Bản tin thời sự sáng 12/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 5 thủy điện lớn ở Quảng Nam cấp tập xả nước chuẩn bị đón lũ; Bộ Giao thông vận tải đồng ý để Đồng Nai lập hồ sơ quy hoạch sân bay Biên Hòa; Hà Nội triển khai dự án thành phố thông minh 4,2 tỷ USD; giá cà phê giảm mạnh; hợp long cầu 640 tỷ đồng ở cửa biển Cà Mau…

Quảng Nam: 5 thủy điện lớn cấp tập xả nước chuẩn bị đón lũ

5 hồ thủy điện lớn của tỉnh Quảng Nam gồm Sông Tranh 2, Đak Mi 4, A Vương, Sông Bung 2 và Sông Bung 4 được yêu cầu xả nước, bắt đầu từ 14h30 ngày 11/11.

Các hồ thủy điện lớn ở thượng nguồn tỉnh Quảng Nam đồng loạt xả nước từ chiều 11/11 để chuẩn bị đón lũ

Các hồ thủy điện lớn ở thượng nguồn tỉnh Quảng Nam đồng loạt xả nước từ chiều 11/11 để chuẩn bị đón lũ

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của phần phía Tây Nam áp cao lạnh lục địa kết hợp hoạt động của trường gió đông trên cao, từ ngày 13 đến 17/11, các địa phương trong Tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Từ 13 đến 18/11, các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Dự kiến đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động 2 đến báo động 3, trên sông Thu Bồn ở mức báo động 2 đến trên báo động 2, trên sông Tam Kỳ ở mức báo động 2.

Để tạo dung tích phòng chống lũ ở các hồ chứa, ngày 11/11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam phát công văn về việc vận hành các hồ thủy điện Đak Mi 4, A Vương, Sông Tranh 2, Sông Bung 2 và Sông Bung 4.

Theo đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam yêu cầu Thủy điện Đak Mi 4 tổ chức vận hành tăng lưu lượng nhằm hạ dần mực nước hồ chứa về cao trình mực nước đón lũ thấp nhất (+251,5 m) trước 2h30 ngày 14/11. Thời gian bắt đầu vận hành từ 14h30 ngày 11/11, mức lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm không lớn hơn 200 m3/s.

Thủy điện A Vương vận hành tăng lưu lượng nhằm hạ dần mực nước hồ chứa về cao trình 372,5 m trước 2h30 ngày 14/11. Thời gian bắt đầu vận hành từ 14h30 ngày 11/11. Mức lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm không lớn hơn 150 m3/s.

Thủy điện Sông Tranh 2 vận hành nhằm hạ dần mực nước hồ chứa về cao trình 167 m trước 2h30 ngày 14/11. Thời gian bắt đầu vận hành từ 14h30 ngày 11/11. Mức lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm không lớn hơn 250 m3/s.

Thủy điện Sông Bung 2 vận hành tăng lưu lượng nhằm hạ dần mực nước hồ chứa về cao trình 597 m trước 2h30 ngày 14/11. Thời gian bắt đầu vận hành từ 14h30 ngày 11/11. Mức lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm không lớn hơn 50 m3/s.

Thủy điện Sông Bung 4 vận hành đảm bảo mực nước hồ không lớn hơn cao trình mực nước 216,5 m vào lúc 2h30 ngày 14/11.

Bộ Giao thông vận tải đồng ý để Đồng Nai lập hồ sơ quy hoạch sân bay Biên Hòa

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc lập hồ sơ quy hoạch chi tiết sân bay Biên Hòa.

Sân bay Biên Hòa

Sân bay Biên Hòa

Theo đó, Bộ GTVT ủng hộ chủ trương UBND tỉnh Đồng Nai tài trợ bằng sản phẩm là hồ sơ quy hoạch sân bay Biên Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Tuy nhiên, bộ này cho rằng, việc tài trợ và nhận sản phẩm tài trợ là hồ sơ quy hoạch phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định 05/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay; bảo đảm không ràng buộc đến hình thức thực hiện đầu tư, phát triển sân bay Biên Hòa và Bộ GTVT không phải bồi hoàn kinh phí lập quy hoạch.

Bộ GTVT cũng giao Cục Hàng không hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền tỉnh Đồng Nai và các cơ quan, đơn vị liên quan để xây dựng, hoàn thiện sản phẩm tài trợ; tổ chức tiếp nhận sản phẩm tài trợ để rà soát, thực hiện thủ tục trình phê duyệt theo quy định.

