Bản tin thời sự sáng 11/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít tại kỳ điều chỉnh ngày 11/7; điều tra sai phạm tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn; Bộ Công Thương đề xuất làm tiếp gần 2.430 MW điện mặt trời; Lý Sơn vận hành cảng biển hơn 250 tỷ đồng; Hà Nội lắp camera an ninh ở nhiều khu vực…

Giá xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít tại kỳ điều chỉnh ngày 11/7

Từ 0h ngày 11/7, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 3.103 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 3.088 đồng/lít. Nếu không giảm thuế, giá xăng chỉ giảm khoảng hơn 2.000 đồng/lít.

Giá xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít tại kỳ điều chỉnh ngày 11/7

Giá xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít tại kỳ điều chỉnh ngày 11/7

Tối 10/7, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu cùng thời điểm Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ 0h ngày 11/7.

Theo đó, xăng E5 RON 92 giảm 3.103 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 3.088 đồng/lít. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 27.780 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.670 đồng/lít.

Giá bán đối với mặt hàng dầu cũng giảm mạnh ở kỳ điều hành này, dầu diesel giảm 3.022 đồng/lít còn 26.590 đồng/lít, dầu hỏa còn 26.340 đồng/lít...

Như vậy, đây là lần giảm thứ 2 sau bảy lần tăng liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay của giá xăng, dầu. Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Hiện, giá xăng trong nước đã xuống dưới mức 30.000 đồng/lít, gần bằng mức giá vào giữa tháng 4.

Ở kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương trích lập Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel 550 đồng/lít, dầu mazut 950 đồng/kg và dầu hỏa 500 đồng/lít.

Giá xăng được điều chỉnh trùng với thời điểm nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực.

Điều tra sai phạm tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn

Cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu tội phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - Resco.

Dự án cao ốc văn phòng số 257 đường Điện Biên Phủ, TP.HCM

Dự án cao ốc văn phòng số 257 đường Điện Biên Phủ, TP.HCM

Ngày 10/7, quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ban hành, nhằm làm rõ sai phạm của các cá nhân tại Resco.

Resco được UBND TP.HCM thành lập năm 1997, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng dự án, nhà ở tái định cư; nhà ở xã hội; chương trình giải tỏa kênh rạch, chung cư, nhà ở công nhân... Năm 2010, Tổng công ty chuyển thành công ty TNHH một thành viên với nhiều công ty con, công ty liên doanh và liên kết. Resco đang thực hiện nhiều dự án bất động sản tại Sài Gòn.

Hiện, dấu hiệu tội phạm tại Resco chưa được cơ quan điều tra công bố, song hồi giữa năm ngoái, Thanh tra TP.HCM kết luận Resco có nhiều sai phạm tại 2 dự án đầu tư chung cư Nguyễn Kim - khu B (Quận 10) và cao ốc văn phòng số 257 Điện Biên Phủ (Quận 3). Ngoài ra, trong kết luận về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2017 - 2018, được công bố hồi tháng 4/2020, Resco bị cho có nhiều sai phạm như: tùy tiện, quản lý chưa chặt vốn Nhà nước dẫn đến khó thu hồi nợ 1.473 tỷ đồng.

Resco đầu tư tài chính vào 32 đơn vị với tổng vốn là hơn 2.250 tỷ đồng. Trong đó có đến 14/32 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế hàng chục tỷ đồng, khó có khả năng bảo toàn vốn.

Nguyên nhân được cho là Tổng công ty đã cử người đại diện góp vốn tại các doanh nghiệp không đúng quy định của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, đơn vị này không báo cáo và đề xuất UBND Thành phố về biện pháp xử lý, đồng thời chưa hoàn tất việc thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Bộ Công Thương đề xuất làm tiếp gần 2.430 MW điện mặt trời

Để tránh tranh chấp pháp lý với chủ đầu tư, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cho triển khai tiếp để năm 2030 vận hành thương mại gần 2.430 MW điện mặt trời.

Công nhân thi công dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận

Công nhân thi công dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận

Kiến nghị này được Bộ Công Thương nêu khi giải trình với Thủ tướng một số vấn đề phát triển điện mặt trời tại dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Theo số liệu được bộ này tổng hợp, 175 dự án điện mặt trời được phê duyệt, bổ sung quy hoạch, với tổng công suất 15.301 MW. Đến cuối 2020 có 131 dự án vận hành, công suất 8.736 MW.

Tại dự thảo Quy hoạch điện VIII được trình trước đây, trong 10 năm (2021 - 2030) sẽ giữ nguyên công suất điện mặt trời như hiện tại là 8.736 MW. Số dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất khoảng 6.200 MW thì giãn tiến độ tới sau 2030.

Nhưng cuối tháng 5, Bộ Công Thương có văn bản xin ý kiến Chính phủ về hướng xử lý với số dự án điện mặt trời phải giãn tiến độ đến sau 2030. Đây là các dự án có trong quy hoạch, đã được chấp thuận đầu tư hoặc có trong quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận đầu tư (với công suất khoảng 4.136 MW). Đề nghị này khác với các báo cáo trước đây nên Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương có quan điểm rõ ràng về đề xuất hướng xử lý.

Ở lần giải trình gửi Thủ tướng đầu tháng 7, Bộ Công Thương đề xuất cho triển khai tiếp khoảng 2.428 MW để vận hành thương mại tới năm 2030. Trong đó, các dự án hoặc phần dự án điện mặt trời đã hoàn thành thi công là gần 453 MW (ước tính tổng số tiền đã đầu tư khoảng 11.800 tỷ đồng); các dự án đã quy hoạch, chấp thuận nhà đầu tư nhưng chưa vận hành gần 1.976 MW.

