Bản tin thời sự sáng 11/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hơn 91% cử tri đồng ý sắp xếp 80 phường thành 38 phường mới ở TP.HCM; cao tốc Hậu Giang - Cà Mau tiếp nhận lô cát biển đầu tiên; 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam đã có nhà đầu tư; Thuận An xin rút khỏi Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột…

Hơn 91% cử tri đồng ý sắp xếp 80 phường thành 38 phường mới ở TP.HCM

Hơn 91% cử tri 80 phường thuộc các Quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận đồng ý chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính từ nay đến năm 2030.

Hơn 91% cử tri đồng ý sắp xếp 80 phường thành 38 phường mới ở TP.HCM

Hơn 91% cử tri đồng ý sắp xếp 80 phường thành 38 phường mới ở TP.HCM

Ngày 10/7, UBND TP.HCM đã có báo cáo gửi Bộ Nội vụ, Thường trực Thành ủy TP.HCM, Thường trực HĐND TP.HCM về tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Trước đó, từ ngày 23 - 30/6, TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến đối với toàn bộ cử tri có đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú trên địa bàn 80 phường (các Quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận) thuộc diện sắp xếp.

Theo phương án của UBND TP.HCM, sau sắp xếp từ 80 phường sẽ hình thành 38 phường mới. Trong đó, đa số nhập từ hai phường thành một phường mới, có 7 trường hợp nhập ba phường hoặc một phần phường cũ hình thành phường mới. Có 9 phường phải điều chỉnh ranh giới.

Kết quả đã có 961.533 cử tri được lấy ý kiến, trong đó 91,28% cử tri đồng ý chủ trương sắp xếp; 1,92% cử tri không đồng ý và 491 ý kiến khác.

Theo UBND TP.HCM, về các ý kiến không đồng ý và ý kiến khác liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính, cử tri nêu khó khăn trong việc chuyển đổi giấy tờ, địa chỉ sau sáp nhập. Do đó, cử tri đề nghị các cấp chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc chuyển đổi các loại giấy tờ sau khi sắp xếp…

Ngoài ra, cử tri đề nghị cần có giải pháp đảm bảo, tăng cường an ninh trật tự, an sinh xã hội, vệ sinh môi trường tại phường mới vì quy mô dân số tăng; sớm hoàn thiện tổ chức bộ máy; sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức để phường mới kịp thời đi vào hoạt động, phục vụ tốt nhất cho người dân; xem xét việc sử dụng trụ sở của UBND phường mới đảm bảo thuận tiện, phù hợp cho người dân khi liên hệ.

Từ năm 1975 đến nay, TP.HCM trải qua 7 lần tách, nhập các đơn vị hành chính. Gần nhất là năm 2021, TP.HCM sáp nhập 3 quận: 2, 9, Thủ Đức thành TP. Thủ Đức. Cũng trong năm này, TP.HCM sáp nhập 19 phường thuộc Quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận.

Sau 7 lần tách nhập đơn vị hành chính, hiện TP.HCM có TP. Thủ Đức, 16 quận và 5 huyện; 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn.

Như vậy với phương án sắp xếp 80 phường trên, TP.HCM sẽ giảm còn 210 phường.

Cao tốc Hậu Giang - Cà Mau tiếp nhận lô cát biển đầu tiên

Khoảng 600 m3 cát biển được sà lan chở quãng đường hơn 100 km từ Sóc Trăng về phục vụ đắp nền ở đoạn cuối Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau.

Các sà lan cát trong đó có cát biển đưa từ Sóc Trăng tới phục vụ đắp nền dự án cao tốc đoạn qua huyện Thới Bình, Cà Mau

Các sà lan cát trong đó có cát biển đưa từ Sóc Trăng tới phục vụ đắp nền dự án cao tốc đoạn qua huyện Thới Bình, Cà Mau

Chiều 10/7, hàng chục ghe cát biển và sông xếp hàng tại đoạn kênh xáng Huyện Sử thuộc huyện Thới Bình, chờ bơm lên công trình cao tốc. Ông Phạm Văn Dự, Giám đốc Ban điều hành XL02 (đoạn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) cho biết, cát được khai thác ở cửa biển thuộc tỉnh Sóc Trăng, sau đó bơm lên sà lan chuyển về dự án từ chiều qua. Thời gian đưa cát về dự án mất hơn 24 giờ.

Theo ông Dự, Gói thầu XL02 thuộc Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau dài hơn 22 km, cần khoảng 2 triệu m3 cát, hiện tiếp cận được trên một triệu m3. Khi có thêm nguồn cát, nhà thầu sẽ tăng cường thêm ca, kíp đẩy nhanh tiến độ thi công bù khối lượng bị chậm do thiếu nguồn vật liệu đắp nền.

Trước đó thông báo từ Bộ Giao thông vận tải, đầu tháng 7 sẽ thi công cát biển đắp nền tại cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Việc này được thực hiện sau khi hoàn thành thí điểm dùng 5.000 m3 cát biển đắp nền gần một km đường ở Bạc Liêu - thuộc tuyến cao tốc hồi năm ngoái. Kết quả cho thấy cát biển đáp ứng tiêu chuẩn về vật liệu thi công nền đường tương tự cát sông.

