Bản tin thời sự sáng 11/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là kiến nghị chuyển đổi 5,3 ha rừng phòng hộ Đà Lạt làm khu nghỉ dưỡng; giá USD ngân hàng giảm sâu; đến 30/8 sẽ xử lý xong sai phạm của thuê bao sở hữu trên 10 SIM; TP.HCM muốn chi 120 tỷ đồng mua thiết bị chữa cháy; đề xuất không truy thu tiền đóng bảo hiểm của chủ hộ kinh doanh…

Kiến nghị chuyển đổi 5,3 ha rừng phòng hộ Đà Lạt làm khu nghỉ dưỡng

Doanh nghiệp đề nghị chính quyền cho chuyển đổi 5,3 ha rừng thông chức năng phòng hộ trong Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm để làm khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Một góc hồ Tuyền Lâm

Một góc hồ Tuyền Lâm

Theo văn bản đề nghị của Công ty CP Sacom - Tuyền Lâm vừa gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, khu vực đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc phân khu chức năng số 7, 8 Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm.

Vị trí xin chuyển đổi là rừng thông ba lá nằm một phần trong các tiểu khu 162B, 266B, TP. Đà Lạt và tiểu khu 268, thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng mà doanh nghiệp đã thuê để thực hiện dự án vào năm 2010.

Theo quyết định của Thủ tướng vào năm 2004, khu vực này là đất rừng phòng hộ môi trường cảnh quan TP. Đà Lạt. Trữ lượng gỗ theo khảo sát là hơn 1.200 m3. Doanh nghiệp xin được nộp tiền cho diện tích xin chuyển đổi do không có điều kiện trồng rừng thay thế theo quy định.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan thẩm định, tham mưu đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định.

Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm được Thủ tướng công nhận là khu du lịch quốc gia đầu tiên của cả nước vào năm 2017. Khu du lịch có tổng diện tích quy hoạch hơn 29.000 ha, nằm trên địa bàn Phường 3 và 4, TP. Đà Lạt và một phần huyện Đức Trọng. Hơn 10 doanh nghiệp đã đầu tư với các loại hình tham quan dã ngoại, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, thể thao mạo hiểm, du lịch tâm linh...

Giá USD ngân hàng giảm sâu

Tỷ giá USD/VND ngày 10/7 tại các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm sâu. Nhiều ngân hàng giảm tới gần 100 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá trung tâm ngày 10/7 cũng giảm mạnh.

Giá USD ngân hàng giảm sâu

Giá USD ngân hàng giảm sâu

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 10/7 ở mức 23.810 đồng/USD, giảm 23 đồng so với cuối tuần qua.

Với biên độ +/- 5%, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng ngày 10/7 là 24.920 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.544 đồng/USD.

Ngày 10/7, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì tỷ giá mua tham khảo ở mức 23.400 đồng/USD. Còn giá bán tham khảo là 24.950 đồng/USD.

Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại ngày 10/7 giảm sâu. Nhiều ngân hàng giảm tới gần 100 đồng so với phiên giao dịch cuối tuần qua.

Cụ thể, vào lúc 11h ngày 10/7, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 23.425 - 23.795 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 95 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với sáng 7/7.

VietinBank trưa ngày 10/7 giao dịch USD ở mức giá 23.378 đồng/USD (mua vào) và 23.798 đồng/USD (bán ra), giảm 82 đồng ở cả hai chiều so với sáng 7/7.

Còn Techcombank ngày 10/7 mua vào USD với giá 23.460 đồng/USD, bán ra ở mức 23.806 đồng/USD. So với sáng 7/7, giá USD tại Techcombank vào ngày 10/7 giảm 79 đồng ở chiều mua vào và giảm 84 đồng ở chiều bán ra.

Sacombank ngày 10/7 niêm yết giá USD ở mức 23.435 - 23.840 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 75 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với sáng 7/7.

Trưa ngày 10/7, Eximbank niêm yết giá USD ở mức 23.400 - 23.790 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 80 đồng ở cả 2 chiều so với sáng 7/7.

Ở thị trường tự do, giá USD ngày 10/7 được giao dịch phổ biến quanh mức 23.660 - 23.750 đồng/USD (mua vào - bán ra).

