Tăng trở lại, giá xăng RON95-III lên ngưỡng 22.000 đồng mỗi lít
Từ 15 giờ ngày 11/10, ngoại trừ dầu mazut giữ ổn định còn lại xăng E5 RON92 tăng 560 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 564 đồng mỗi lít, các mặt hàng dầu khác điều chỉnh từ 1.132 - 1.979 đồng/lít.
Giá xăng RON95-III tăng lên ngưỡng 22.000 đồng mỗi lít |
Theo quyết định của Liên bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ ngày 11/10, trừ mặt hàng dầu mazut giữ ổn định, còn lại các mặt hàng khác đồng loạt đi lên.
Cụ thể, xăng RON 95-III tăng 564 đồng, lên mức 22.007 đồng; xăng E5 RON92 có giá mới là 21.292 đồng, tăng 560 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 1.979 đồng/lít, lên mức 24.187 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 1.132 đồng, lên 22.820 đồng mỗi lít và giữ ổn định dầu mazút ở mức 14.094 đồng/kg.
Mức trích lập Quỹ bình ổn trong kỳ điều hành này đối với xăng E5 RON92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON95 là 400 đồng/lít, dầu diesel và dầu hỏa là 0 đồng/lít, còn mazút là 708 đồng/kg.
Ngoài ra, nhà điều hành quyết định chi sử dụng quỹ BOG với dầu diesel là 200 đồng/lít, dừng chi tất cả các mặt hàng còn lại.
Đại diện Petrolimex cho biết tính đến thời điểm điều chỉnh giá, quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) tại doanh nghiệp là 1.150 tỷ đồng.
Đây là lần tăng giá đầu tiên kể từ ngày 1/8. Trong kỳ điều hành gần nhất (ngày 3/10), sau khi trích lập Quỹ bình ổn, xăng RON 95-III giảm 1.141 đồng; xăng E5 RON92 giảm 1.049 đồng/lít. Ngoài ra, dầu diesel giảm 328 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 753 đồng và dầu mazút giảm 562 đồng/kg.
Có 84 doanh nghiệp bị cắt margin trên HNX trong quý IV
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo danh sách 84 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý IV/2022.
Có 84 doanh nghiệp bị cắt margin trên HNX trong quý IV. Ảnh minh họa |
Nhiều doanh nghiệp bị cắt margin vì tổng hợp của hơn 1 hoặc nhiều lý do; trong đó, có các lý do như bị cảnh báo, bị kiểm soát, lỗ sau thuế tại BCTC bán niên soát xét, hoặc đang trong diện bị đình chỉ giao dịch.
Có 3 doanh nghiệp thuộc nhóm có khả năng bị hủy niêm yết là CKV, HGM, PVL. Hai doanh nghiệp niêm yết dưới 6 tháng là DVM và PCH.
BII tiếp tục vào danh sách không đáp ứng đủ điều kiện giao dịch margin, với lý do cổ phiếu thuộc diện cảnh báo và chậm công bố Báo cáo tài chính bán niên 2022 soát xét quá thời hạn quy định.
L14 cũng tiếp tục bị cắt margin vì lỗ tại Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022. Trên thực tế, cổ phiếu L14 đã bị cắt margin từ ngày 19/08 với cùng lý do trên, dù đã giảm lỗ từ 234 tỷ đồng xuống còn 24 tỷ đồng hậu soát xét.
Xây dựng trạm dừng chân đầu tiên trục cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái
Đại diện UBND TP. Hạ Long cho biết, Thành phố đang làm thủ tục tiến hành đấu giá quyền sử dụng khu đất ở xã Thống Nhất, TP. Hạ Long để xây dựng trạm dừng chân đầu tiên trên trục cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn |
Theo ông Nguyễn Hữu Nhã, Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, Thành phố đã giải phóng mặt bằng xong khu đất này và đã có công văn trình các đơn vị liên quan để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất. Đây là đất làm dịch vụ thương mại, với thời hạn thuê nhất định. Sau khi đấu giá xong thì mới tiến hành xây dựng trạm dừng chân.