Theo Bộ Giao thông vận tải, nguồn cát biển sẽ được dùng đắp nền cho đoạn tuyến chính dài khoảng 45 km, thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu; huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang và huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ngoài ra nguồn vật liệu này cũng được sử dụng cho đoạn 10 km thuộc địa bàn các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời và Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Để chuẩn bị cho nguồn vật liệu mới phục vụ thi công cao tốc miền Tây, mỏ cát biển ở Sóc Trăng diện tích gần 100 ha được khai thác từ hôm 29/6. Các tàu sẽ khai thác mỗi ngày khoảng 100.000 m3 sau đó dùng sà lan đưa về các công trường cao tốc.

Qua khảo sát, các bộ ngành liên quan và địa phương xác định khu vực vùng biển tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng cát 680 triệu m3. Trong đó, khoảng 145 triệu m3 cát có thể khai thác làm vật liệu xây dựng, san lấp nền các công trình hạ tầng, đường cao tốc.

8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam đã có nhà đầu tư

Toàn bộ 8 trạm dừng nghỉ tại 7 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đã được Bộ Giao thông vận tải chọn nhà đầu tư xây dựng và vận hành theo hình thức xã hội hóa.

Khu đất rộng 5 ha cả hai bên đường phải và trái được quy hoạch trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Khu đất rộng 5 ha cả hai bên đường phải và trái được quy hoạch trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam vừa phê duyệt nhà đầu tư Dự án trạm dừng nghỉ tại xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, thuộc Dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm với chi phí hơn 200 tỷ đồng. Liên danh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế là nhà đầu tư. Dự án sẽ hoàn thành trong 17 tháng, hạng mục dịch vụ công xong trong 11 tháng.

Trong tháng 6, liên danh nhà đầu tư này đã trúng thầu Dự án Đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ tại xã Diễn Hạnh và Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, thuộc dự án Nghi Sơn - Diễn Châu với kinh phí hơn 190 tỷ đồng và trạm dừng tại xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 với vốn khoảng 200 tỷ đồng.

Liên danh còn trúng thầu Dự án đầu tư trạm dừng nghỉ tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, thuộc cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt với chi phí xây dựng hơn 210 tỷ đồng.

Liên danh Công ty CP Xe khách Phương Trang - Công ty TNHH Thành Hiệp Phát đã trúng thầu đầu tư 3 dự án trạm dừng nghỉ khác trên cao tốc Bắc - Nam. Đó là trạm tại xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận thuộc Dự án Phan Thiết - Dầu Giây với kinh phí thực hiện hơn 290 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này cũng trúng thầu xây trạm dừng nghỉ tại xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng và 1 trạm tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết hơn 310 tỷ đồng.

Trạm dừng nghỉ tại xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã có nhà đầu tư là Liên danh Thành Thành Nam - Châu Thành - Việt Hàn - Sài Gòn Investment - Thành Thành Công Lâm Đồng, tổng giá trị xây dựng hơn 310 tỷ đồng.

8 trạm dừng nghỉ đã được đấu thầu nằm trên 7 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017 - 2021). Đến cuối năm 2025, các trạm này sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác phục vụ người dân.

Thuận An xin rút khỏi dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Công ty Thuận An không tiếp tục thực hiện gói thầu ở tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với lý do vướng mặt bằng, chưa thể thi công.

Một đoạn cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang được thi công

Một đoạn cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang được thi công

Thông tin được ông Nguyễn Thanh Hà, Chánh văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội, chiều 10/7.

Gói thầu xây lắp số 2 - Dự án thành phần 1, thuộc cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, được chỉ định cho liên danh 4 nhà thầu, trong đó có Công ty Thuận An tham gia, với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Khối lượng công việc được chia đều cho các thành viên trong liên danh.

Theo ông Hà, gói thầu của Công ty Thuận An đến nay vẫn chưa thi công do vướng mặt bằng. Sau khi lãnh đạo Thuận An bị khởi tố, bắt tạm giam, UBND Tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm việc với đại diện doanh nghiệp này.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, dài 117,5 km, bắt đầu từ nút giao Quốc lộ 26B - Quốc lộ 1 (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), kết thúc tại điểm giao với đường Hồ Chí Minh, phía Đông TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk).

Công trình gồm 4 làn xe, rộng 17 m, dự kiến khai thác năm 2027. Tuyến cao tốc khi hoàn thành sẽ tạo trục ngang liên kết khu vực Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ và kết nối với cao tốc Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, đường ven biển... Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến nay, Dự án đã hoàn thành 9/10 gói thầu.

Hoàn thành cầu đi bộ đầu tiên qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Cầu đi bộ dài 100 m, rộng khoảng 3 m, bắc qua kênh đẹp nhất nội đô TP.HCM đưa vào khai thác sau 7 tháng thi công giúp thay đổi cảnh quan, tăng kết nối hai bờ.

