Bản tin thời sự sáng 12/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là trình thông qua dự án đầu tư xây dựng 3 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng; rà soát hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua Bình Thuận; Thủ tướng đề nghị có gói tín dụng ưu đãi nhà ở cho người không quá 35 tuổi; giá USD lập đỉnh hơn 25.660 đồng…

Trình thông qua dự án đầu tư xây dựng 3 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng

UBND thành phố Hà Nội đã tiến hành xem xét thông qua Tờ trình của UBND Thành phố trình HĐND Thành phố đối với các dự án đầu tư xây dựng 3 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng.

Phối cảnh cầu Tứ Liên

Phối cảnh cầu Tứ Liên

Sáng 11/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì phiên họp trực tuyến UBND Thành phố thường kỳ tháng 2/2025 để xem xét một số nội dung trình kỳ họp HĐND Thành phố sắp tới và theo Chương trình công tác năm 2025 của UBND Thành phố.

Tại phiên họp, UBND thành phố Hà Nội tiến hành xem xét thông qua Tờ trình của UBND Thành phố trình HĐND Thành phố đối với 3 dự án nhóm A gồm: Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa); Dự án Đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu; Dự án Đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.

UBND thành phố Hà Nội cũng xem xét thông qua Tờ trình của UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết về ban hành các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn Thành phố; xem xét thông qua Tờ trình của UBND trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GRDP của thành phố Hà Nội năm 2025.

Theo UBND thành phố Hà Nội, cầu Tứ Liên sẽ được đầu tư trên 19.000 tỷ đồng và dự kiến khởi công xây dựng vào cuối tháng 5/2025. UBND Thành phố đang giao cho Sở Giao thông vận tải cùng các đơn vị liên quan đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục đầu tư để sớm khởi công.

Dự án cầu Ngọc Hồi có tổng chiều dài khoảng 7,5 km, trong đó, đoạn qua Hà Nội dài 5,4 km, đoạn qua Hưng Yên dài 2,1 km. Cầu chính vượt sông Hồng và cầu dẫn có tổng chiều dài 7,2 km, rộng 33 m, trong khi đường dẫn phía Hưng Yên dài khoảng 300 m, rộng 60 m.

Dự kiến, tổng mức đầu tư của Dự án vào khoảng 11.770 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách thành phố Hà Nội và ngân sách trung ương. Dự án được chia thành 6 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 3 là đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu có mức đầu tư lên đến 10.198 tỷ đồng.

Cầu Trần Hưng Đạo có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 16.000 tỷ đồng với chiều dài 5,6 km. Cầu dự kiến sẽ khởi công tháng 5/2025, kết nối quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng với quận Long Biên. Dự án sẽ có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 16.000 tỷ đồng. Công trình được xây dựng vĩnh cửu với chiều dài toàn tuyến khoảng 5,6 km, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe đạp, 2 làn đi bộ, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Rà soát hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua Bình Thuận

Dự án Đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao qua tỉnh Bình Thuận dài khoảng 156 km với 2 nhà ga.

Tàu hỏa chạy trên đường sắt để vào ga ở Bình Thuận

Tàu hỏa chạy trên đường sắt để vào ga ở Bình Thuận

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận, Dự án Đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn qua tỉnh Bình Thuận đi qua 5 huyện với 2 nhà ga hành khách gồm ga Phan Rí đặt tại xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình và ga Phan Thiết đặt tại xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc.

Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan triển khai các công việc thuộc trách nhiệm của Tỉnh đối với Dự án.

Việc rà soát thống nhất, phương án hướng tuyến và nhà ga đoạn qua địa bàn Tỉnh được thực hiện và có văn bản thống nhất với Bộ Giao thông vận tải. Đồng thời, UBND Tỉnh đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh vị trí ga Mương Mán tại xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam về đặt tại xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã tiếp thu kiến nghị của tỉnh dời ga Mương Mán về vị trí mới cách vị trí cũ khoảng 4km về phía Bắc (ga Phan Thiết).

Quy hoạch của Tỉnh cũng đã cập nhật phương án hướng tuyến, nhà ga thuộc Dự án đoạn qua tỉnh Bình Thuận và quy hoạch tuyến đường mới kết nối từ thành phố Phan Thiết đến đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tại khoảng Km225+120) đi qua ga Phan Thiết thuộc Dự án.

UBND Tỉnh có thông báo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND Tỉnh giao đơn vị nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư dự án tuyến đường kết nối trên, đồng thời giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và địa phương liên quan triển khai cập nhật tuyến đường kết nối nêu trên, nhà ga, trạm bảo dưỡng thuộc dự án và khu đô thị TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) vào quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung xã, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Đối với ga Phan Rí đặt tại xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, ngày 15/11/2024, UBND Tỉnh đã kiểm tra thực tế vị trí ga và phương án các quy hoạch liên quan kết nối với ga trên địa bàn huyện Bắc Bình và đề nghị đơn vị tư vấn dự án nghiên cứu vị trí ga và phương án đường kết nối với ga làm cơ sở để tỉnh chỉ đạo triển khai các bước tiếp theo…

Thủ tướng đề nghị có gói tín dụng ưu đãi nhà ở cho người không quá 35 tuổi

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng nghiên cứu các gói tín dụng ưu đãi để phát triển nhà ở cho người trẻ.

