Bản tin thời sự sáng 1/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là từ ngày 1/3, tổng điều tra kinh tế cả nước; nhà hàng, quán cà phê ở Hải Phòng mở cửa trở lại từ ngày 1/3; đề xuất đầu tư gần 19.500 tỷ đồng thực hiện Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; Cà Mau muốn nâng cấp sân bay, đón những tàu bay lớn; hơn 30.000 doanh nghiệp đóng cửa từ đầu năm…

Từ ngày 1/3, tổng điều tra kinh tế cả nước

Từ ngày 1/3/2021, Tổng cục Thống kê sẽ chính thức tiến hành tổng điều tra kinh tế trên phạm vi cả nước. Cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện thông qua hình thức thu thập thông tin qua phiếu Web-form và phiếu CAPI.

Từ ngày 1/3, tổng điều tra kinh tế cả nước

Từ ngày 1/3, tổng điều tra kinh tế cả nước

Sau đó toàn bộ dữ liệu điều tra từ phiếu Web-form, phiếu CAPI và dữ liệu điều tra của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ được tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung tổng điều tra và được xử lý để tổng hợp kết quả điều tra.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/3/2021 đến 30/5/2021 sẽ tiến hành thu thập thông tin các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khối doanh nghiệp; các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp; tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam; cơ sở trực thuộc của các tổ chức trên.

Từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/7/2021 sẽ tiến hành thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Dự kiến kết quả sơ bộ tổng điều tra sẽ công bố vào tháng 12/2021 và công bố kết quả chính thức vào quý II/2022.

Nhà hàng, quán cà phê ở Hải Phòng mở cửa trở lại từ ngày 1/3

Chính quyền thành phố Hải Phòng nới lỏng một số biện pháp phòng chống Covid-19, cho phép cửa hàng ăn uống, quán cà phê… mở cửa từ ngày 1/3.

Nhà hàng, quán cà phê ở Hải Phòng mở cửa trở lại từ ngày 1/3

Nhà hàng, quán cà phê ở Hải Phòng mở cửa trở lại từ ngày 1/3

Quán cắt tóc, quán gội đầu, tiệm làm nail, casino, sân golf, xe buýt... cũng được hoạt động trở lại. Đây là nội dung kết luận được Chủ tịch Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, nêu tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch với các quận, huyện trong ngày 28/2.

Hải Phòng tiếp tục duy trì các biện pháp khai báo y tế và quy định về phòng chống dịch; không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở...

Chính quyền chưa cho phép mở lại các hoạt hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; các giải đấu thể thao; tổ chức ăn uống tập thể (đám hiếu, hỉ, tiệc liên hoan...) tập trung quá 20 người; dịch vụ không thiết yếu tại các khu, điểm vui chơi, giải trí; cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng, trò chơi điện tử, phòng khám nha khoa; dịch vụ du lịch lữ hành, thể dục thể thao, thể hình tại phòng tập Gym, yoga, bia, hoạt động thể thao trong nhà, hoạt động thể thao võ thuật có tiếp xúc trực tiếp; dịch vụ ăn uống đường phố...

Các hãng taxi đang hoạt động tiếp tục dừng 70% số đầu xe, chỉ được vận chuyển không quá 50% số người cho phép. Xe đưa đón công nhân từ Hải Dương về Hải Phòng; các bến phà, đò ngang tiếp giáp với tỉnh Hải Dương chưa được hoạt động.

Đề xuất đầu tư gần 19.500 tỷ đồng thực hiện Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) dài 67 km, bốn làn xe, tổng đầu tư dự kiến gần 19.500 tỷ đồng, giúp giảm kẹt xe, tai nạn ở đèo Bảo Lộc, giảm tải Quốc lộ 20.