Trạm dừng chân này nằm trên cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, được đặt tại Km20+00 (xã Thống Nhất, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), có quy mô 6,56 ha. Theo thiết kế, trạm có quy mô và hình thái tương tự các mô hình trạm dừng nghỉ ở châu Âu.
Theo ông Hoàng Quang Hải - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh, nhà đầu tư trúng đấu giá nên ưu tiên đầu tư làm các hạng mục, dịch vụ thiết yếu trước để phục vụ nhân dân và du khách, như: cây xăng dầu, nhà vệ sinh, khu uống nước.
Ngoài trạm dừng chân ở xã Thống Nhất, TP. Hạ Long, theo quy hoạch, trên trục cao tốc từ Hạ Long đi Móng Cái còn có trạm dừng chân ở xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn và điểm dừng xe thuộc xã Quảng Long, huyện Hải Hà.
Trong đó, trạm dừng nghỉ tại Km80+00, xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn được quy hoạch xây dựng trên diện 14,2 ha, gần bay Vân Đồn, sở hữu cảnh quan thiên nhiên độc đáo, có thể kết hợp với các chức năng khác. Theo quy định, nếu vị trí này không được giải phóng mặt bằng thì sẽ phải tiến hành đấu thầu; trường hợp có mặt bằng “sạch” như ở trạm dừng chân xã Thống Nhất thì sẽ đấu giá quyền sử dụng đất.
Cần tới 3.250 tỷ đồng để xoá bỏ trạm BOT Thái Nguyên - Chợ Mới
Theo nội dung tờ trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) gửi Thường trực Chính phủ, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 qua rà soát, đánh giá cho thấy tồn tại nhiều vướng mắc bất cập.
Cần tới khoảng 3.250 tỷ đồng vốn ngân sách để xoá bỏ trạm BOT trên Quốc lộ 3 Thái Nguyên |
Trạm Quốc lộ 3 đặt ngay cửa ngõ TP. Thái Nguyên và gần nút giao kết nối với Quốc lộ 37 nên phần lớn lưu lượng xe qua trạm thu phí chỉ sử dụng quãng đường rất ngắn nhưng vẫn phải trả phí theo lượt. Lưu lượng xe lưu thông trên đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) được cho là không như kỳ vọng của nhà đầu tư.
Từ năm 2018, Bộ GTVT đã phối hợp với tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu, đánh giá các phương án để xử lý. Tuy nhiên, các phương án đều không khả thi hoặc không giải quyết được bất cập.
Trên cơ sở các phương án đưa ra, Bộ GTVT thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, đồng thời bố trí khoảng 3.250 tỷ đồng vốn ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư và xóa bỏ trạm Quốc lộ 3.
Phương án dùng vốn ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư được cho sẽ giải quyết triệt để được bất cập tại trạm Quốc lộ 3 nhưng rất khó khả thi do sử dụng nhiều vốn ngân sách Nhà nước.
Trong khi các quy định của pháp luật chưa cho phép sử dụng vốn đầu tư công trung hạn để thanh toán cho nhà đầu tư nên phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
TP.HCM chi gần 500 tỷ đồng tái khởi động dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý
Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý sẽ chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức BOT sang đầu tư công được thi công trở lại và dự kiến đưa vào khai thác năm 2025.
Cầu Tân Kỳ - Tân Quý dự kiến đưa vào khai thác năm 2025 |
Sáng 11/10, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết chi gần 500 tỷ đồng vốn ngân sách để tái khởi động Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) sau gần 4 năm ngưng thi công.
Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý sẽ chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức BOT sang đầu tư công. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM. Dự án có tổng mức đầu tư 491,67 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó gần 200 tỷ đồng chi cho giải phóng mặt bằng, 168 tỷ đồng chi phí xây dựng và các chi phí khác…
Sau khi được thông qua chủ trương, các đơn vị sẽ thanh toán chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra làm Dự án và hoàn tất duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi… Dự án sẽ được thi công trở lại và dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2025.
