Bản tin thời sự sáng 11/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tháo dỡ tòa nhà ở sân golf đồi Cù Đà Lạt; chốt thời gian di dời toàn bộ nhà máy ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1; người Việt chi hàng chục tỷ mỗi tháng mua iPhone qua livestream TikTok; Hậu Giang chưa có nguồn cung 3,4 triệu m3 cát cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…

Tháo dỡ tòa nhà ở sân golf đồi Cù Đà Lạt

Tòa nhà câu lạc bộ golf đồi Cù xây dựng không phép và sai phép sẽ được tháo dỡ vào ngày 11/6, theo chủ đầu tư dự án.

Hai công trình xây ở đồi Cù, trong đó toà nhà 4 tầng bên trái hình bị xác định xây không phép, toà mái vòm nằm phía sau xây vượt phép

Hai công trình xây ở đồi Cù, trong đó toà nhà 4 tầng bên trái hình bị xác định xây không phép, toà mái vòm nằm phía sau xây vượt phép

Ngày 10/6, trong thông báo gửi UBND TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Công ty CP Hoàng Gia ĐL (Chủ đầu tư) cho biết, sẽ tháo dỡ công trình tòa nhà câu lạc bộ golf đồi Cù bắt đầu từ 9h ngày 11/6. Đại diện chính quyền và đơn vị liên quan được mời đến chứng kiến và phối hợp dỡ bỏ.

Động thái được chủ dự án đưa ra sau hơn 1 năm Dự án xảy ra nhiều vi phạm. Hồi tháng 3/2023, chính quyền TP. Đà Lạt kiểm tra, phát hiện Dự án nằm sát hồ Xuân Hương xây không phép, sai phép diện tích hơn 20.000 m2 nên yêu cầu dừng thi công. Chủ đầu tư bị xử phạt 240 triệu đồng.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng qua rà soát xác định, công trình này xây trên hơn 5.629 m2 đất rừng phòng hộ không được thực hiện dự án sân golf, theo điều 6 và 7 Nghị định 52. Vì vậy, diện tích đất này không đủ điều kiện chuyển mục đích làm dự án sân golf.

Trước đó, ngày 29/5, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng thu hồi giấy phép cấp ngày 12/1/2023 đối với một phần hạng mục tầng hầm diện tích xây dựng 2.639 m2, thuộc tòa nhà câu lạc bộ golf. Việc thu hồi do Chủ đầu tư không khắc phục xây dựng sai giấy phép (theo điểm b, khoản 1, Điều 101 Luật Xây dựng).

Chốt thời gian di dời toàn bộ nhà máy ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1

Kế hoạch di dời toàn bộ nhà máy ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được thực hiện thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trước tháng 12/2024; giai đoạn 2 hoàn thành trước tháng 12/2025.

Chốt thời gian di dời toàn bộ nhà máy ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1

Chốt thời gian di dời toàn bộ nhà máy ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa ký ban hành Kế hoạch 198/KH-UBND về việc triển khai phương án di dời các nhà máy, xí nghiệp theo Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.

Theo kế hoạch trên, giai đoạn 1 được thực hiện và hoàn thành trước tháng 12/2024. Trong đó, các doanh nghiệp nằm trong phần diện tích khu 1, khoảng 75,1 ha, nằm về phía Nam Khu công nghiệp Biên Hòa 1, tiếp giáp cầu An Hảo, đường Trần Quốc Toản, đường Lê Văn Duyệt, xa lộ Hà Nội.

Giai đoạn này, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến toàn bộ mặt bằng của 10 công ty và một phần diện tích của 4 công ty khác.

Giai đoạn 2, sẽ được hoàn thành trước tháng 12/2025, gồm các doanh nghiệp nằm trong phần diện tích còn lại.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, kế hoạch cụ thể hóa thể nhiệm vụ của từng sở, ban, ngành và UBND thành phố Biên Hòa trong việc triển khai Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường, trong từng giai đoạn từ nay đến năm 2025. Đồng thời, xây dựng và thực hiện phương án bồi thường, di dời các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân (nếu có) đảm bảo các doanh nghiệp nằm trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 di dời trước ngày 31/12/2025.

Việc xây dựng và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật do Tổng công ty Sonadezi đã đầu tư xây dựng trước ngày 31/12/2025.

