Bản tin thời sự sáng 12/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tỷ giá trung tâm lần đầu vượt 24.000 đồng; cần lấy 90 ha đất rừng phòng hộ ven biển làm cảng Cần Giờ; ngân hàng tiếp tục xử lý nợ tại dự án tỷ USD của Tân Hoàng Minh; cổ phiếu Apax Holdings bị đình chỉ giao dịch…

Tỷ giá trung tâm lần đầu vượt 24.000 đồng

Tỷ giá trung tâm sáng 11/9 lên 24.005 đồng, tăng gần 1,7% so với đầu năm trong khi giá USD ngân hàng và tự do đi ngang hoặc giảm nhẹ.

Giao dịch USD tại ngân hàng thương mại

Giao dịch USD tại ngân hàng thương mại

Sáng 11/9, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.005 đồng, tăng 12 đồng so với cuối tuần trước. Nếu so với đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng gần 1,7%.

Với biên độ 5%, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép giao dịch trong vùng 22.804 - 25.205 đồng.

Tỷ giá hối đoái trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố hằng ngày dựa trên tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng chốt vào giờ đóng cửa phiên hôm trước và tỷ giá hối đoái trên thị trường quốc tế lúc 7h sáng ngày công bố.

Tỷ giá trung tâm tăng nhưng giá USD do các ngân hàng thương mại niêm yết và trên thị trường tự do sáng 11/9 đi ngang hoặc giảm nhẹ, duy trì trên vùng 24.000 đồng.

Tại Vietcombank, giá mua bán USD sáng 11/9 giao dịch tại 23.855 - 24.225 đồng, giảm 35 đồng cả hai chiều so với cuối tuần trước. Eximbank yết giá mua bán USD tại 23.820 - 24.220 đồng, giảm 40 đồng so với cuối tuần... Tỷ giá trên thị trường tự do đi ngang ở mức 24.100 - 24.180 đồng.

Cần lấy 90 ha đất rừng phòng hộ ven biển làm cảng Cần Giờ

Để xây dựng cảng Cần Giờ (TP.HCM), cần sử dụng khoảng 90 ha đất rừng phòng hộ ven biển, trong đó có gần 83 ha là rừng ngập mặn tự nhiên, 7 ha không có cây rừng.

Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ

Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ

Thông tin được nêu trong công văn UBND TP.HCM vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Cảng Cần Giờ dài hơn 7 km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay 250.000 DWT (24.000 teus) do Tập đoàn MSC - hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất. Công trình được nghiên cứu xây ở cù lao Phú Lợi (xã đảo Thạnh An), thuộc cửa sông Cái Mép, tổng vốn 5,45 tỷ USD. Dự án chia làm 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu xong năm 2027, hoàn thành toàn bộ cuối năm 2045.

Theo hồ sơ đề xuất, cảng Cần Giờ có tổng nhu cầu sử dụng đất là 571 ha. Ngoài đất rừng phòng hộ ven biển, diện tích mặt nước mà Dự án sẽ sử dụng là hơn 481 ha. Về pháp lý, toàn bộ khu vực đất rừng đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ. Diện tích còn lại do Nhà nước quản lý, nhưng một số khu vực có người dân nuôi trồng thủy hải sản.

Về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, UBND TP.HCM cho biết, Dự án thuộc vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Trước đó, trong phần đánh giá sơ bộ tác động môi trường của đề án nghiên cứu xây dựng cảng Cần Giờ, đơn vị tư vấn là Công ty Tư vấn thiết kế kỹ thuật cảng - kỹ thuật biển cho rằng, yếu tố nhạy cảm duy nhất của Dự án là sử dụng một phần diện tích của rừng phòng hộ.

Tuy nhiên, theo đơn vị tư vấn, yếu tố này có thể giải quyết bằng đề án kỹ thuật điều tra, kiểm kê và định giá để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Bên cạnh đó, Dự án sẽ được quy hoạch đảm bảo tỷ lệ cây xanh hơn 10% diện tích cho việc bảo tồn rừng phòng hộ và cây xanh.

Ngân hàng tiếp tục xử lý nợ tại dự án tỷ USD của Tân Hoàng Minh

Các bất động sản có giá trị từ vài chục tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng thuộc tổ hợp du lịch, giải trí tại Phú Quốc của Tân Hoàng Minh được Agribank rao bán tới 4 lần.

Phối cảnh Dự án Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc

Phối cảnh Dự án Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc

Agribank - Chi nhánh Tràng An mới đây thông báo bán đấu giá lần 4 các khoản nợ doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Các tài sản này có tài sản đảm bảo là các lô đất thuộc Dự án Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải (Phú Quốc).

