Bản tin thời sự sáng 13/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang bị cáo buộc gây thiệt hại 157 tỷ đồng; 3 nữ tình nguyện viên tiêm vắc xin Nanocovax liều cao nhất; đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu tái hiện trâu và cuộc sống đồng ruộng; hàng loạt dự án điện mặt trời bị phạt trên 50 tỷ đồng; băng tuyết tan, Quốc lộ 4D thông xe…

Cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang bị cáo buộc gây thiệt hại 157 tỷ đồng

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Ông Tất Thành Cang tại cơ quan điều tra

Ông Tất Thành Cang tại cơ quan điều tra

Chiều 12/1, Thượng tá Phạm Văn Thành - Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03 - Công an TP.HCM) cho biết, Cơ quan CSĐT đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Theo đó, ông Tất Thành Cang và đồng phạm gây thiệt hại 157 tỷ đồng liên quan đến phi vụ chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).

Ngày 16/5/2017, ông Tất Thành Cang có bút phê “đồng ý” vào tờ trình của Văn phòng Thành ủy với giá phát hành cổ phần được xác định cụ thể là 40.000 đồng/CP cho cổ đông chiến lược là sai. Cơ quan điều tra xác định ông Tất Thành Cang biết rõ việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá theo quy định nhưng không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, người đại diện vốn có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định. Do đó, ông Cang phải chịu trách nhiệm với số tiền thất thoát trong “phi vụ” này.

Theo Công an TP.HCM, quá trình điều tra các vi phạm trong việc phát hành cổ phiếu tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC và Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phát hiện các dấu hiệu sai phạm liên quan của ông Tất Thành Cang.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy các dấu hiệu và hành vi vi phạm của ông Tất Thành Cang đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

3 nữ tình nguyện viên tiêm vắc xin Nanocovax liều cao nhất

Sáng ngày 12/1, Học viện Quân y chính thức tiêm vắc xin Nanocovax liều cao nhất cho 3 tình nguyện viên. Thử nghiệm giai đoạn 1 đã hoàn thành 50%.

Nữ tình nguyện viên đầu tiên tiêm liều Nanocovax 75mcg

Nữ tình nguyện viên đầu tiên tiêm liều Nanocovax 75mcg

Học viện Quân y bắt đầu tiêm liều vắc xin Nanocovax 75mcg cho nữ tình nguyện viên đầu tiên của nhóm 3. Sau theo dõi 3 giờ ổn định, 2 tình nguyện viên tiếp theo sẽ được tiêm vào trưa và chiều ngày 12/1.

Đây là 3 người đầu tiên (đều là nữ, độ tuổi từ 20 - 22) trong nhóm 20 người cuối cùng tham gia thử nghiệm giai đoạn 1 vắc xin Nanocovax do Công ty Nanogen sản xuất.

PGS.TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y cho biết, trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, việc lựa chọn tình nguyện viên rất khắt khe, trải qua nhiều lần xét tuyển chặt chẽ. Nếu tình nguyện viên từng có phản ứng, dị ứng, nổi mề đay, mẩn ngứa… đều không đủ điều kiện.

Hiện tại dù đã có hơn 500 người đăng ký nhưng mới có hơn 200 người đến khám sàng lọc và trong số này mới chọn được 51 người tham gia giai đoạn 1. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục lọc hồ sơ để đủ 60 - 65 người.

Về 40 người tiêm liều 25mcg và 50mcg, hiện đều có sức khoẻ ổn định. Các phản ứng sau tiêm chỉ đau tại vị trí tiêm và sốt nhẹ nhưng đều hết sau 24 giờ. Nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y vẫn giữ liên lạc thường xuyên và chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào có dấu hiệu bất thường.

Dự kiến ngày 15 - 16/1, nhóm tình nguyện viên đầu tiên tiêm liều 25mcg sẽ tiếp tục tiêm mũi 2.

PGS Mến đánh giá, đến nay nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 đã hoàn thành 50%.