Nút giao cao tốc Dầu Giây sẽ kết nối cao tốc Dầu Giây - Liên Khương trong tương lai

Nút giao cao tốc Dầu Giây sẽ kết nối cao tốc Dầu Giây - Liên Khương trong tương lai

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất thực hiện Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Động thái được đưa ra sau khi Chính phủ đồng ý giao Lâm Đồng tổ chức thực hiện đầu tư, xây dựng tuyến cao tốc này giai đoạn 2021 - 2025 theo phương thức đối tác công tư (PPP), có hỗ trợ góp vốn của nhà nước.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có điểm đầu giao Quốc lộ 20 tại xã Phú Trung, huyện Tân Phú (Đồng Nai) và điểm cuối giao đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng). Quy mô đầu tư giai đoạn 1, đường rộng 17 m, giai đoạn 2 rộng 22 m. Trong tổng vốn đầu tư, ngân sách nhà nước khoảng 9.151 tỷ đồng, gồm 50% ngân sách Trung ương và 50% ngân sách tỉnh Lâm Đồng, vốn do nhà đầu tư PPP huy động khoảng 10.319 tỷ đồng.

Theo tính toán của UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án cao tốc sẽ thu phí 2.000 đồng/km/PCU (xe quy đổi) và tăng giá 3 năm một lần, mỗi lần tăng 15% thì thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 27 năm (từ năm 2025 đến 2052).

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là một trong những đoạn thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt có tổng chiều dài 208 km, quy mô 4 làn xe, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Cà Mau muốn nâng cấp sân bay, đón những tàu bay lớn

UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng cấp quy mô sân bay Cà Mau lên cấp 4C, có thể đón tàu bay lớn hơn.

Sân bay Cà Mau hiện tại chỉ đón được máy bay nhỏ như ATR 72

Sân bay Cà Mau hiện tại chỉ đón được máy bay nhỏ như ATR 72

Tham gia ý kiến Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Cà Mau vừa kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau giai đoạn 2021 - 2030 quy mô sân bay dân dụng cấp 4C, đạt công suất thiết kế 2 triệu khách/năm và sân bay quân sự cấp 2

Giai đoạn 2030 - 2050 quy mô sân bay dân dụng cấp 4C, đạt công suất thiết kế 3 triệu khách/năm và sân bay quân sự cấp 2; nhằm đáp ứng dự báo nhu cầu sản lượng vận tải, cũng như khai thác các đường bay tầm trung đến và đi từ Hà Nội, Đà Nẵng, Côn Đảo..., phát triển kinh tế - xã hội và khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Trước đó, tại Dự thảo quy hoạch, Cảng hàng không Cà Mau định hướng quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 quy mô sân bay dân dụng cấp 3C, đạt công suất thiết kế 1 triệu khách/năm và sân bay quân sự cấp 2. Đến giai đoạn 2030 - 2050 quy mô sân bay dân dụng cấp 4C, đạt công suất thiết kế 3 triệu khách/năm và sân bay quân sự cấp 2.

Hiện tại, sân bay Cà Mau đường cất hạ cánh dài 1,5 km, đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp II, có khả năng tiếp nhận các máy bay loại nhỏ như ATR-72, AN-2, MIA-17…

Nếu được nâng cấp lên cấp 4C, sân bay này có thể đón những tàu bay lớn hơn như A320, A321 và tương đương.

Hơn 30.000 doanh nghiệp đóng cửa từ đầu năm 2021

Covid-19 tiếp tục khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường từ đầu năm. Nhiều công ty chọn cách chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét tình hình.

Hơn 30.000 doanh nghiệp đóng cửa từ đầu năm 2021

Hơn 30.000 doanh nghiệp đóng cửa từ đầu năm 2021

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính từ đầu năm, có 33.611 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, 21.636 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 8.380 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 3.595 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng ở tất cả 17 lĩnh vực. Các ngành mà doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh tăng cao là giáo dục và đào tạo (468 doanh nghiệp, tăng 78,6%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.242 doanh nghiệp, tăng 66,3%); dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.352 doanh nghiệp, tăng 50,4%).

Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới 2 tháng đầu năm là 18.129 doanh nghiệp, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 720.407 tỷ đồng, bao gồm 334.821 tỷ đồng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới và 385.586 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 6.522 doanh nghiệp đang hoạt động.

Cũng trong 2 tháng đầu năm, có 11.033 doanh nghiệp doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Từ 1/3, các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe TP.HCM mở cửa trở lại

Sau 1 tháng tạm ngưng vì dịch Covid-19, ngày 1/3, các cơ sở đào tạo giấy phép lái xe ở TP.HCM tiếp tục tổ chức đào tạo.