Đến 30/8 sẽ xử lý xong sai phạm của thuê bao sở hữu trên 10 SIM

Cơ quan chức năng đã phát hiện một số thuê bao sở hữu nhiều SIM không đúng quy định, dễ bị đối tượng xấu lợi dụng để phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Đến 30/8 sẽ xử lý xong sai phạm của thuê bao sở hữu trên 10 SIM

Đến 30/8 sẽ xử lý xong sai phạm của thuê bao sở hữu trên 10 SIM

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thành lập các đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao đối với các chi nhánh của doanh nghiệp viễn thông, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.

Đại diện Cục Viễn thông thuộc Bộ TT&TT cho biết, trong quý II/2023, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông hoàn thành việc đối soát thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó, Bộ TT&TT đã thành lập các đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao đối với các chi nhánh của doanh nghiệp viễn thông, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, các tổ chức/cá nhân đăng ký số lượng lớn SIM.

Qua công tác thanh tra, đã phát hiện một số thuê bao sở hữu nhiều SIM không đúng quy định, dễ bị đối tượng xấu lợi dụng sử dụng số thuê bao đứng tên người khác (ẩn danh) để phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo gây mất trật tự an toàn xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, Cục Viễn thông đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông rà soát các thuê bao sở hữu nhiều SIM; giao các doanh nghiệp viễn thông làm rõ việc sở hữu các số thuê bao do tổ chức, cá nhân đã thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với doanh nghiệp viễn thông...

Cục Viễn thông cho biết, đến ngày 7/7/2023, các doanh nghiệp viễn thông đã xử lý xong tệp thuê bao là khách hàng doanh nghiệp sở hữu trên 10 SIM và đến 25/7/2023 xử lý xong tệp thuê bao là khách hàng cá nhân sở hữu trên 10 SIM.

“Đến ngày 7/7/2023, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng xử lý đối với tệp khách hàng doanh nghiệp hơn 3 triệu SIM. Từ nay đến 25/7/2023, các nhà mạng tiếp tục xử lý đối với tệp khách hàng cá nhân. Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý và của các nhà mạng, đến 30/8 sẽ giải quyết xong tình trạng sai phạm của các thuê bao sở hữu trên 10 SIM”, đại diện Cục Viễn thông nói.

TP.HCM muốn chi 120 tỷ đồng mua thiết bị chữa cháy

Chính quyền TP.HCM muốn hỗ trợ 120 tỷ đồng để ngành công an mua xe thang, robot chữa cháy, xe hút khói, camera nhiệt, thiết bị cảm biến dò tìm người bị nạn.

Cảnh sát dập lửa tại một đám cháy trên Quốc lộ 13, quận Bình Thạnh

Cảnh sát dập lửa tại một đám cháy trên Quốc lộ 13, quận Bình Thạnh

Đề xuất được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trình HĐND Thành phố khóa X sáng 10/7 nhằm trang bị thêm phương tiện phục vụ chữa cháy, cứu nạn cho cảnh sát cứu hỏa trên địa bàn. Kinh phí được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách Thành phố năm 2023.

Hiện, Thành phố đã củng cố 17 đội phòng cháy chữa cháy với 150 thành viên, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các chung cư lớn, chuyên ngành xăng dầu ở các tổng kho. Sắp tới, Thành phố sẽ tách đội cứu hộ, cứu nạn khỏi phòng cháy, chữa cháy; triển khai phòng cháy chữa cháy cho các công trình ngầm, metro.

Trong năm 2022, địa bàn xảy ra 195 vụ cháy, hai vụ nổ, làm chết 4 người, bị thương 15 người, thiệt hại về tài sản thành tiền hơn 39 tỷ đồng và 71 vụ chưa ước tính được thiệt hại về tài sản. Trong 3 tháng đầu năm nay, Thành phố xảy ra 37 vụ cháy, không có người chết, một người bị thương.

Theo đánh giá của Công an TP.HCM, các vụ cháy, nổ trên địa bàn phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Với số lượng cao ốc, chung cư cao tầng lớn, việc trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy là rất cần thiết.

Trước đó, ngày 7/7, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, máy bay sẽ tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhà cao tầng, phương tiện trên sông, biển và cháy rừng.

Dự án nâng cấp đường từ Bình Định lên Gia Lai chậm tiến độ

Do chậm vốn, dịch bệnh, thời tiết và kỹ thuật phức tạp, Chủ đầu tư Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 19 xin gia hạn thời gian thực hiện đến tháng 12/2024 thay vì giữa năm nay.