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu tái hiện trâu và cuộc sống đồng ruộng

Toàn cảnh đường hoa Nguyễn Huệ 2021 vừa được những nhà thiết kế hé lộ cho thấy sẽ có nhiều điểm nhấn mới trong 4 phân cảnh ở công trình vốn đã gắn bó với người TP.HCM 18 mùa xuân.

Cổng chào của đường hoa tết năm nay

Cổng chào của đường hoa tết năm nay

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2021 được chia thành 2 chương, gồm Con đường hội tụ bản sắc và Con đường hướng tới tương lai, với 13 phân cảnh lớn, nhỏ khác nhau.

Xuyên suốt 720m của đường hoa, linh vật trâu hầu như luôn xuất hiện có đôi, theo bầy, đặc biệt ở những phân đoạn con người và trâu đồng hành, ẩn chứa tình cảm ấm áp, thân tình ánh lên trong từng cử chỉ.

Trải dài trên diện tích 415 m2 của chương 2 là những tiểu cảnh mô tả chân thật, dung dị, tái hiện sinh động mối tương giao giữa người nông dân và con vật trung thành quanh năm đồng hành trên đồng ruộng.

Điểm nhấn độc đáo đầu tiên là linh vật của năm Tân Sửu - Trâu, được dân gian gọi thân thương là "bạn của nhà nông". Thay vì tạo hình trâu được nhân cách hóa như những linh vật của các năm trước, linh vật trâu năm nay được thiết kế bằng ngôn ngữ mới thiên về tính tạo hình và kiến trúc.

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu sẽ mở cửa từ 19h ngày 9/2 đến 21h ngày 15/2/2021 (tức từ 28 tháng chạp âm lịch đến mùng 4 tết).

Thời gian thi công sẽ diễn ra từ ngày 25/1 đến 16h ngày 9/2 (tức từ ngày 13 đến 28 tháng chạp năm Canh Tý).

Đường hoa Nguyễn Huệ 2021 là đường hoa thứ 18 được thực hiện trong dịp tết cổ truyền tại trung tâm TP.HCM, kể từ lần đầu tiên vào năm 2004.

Hàng loạt dự án điện mặt trời bị phạt trên 50 tỷ đồng

Cục Hải quan Tây Ninh vừa có báo cáo về số thu thuế, phạt chậm nộp, phạt vi phạm hành chính của hàng loạt dự án điện mặt trời trên địa bàn.

Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng được giới thiệu là lớn nhất Đông Nam Á

Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng được giới thiệu là lớn nhất Đông Nam Á

Theo đó, 6 dự án điện mặt trời lớn bị phạt chậm nộp, phạt vi phạm hành chính với số tiền lên tới trên 50 tỷ đồng, liên quan đến các tờ khai phát sinh trong giai đoạn từ ngày 1/6/2017 đến 30/6/2019. Trong đó, có dự án của hàng loạt “ông lớn” như Dầu Tiếng 1, 2; Dầu tiếng 3; Nhà máy điện mặt trời TTC số 2; Nhà máy điện mặt trời HCG Tây Ninh; Khu năng lượng Hoàng Thái Gia.

Cụ thể, Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, 2 có số thuế nhập khẩu phải nộp là hơn 112 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng là hơn 11,2 tỷ đồng. Số tiền phạt chậm nộp là hơn 28,3 tỷ đồng. Số tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 12,3 tỷ đồng.

Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 3 có số thuế nhập khẩu phải nộp là hơn 10 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng là hơn 1 tỷ đồng. Số tiền phạt chậm nộp là hơn 2 tỷ đồng. Số tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 1,1 tỷ đồng.

Nhà máy điện mặt trời HCG Tây Ninh có số thuế nhập khẩu phải nộp là hơn 10,4 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng là hơn 1 tỷ đồng. Số tiền phạt chậm nộp là hơn 2,4 tỷ đồng. Số tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 1,14 tỷ đồng.

