Bản tin thời sự sáng 12/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng giảm thêm 900 đồng một lít; chính thức trình UBND TP.HCM hủy kết quả đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm; Hà Nội đưa 92 biệt thự Pháp cổ vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn; thành lập thị xã Chơn Thành thuộc tỉnh Bình Phước…

Giá xăng giảm thêm 900 đồng một lít

Từ 15h ngày 11/8, mỗi lít xăng giảm thêm hơn 900 đồng, dầu cũng hạ 1.000 - 1.210 đồng (trừ dầu mazut).

Từ 15h ngày 11/8, mỗi lít xăng giảm thêm hơn 900 đồng

Từ 15h ngày 11/8, mỗi lít xăng giảm thêm hơn 900 đồng

Sau điều chỉnh của Liên bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng RON 95-III giảm về mức 24.660 đồng (giảm 940 đồng); E5 RON 92 có giá mới là 23.720 đồng (giảm 900 đồng). Đây là lần giảm giá thứ năm liên tiếp từ cuối tháng 6 đến nay, đưa giá mặt hàng này về tương đương hồi tháng 10/2021.

Cùng đó, các mặt hàng dầu cũng hạ nhiệt so với cách đây 10 ngày. Theo đó, giá dầu diesel giảm 1.000 đồng một lít, về mức giá 22.900 đồng. Dầu hoả cũng hạ thêm 1.210 đồng, về còn 23.320 đồng mỗi lít. Riêng dầu mazut giữ nguyên giá bán, 16.540 đồng một kg như cách đây 10 ngày.

So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 8.210 đồng; E5 RON 92 hạ 7.580 đồng; dầu diesel giảm 7.110 đồng. Với mức giá hiện nay, giá xăng đã trở lại ngưỡng ngang bằng hồi cuối năm ngoái và tháng 1 đầu năm nay.

Lần này, cơ quan quản lý giảm mức trích vào Quỹ Bình ổn giá 70 - 100 đồng trên một lít, kg so với kỳ điều hành trước. Cụ thể, với xăng E5 RON 92 là 700 đồng và RON 95-III là 750 đồng; 350 đồng với dầu diesel, 650 đồng với dầu hỏa và mazut là 716 đồng một kg.

Theo Liên bộ Công Thương - Tài chính, xu hướng giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới 10 ngày qua giảm. Bình quân mỗi thùng xăng RON 92 (loại dùng để pha chế E5 RON 92) giảm về 105,92 USD. Mỗi thùng RON 95 ở mức 109,92 USD. Dầu diesel giảm nhiều nhất, gần 6 USD, còn 124,99 USD.

Chính thức trình UBND TP.HCM hủy kết quả đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM kiến nghị UBND Thành phố hủy kết quả trúng đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và xử lý số tiền đặt cọc, tiền cưỡng chế thuế.

Sau khi hủy kết quả, TP.HCM sẽ đấu giá lại các lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Sau khi hủy kết quả, TP.HCM sẽ đấu giá lại các lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, cuối năm 2021, UBND TP.HCM đã ra quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá cho Công ty CP Dream Republic (lô 3-5), Công ty CP Sheen Mega (lô 3-8), Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh (lô 3-9) và Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (lô 3-12).

Cục Thuế TP.HCM cũng đã ban hành các thông báo tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ để 4 công ty nộp ngân sách Nhà nước.

Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh đã nộp 145,7 tỷ đồng và Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt đã nộp 588,5 tỷ đồng (tiền đặt cọc 20%), nhưng sau đó có văn bản xin dừng, chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đất.

Riêng Công ty CP Sheen Mega cũng đã nộp 203,7 tỷ đồng tiền đặt cọc và bị cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng (số tiền còn nợ 3.796 tỷ đồng); Công ty CP Dream Republic đã nộp 115,6 tỷ đồng tiền cọc và bị cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng (số tiền còn nợ 3.799 tỷ đồng).

Tuy nhiên, đến nay đã quá 180 ngày nhưng 2 công ty này vẫn không nộp tiền vào ngân sách nên vi phạm hợp đồng mua bán đấu giá tài sản và sẽ phải chịu mất tiền cọc đã nộp.

Từ diễn biến nêu trên và căn cứ vào các quy định pháp luật về đấu giá, Sở TN&MT TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM quyết định hủy các quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá của cả 4 công ty trên.

Đối với số tiền 1.053 tỷ đồng mà 4 công ty đặt cọc 20% và số tiền cưỡng chế thuế, kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Tài chính Thành phố và Cục Thuế Thành phố xem xét, xử lý theo quy định pháp luật về thu, chi ngân sách nhà nước.

Hà Nội đưa 92 biệt thự Pháp cổ vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn

Hà Nội lựa chọn 30 biệt thự cũ do Thành phố quản lý, 50 biệt thự cũ do Trung ương quản lý và 12 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn.

Biệt thự Pháp cổ ở 34 Hoàng Diệu

Biệt thự Pháp cổ ở 34 Hoàng Diệu

Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội vừa rà soát, kiểm tra và lựa chọn 30 biệt thự cũ do Thành phố quản lý, 50 biệt thự cũ do Trung ương quản lý và 12 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn.