Tại Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Mạnh Loan thế chấp 6 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Giá trị ghi sổ tính đến ngày 4/8 là hơn 105 tỷ đồng.

Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Mivi Việt Nam cũng thế chấp 4 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, giá trị ghi sổ tính đến ngày 4/8 là hơn 52 tỷ đồng, giá khởi điểm gần 46 tỷ đồng. Công ty CP Hạ tầng cảnh quan Green-Art thế chấp 3 quyền sử dụng đất và tài sản với giá trị ghi sổ tính đến ngày 4/8 gần 38 tỷ đồng.

Còn tại Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu - Đầu tư kinh doanh và Dịch vụ thương mại Hà Nội thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với lô đất 2.641m2 với giá trị ghi sổ tính đến ngày 4/8 là hơn gần 63 tỷ đồng.

Công ty TNHH Dịch vụ xây dựng Xuân Nam cũng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với lô đất 1.884,4m2 với giá trị ghi sổ tính đến ngày 4/8 là gần 46 tỷ đồng.

Theo công bố trước đây của Tân Hoàng Minh, Dự án Thiên Bảo Phú Quốc và Hoàng Hải Phú Quốc hợp thành tổ hợp quần thể du lịch, giải trí với quy mô gần 34 ha, tổng mức đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào cuối năm 2021, đồng thời là dự án lớn nhất của Tân Hoàng Minh.

Cảnh sát giao thông có thể kiểm tra đăng ký, bằng lái xe qua ứng dụng VNeID

Theo quy định mới, Cảnh sát giao thông đề nghị người điều khiển phương tiện xuất trình các giấy tờ có liên quan hoặc thông tin của các giấy tờ có liên quan trong VNeID để kiểm soát.

Khi tích hợp giấy phép lái xe, đăng ký xe vào VNeID, người dân có thể trình ra để CSGT kiểm tra

Khi tích hợp giấy phép lái xe, đăng ký xe vào VNeID, người dân có thể trình ra để CSGT kiểm tra

Thông tư 32/2023 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình tuần tra, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông có hiệu lực từ ngày 15/9. Thông tư mới này được sửa đổi, bổ sung từ Thông tư 65/2020 đang được áp dụng hiện hành.

Theo Điều 12 của Thông tư 32/2023, khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử (VNeID) có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ.

Điều 18 của Thông tư 32 nêu rõ, khi tiến hành kiểm soát, cán bộ cảnh sát giao thông đề nghị người điều khiển phương tiện xuất trình các giấy tờ có liên quan hoặc thông tin của các giấy tờ có liên quan trong VNeID để kiểm soát.

Trường hợp người lái xe trình các giấy tờ thì kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó. Còn người điều khiển mà cung cấp thông tin của các giấy tờ trong tài khoản VNeID thì kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử.

Hiện nay, VNeID đã tích hợp căn cước công dân, xác nhận cư trú, bằng lái xe các loại, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, người phụ thuộc...

Được biết, tính đến tháng 7/2023, Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải đã xác thực thành công hơn 31 triệu bản ghi giấy phép lái xe với dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc này nhằm đảm bảo hệ thống định danh tự động tra cứu để hiển thị lên VNeID cho công dân.

Cổ phiếu Apax Holdings bị đình chỉ giao dịch

HoSE đình chỉ giao dịch cổ phiếu Apax Holdings trong hệ sinh thái của ‘Shark’ Thủy vì chậm nộp báo cáo tài chính 2022, quý II và bán niên 2023.

HoSE đình chỉ giao dịch cổ phiếu Apax Holdings. Ảnh minh họa

HoSE đình chỉ giao dịch cổ phiếu Apax Holdings. Ảnh minh họa

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) quyết định chuyển cổ phiếu IBC của Công ty CP Đầu tư Apax Holdings vào diện đình chỉ giao dịch. Nguyên nhân là doanh nghiệp này chậm công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, Báo cáo tài chính quý II và Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023.

Trước đó, cổ phiếu IBC đã bị hạn chế giao dịch từ ngày 16/5 do Apax Holdings chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Sau khi đưa mã này vào diện hạn chế, HoSE tiếp tục nhắc nhở doanh nghiệp công bố Báo cáo tài chính quý II và Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được.

Apax Holdings là công ty con duy nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán của Egroup - hệ sinh thái giáo dục của ông Nguyễn Ngọc Thủy. Công ty này đứng sau Apax Leaders, mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia... Sau nhiều đợt bị bán giải chấp, Egroup mất quyền công ty mẹ khi tỷ lệ sở hữu tại Apax Holdings giảm về mức 17,66%.