Sân bay Biên Hòa được xây dựng trước năm 1975. Nhiều năm qua, sân bay được sử dụng cho mục đích quân sự, huấn luyện bay bảo vệ vùng trời.

Tháng 6/2023, Thủ tướng đã duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có sân bay Biên Hòa.

Theo đó, sân bay này được quy hoạch là sân bay quốc nội phục vụ khai thác lưỡng dụng trong thời kỳ 2021 - 2030, công suất 5 triệu khách/năm. Tầm nhìn đến năm 2050 công suất đạt 10 triệu khách/năm. Dự kiến sân bay Biên Hòa sẽ được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Hà Nội triển khai dự án thành phố thông minh 4,2 tỷ USD

Dự án thành phố thông minh Bắc Hà Nội (Smart City) có diện tích hơn 270 ha, tổng mức đầu tư 4,2 tỷ USD, được công bố triển khai sáng 11/11.

Phối cảnh tháp tài chính 108 tầng của Dự án thành phố thông minh Bắc Hà Nội

Phối cảnh tháp tài chính 108 tầng của Dự án thành phố thông minh Bắc Hà Nội

Dự án nằm trên địa bàn 3 xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ của huyện Đông Anh do Công ty CP Đầu tư phát triển thành phố thông minh Bắc Hà Nội (NHSC) thực hiện. NHSC là liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản).

Thời gian thực hiện Dự án là 9 năm với 5 giai đoạn. Trong đó, 4 giai đoạn đầu khoảng 7 năm sẽ triển khai các hạng mục cây xanh, công trình công cộng, nhà ở, trường học các cấp, giao thông, bãi đỗ xe, công trình di tích, tôn giáo và các dự án riêng.

Giai đoạn 5 từ cuối năm 2030 đến cuối 2032 triển khai nhiều công trình kiến trúc điểm nhấn, trong đó có trung tâm tài chính, thương mại hỗn hợp cao 108 tầng.

Dự án thành phố thông minh được BRG và Sumitomo ký thỏa thuận cùng phát triển giữa năm 2017. Việc hợp tác hướng tới xây dựng một đô thị thông minh, hiện đại nhất Đông Nam Á diện tích hơn 270 ha. Trong đó, trọng tâm khu vực là tháp tài chính thương mại với chiều cao 108 tầng.

Hồi tháng 7/2023, TP. Hà Nội thông qua quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 của Dự án với phạm vi 140 ha, chia thành 2 phân khu.

Khu A quy mô dân số khoảng 11.200 người, tăng gần 10.500 người so với quy hoạch trước đây; tổ chức lại hệ thống cây xanh, đường dạo quanh hồ Phương Trạch; bố trí thêm các ô đất ở hỗn hợp cao tầng tại phía giáp đê Tả Hồng.

Khu B quy mô dân số gần 9.900 người, tăng 6.800 người so với trước đây; có các ô đất ở hỗn hợp, nâng tầng cao công trình từ 25 lên 45; bổ sung thêm trục cây xanh, đất bãi đỗ xe phục vụ chung để phù hợp mô hình đô thị thông minh.

TP.HCM chi thu nhập tháng tối đa 120 triệu đồng cho lãnh đạo khoa học

HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua mức chi thu nhập 60 - 120 triệu đồng một tháng cho lãnh đạo tổ chức khoa học công nghệ công lập do Thành phố thành lập.

Nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM

Nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM

Nội dung trên được HĐND TP.HCM thông qua trong Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề), Khóa X, sáng 11/11. Mức chi thu nhập này nêu trong tờ trình của UBND Thành phố về ban hành Nghị quyết quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện được hưởng ưu đãi tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Cụ thể, với người đứng đầu tổ chức khoa học công nghệ chia thành 4 mức với thu nhập từ 60 - 120 triệu đồng mỗi tháng. Với vị trí cấp phó 50 - 100 triệu đồng mỗi tháng. Trưởng các phòng ban, phòng thí nghiệm hưởng thu nhập 40 - 80 triệu đồng. Phó các phòng ban, phòng thí nghiệm hưởng 30 - 60 triệu đồng mỗi tháng. Các mức thu nhập này được xem xét tăng 10% mỗi năm một lần căn cứ vào kết quả hoạt động hàng năm của tổ chức khoa học công nghệ. Các chức danh được thưởng 2 tháng lương khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vào cuối năm, 1 tháng lương khi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các mức ưu đãi này không bao gồm tiền lương, tiền công, phụ cấp và các chế độ liên quan khác.

Giá cà phê giảm mạnh

So với mức đỉnh hồi tháng 9, giá cà phê nhân trong nước đang giảm 15% xuống 58.000 đồng/kg.