Đồng thời, các đơn vị chức năng lập kế hoạch bảo tồn, chỉnh trang biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác; lập hồ sơ quản lý biệt thự cũ; khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự cũ để trình UBND TP. Hà Nội.

Hà Nội tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các quận bảo trì, cải tạo, sửa chữa biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 tại địa chỉ số 72 Lý Thường Kiệt, số 28A Điện Biên Phủ; số 51 Trần Hưng Đạo; số 46 Hàng Bài - 49 Trần Hưng Đạo; số 45 Quang Trung; số 2 - số 4 Lê Phụng Hiểu.

Đồng thời xem xét việc cải tạo, chỉnh trang các biệt thự số 59 Hai Bà Trưng, số 46 Phan Bội Châu; số 51 Hàng Chuối; số 12 Lê Quý Đôn; số 22 Tăng Bạt Hổ; số 8 Nguyễn Biểu; số 12 Cao Bá Quát; số 46 Trần Hưng Đạo; số 20 Hai Bà Trưng; số 68 Thợ Nhuộm.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định 1845/QĐ-UBND về danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 thay thế Quyết định số 7177/QĐ-UBND ngày 28/11/2013.

Theo danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 do UBND Thành phố ban hành, Hà Nội có 1.216 nhà biệt thự cũ. Các biệt thự này thuộc đối tượng quản lý theo quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố.

Thành lập thị xã Chơn Thành thuộc tỉnh Bình Phước

Thị xã được thành lập trên cơ sở nguyên trạng huyện Chơn Thành với 5 phường mới và 4 xã cũ Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành.

Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc tại thị xã Chơn Thành

Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc tại thị xã Chơn Thành

Sáng 11/8, với tỷ lệ tán thành 100%, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và các phường trực thuộc.

Thị xã Chơn Thành rộng hơn 390 km2, dân số 121.080, gồm 5 phường: Hưng Long, Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành và 4 xã: Minh Thắng, Nha Bích, Minh Lập, Quang Minh. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 78,31%.

Với nghị quyết này, tỉnh Bình Phước sẽ có thành phố Đồng Xoài, 3 thị xã gồm: Chơn Thành, Bình Long, Phước Long và 7 huyện, tổng diện tích 6.873 km2, dân số 1,03 triệu người.

Cho ý kiến trước khi biểu quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá việc thành lập thị xã Chơn Thành phù hợp với xu hướng phát triển của tỉnh Bình Phước. Thị xã sẽ tiếp tục là thủ phủ công nghiệp của Tỉnh, thu ngân sách đạt 1.000 tỷ đồng/năm, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.

Chơn Thành có nhiều khu công nghiệp lớn, thuận lợi về giao thông, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp cao, tới 70 - 80%. Việc đưa Chơn Thành từ huyện lên thị xã sẽ giúp hài hòa việc đô thị hóa và công nghiệp hóa tại tỉnh Bình Phước.

Hà Nội dự kiến chi 90 tỷ đồng đào tạo cán bộ ở nước ngoài

Hàng trăm công chức, viên chức sẽ được UBND TP. Hà Nội cử đi học tập tại Mỹ, Đức, Nhật... giai đoạn 2022 - 2025, tổng kinh phí khoảng 90 tỷ đồng.

Hà Nội dự kiến chi 90 tỷ đồng đào tạo cán bộ ở nước ngoài trong giai đoạn 2022-2025

Hà Nội dự kiến chi 90 tỷ đồng đào tạo cán bộ ở nước ngoài trong giai đoạn 2022-2025

Theo Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030, được ban hành ngày 8/8, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ chủ trì cử 60 cán bộ đi học hỏi kinh nghiệm thực tế về quản lý phát triển đô thị ở Nhật Bản, Singapore, Mỹ, kinh phí 11 tỷ đồng. 100 cán bộ đi học tại Nhật Bản, Mỹ, Đức, Singapore... về kinh nghiệm thực tế trong quản lý, phát triển nguồn nhân lực, kinh phí hơn 18 tỷ đồng.

Sở Tài chính Hà Nội chủ trì, cử 100 cán bộ sang Đức, Mỹ, Singapore học kinh nghiệm thực tế về quản lý tài chính công, đầu tư công, chiến lược, chính sách công; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách ở một số nước tiên tiến, tổng kinh phí 18 tỷ đồng.

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cử 20 cán bộ sang Australia, Mỹ, Singapore, New Zealand học kinh nghiệm thực tế về quản lý, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách về lĩnh vực khoa học và công nghệ, kinh phí 3,6 tỷ đồng.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cử 100 cán bộ đi học kinh nghiệm thực tế về quản lý, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, chuyển đổi số trong quản lý giáo dục ở Australia, Mỹ, Singapore, New Zealand, kinh phí 18,4 tỷ đồng.

Sở Y tế Hà Nội cử 100 cán bộ đi học tại Pháp, Australia, New Zealand... về kinh nghiệm thực tế quản lý, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, chuyển đổi số về lĩnh vực y tế, kinh phí hơn 18,4 tỷ đồng...

Tin cùng chuyên mục