thuế nhập khẩu 50% với thuốc lá điện tử

Dù một số bộ ngành, doanh nghiệp nói "chưa cần", Bộ Tài chính vẫn muốn áp thuế nhập khẩu 50% với thuốc lá điện tử và các sản phẩm liên quan.

Bộ Tài chính vẫn muốn áp thuế nhập khẩu 50% với thuốc lá điện tử

Bộ Tài chính vẫn muốn áp thuế nhập khẩu 50% với thuốc lá điện tử

Góp ý dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính không quy định các mặt hàng thuốc lá điện tử và các sản phẩm liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Bộ Y tế cho biết đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ không cho phép mua bán, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở Việt Nam vì những hệ luỵ với sức khoẻ, xã hội, môi trường, tác động tiêu cực tới người sử dụng, đặc biệt trẻ em, thanh thiếu niên.

Hiện các sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, theo Bộ Y tế, việc đưa vào quy định chưa có cơ sở pháp lý cũng như chưa xác định rõ khái niệm sản phẩm.

Cùng quan điểm, Bộ Công an cho rằng hiện chưa có chính sách nhập khẩu với các mặt hàng này nên quy định thuế suất là chưa phù hợp.

Phản hồi các ý kiến góp ý của doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, quy định thuế suất như trên là cần thiết và phù hợp, được các thành viên Chính phủ đồng thuận. Cùng đó, Bộ này lập luận việc hàng hoá có được phép lưu hành, xuất nhập khẩu trên thị trường hay không sẽ theo pháp luật quản lý chuyên ngành. Còn với hàng hoá đã có mã trong Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam thì phải quy định về thuế suất để áp dụng trong trường hợp được phép lưu hành.

Bộ Công Thương lưu ý với Bộ Tài chính thiết bị sử dụng cho thuốc lá điện tử sẽ quản lý theo quy định hiện hành về thiết bị điện tử.

Trước đó, khi xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính cũng cho biết, thuốc lá là mặt hàng nhạy cảm cao và thuộc diện quản lý chuyên biệt nên từ khi gia nhập WTO cũng như quá trình đàm phán các hiệp định FTA, quan điểm của Việt Nam là giữ mức cam kết thuế tối đa. Do đó, Việt Nam không cắt giảm thuế suất nhập khẩu, hoặc nếu phải giảm, sẽ kéo dài thời gian cắt giảm nhất có thể. Nguyên nhân đây là mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cần hạn chế.

Chuyển 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố trốn đóng bảo hiểm sang Cơ quan điều tra

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính từ năm 2018 đến hết năm 2023, toàn ngành BHXH đã gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra, tuy nhiên, chỉ có 15 hồ sơ được khởi tố. Do đó, cần khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến BHXH. Đồng thời, xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

Tình trạng doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội diễn ra ngày càng phức tạp. Ảnh minh họa

Tình trạng doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội diễn ra ngày càng phức tạp. Ảnh minh họa

Trước tình trạng doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) diễn ra ngày càng phức tạp, nhằm tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ để xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm các chính sách BHXH, BHYT, BHTN đang gây bức xúc cho xã hội, Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018) đã bổ sung các điều luật quy định về các tội danh trong lĩnh vực BHXH, trong đó có tội "Gian lận BHXH, BHTN" (Điều 214), tội "Gian lận BHYT" (Điều 215) và tội "Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN" (Điều 216).

Ngày 15/8/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05 hướng dẫn áp dụng Điều 214, Điều 215 và Điều 216 do đây là các tội danh mới, lần đầu tiên được quy định trong BLHS để thống nhất áp dụng trong thực tiễn…

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, tính từ năm 2018 đến hết 31/12/2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, tính đến nay, mới có 15 hồ sơ đã được khởi tố, trong đó có 8 bản án đã có hiệu lực pháp luật với số tiền cá nhân, tổ chức phải thi hành án cho cơ quan BHXH là hơn 2,69 tỷ đồng, số tiền cơ quan BHXH đã thu hồi được từ thi hành án đạt là hơn 2,381 tỷ đồng. 220 hồ sơ không khởi tố do được xác định là không có dấu hiệu tội phạm, không có hành vi vi phạm hoặc chuyển xử lý hành chính; 23 hồ sơ tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố; 2 hồ sơ bị tạm đình chỉ...

Tin cùng chuyên mục