Người dân thu hoạch cà phê ở Kon Tum

Người dân thu hoạch cà phê ở Kon Tum

Cập nhật giá cà phê trong nước sáng 11/11 cho thấy, hàng hóa này đang trên đà giảm mạnh 1.400 - 2.000 đồng so với tuần trước đó và giảm 10.000 đồng (15%) so với đỉnh kỷ lục hồi tháng 9.

Cụ thể, một kg cà phê nhân thu mua tại tỉnh Gia Lai, Kon Tum giá 58.000 đồng; Đăk Nông 58.200 đồng, Lâm Đồng 57.600 đồng.

Tại các vựa thu mua cà phê tươi tại Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, giá cũng hạ nhiệt từ 12.000 đồng/kg xuống còn 9.000 - 10.000 đồng/kg.

Theo các cơ sở thu mua, giá cà phê giảm mạnh do bắt đầu vào vụ thu hoạch. Ngoài ra, giá xuất khẩu quay đầu giảm khiến hàng trong nước lao dốc theo.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho rằng, giá cà phê nhân trong nước đang quay đầu điều chỉnh do tháng 11 niên vụ mới đã bắt đầu. Hiện, nhu cầu mua vào trên thị trường thế giới đang chững lại do lo ngại về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất sau phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell đẩy thị trường vào thế tiêu cực.

Ngoài ra, sản lượng cà phê niên vụ năm nay không tăng mạnh nhưng ổn định. Một số quốc gia sản xuất cà phê trên thế giới dự báo sản lượng tăng thay vì giảm so với trước đó khiến giá trong nước điều chỉnh theo thế giới.

Số liệu từ cơ quan hải quan cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước tính đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 3,16 tỷ USD, giảm 7,3% về lượng, nhưng tăng 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với cơ cấu chủng loại, xuất khẩu cà phê nhân xô giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng xuất khẩu cà phê chế biến tăng.

Tính toán từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, lượng cà phê xuất khẩu cả năm nay sẽ đạt khoảng 1,72 triệu tấn, thu về 4,2 tỷ USD - mốc kỷ lục mới về giá trị kim ngạch, nhờ tăng 200 triệu USD so với kim ngạch đạt đỉnh của năm ngoái.

Hợp long cầu 640 tỷ đồng ở cửa biển Cà Mau

Cầu bắc qua sông Ông Đốc ở huyện Trần Văn Thời, tổng mức đầu tư gần 640 tỷ đồng, đã được hợp long sáng 11/11, dự kiến thông xe vào cuối năm.

Vị trí hợp long cầu Ông Đốc nối đôi bờ thị trấn Sông Đốc

Vị trí hợp long cầu Ông Đốc nối đôi bờ thị trấn Sông Đốc

Vị trí hợp long giữa cầu sông Ông Đốc với đốt dầm dài 2 m, ngang 13 m, được đơn vị thi công đổ 17 m3 bê tông, nối liền hai hai bờ Nam, Bắc thị trấn Sông Đốc.

Dự án cầu Ông Đốc khởi công cuối tháng 10/2021 với tổng chiều dài 1,42 km. Trong đó, cầu chính dài khoảng 690 m, rộng 13 m, đường dẫn vào cầu có lộ giới theo quy hoạch rộng 30 m phía bờ Bắc và rộng 40 m phía bờ Nam, tốc độ thiết kế 50 km/h. Đây là công trình cầu lớn nhất từ trước đến nay do tỉnh Cà Mau đầu tư.

Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông Cà Mau (Chủ đầu tư) cho biết, đến nay, công trình đạt hơn 90% khối lượng. Đơn vị thi công sẽ tập trung hoàn thiện các hạng mục còn lại như: lắp lan can, thảm mặt cầu, hệ thống an toàn giao thông... để đưa công trình vào sử dụng cuối năm nay.

Sông Ông Đốc dài 58 km, bắt nguồn từ ngã ba sông Cái Tàu - sông Trẹm chảy về hướng Tây ngang qua thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời và đổ ra cửa biển ở phía vịnh Thái Lan. Cầu Ông Đốc là 1 trong 3 cầu bắc qua sông cùng tên.

Thao túng cổ phiếu bất động sản, một cá nhân bị phạt 1,5 tỷ đồng

Một cá nhân vừa bị xử phạt 1,5 tỷ đồng và bị cấm giao dịch chứng khoán trong 2 năm do tạo cung cầu giả, thao túng một cổ phiếu bất động sản.