Từ 1/3, các trung tâm đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe ở TP.HCM hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngưng do dịch

Từ 1/3, các trung tâm đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe ở TP.HCM hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngưng do dịch

Từ 1/3, Sở GTVT TP.HCM thông báo các cơ sở đào tạo giấy phép lái xe tiếp tục tổ chức đào tạo và đăng ký tổ chức sát hạch để cấp giấy phép lái xe cho học viên sau thời gian tạm ngưng do dịch Covid-19.

Sở GTVT TP.HCM yêu cầu các cơ sở, trung tâm đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho học viên khi trở lại học và dự thi sát hạch.

Các cơ sở đào tạo chủ động bố trí lịch thi sát hạch cho những học viên đã đăng ký sát hạch trước đó nhưng bị tạm ngưng.

Ngoài ra, Sở yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe có trách nhiệm thông báo rộng rãi cho tất cả học viên trở lại từ vùng có dịch, hoặc đã đi đến vùng có dịch phải khai báo với cơ sở y tế địa phương để theo dõi và kiểm tra sức khỏe. Toàn bộ quy trình theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM.

Đại học Huế xét nghiệm Covid-19 cho 4.000 sinh viên

Đại học Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho 4.000 sinh viên ngoại tỉnh trước khi trở lại trường học tập trung.

Sinh viên Đại học Huế được lấy mẫu xét nghiệm

Sinh viên Đại học Huế được lấy mẫu xét nghiệm

Việc xét nghiệm diễn ra tại khu ký túc xá Trường Bia ở phường An Tây, TP. Huế từ 27/2 đến 12/3, do Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế đảm nhiệm. Kinh phí xét nghiệm trước mắt do Đại học Y dược Huế chi.

Để việc lấy mẫu được đảm bảo an toàn, đúng quy trình, Đại học Y dược Huế huy động những cán bộ trẻ và sinh viên y học dự phòng năm thứ 5 và năm 6 tham gia đón tiếp, phân luồng, lấy mẫu xét nghiệm.

Kết quả sẽ được công bố lúc 21h cùng ngày.

Đại học Huế có hơn 37.000 sinh viên, trong đó gần 20.000 em đến từ các tỉnh. Dựa trên cơ sở dữ liệu khai báo y tế của sinh viên trên hệ thống Hue-S, sinh viên được phân tầng nguy cơ thành các nhóm: được xét nghiệm và cách ly tập trung, được xét nghiệm và cách ly tại nhà, được xét nghiệm và không cách ly tập trung.

Sinh viên chưa có yếu tố nguy cơ sẽ được chọn mẫu ngẫu nhiên làm xét nghiệm theo tỷ lệ 50% và 10% số sinh viên trong nhóm này.

Theo kế hoạch, từ ngày 1/3 một số trường thành viên Đại học Huế sẽ cho sinh viên trở lại học tập trung, tùy thuộc vào việc xét nghiệm sàng lọc diễn ra nhanh hay chậm.

Phát hiện 13 công dân nhập cảnh trái phép trong đêm

Sáng ngày 28/2, lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng phát hiện 13 công dân có hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Các đối tượng nhập cảnh trái phép qua Mốc 899 được phát hiện, bắt giữ

Các đối tượng nhập cảnh trái phép qua Mốc 899 được phát hiện, bắt giữ

Khoảng 2h20 ngày 28/2, Đồn Biên phòng Quang Long, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng phát hiện tại khu vực Mốc 899 (xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang) một nhóm công dân Việt Nam gồm 6 nam và 7 nữ đang có hành vi nhập cảnh trái phép từ biên giới Trung Quốc.

Qua khai thác ban đầu, các đối tượng khai nhận là công dân các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Đắk Nông, Kiên Giang, Trà Vinh đã sang các tỉnh của Trung Quốc như Hà Nam, Hà Bắc, Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Triết Giang để kiếm việc làm thuê từ các năm 2017 đến nay, thậm chí có trường hợp mới chỉ sang từ năm 2021.

Các đối tượng đã được kiểm tra y tế và đưa đi cách ly theo quy định.