Một dãy chung cư tại khu đô thị phía Tây Hà Nội

Một dãy chung cư tại khu đô thị phía Tây Hà Nội

Thực trạng người lao động trẻ khó tiếp cận cơ hội an cư đang diễn ra phổ biến, nhất là tại các thành phố lớn trong bối cảnh giá nhà và thu nhập ngày càng chênh lệch lớn.

Tại hội nghị với các ngân hàng thương mại ngày 11/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng nghiên cứu, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống và những đối tượng khó khăn.

Thực tế, ngành ngân hàng đang triển khai một số chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tín dụng dành cho nhà ở xã hội có vai trò quan trọng. Vì vậy, cơ quan này đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp chặt với các địa phương để đánh giá chính xác nhu cầu, từ đó có chính sách phù hợp.

Đề xuất về chính sách cho vay mua nhà với người trẻ (tuổi từ 18 - 45) cũng được nêu tại báo cáo gửi Thủ tướng của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây. Hiệp hội này đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng cơ chế ưu đãi tín dụng cho nhóm người trẻ lần đầu mua nhà thương mại giá rẻ. Mức lãi suất thương mại ưu đãi từ 6 - 7% một năm và được bảo đảm khoản vay bằng chính tài sản đã mua. Thời hạn ưu đãi lãi suất sẽ kéo dài từ 10 - 15 năm.

Trước đó, HoREA cũng từng kiến nghị về việc nghiên cứu chính sách vay ưu đãi lãi suất 4,7% một năm trong 20 năm cho người mua căn nhà đầu tiên, giá tài sản không quá 2 tỷ đồng một căn. Độ tuổi từ 25 - 35 được đánh giá là nhóm có khả năng thu nhập tốt để mua nhà.

Giá USD lập đỉnh hơn 25.660 đồng

Giá USD trên thị trường chính thức ngày 11/2 tăng vọt lên 25.660 đồng/USD, vượt mức đỉnh thiết lập hồi tháng 11/2024.

Giá USD ngân hàng đang tăng cao

Giá USD ngân hàng đang tăng cao

Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đã liên tục tăng mạnh trong 6 phiên gần nhất, ghi nhận mức kỷ lục 24.522 đồng/USD vào ngày 11/2. Diễn biến này đã đẩy trần tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng lên đến 25.748 đồng/USD.

Trên kênh ngân hàng thương mại, việc NHNN liên tục tăng mạnh tỷ giá trung tâm khiến giá USD các ngân hàng bán ra không còn duy trì ở mức trần như giai đoạn cuối năm 2024. Tuy nhiên, trong vòng 1 tuần qua, tỷ giá đồng bạc xanh niêm yết đã tăng hơn 300 đồng/USD ở chiều bán và tăng khoảng 450 đồng ở chiều mua.

Ngày 11/2, Vietcombank tăng giá giao dịch ngoại tệ này thêm 90 đồng/USD, hiện niêm yết ở mức 25.260 - 25.650 đồng/USD (mua - bán).

Tương tự, VietinBank cũng nâng giá mua - bán USD lên 25.288 - 25.648 đồng/USD; BIDV niêm yết ở mức 25.300 - 25.660 đồng/USD, tăng thêm 100 đồng so với phiên liền trước.

Tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, HDBank hiện niêm yết giá giao dịch đồng bạc xanh ở mức 25.190 - 25.690 đồng/USD, tăng 90 đồng so với ngày 10/2.

Các ngân hàng như Techcombank, Eximbank, VPBank, ACB, SHB... cũng điều chỉnh giá mua - bán ngoại tệ này, nâng giá mua vào thêm 140 - 200 đồng mỗi USD trong một tuần qua, phổ biến ở mức 25.200 - 25.267 đồng/USD. Ở chiều bán, mức giá các ngân hàng đưa ra hiện dao động quanh 25.600 - 25.665 đồng/USD. Đây cũng là vùng giá giao dịch cao nhất mà đồng bạc xanh từng ghi nhận được trên kênh ngân hàng,

Trong khi đó, trên thị trường tự do, tỷ giá USD đang giao dịch ở mức 25.670 - 25.760 đồng/USD (mua - bán), tăng 90 đồng ở chiều mua và 80 đồng ở chiều bán so với kết phiên liền trước.

Bắc Ninh lựa chọn nhà đầu tư khu đô thị hơn 41.000 tỷ đồng

Tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện các hoạt động lựa chọn nhà đầu tư dự án khu đô thị hơn 41.000 tỷ đồng.

1 góc thành phố Bắc Ninh

1 góc thành phố Bắc Ninh

Ngày 11/2, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định phê duyệt Bảng theo dõi tiến độ thực hiện các hoạt động lựa chọn nhà đầu tư Dự án Khu đô thị mới phía Tây Bắc thành phố Bắc Ninh (Khu 1).

Các hoạt động cơ bản trong lựa chọn nhà đầu tư, gồm: lập hồ sơ mời thầu; thẩm định hồ sơ mời thầu; phê duyệt hồ sơ mời thầu; mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầu, chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý hồ sơ dự thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu; thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư; phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng; các hoạt động khác (nếu có)… với thời gian thực hiện cụ thể từng hoạt động.

Dự án Khu đô thị mới phía Tây Bắc thành phố Bắc Ninh (Khu 1) tại phường Hòa Long, TP. Bắc Ninh có quy mô sử dụng đất khoảng 277 ha, tổng mức đầu tư 41.270 tỷ đồng (tương đương hơn 1,6 tỷ USD) vừa được tỉnh Bắc Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trong đó, chi phí thực hiện Dự án là 40.124 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến là 1.146 tỷ đồng.

Tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án là 7 năm kể từ ngày lựa chọn được nhà đầu tư. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Dự án này sẽ được đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là tháng 3/2025.

CII muốn rót 8,5 tỷ USD gỡ nút giao thông Hàng Xanh

Để dứt điểm kẹt xe tại khu vực Hàng Xanh, Bình Thạnh, CII đề xuất phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, đầu tư hơn 8,5 tỷ USD.

Phối cảnh sơ bộ một phần dự án TOD Hàng Xanh (Bình Thạnh, TP.HCM)

Phối cảnh sơ bộ một phần dự án TOD Hàng Xanh (Bình Thạnh, TP.HCM)

Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) vừa đề xuất ý tưởng phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại khu vực Hàng Xanh. Ý tưởng này xuất phát từ việc CII được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao nghiên cứu từ phiên họp ngày 8/2.

Cụ thể, Dự án TOD Hàng Xanh (có tài liệu nói từ đúng là Hàng Sanh) có tổng diện tích nghiên cứu khoảng 51,4 ha. Đây là khu vực sẽ có tuyến metro số 3A và metro số 5 cùng một số tuyến giao thông công cộng khác. Tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 216.000 tỷ đồng, tức hơn 8,5 tỷ USD.

Mục tiêu CII đặt ra là giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông, tăng cường kết nối tại các khu vực trọng điểm như Hàng Xanh, ngã 5 Đài Liệt Sỹ và cầu Bình Triệu. Doanh nghiệp sẽ nghiên cứu ứng dụng giao thông xanh, giao thông số nhằm tối ưu hóa việc di chuyển và giảm thiểu tác động môi trường, triển khai phương tiện vận chuyển không người lái... Dự án hướng đến phát triển không gian đô thị ngầm, khai thác tối đa tiềm năng để tạo lập trung tâm vận chuyển công cộng, đồng thời kết nối giao thông công cộng bao gồm tuyến metro theo quy hoạch.

Song song đó, chủ đầu tư sẽ xây dựng các công trình điểm nhấn, chung cư cao tầng, mảng xanh và các công trình công cộng nhằm nâng cao tính thẩm mỹ, tiện ích đô thị. Dự án cũng phát triển các khu vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, trung tâm thương mại và dịch vụ. CII sẽ thực hiện tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng.

Đây mới là ý tưởng ban đầu và sẽ được doanh nghiệp này nghiên cứu hoàn chỉnh. Sau đó, họ sẽ báo cáo, đề xuất Sở Giao thông vận tải để tổng hợp và tham mưu cho UBND TP.HCM.

Khu vực Hàng Xanh đang có các tuyến giao thông chính như Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quốc lộ 13, Đinh Bộ Lĩnh hay Nguyễn Xí. Đây đều là các con đường có mật độ giao thông dày dặc, thường xuyên xảy ra nạn kẹt xe, thậm chí tê liệt vào giờ cao điểm.

Đà Lạt ngừng hoạt động thí điểm xe điện chở khách

Tỉnh Lâm Đồng quyết định ngừng thí điểm sử dụng xe điện để chở khách du lịch quanh Đà Lạt.

Xe điện chở khách quanh Đà Lạt sẽ dừng hoạt động sau ngày 15/2/2025

Xe điện chở khách quanh Đà Lạt sẽ dừng hoạt động sau ngày 15/2/2025

Ngày 11/2, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định ngừng hoạt động thí điểm sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng để chở khách tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Quyết định này được áp dụng đối với Công ty TNHH Đà Lạt City Tour và Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ du lịch Tĩnh An.

Việc ngừng hoạt động được thực hiện theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, bắt đầu từ ngày 15/2/2025.

UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Giao thông vận tải thông báo tới các đơn vị tham gia thí điểm về việc ngừng hoạt động.

Đồng thời, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND thành phố Đà Lạt nghiên cứu Văn bản số 14330 ngày 31/12/2024 của Bộ Giao thông vận tải và các quy định pháp luật liên quan.

Mục tiêu là tham mưu cho UBND Tỉnh về hoạt động xe bốn bánh có gắn động cơ theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Toàn bộ quá trình này sẽ được hoàn thành trước ngày 25/2/2025.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt hoạt động thí điểm sử dụng xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện để chở khách tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Xe chở khách tham quan chỉ được phép hoạt động trên các tuyến đường ở thành phố Đà Lạt.

Tin cùng chuyên mục