Bản tin thời sự sáng 12/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Quốc phòng thanh tra việc giao đất ở sân bay Nha Trang; môn Lịch sử sẽ có 52 tiết bắt buộc trong mỗi năm THPT; Grab bị yêu cầu giải trình vì phụ thu phí nắng nóng 5.000 đồng mỗi cuốc xe; trạm BOT Cai Lậy - Tiền Giang sắp được thu phí trở lại…

Bộ Quốc phòng thanh tra việc giao đất ở sân bay Nha Trang

Bộ Quốc phòng sẽ thanh tra việc chuyển giao, sử dụng hơn 21 ha đất tại sân bay Nha Trang trước đó bị cho xảy ra nhiều vi phạm.

Một góc của sân bay Nha Trang

Một góc của sân bay Nha Trang

Ngày 11/7, Đại tá Nguyễn Văn Lập, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa và TP. Nha Trang về việc Bộ Quốc phòng lập đoàn thanh tra quản lý, sử dụng đất tại sân bay Nha Trang. Trước đó, Trường chuyển giao hơn 21 ha đất ở sân bay để địa phương phát triển kinh tế.

Hồi tháng 6/2021, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) dùng quỹ đất thanh toán tại sân bay Nha Trang. Chính quyền Khánh Hòa bị cho có nhiều vi phạm trong việc giao doanh nghiệp thực hiện 6 dự án BT, đổi quỹ đất ở sân bay, có thể gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước.

Sân bay Nha Trang rộng hơn 186 ha, nằm gần trung tâm thành phố. Sau 1975, nơi này ngoài mục đích quân sự còn phục vụ các chuyến bay chở khách tới thành phố biển. Sau khi sân bay Cam Ranh hoàn thành, từ năm 2004, sân bay Nha Trang ngừng đón khách và trở thành căn cứ của Trung đoàn Không quân 920, Trường Sĩ quan Không quân.

Cuối năm 2009, một phần sân bay Nha Trang được giao cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Môn Lịch sử sẽ có 52 tiết bắt buộc trong mỗi năm THPT

Thay vì là môn lựa chọn, Lịch sử sẽ có phần bắt buộc với 52 tiết ở mỗi năm lớp 10, 11 và 12, theo kế hoạch thực hiện môn học này của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Môn Lịch sử sẽ có 52 tiết bắt buộc trong mỗi năm THPT

Môn Lịch sử sẽ có 52 tiết bắt buộc trong mỗi năm THPT

Ngày 11/7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ký ban hành kế hoạch thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh chương trình Lịch sử phần bắt buộc cấp THPT.

Theo đó, môn Lịch sử cấp THPT sẽ có phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết cho mỗi năm học lớp 10, 11 và 12. Thay vì là môn lựa chọn hoàn toàn và học sinh có thể không chọn học môn này như trong chương trình giáo dục phổ thông đã ban hành năm 2018, tất cả học sinh THPT năm học tới trở đi sẽ học đầy đủ số tiết bắt buộc này. Những em lựa chọn môn Lịch sử để học chuyên sâu, theo hướng định hướng nghề nghiệp, sẽ học nhiều hơn.

Sự thay đổi từ môn lựa chọn thành môn có cả phần bắt buộc và lựa chọn là theo yêu cầu của Quốc hội tại nghị quyết Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV thông qua ngày 16/6. Trước đó, chương trình môn Lịch sử áp dụng với lớp 10 từ năm học 2022 - 2023 tạo ra nhiều tranh cãi.

Theo kế hoạch mới ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức hội thảo xin ý kiến các tổ chức, nhà khoa học, giáo viên về chương trình Lịch sử phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết mỗi năm; đồng thời biên soạn, thẩm định tài liệu, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các Sở Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện chương trình bắt buộc…

Grab bị yêu cầu giải trình vì phụ thu phí nắng nóng 5.000 đồng mỗi cuốc xe

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có văn bản yêu cầu Grab Việt Nam giải trình về việc thu phụ phí nắng nóng.

Grab tính thêm phụ phí khi khách đặt vào thời tiết nắng nóng gay gắt

Grab tính thêm phụ phí khi khách đặt vào thời tiết nắng nóng gay gắt

Cụ thể, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vừa có văn bản gửi Grab phối hợp cung cấp thông tin về khoản phụ thu nắng nóng 5.000 đồng với mỗi chuyến xe. Trước đó, ngoài phụ thu phí nắng nóng, Grab cũng đã áp dụng thu thêm một số loại hình phí và phụ phí như "phụ phí khi mưa lớn", "phụ phí khi kẹt xe", "phí chờ đợi".

Liên quan đến các vấn đề nêu trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu Grab cung cấp danh mục, làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị.

Bên cạnh đó, Grab cũng phải cung cấp thông tin chi tiết về căn cứ, cơ sở, tiêu chí để áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa Grab và lái xe... Theo yêu cầu của Cục, mọi thông tin cần được gửi về trước ngày 18/7.

Trước đó, Grab đã công bố áp dụng phụ phí "thời tiết nắng nóng gay gắt" từ ngày 6/7 ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đối với các dịch vụ vận chuyển bằng xe hai bánh.

Cụ thể, tại TP.HCM và Hà Nội, mỗi chuyến xe GrabBike, đơn hàng giao đồ ăn GrabFood, mua đồ hộ GrabMart sẽ tính thêm 5.000 đồng phụ phí. Còn dịch vụ vận chuyển hàng GrabExpress bị tính thêm 3.000 đồng trên mỗi chuyến xe.

Tại một số địa phương khác gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, người dùng phải trả thêm 5.000 đồng phụ phí cho mỗi lần đặt dịch vụ GrabBike hay GrabFood.

Phía Grab không công bố chi tiết điều kiện áp dụng khoản phụ phí này mà chỉ nói chung "phụ phí sẽ được áp dụng khi thời tiết nắng nóng gay gắt". Tuy nhiên, phía hãng lại không giải thích chi tiết điều kiện nhiệt độ, độ ẩm hay tia UV ở mức nào được tính là nắng nóng gay gắt.

Thu hồi hai lô thuốc kháng sinh do phát hiện hàng giả

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cảnh báo thuốc kháng sinh cefuroxim 500 mg giả xuất hiện tại nhiều địa phương, vẻ ngoài khó phân biệt với thuốc thật nên thu hồi hai lô sản phẩm.

Một cơ sở sản xuất thuốc giả được cơ quan chức năng phát hiện tại TP.HCM

Một cơ sở sản xuất thuốc giả được cơ quan chức năng phát hiện tại TP.HCM

Theo Cục Quản lý Dược, cơ quan chức năng tại Hà Giang, TP.HCM, Tiền Giang phát hiện lô thuốc kháng sinh cefuroxim 500 mg không đạt chất lượng, không có hoạt chất kháng sinh. Đối chiếu ghi nhận này với báo cáo của công ty sản xuất (trụ sở tại Bình Dương), Cục Quản lý Dược nhận thấy mẫu thuốc giả và thuốc thật khác nhau không rõ ràng, chỉ phân biệt được khi đặt cạnh nhau.

Do đó, Cục Quản lý Dược quyết định thu hồi hai lô thuốc cefuroxim 500 mg số 5241121 và 3490621 (kể cả thuốc thật), để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Theo đại diện Cục Quản lý Dược, loại thuốc giả này quá giống thuốc thật, không phân biệt được giả với thật, nên buộc phải yêu cầu thu hồi tất cả thuốc thuộc hai lô trên để đưa về nhà sản xuất phân biệt.

Công tác thu hồi tiến hành trong 18 ngày. Hiện chưa rõ số lượng thuốc thuộc hai lô trên. Sở Y tế Bình Dương kiểm tra, giám sát việc thu hồi thuốc do trụ sở công ty sản xuất thuốc đóng tại tỉnh này.

Cefuroxim là thuốc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn thể nhẹ đến vừa ở đường hô hấp, ví dụ viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn tiêu hóa, nhiễm khuẩn tiết niệu...

Trạm BOT Cai Lậy - Tiền Giang sắp được thu phí trở lại

Sau nhiều năm phải dừng thu phí vì bị người dân, lái xe phản ứng, từ tháng 8/2022, cơ quan chức năng sẽ cho phép nhà đầu tư thu phí trở lại tại trạm BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Trạm thu phí dự án BOT Cai Lậy trên QL1

Trạm thu phí dự án BOT Cai Lậy trên QL1

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà đầu tư hoàn tất các công việc chuẩn bị thu phí lại Dự án Đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn thị trấn Cai Lậy (BOT Cai Lậy) và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560 - Km2014, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT, thực hiện thu phí trở lại vào cuối tháng 8/2022.

Đơn vị này cho biết, từ tháng 2/2022 cơ quan này đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện các công việc liên quan đảm bảo tiến độ Dự án.

Nhà đầu tư cũng đã 2 lần cam kết hoàn thành xây dựng trạm thu phí trên tuyến tránh và sửa chữa hư hỏng mặt đường. Tuy nhiên, tiến độ các công việc để có thể thu phí lại không đảm bảo quy định tại phụ lục hợp đồng (hoàn thành trong quý IV/2021). Lý do của sự chậm trễ, theo báo cáo của nhà đầu tư là do khó khăn về tài chính, ảnh hưởng của thời tiết trong thời gian qua.

Trước đó, ngày 27/6/2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục họp về việc chuẩn bị thu phí lại Dự án BOT Cai Lậy. Theo báo cáo của nhà đầu tư, hiện đã cơ bản đã hoàn thành các công việc về xây dựng trạm thu phí, lắp đặt và kết nối thu phí trạm.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, nhà đầu tư đã cam kết thực hiện nghiêm túc trách nhiệm hoàn thành xây dựng, cải tạo và kết nối thu phí không dừng các trạm thu phí của dự án, sửa chữa, đảm bảo giao thông trên tuyến trước ngày 15/7/2022.

Dự án Đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy dài hơn 38 km, tổng mức đầu tư ban đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, bao gồm tăng cường mặt Quốc lộ 1 dài hơn 26 km và xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12 km. Trạm thu phí đặt trên quốc lộ để thu phí cho hai tuyến đường.