Lý do được bộ này đưa ra khi đề nghị triển khai tiếp các dự án trên là để "tránh rủi ro pháp lý, khiếu kiện và đền bù cho các nhà đầu tư".

Nếu số dự án này được Thủ tướng chấp thuận triển khai tiếp, tổng công suất nguồn điện của hệ thống đạt gần 133.879 MW vào 2030 với phương án cơ sở và 148.359 MW ở kịch bản phụ tải cao cho điều hành.

Lý Sơn vận hành cảng biển hơn 250 tỷ đồng

Quảng Ngãi đưa vào vận hành cảng Bến Đình tổng đầu tư 256 tỷ đồng, thay thế cảng Lý Sơn xây cách đây hơn 20 năm nay xuống cấp, quá tải.

Tàu đưa khách từ đất liền cập cảng Bến Đình trong ngày đầu vận hành

Tàu đưa khách từ đất liền cập cảng Bến Đình trong ngày đầu vận hành

Ngày 10/7, Ban Quản lý cảng và Cảng vụ đường thủy nội địa (Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi) khai thác thử nghiệm cảng Bến Đình. Trong buổi sáng, hai tàu đi và đến cảng an toàn dù trời mưa và thời tiết không thuận lợi.

Cảng Bến Đình gồm một cầu tàu dài 240 m, cho phép neo đậu cùng lúc hai tàu trọng tải 2.000 DWT và 1000 DWT, một tàu khách 400 ghế. Dự án còn có kè bảo vệ bờ dài 500 m; khu đất lấn biển gần 5 ha; nhà ga hành khách hai tầng, bãi đỗ xe khoảng 2.770 m2; hệ thống phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, chiếu sáng...

Công trình khởi công năm 2016, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng nhưng nhiều lần trễ tiến độ. Cuối 2020, bão số 9 và 13 làm công trình hư hỏng nặng. Để bảo vệ cảng trước nguy cơ hư hỏng do sóng lớn, Quảng Ngãi sẽ chi thêm 250 tỷ đồng làm đê chắn sóng.

Lý Sơn là đảo tiền tiêu của Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, tàu cao tốc chạy mất 30 - 40 phút. Từ khi du lịch phát triển, mỗi năm đảo đón khoảng 200.000 lượt khách.

Hà Nội lắp camera an ninh ở nhiều khu vực

Các tuyến giao thông chính, khu dân cư, địa bàn phức tạp về an ninh trật tự ở Hà Nội sẽ được lắp đặt camera để giám sát, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Hệ thống camera giám sát trên phố Xã Đàn, TP. Hà Nội

Hệ thống camera giám sát trên phố Xã Đàn, TP. Hà Nội

Theo kế hoạch mới ban hành của UBND TP. Hà Nội, các quận, huyện, thị xã được giao đẩy mạnh lắp camera an ninh ở phường, xã, thị trấn. Công an là nòng cốt trong việc tập huấn cho cán bộ quản lý, khai thác, sử dụng công cụ này.

Thành phố giao Mặt trận Tổ quốc tuyên truyền, vận động cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tự giác lắp camera để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và hỗ trợ công tác an ninh trật tự tại cơ sở.

Đến nay, Hà Nội đã triển khai mô hình camera an ninh tại 121 phường, xã, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Các quận như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy và huyện Ứng Hòa... đã lắp tại 100% phường, xã, thị trấn.

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho rằng, hệ thống camera là "tai mắt", "cách tay nối dài" của công an, giúp lực lượng này quản lý, giám sát tốt địa bàn; điều tra khám phá nhanh các vụ án, vụ vi phạm pháp luật.

Một số địa bàn lắp camera đã có tác dụng tốt trong việc răn đe, ngăn chặn các đối tượng có ý định thực hiện hành vi phạm tội. Một số loại tội phạm như cướp, trộm cắp tài sản có xu hướng giảm ở nơi lắp camera.

Gần 200 cây thông tại Quảng Nam bị khoan lỗ, bơm thuốc độc

Gần 200 cây thông 35 tuổi ở xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), bị khoan lỗ, bơm thuốc độc, hiện lá ngả vàng và khả năng chết.

Rừng thông bị đầu độc

Rừng thông bị đầu độc

Công an huyện Núi Thành cho biết đang truy tìm thủ phạm đầu độc rừng thông tại khoảnh 6, Tiểu khu 592, xã Tam Xuân 2, do Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam (Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam) quản lý. Kiểm tra hiện trường, công an phát hiện một lọ thuốc, đang được giám định.

Trong báo cáo gửi cơ quan chức năng, Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam cho biết, ngày 4/7 công nhân phát hiện rừng thông lâu năm, chu vi thân 20 - 60 cm, tiếp giáp rừng trồng gỗ keo của người dân xã Tam Xuân 2 bị phá hoại. Kẻ xấu khoan mỗi cây 1 - 3 lỗ, đường kính 5 - 10 mm, sâu 8 - 10 cm rồi nhét thuốc độc vào.

Tổng diện tích rừng bị đầu độc gần nửa ha, với gần 200 cây. Diện tích cây thông này đã có chứng chỉ FSC, không khai thác gỗ, chỉ nuôi dưỡng để bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường.

Hiện nhiều cây lá chuyển vàng, khả năng chết, tổng thiệt hại gần 160 triệu đồng. Dưới rừng thông bị phá hoại, người dân trồng cây gỗ keo. Do đó, đại diện Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam nhận định kẻ gian khoan phá hoại cây thông nhằm tạo khoảng trống để chiếm đất trồng cây keo.

Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam đang quản lý hơn 940 ha đất rừng ở huyện Núi Thành.