Theo đề án, việc đầu tư Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa 1 sẽ được tách thành 2 hồ sơ với quy mô cụ thể từng dự án (khu vực) gồm: Dự án khu vực trung tâm chính trị - hành chính của Tỉnh, quy mô diện tích khoảng 44 ha; Dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ là hơn 286 ha.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cần khoảng 7.500 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ di dời đối với doanh nghiệp và người dân.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có diện tích hơn 330 ha, hiện nay có 76 doanh nghiệp đang thuê đất còn hoạt động tại Khu công nghiệp.

Người Việt chi hàng chục tỷ mỗi tháng mua iPhone qua livestream TikTok

Doanh số iPhone tháng 5 trên TikTok Shop đạt 84,8 tỷ đồng, tăng 4 lần so tháng trước, là nguyên nhân Apple yêu cầu nhà bán lẻ dừng kinh doanh trên nền tảng này.

Doanh số iPhone tháng 5 trên TikTok Shop đạt 84,8 tỷ đồng

Doanh số iPhone tháng 5 trên TikTok Shop đạt 84,8 tỷ đồng

Dữ liệu thống kê bởi Công ty Tư vấn thương mại điện tử YouNet ECI (công ty phân tích dữ liệu và tư vấn thương mại điện tử) cho biết, tổng giá trị giao dịch các dòng điện thoại iPhone trên nền tảng TikTok tháng qua tăng trưởng đến 307% so với tháng 4.

Trong đó, Top 3 gian hàng dẫn đầu doanh số lần lượt là FPT Shop, Viettel Store và Di Động Việt. Ba gian hàng này chiếm tổng cộng đến 86,7% thị phần iPhone bán ra trên kênh thương mại điện tử này.

Chia theo từng nhà bán lẻ, có 1.922 chiếc iPhone bán ra từ gian hàng FPT Shop, tăng doanh thu 240% so với tháng 4. Viettel Store và Di Động Việt lần lượt bán ra 576 và 453 chiếc trên TikTok Shop trong cùng thời gian.

iPhone hút hàng trên TikTok Shop tháng qua nhờ các sự kiện kích cầu trong tháng 5, qua những phiên livestream mang về doanh thu được tuyên bố đến "trăm tỷ đồng" trên nền tảng, theo ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc phân tích thị trường của YouNet ECI.

"Viettel Store có phiên Mega Live cùng KOL Quyền Leo Daily, hay FPT Shop với các phiên livestream hàng tuần. Những con số tăng trưởng như trên đã cho thấy sự hiệu quả về doanh thu của cách làm này", ông Lâm dẫn chứng.

Tính chung 5 tháng đầu năm, các sản phẩm của Apple (bao gồm Iphone, Macbook, Ipad, Airpods, Apple Watch) đang bán khá tốt trên TikTok Shop, theo nền tảng số liệu thị trường thương mại điện tử Metric.

Cụ thể, chúng mang về cho các đại lý gần 203 tỷ đồng, tăng kỷ lục 955% doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, chỉ chưa đến nửa năm, doanh số đã đạt hơn 83% so với toàn năm 2023. Trong đó, iPhone 15 là các dòng sản phẩm bán chạy nhất trên nền tảng này, theo Metric.

Khi doanh số iPhone và các sản phẩm "nhà táo" tăng vũ bão trên sàn TikTok Shop tại Việt Nam, Apple yêu cầu dừng kinh doanh qua kênh này.

Cụ thể, từ đêm 31/5, nhiều chuỗi bán lẻ ủy quyền của Apple tại Việt Nam như Viettel Store, FPT Shop, Di Động Việt, Hoàng Hà Mobile đều đã gỡ bán các sản phẩm của Apple khỏi giỏ hàng trên TikTokShop.

Các nhà máy Samsung tại Việt Nam có lãi trở lại

Quý đầu năm nay, 4 nhà máy của Samsung tại Việt Nam lãi gần 1,2 tỷ USD, trong khi 3 tháng cuối năm ngoái lỗ gần 180 triệu USD.

Nhân viên sản xuất smartphone Samsung trong nhà máy tại Thái Nguyên.

Nhân viên sản xuất smartphone Samsung trong nhà máy tại Thái Nguyên.

Ba tháng cuối năm ngoái, 3 trong số 4 nhà máy của Samsung ở Việt Nam ghi nhận lỗ. Cụ thể, Samsung Electronics Vietnam (SEV) tại Bắc Ninh lỗ khoảng 116 triệu USD, Samsung Thái Nguyên (SEVT) gần 90 triệu USD.

Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) cũng lỗ 15 triệu USD. Trong khi, Samsung Display Vietnam (SDV) là đơn vị duy nhất có lãi trên 40 triệu USD.

Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm nay, các cơ sở này có lãi trở lại. Theo báo cáo tài chính kiểm toán quý I, Samsung Electronics đạt doanh thu khoảng 71.920 tỷ won (khoảng 54 tỷ USD).

Trong đó, 4 nhà máy của hãng ở Việt Nam tiếp tục đóng góp khoảng 30%, tương đương 16,25 tỷ USD. Mức này tăng khoảng 2 tỷ USD so với quý cuối năm ngoái.

Lãi sau thuế của các nhà máy này khoảng 1,17 tỷ USD, chiếm trên 23% lãi của tập đoàn mẹ.

Samsung Thái Nguyên là nhà máy góp doanh thu và lãi nhiều nhất cho đại gia điện tử Hàn Quốc, lần lượt 8,16 tỷ USD và 707 triệu USD. Kế đến là Samsung Electronics Vietnam với 4,2 tỷ USD doanh thu và lợi nhuận 300 triệu USD.

Samsung Display Vietnam và Samsung Electronics HCMC CE Complex lần lượt đạt doanh thu 2,65 tỷ USD và 1,24 tỷ USD. Lợi nhuận của đơn vị chuyên sản xuất màn hình ở Bắc Ninh khoảng 123 triệu USD, còn cơ sở tại TP.HCM là 40,7 triệu USD.

Tập đoàn Hàn Quốc cho biết, doanh thu hợp nhất tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ doanh số bán dòng smartphone Galaxy S24 và giá chất bán dẫn bộ nhớ tăng cao. Lợi nhuận hoạt động cũng tăng, nhờ ngành hàng bộ nhớ có lãi trở lại. Cùng với đó, đồng won trượt giá so với các đồng tiền lớn trên thế giới đã tác động tích cực đến tổng lợi nhuận của tập đoàn này.

Samsung hiện nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, với 4 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM có tổng vốn hơn 22 tỷ USD. Điện thoại di động sản xuất tại Việt Nam chiếm trên 50% sản lượng sản xuất của hãng trên toàn cầu. Dự kiến, năm nay xuất khẩu mặt hàng này của họ sẽ tăng hơn 10%, so với gần 56 tỷ USD năm 2023.

Hậu Giang chưa có nguồn cung 3,4 triệu m3 cát cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Sau gần một năm triển khai, Hậu Giang đã nỗ lực làm việc với các địa phương, nhưng đến nay 3,4 triệu m3 cát đắp nền cho dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vẫn chưa tìm được nguồn cung.

3,4 triệu m3 cát đắp nền dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chưa tìm được nguồn cung

3,4 triệu m3 cát đắp nền dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chưa tìm được nguồn cung

Dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khởi công vào tháng 6/2023. Sau gần một năm thi công, đến nay Dự án chỉ mới đạt hơn 8% giá trị hợp đồng, chậm so với kế hoạch.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, công tác triển khai Dự án bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch UBND Tỉnh. Trong đó, mặt bằng bàn giao đạt hơn 98%, chỉ còn vướng 22 hộ, do còn khiếu nại về giá và một số thủ tục có liên quan.

Về tình hình thi công, nhà thầu đảm nhận Gói thầu số 1 đã huy động nhân lực, thiết bị, triển khai 30 mũi tập trung thi công cầu Đông Pháp, KH9, Kênh Dậy, Xà No, cầu vượt quốc lộ 61C, 61, Thới An, Đường Láng, nút giao hai cao tốc và đắp cát tuyến chính.

Tại Gói thầu số 2, nhà thầu cũng đã triển khai 12 mũi, thi công đường công vụ, cầu Nàng Mau, cầu Hoà Mỹ, cầu Lái Hiếu, cầu Hậu Giang 3. Tuy nhiên, Dự án hiện chậm 44% so với kế hoạch.

"Khả năng hoàn thành so với kế hoạch, các mốc tiến độ theo yêu cầu còn khó khăn do thiếu nguồn vật liệu cát. Hiện nay, UBND tỉnh Hậu Giang đang chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với nhà thầu thi công nỗ lực tìm kiếm nguồn vật liệu cát để phục vụ cho Dự án. Mặc dù các đơn vị đã rất cố gắng khắc phục những khó khăn, tuy nhiên đến nay kết quả chưa như mong muốn", UBND tỉnh Hậu Giang cho biết.

Theo ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền là hơn 6 triệu m3. Dù khởi công từ tháng 6/2024, nhưng mãi đến tháng 5/2024, tức là 11 tháng, Dự án chỉ mới được cấp một mỏ cát với trữ lượng khoảng 2,6 triệu m3. Từ đó, gây khó khăn và ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.