Hồi tháng 7, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Egroup giải thích rằng, thời gian qua công tác quản trị nội bộ phát sinh vấn đề, thiếu nhân sự và đang trong quá trình tái cấu trúc làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành báo cáo tài chính. Công ty dự kiến họp thường niên vào tháng 11.

Trong cuộc họp vào đầu tháng 8, Apax Leaders công bố doanh thu từ học sinh mới đạt khoảng 2,78 tỷ đồng vào tháng 7, tăng mạnh so với mức 465 triệu đồng của tháng 4. Chuỗi dạy tiếng Anh này đang hoạt động với 37 trung tâm, chủ yếu tập trung ở phía Bắc. Số học viên tính đến cuối tháng 7 đạt hơn 11.100 người.

Bộ Giao thông vận tải muốn siết chặt xe hợp đồng trá hình

Bộ Giao thông vận tải đề xuất xe hợp đồng không được đón, trả khách 3 ngày liên tiếp trở lên tại trụ sở chính hoặc tại một vị trí khác.

Bộ Giao thông vận tải muốn siết chặt xe hợp đồng trá hình. Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải muốn siết chặt xe hợp đồng trá hình. Ảnh minh họa

Dự thảo sửa đổi Nghị định 10 về quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô đang được xây dựng, trong đó Bộ đề xuất đơn vị vận tải chỉ được ký hợp đồng với người thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe), mỗi chuyến chỉ được đón, trả khách tại một địa điểm theo hợp đồng.

Trong một tháng, mỗi xe ôtô không được thực hiện quá 10% tổng số chuyến có điểm đầu và điểm cuối trùng lặp theo địa giới hành chính cấp xã (phường) hoặc quận (huyện). Việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe, thông tin của hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Theo quy định hiện hành, trong một tháng, mỗi xe ôtô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến có điểm đầu, cuối hoặc phạm vi trùng lặp.

Hiện nay ở các thành phố lớn có tình trạng xe Limousine đăng ký hoạt động là xe hợp đồng song đón khách như xe tuyến cố định, tạo ra nhiều bến cóc. Những xe này cũng đón trả khách dọc đường gây mất an toàn giao thông.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, các xe hợp đồng "trá hình xe tuyến cố định" tập trung tại Hà Nội và TP.HCM đi các tỉnh trong bán kính dưới 500 km, tổ chức vận chuyển liên tục giữa hai địa phương. Danh sách hành khách chiều đi và về không giống nhau, như Hà Nội - Thái Bình, Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Ninh Bình...

Những xe này đang đón, trả khách tại một số địa điểm cố định trong khu vực nội thành mà không có rào cản do quy định hiện hành chưa có chế tài triệt để. Các đơn vị vận tải lại thay đổi điểm đón trả từ phường này sang phường khác hoặc từ quận này sang quận khác để lách quy định.

Do đó, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị siết chặt hoạt động các xe hợp đồng theo hướng quy định tỷ lệ, phạm vi trùng lặp điểm xuất phát, điểm kết thúc tính theo địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố.

Tạm hoãn xuất cảnh Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty trà Bảo Tín ở Lâm Đồng

Ngày 11/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với Giám đốc và Phó Giám đốc công ty trà Bảo Tín ở TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).

Trụ sở Công ty trà Bảo Tín

Trụ sở Công ty trà Bảo Tín

Hai cá nhân bị tạm hoãn xuất cảnh là bà T.T.K.N. (ngụ đường Trần Phú, Phường 2, TP. Bảo Lộc) và bà H.T.M. (ngụ đường Nguyễn Tri Phương, phường Lộc Tiến, TP. Bảo Lộc). Bà N. và bà M. là Giám đốc và Phó Giám đốc điều hành của hãng trà nổi tiếng Bảo Tín ở TP. Bảo Lộc.

Trước đó, hồi tháng 6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận đơn của ông Phạm Minh C. (ngụ TP. Bảo Lộc) tố cáo bà M. có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của ông 30 tỷ đồng; bà N. có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của ông 32,6 tỷ đồng.

Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Lâm Đồng có thông báo về việc tiếp nhận đơn tố giác về tội phạm, đồng thời tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc, nên tạm thời ra quyết định tạm hoãn xuất nhập cảnh với 2 cá nhân trên.

Được biết, Công ty trà Bảo Tín nằm trên Quốc lộ 20, phường Lộc Tiến, TP. Bảo Lộc là công ty sản xuất trà có thương hiệu hơn 20 năm. Trong đó, có hàng chục năm giữ danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.

Tin cùng chuyên mục