Một cá nhân đã có hành vi tạo cung cầu giả, làm giá cổ phiếu

Một cá nhân đã có hành vi tạo cung cầu giả, làm giá cổ phiếu

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Hữu Đức (Đà Nẵng) do đã có hành vi tạo cung cầu giả tạo, làm giá cổ phiếu.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 4/1 đến 17/6/2022, ông Nguyễn Hữu Đức đã sử dụng tài khoản chứng khoán của chính mình và 75 tài khoản của 21 nhà đầu tư để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu của Công ty CP Địa ốc First Real (FIR) nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, UBCK cho biết, kết quả kiểm tra, tính toán khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm của ông Nguyễn Hữu Đức cho thấy không có khoản thu trái quy định.

Do vậy, ông Nguyễn Hữu Đức bị xử phạt hành chính 1,5 tỷ đồng và bị cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn 2 năm kể từ ngày 8/11/2023. Đồng thời, ông Đức cũng bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán trong thời hạn 2 năm.

Xuất khẩu cá tra giảm 30%

Sản lượng cá tra thu hoạch tăng 60% so với cùng kỳ trong khi xuất khẩu giảm 30% khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn.

Nhà máy chế biến cá tra tại Đồng Tháp
Nhà máy chế biến cá tra tại Đồng Tháp

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), năm ngoái xuất khẩu cá tra đạt nhiều kỷ lục như tổng kim ngạch đạt 2,4 tỷ USD, kéo giá bán trong nước giữ mức cao từ 31.000 - 34.000 đồng mỗi kg. Nhưng năm nay, diện tích nuôi tăng hơn 85% so với cùng kỳ ở mức 5.300 ha (tính đến cuối tháng 10), sản lượng đã thu hoạch hơn 1,3 triệu tấn, tăng 60%, trong khi, giá trị xuất khẩu chỉ mới đạt 1,4 tỷ USD. Hiện giá cá tra thu mua tại ao của người nuôi giảm còn 26.500 đồng mỗi kg, tương đương giá thành sản xuất.

VINAPA cho rằng, xuất khẩu giảm do khó khăn chung của kinh tế thế giới. Các thị trường chính của cá tra Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc đều giảm nhập khẩu với tỉ lệ lần lượt là 54%, 18% và 25%. Ngoài ra, cá tra cũng chịu cạnh tranh gay gắt từ các dòng cá biển của quốc gia khác.

Giải pháp được các doanh nghiệp đưa ra là tập trung hạ giá thành sản xuất, giảm sản lượng để giữ giá xuất khẩu, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại tại các thị trường chính cũng như tìm kiếm thị trường ngách.

Hàng chục nghìn hộ ở TP. Thủ Đức và Nam Sài Gòn bị cắt nước

Để bảo trì tủ điện Nhà máy Nước BOO Thủ Đức, hàng chục nghìn hộ ở Quận 7, 8, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, TP. Thủ Đức bị cắt nước, nước yếu đêm cuối tuần.

Công nhân kiểm tra hệ thống cấp nước ở Nhà máy Nước BOO Thủ Đức

Công nhân kiểm tra hệ thống cấp nước ở Nhà máy Nước BOO Thủ Đức

Nước bị cắt trong 3 giờ, từ 23h ngày 11 đến 2h ngày 12/11. Trong đó, khu vực bị cắt nước toàn bộ gồm: Quận 7 (trừ Khu chế xuất Tân Thuận), huyện Nhà Bè và Cần Giờ. Quận 8 gồm các phường: 1, 2, 3, 4, 5, 8, 9.

11 khu vực ở TP. Thủ Đức cũng bị cắt nước trong thời gian bảo trì, gồm: phường An Phú, Bình An, Bình Khánh, An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tăng Nhơn Phú B và Khu công nghệ cao. Tại Bình Chánh, nước bị cắt toàn bộ ở xã Bình Hưng.

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, khi hệ thống cấp nước hoạt động lại, một số nơi xa nguồn có thể sẽ phục hồi chậm hơn dự kiến. Đơn vị sẽ điều tiết mạng lưới cấp nước, đồng thời tăng cường tiếp nước bằng xe bồn đến các nơi quan trọng bị ảnh hưởng.

Nhà máy Nước BOO Thủ Đức khánh thành năm 2010 với tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng, cung cấp nước sạch cho gần một triệu người ở các quận, huyện phía Đông và Nam của TP.HCM. Công trình có trạm bơm nước thô công suất 315.000 m3/ngày; nhà máy xử lý nước công suất 300.000 m3/ngày…

Tin cùng chuyên mục