Đèo An Khê nằm trên Quốc lộ 19 được nâng cấp mở rộng

Đèo An Khê nằm trên Quốc lộ 19 được nâng cấp mở rộng

Đây là nội dung tờ trình của Ban Quản lý dự án 2 (Chủ đầu tư) vừa được Thủ tướng phê duyệt chủ trương cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án cải tạo Quốc lộ 19, nhằm tăng kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên.

Dự án dùng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) nên theo trình tự, Chính phủ sẽ báo cáo Chủ tịch nước phê duyệt điều chỉnh gia hạn để gửi cho WB.

Trước đó giữa năm 2021, Bộ Giao thông vận tải triển khai Dự án sửa chữa gần 150 km từ Bình Định lên Gia Lai. Công trình có tổng vốn 150 triệu USD, dự kiến hoàn thành tháng 6/2023.

Theo Chủ đầu tư, Dự án chậm tiến độ do độ trễ chính sách trong giao vốn chậm hơn một năm, Covid-19 bùng phát, thời tiết thất thường, có thời điểm số ngày mưa lớn kéo dài 28/30 ngày. Dự án đi qua nhiều đồi núi, khó khăn trong kỹ thuật khiến thi công kéo dài.

Tính đến cuối tháng 6, Dự án thi công đạt tiến độ đạt 59%, chậm 38% so với hợp đồng lần đầu và chậm 11% so với tiến độ điều chỉnh. Đến nay, địa phương đã bàn giao cho Dự án 143 km, đạt 99,6%; còn 0,5 km chưa giao.

Đề xuất không truy thu tiền đóng bảo hiểm của chủ hộ kinh doanh

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đề xuất không thoái thu lẫn truy thu tiền đã hưởng chế độ của chủ hộ kinh doanh bị thu bảo hiểm sai luật từ năm 2003.

Đề xuất không truy thu tiền đóng bảo hiểm của chủ hộ kinh doanh

Đề xuất không truy thu tiền đóng bảo hiểm của chủ hộ kinh doanh

Tại dự thảo tờ trình gửi Chính phủ, BHXH Việt Nam cho biết còn 3.567 chủ hộ kinh doanh không thuộc diện đóng BHXH chờ giải quyết quyền lợi, tính tới cuối tháng 5.

Trong đó, 1.444 chủ hộ đang bảo lưu thời gian; 1.423 người tiếp tục tham gia nhưng chuyển sang đóng BHXH tự nguyện; 28 chủ hộ được hoàn trả tiền đóng; 275 người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất và 397 người hưởng BHXH một lần. Hơn 37% chủ hộ đã đóng BHXH trên 15 năm và 63% còn lại đóng dưới 15 năm.

BHXH Việt Nam đề xuất xử lý theo nguyên tắc đóng - hưởng để giải quyết dứt điểm quyền lợi của các chủ hộ. Cụ thể, chủ hộ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc tiếp tục tham gia theo nhóm khác sẽ được hưởng đầy đủ chế độ theo diện đóng bắt buộc khi đủ điều kiện. Chủ hộ đã hưởng chế độ không bị thu hồi khoản tiền đã nhận.

Với 28 trường hợp thoái thu (trả lại tiền), chủ hộ có nguyện vọng được đóng lại bằng số tiền đã được trả để khôi phục quá trình đóng BHXH bắt buộc nhằm hưởng quyền lợi. Toàn bộ kinh phí chi trả chế độ trích từ Quỹ BHXH, không lấy từ ngân sách nhà nước.

BHXH Việt Nam cho rằng, việc thoái thu rất phức tạp vì chủ hộ không đồng thuận khi đã đóng BHXH thời gian dài. Ngoài ra, cơ quan bảo hiểm rất khó truy thu tiền của 672 chủ hộ đang hưởng hưu trí, tử tuất, BHXH một lần và hơn 9.600 lượt người được hưởng chế độ ốm đau, thai sản. Thoái thu dễ gây không công bằng giữa người chưa hưởng và người đã hưởng chế độ.

Triệt phá đường dây lưu hành hàng trăm nghìn USD giả

Huỳnh Thị Búp cùng đồng phạm bị cáo buộc tàng trữ, vận chuyển hàng trăm nghìn USD, đôla Singapore, tiền Turkermenistan giả với tổng giá trị trên 13 tỷ đồng.

Tang vật vụ án

Tang vật vụ án

Ngày 10/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội cho biết đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố Búp cùng Đặng Thị Thúy Vân và Đinh Xuân Tiến về tội Tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.