Khu năng lượng Hoàng Thái Gia có số thuế nhập khẩu phải nộp là hơn 10,4 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng là hơn 1 tỷ đồng. Số tiền phạt chậm nộp là hơn 2,4 tỷ đồng. Số tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 1,14 tỷ đồng.

Nhà máy điện mặt trời TTC số 2 có số thuế nhập khẩu phải nộp là hơn 1,16 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng là hơn 116 triệu đồng. Số tiền phạt chậm nộp là hơn 242 triệu đồng. Số tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 127 triệu đồng.

TP.HCM: Dự án đoạn 3 vành đai 2 vẫn chưa có ngày thi công lại

Bước sang đầu năm 2021, chủ đầu tư Dự án đoạn 3 đường vành đai 2 đoạn từ Phạm Văn Đồng - nút giao cầu Gò Dưa (thành phố Thủ Đức) vẫn chưa xác định ngày thi công trở lại.

Dự án đoạn 3 đường vành đai 2

Dự án đoạn 3 đường vành đai 2

Theo ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty Văn Phú Bắc Ái - nhà đầu tư dự án trên, đến nay vẫn chưa xác định ngày thi công trở lại cho đến khi Công ty và TP.HCM hoàn tất rà soát và ký lại phụ lục hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Dự án đoạn 3 bắt đầu thi công vào cuối tháng 12/2017, dài 2,7km, rộng 67m cho 6 làn xe được kỳ vọng hoàn thành vào cuối năm 2020.

Tổng mức đầu tư Dự án 2.765 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí mặt bằng. Cho đến nay, Nhà đầu tư đã thực hiện với chi phí 1.400 tỷ đồng, trong khi việc thanh toán quỹ đất theo hợp đồng vẫn đang được rà soát.

Trước bối cảnh khó khăn về nguồn vốn, Nhà đầu tư đã dừng thi công từ đầu năm 2020. Trong hợp đồng có quy định việc chậm trễ thanh toán quỹ đất sẽ dẫn đến phát sinh lãi vay, TP.HCM sẽ chịu khoản lãi phát sinh này.

Trước đó, vào tháng 11/2020, Sở Giao thông vận tải cũng kiến nghị UBND TP.HCM sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc đầu tư Dự án khép kín đường vành đai 2.

Với Dự án đoạn 3 nêu trên, Sở kiến nghị các sở ngành sớm hoàn thành rà soát để UBND TP.HCM trình Thủ tướng xem xét chấp thuận các khu đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng.

Băng tuyết tan, Quốc lộ 4D thông xe

Trời hửng nắng nên băng tuyết dần tan trên đèo Ô Quy Hồ đoạn nối hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, giao thông qua khu vực này trở lại bình thường.

Cảnh sát giao thông hướng dẫn các phương tiện di chuyển

Cảnh sát giao thông hướng dẫn các phương tiện di chuyển

Chiều ngày 12/1, Thượng tá Nguyễn Đắc Long, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Lào Cai cho biết băng tuyết trên Quốc lộ 4D đoạn qua đỉnh đèo Ô Quy Hồ đã tan hết, giao thông giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu được kết nối trở lại sau hơn một ngày cấm đường.

Theo Phòng CSGT tỉnh Lào Cai, lực lượng chức năng đã chủ động cấm đường nên hai ngày qua trên đèo Ô Quy Hồ không có tai nạn nghiêm trọng; một số tài xế đi qua khu vực này trước khi cấm đường, bị mất lái lúc vào đoạn có băng tuyết, xe va vào vách núi song chỉ hư hỏng nhẹ.

Những ngày tới, các chốt cảnh sát sẽ tiếp tục được duy trì để hướng dẫn phương tiện lên đèo, nhất là xe từ địa phương khác tới Lào Cai, Lai Châu du lịch.

Ở phía Lai Châu, ông Nguyễn Văn Hưởng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh này cho biết đã dừng việc cấm đường qua đỉnh Ô Quy Hồ từ 11h ngày 12/1.

Tin cùng chuyên mục