Cầu đi bộ bắc qua kênh Nhiêu Lộc, phía trước là cầu Điện Biên Phủ

Cầu đi bộ bắc qua kênh Nhiêu Lộc, phía trước là cầu Điện Biên Phủ

Đây là cầu đi bộ đầu tiên trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nối đường Hoàng Sa, Quận 1 và Trường Sa, quận Bình Thạnh. Nằm giữa cầu Thị Nghè và Điện Biên Phủ, công trình có kết cấu ba 3 nhịp bêtông cốt thép, tĩnh không thông thuyền khoảng 3 m, đã hoàn thiện toàn bộ sau khoảng 7 tháng xây dựng.

Cầu đi bộ có kinh phí xây dựng khoảng 10 tỷ đồng, là một hạng mục thuộc Dự án cáp ngầm 220kV Tao Đàn - Tân Cảng. Dự án này do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm Chủ đầu tư, tổng vốn hơn 500 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) - đơn vị được giao quản lý Dự án, trước đây Chủ đầu tư dự tính khoan ngầm qua kênh để xây dựng hầm, mương cáp. Sau đó, TP.HCM đề nghị xây cầu bắc qua dòng kênh thuận tiện người dân đi lại, vui chơi và tạo thêm cảnh quan.

Dài gần 10 km, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn. Sau khi hoàn thành cải tạo hơn 10 năm trước, đây là dòng kênh đẹp nhất nội đô TP.HCM.

PGBank bị phạt số tiền 175 triệu đồng vì 3 lỗi vi phạm

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với PGBank với tổng số tiền 175 triệu đồng vì 3 lỗi vi phạm.

Ủy ban Chứng khoán đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với PGBank

Ủy ban Chứng khoán đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với PGBank

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển - PGBank (UPCoM: PGB) - với tổng số tiền phạt là 157,5 triệu đồng cho nhiều lỗi vi phạm.

Theo đó, cơ quan quản lý chứng khoán đã xử phạt PGBank 65 triệu đồng do lỗi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Cụ thể, ngân hàng này đã công bố thông tin không đúng thời hạn đối với các tài liệu Nghị quyết số 125/2023/NQ-HĐQT ngày 20/10/2023 về việc thay đổi nhân sự; Nghị quyết số 50/2023/NQ-HĐQT ngày 25/5/2023 về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng công bố thông tin không đúng thời hạn với các Báo cáo định kỳ tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022; Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện năm 2022 về việc hoàn tất việc mua lại trái phiếu trước hạn; Nghị quyết số 01A/2023/NQ-HĐQT ngày 1/1/2023 về việc thông qua hợp đồng, giao dịch với người có liên quan...

Đồng thời, PGBank bị phạt tiền 65 triệu đồng do công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật. Theo thuyết minh Báo cáo tài chính năm 2022 và 2023 đã được kiểm toán, nhà băng này phát sinh giao dịch với các bên liên quan (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) nhưng tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022 và 2023, PGBank đã công bố thông tin không đầy đủ về giao dịch này theo quy định.

Ngoài ra, ngân hàng cũng bị phạt tiền 27,5 triệu đồng do lỗi không đưa nội dung thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm và báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên 2022 và 2023.

Với 3 lỗi vi phạm kể trên, tổng số tiền phạt đối với PGBank là 157,5 triệu đồng.

TKV lãi hơn 6.300 tỷ đồng trong năm 2023

Trong năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giảm 26% so với cùng kỳ xuống còn 6.329 tỷ đồng.

TKV báo lãi ròng đi lùi ở mức 2 con số

TKV báo lãi ròng đi lùi ở mức 2 con số

Theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm 2023 đạt 6.329 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của tập đoàn đạt 48.818 tỷ đồng, tăng 2.228 tỷ đồng, tương đương 5%.

Tổng nợ phải trả khoảng 65.416 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tương ứng là 1,34 lần. Trong đó, dư nợ trái phiếu khoảng 4.000 tỷ đồng.

TKV hiện có 2 lô trái phiếu đang lưu hành, gồm mã trái phiếu TKV5Y.2019 phát hành ngày 6/12/2019 (lãi suất phát hành là 9,55%/năm) và TKV_BOND2020 phát hành ngày 25/12/2020 (lãi suất phát hành là 8,2%/năm).

Cả 2 lô trái phiếu đều có kỳ hạn 5 năm. Mệnh giá phát hành mỗi lô là 2.000 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, tổng nguồn vốn của TKV ước đạt 114.234 tỷ đồng.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, TKV cho biết tập đoàn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong năm 2023. Dẫu vậy, tập đoàn vẫn hoàn thành kế hoạch đề ra.

Sản lượng than cung cấp cho sản xuất điện đạt cao nhất từ trước đến nay, tăng 4,8 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu toàn tập đoàn nhờ đó tăng lên 170.000 tỷ đồng. Lợi nhuận dự kiến 6.050 tỷ đồng, tăng 1.050 tỷ đồng so với kế hoạch.

Riêng chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước đạt gần 29.000 tỷ đồng, tăng 41% so với kế hoạch và là mức cao kỷ lục kể từ khi thành lập.

Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 88.980 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch năm và tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tin cùng chuyên mục