Cùng vụ án, Nguyễn Tiến Quân, Trần Đăng Quang, Nguyễn Văn Hùng và Đàm Mai Tất Đạt, bị đề nghị truy tố về tội Tàng trữ, vận chuyển tiền giả.

Theo điều tra, ngày 24/6/2020, tổ công tác Công an Hà Nội phát hiện Tiến tàng trữ 102.300 USD giả, mệnh giá 100 USD. Tiến khai toàn bộ số tiền mua của Vân, trú TP.HCM, để bán kiếm lời.

Từ đây, cơ quan an ninh bắt 7 nghi phạm trong đường dây này, thu nhiều USD, đôla Singapore giả, tiền Turkermenistan giả với tổng giá trị quy đổi tương ứng trên 13 tỷ đồng.

Các huyện tại Hà Nội có thể cấp phiếu lý lịch tư pháp

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp đề xuất thí điểm Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội và Nghệ An để cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Người dân xếp hàng từ 4h sáng trước cổng Sở Tư pháp Hà Nội để làm lý lịch tư pháp

Người dân xếp hàng từ 4h sáng trước cổng Sở Tư pháp Hà Nội để làm lý lịch tư pháp

Theo chỉ thị của Thủ tướng về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Tư pháp trình phương án này sớm nhất để Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại chỉ đạo hồi tháng 5, giao Bộ Công an, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, tỉnh Thừa Thiên Huế thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, sau đó triển khai trên toàn quốc.

Các Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh, thành phố có giải pháp chấm dứt việc yêu cầu người dân nộp phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định hoặc lạm dụng yêu cầu này để phục vụ quản lý và giải quyết thủ tục hành chính. Cơ quan nhà nước không được yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người dân nộp phiếu lý lịch tư pháp.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành báo cáo phương án cắt giảm thủ tục yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp trong tháng 8.

Nhiều doanh nghiệp, tổ chức thời gian qua lạm dụng yêu cầu lý lịch tư pháp khi tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động. Một số tỉnh, thành chưa giải quyết kịp thời nhu cầu cấp xác nhận khiến người dân bức xúc.

Nguyên nhân là các bộ ngành chưa cắt giảm quy định yêu cầu nộp giấy lý lịch tư pháp và chưa ứng dụng công nghệ thông tin để cấp trực tuyến cho người dân.

Đắk Lắk sẽ thu hồi dự án Suối Xanh nếu Tập đoàn Trung Nguyên không triển khai tiếp

Liên quan đến vụ 30 hộ dân ở TP. Buôn Ma Thuột sống trong dự án quy hoạch treo (do Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên làm Chủ đầu tư) đã nhiều năm nay, UBND TP. Buôn Ma Thuột sẽ tham mưu UBND Tỉnh thu hồi dự án nếu Chủ đầu tư không tiếp tục triển khai.

Một góc khu vực quy hoạch treo sát bảo tàng Cà phê Trung Nguyên

Một góc khu vực quy hoạch treo sát bảo tàng Cà phê Trung Nguyên

Ngày 10/7, tại buổi họp báo định kỳ tháng 6/2023, ông Lê Đại Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) thông tin, kết thúc giai đoạn 1, ở giai đoạn 2 của Dự án Đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh, TP. Buôn Ma Thuột do Công ty CP Cà phê Trung Nguyên (Tập đoàn Trung Nguyên) làm chủ đầu tư, ngày 15/6/2018, Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất đã ban hành công văn về việc đề nghị Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên cung cấp hồ sơ liên quan để thực hiện tiếp công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, Tập đoàn Trung Nguyên chỉ bàn giao mốc giới sơ bộ nhưng chưa phối hợp, bàn giao các hồ sơ liên quan. Dù đã quá thời hạn 3 năm nhưng Chủ đầu tư chưa triển khai thực hiện Dự án.

Ông Thắng cho biết, do Chủ đầu tư chậm triển khai nên thực tế cuộc sống của các hộ dân trong vùng Dự án bị ảnh hưởng. Cơ sở hạ tầng ở khu vực này có dấu hiệu xuống cấp, không được sửa chữa kịp thời. Trong thời gian tới, nếu Tập đoàn Trung Nguyên không triển khai tiếp thì UBND Thành phố sẽ tham mưu UBND Tỉnh thu hồi dự án.

Tin cùng chuyên mục