Được biết, cầu Tân Kỳ - Tân Quý được khởi công vào quý I/2018 theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Tuy nhiên, khi khối lượng xây lắp thực hiện hoàn thành đạt 70%, công trình đã tạm ngưng thi công từ tháng 12/2018 đến nay do vướng mặt bằng và do hợp đồng BOT không còn phù hợp với quy định.
VEC đề xuất bổ sung làn thu phí ETC trên nhiều tuyến đường cao tốc
VEC đề xuất xem xét bổ sung số làn thu phí ETC trên một số tuyến cao tốc nhằm nâng cao năng lực thông hành cho phương tiện.
Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đã triển khai, vận hành thu phí không dừng. |
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề xuất bổ sung làn thu phí không dừng (ETC) tại một số trạm có lưu lượng lớn tại tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ -Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai.
Theo lãnh đạo VEC, từ ngày 1/8/2022, VEC đưa hệ thống thu phí ETC trên các tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào khai thác kéo theo số phương tiện dán thẻ ETC trên tổng số phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc không ngừng tăng cao, nằm ngoài dự tính ban đầu cũng như trong kế hoạch thuê dịch vụ thu phí ETC.
Bên cạnh đó, tính đến tháng 9/2022 đã có khoảng 3,7 triệu phương tiện dán thẻ ETC, trong đó lượng xe dán thẻ ETC tăng đột biến gấp 4 - 5 lần cùng kỳ năm trước, cùng với lượng xe ôtô đăng ký mới hiện tăng nhanh từ khoảng 3,5 triệu xe lên khoảng 4,5 triệu xe và dự kiến tăng đến 5,3 triệu xe.
Ngoài ra, sau một thời gian đưa hệ thống thu phí ETC vào vận hành trên các tuyến cao tốc, VEC ghi nhận một số vấn đề như phương tiện phải dừng lại tại làn thu phí do lỗi từ phía khách hàng (tài khoản bị khóa, tài khoản không đủ tiền thanh toán…), do lỗi của thẻ Etag (thẻ lỗi, thẻ dán nhầm vị trí, khách hàng sử dụng đồng thời hai thẻ eTag và EPass,...)… dẫn đến xảy ra tình trạng ùn tắc xe tại làn thu phí ETC.
Vì lý do trên, phía VEC nhấn mạnh việc nghiên cứu để xem xét bổ sung số làn thu phí ETC là cần thiết, nhằm nâng cao năng lực thông hành cho các phương tiện, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại các thời điểm lưu lượng tăng cao như ngày cuối tuần, dịp lễ, Tết.
Cảnh sát biển tạm giữ tàu chở 46 ngàn lít dầu không rõ nguồn gốc
Tại vùng biển Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu chở khoảng 46 ngàn lít dầu không rõ nguồn gốc, nên tạm giữ để điều tra.
Lực lượng Cảnh sát biển kiểm tra số dầu trên tàu. |
Ngày 11/10, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 (đóng tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đưa tàu số hiệu BT 99887 TS chở khoảng 46 ngàn lít dầu DO không rõ nguồn gốc, về tới cảng Hải đội 301 để tiếp tục điều tra, xử lý.
Trước đó, tại vùng biển cách phía Đông Nam Côn Đảo khoảng 100 hải lý, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu trên có dấu hiệu nghi vấn, nên tiến hành kiểm tra.
Lúc này trên tàu có 5 thuyền viên do ông Đặng Hữu Hiền (thường trú huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) làm thuyền trưởng. Tàu đang vận chuyển khoảng 46 ngàn lít dầu DO, nhưng ông Hiền không xuất trình được giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc của hàng hóa; ngoài ra các thuyền viên không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn và giấy tờ tùy thân.
Theo lời khai của thuyền trưởng, số dầu vận chuyển trên tàu được mua trôi nổi trên biển từ một tàu không rõ số hiệu. Khi đang trên đường vận chuyển để tiêu thụ thì bị kiểm tra, tạm giữ.
Hiện lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với thuyền trưởng, tiếp tục điều tra xử lý theo quy định.