Metro số 1 TP.HCM có nguy cơ lùi lịch chạy thử đến tháng 11/2024

Nhà thầu Hitachi lại đẩy lùi mốc tiến độ dẫn đến lịch vận hành khai thác thử tuyến metro số 1 đến tháng 11/2024, thay vì tháng 10 như kế hoạch.

Tuyến metro số 1 có nguy cơ lùi tiến độ vận hành

Tuyến metro số 1 có nguy cơ lùi tiến độ vận hành

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa có văn bản báo cáo kết quả, tiến độ giải quyết các công việc của Tổ công tác về giải quyết khó khăn, vướng mắc của Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Theo MAUR, Dự án metro số 1 đã hoàn thành hơn 98,24%, nhưng vẫn đang gặp một số vướng mắc, khó khăn, nên có thể phải tiếp tục lùi lịch chạy thử.

Cụ thể, MAUR nhấn mạnh vướng mắc lớn nhất tại Gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray, bảo dưỡng) của nhà thầu Hitachi. Dù thời gian qua, phía chủ đầu tư đã tích cực đôn đốc tư vấn NJPT và nhà thầu Hitachi, liên danh Sumitomo - Cienco 6 (SCC) phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo tổng thể của Dự án. Tuy nhiên, đến nay, tư vấn NJPT vẫn chưa hoàn thành được kế hoạch đào tạo, gồm chương trình đào tạo và chuyển giao kiến thức...

Cùng với đó, theo các kế hoạch công việc mới nhất, nhà thầu Hitachi lại đẩy lùi các mốc tiến độ về sau, ví dụ mốc tiến hành vận hành khai thác thử (Trial-Run) đã được đẩy lùi về tháng 11, thay vì tháng 10. MAUR cho biết, việc này dẫn đến kéo dài hơn nữa tiến độ Dự án.

Do đó, MAUR kiến nghị, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam có ý kiến đối với nhà thầu Hitachi tuân thủ tiến độ mục tiêu của Dự án, cũng như có tinh thần phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong việc tiến hành các giải pháp "tạm" hài hòa lợi ích, quyền lợi và trách nhiệm pháp lý của hai bên.

Bên cạnh đó, vai trò và năng lực của tư vấn chung NJPT cần phải được phát huy hơn nữa. Hiện nay, MAUR nhận thấy, NJPT chưa có các biện pháp, giải pháp thúc đẩy tiến độ của Dự án về cả mặt kỹ thuật, thương mại, hợp đồng…

Hà Nội đầu tư tuyến đường Đỗ Xá - Quan Sơn dài 6,5 km

Hà Nội chuẩn bị đầu tư tuyến đường Đỗ Xá - Quan Sơn (từ Quốc lộ 21B đến đường trục kinh tế phía Nam) thuộc địa bàn huyện Ứng Hòa với chiều dài khoảng 6,5 km.

Hà Nội đầu tư tuyến đường Đỗ Xá - Quan Sơn dài 6,5 km. Ảnh minh họa

Hà Nội đầu tư tuyến đường Đỗ Xá - Quan Sơn dài 6,5 km. Ảnh minh họa

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông mới ký ban hành Quyết định số 2953/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án Đầu tư đường Đỗ Xá - Quan Sơn (từ Quốc lộ 21B đến đường trục kinh tế phía Nam) thuộc địa bàn huyện Ứng Hòa.

Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông (đường bộ) cấp II do UBND huyện Ứng Hòa làm Chủ đầu tư với quy mô: xây dựng mới Dự án Đường Đỗ Xá - Quan Sơn (từ Quốc lộ 21B đến đường trục kinh tế phía Nam) thuộc địa bàn huyện Ứng Hòa với chiều dài khoảng 6,5 km, mặt cắt ngang đường 12 m.

Dự án nhằm góp phần hoàn chỉnh đầu tư tuyến đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam của huyện Ứng Hòa theo quy hoạch; tăng khả năng khai thác hàng hóa, năng lực kết nối với các tuyến đường hiện hữu và tạo thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh trong khu vực.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu, các đơn vị liên quan tổ chức quản lý, thực hiện dự án đầu tư theo đúng nội dung tại quyết định này và các quy định của Nhà nước và Thành phố về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý chất lượng công trình, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, giám sát đánh giá đầu tư, giám sát cộng đồng; triển khai Dự án đúng tiến độ, chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành.