Bản tin thời sự sáng 12/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến và 4 đồng phạm.

Khởi tố Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến

Ngày 11/7, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiến hành điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn.

Năm bị can bị khởi tố

Năm bị can bị khởi tố

Vụ án được điều tra theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 40/QĐ-C01-P4, ngày 5/7/2019 và Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 15/QĐ-C01-P4, ngày 22/8/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 9/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành các biện pháp tố tụng: Ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với: Trần Vĩnh Tuyến, sinh năm 1965, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; Trần Trọng Tuấn, sinh năm 1969, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM); Phan Trường Sơn, sinh năm 1967, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM (nguyên Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM); Trần Quốc Đạt, sinh năm 1963, Phó Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM; Lê Tấn Hòa, sinh năm 1977, chuyên viên Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1.000/QĐ-TTg về việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Quyết định nêu rõ: Tạm đình chỉ công tác đối với ông Trần Vĩnh Tuyến do đã có hành vi vi phạm pháp luật trong công tác. Thời hạn tạm đình chỉ công tác là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác (từ ngày 11/7/2020).

Chiều ngày 11/7, HĐND TP.HCM đã tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Trần Vĩnh Tuyến và ông Trần Trọng Tuấn.

Cháy tại Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất, khắc phục sau 2 - 3 ngày

Theo Hoà Phát, khu vực lò cao số 1 Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất đã xảy ra sự cố cháy vào sáng 11/7 và sẽ được khắc phục trong 2 - 3 ngày tới.

Sự cố diễn ra từ 6h30 - 6h45 ngày 11/7 và không có thiệt hại về người

Sự cố diễn ra từ 6h30 - 6h45 ngày 11/7 và không có thiệt hại về người

Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán: HPG) mới phát đi thông báo liên quan đến sự cố cháy tại Khu liên hợp Hoà Phát Dung Quất. Thông báo cho biết, lúc 6h30 - 6h45 sáng 11/7/2020 tại khu vực lò cao số 1 Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất đã xảy ra sự cố cháy và không có thiệt hại về người.

Cụ thể, trong lúc ra gang, tại vị trí mắt gió và thành lò cao bị hở dẫn đến gang lỏng theo khe hở tràn ra ngoài. Gang nóng gây cháy trạm cấp dầu thủy lực, sau đó cháy lan sang các khu vực xung quanh lò cao. Vụ cháy dữ dội phát sinh khói đen mù mịt bốc cao cả chục mét.

Ngay khi xảy ra sự cố, Công ty chủ động xử lý bằng cách phun nước làm mát vị trí mắt gió và chữa cháy khu vực xung quanh. Lò cao đã tự động xả áp van đỉnh lò đề phòng nổ thiết bị. Sau khi áp suất lò cao giảm xuống thì tiến hành tháo hết lượng gang còn lại trong lò để kiểm tra, khắc phục các vị trí bị hư hại.

Các khu vực sản xuất khác không bị ảnh hưởng.

TP.HCM thu phí ô tô vào trung tâm giai đoạn 2021 - 2025

Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM tập trung phát triển xe buýt và thực hiện một số giải pháp, trong đó có giải pháp đột phá là thu phí ô tô vào khu vực trung tâm TP.HCM.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM sẽ triển khai thu phí ô tô vào trung tâm

Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM sẽ triển khai thu phí ô tô vào trung tâm

Chiều ngày 11/7, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.

HĐND TPHCM đánh giá phát triển giao thông công cộng phải đi đôi với hạn chế số lượng phương tiện cá nhân. Phát triển vận tải hành khách công cộng là điều kiện để kiểm soát việc sử dụng xe cá nhân.

Ngoài ra, HĐND TP.HCM đánh giá các giải pháp hành chính và kinh tế cần được kết hợp hài hoà và triển khai một cách toàn diện, đồng bộ trong việc kiểm soát phương tiện cá nhân (xe ô tô con, mô tô, gắn máy). Từ đó thực hiện từng bước, có lộ trình và có sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện.

Một trong những giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân là thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP.HCM trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo tờ trình của UBND TP.HCM, Thành phố đặt mục tiêu phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đạt 15% nhu cầu đi lại vào năm 2025 và 25% nhu cầu đi lại vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu trên, TP.HCM sẽ thực hiện 17 nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng, gồm: phát triển mạng lưới xe buýt đến năm 2030; tập trung nguồn lực mạnh mẽ đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đưa vào khai thác 3 tuyến metro số 1, 2, 5 và 1 tuyến xe buýt nhanh BRT; đầu tư tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành; phát triển hệ thống xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ; bố trí làn đường riêng cho xe buýt…

11 trường hợp sẽ bị thu hồi đăng ký, biển số xe kể từ ngày 1/8

Thông tư 58 Bộ Công an vừa ban hành quy định thủ tục sang tên đổi chủ cho ô tô, xe máy mua bán qua nhiều chủ, không còn hóa đơn mua bán, giấy chuyển quyền sở hữu, đăng ký... Ngoài ra, Thông tư cũng quy định 11 trường hợp bị thu hồi đăng ký, biển số kể từ ngày 1/8.

Thông tư 58 quy định 11 trường hợp sẽ bị thu hồi đăng ký, biển số (ảnh minh họa)

Thông tư 58 quy định 11 trường hợp sẽ bị thu hồi đăng ký, biển số (ảnh minh họa)

Mới đây, Bộ Công an ban hành Thông tư 58 quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông. Tại Điều 15, Thông tư 58 cũng quy định những trường hợp phải thu hồi đăng ký, biển số.

Theo đó, 11 trường hợp sẽ bị thu hồi gồm: Xe hỏng không sử dụng được hoặc xe bị phá huỷ do nguyên nhân khách quan; xe tháo máy, khung để thay thế cho xe khác; xe tạm nhập của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tái xuất hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam; xe được miễn thuế nhập khẩu, nay chuyển nhượng sang mục đích khác;

Xe đăng ký tại các khu kinh tế - thương mại đặc biệt hoặc khu kinh tế cửa khẩu quốc tế theo quy định của Chính phủ khi tái xuất hoặc chuyển nhượng vào Việt Nam; xe bị mất cắp, chiếm đoạt không tìm được, chủ xe đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe; xe hết niên hạn sử dụng; xe không được phép lưu hành theo quy định của pháp luật; xe có kết luận của cơ quan thẩm quyền bị cắt hàn hoặc đục lại số máy, số khung hoặc số máy hoặc số khung;

Xe đã đăng ký nhưng không đúng hệ biển quy định tại Thông tư này; xe thuộc diện sang tên, chuyển quyền sở hữu; xe quân sự không còn nhu cầu cấp biển số xe dân sự; xe đã đăng ký nhưng phát hiện hồ sơ xe giả hoặc cấp biển số không đúng quy định…

Đưa hơn 240 công dân Việt Nam từ Singapore về nước

Ngay sau khi hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng, những người tham gia chuyến bay đã được kiểm tra y tế và đưa về cơ sở cách ly tập trung.

Hơn 240 công dân Việt Nam từ Singapore về nước (ảnh minh họa)

Hơn 240 công dân Việt Nam từ Singapore về nước (ảnh minh họa)

Ngày 11/7, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và Hãng hàng không VietJet đã phối hợp với các cơ quan chức năng Singapore đưa hơn 240 công dân Việt Nam từ Singapore về nước, trong đó có trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, người cao tuổi, người ốm đau, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động, người đi du lịch và quá cảnh từ các nước khác bị kẹt lại.

Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, Hãng hàng không VietJet đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay. Ngay sau khi hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng, những người tham gia chuyến bay đã được kiểm tra y tế và đưa về cơ sở cách ly tập trung theo đúng quy định.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đang tiếp tục xây dựng kế hoạch đưa công dân về nước, đáp ứng nhu cầu của công dân Việt Nam ở nước ngoài và phù hợp với năng lực cách ly trong nước.