Bản tin thời sự sáng 13/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là kiến nghị cho phép hàng quán ở Hà Nội bán tại chỗ; 12 quận huyện TP.HCM bị cắt nước cuối tuần; VTV chưa thể thoái vốn tại K+; TP.HCM cho trẻ mầm non đi học từ tháng 2; gần 16.000 công nhân Pou Chen quay lại sản xuất; Trung Quốc nhập thanh long trở lại qua cửa khẩu Lào Cai từ ngày 12/1…

Kiến nghị cho phép hàng quán ở Hà Nội bán tại chỗ

Đây là kiến nghị của tập thể những nhà sáng lập và chủ sở hữu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống (F&B) gửi lãnh đạo TP. Hà Nội.

Các doanh nghiệp F&B cho rằng việc hạn chế bán tại chỗ kéo theo nhiều hệ lụy

Các doanh nghiệp F&B cho rằng việc hạn chế bán tại chỗ kéo theo nhiều hệ lụy

Cụ thể, các doanh nghiệp cho biết ngay khi ngành F&B đang dần hồi phục thì đứng không vững vì liên tiếp các quận, huyện ở TP. Hà Nội cấm bán hàng tại chỗ.

Theo các chủ doanh nghiệp, việc hạn chế bán hàng tại chỗ khi dịch mới ở cấp độ 3 là chưa đúng với Nghị quyết 128. Họ kiến nghị UBND TP. Hà Nội có ý kiến chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ theo Nghị quyết này.

Những quy định này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong phục hồi kinh doanh mà còn kéo theo hệ lụy cho người lao động và toàn ngành kinh tế.

Riêng nhân sự ngành F&B, theo VCCA, chiếm khoảng 10% dân số. Khi chỉ cho phép bán mang về, trong trường hợp những hàng quán không thể vận hành theo mô hình này, người lao động sẽ mất việc làm và thu nhập.

Còn đối với Thành phố, ngân sách sẽ bị ảnh hưởng do doanh nghiệp không thể mở cửa kinh doanh. Chưa kể, việc cấm bán tại chỗ còn cản trở việc thu hút thực khách quốc tế, trong bối cảnh phục hồi du lịch.

Việc cấm phục vụ tại chỗ không chỉ làm giảm độ hấp dẫn của ngành du lịch, mà còn làm du khách lo ngại nhiều hơn về mức độ an toàn và khả năng phòng dịch của nước ta khi đưa ra quyết định.

Do đó, các doanh nghiệp đề xuất UBND Thành phố cân nhắc và xem xét các biện pháp hạn chế thực sự có hiệu quả, nâng cao thói quen phòng ngừa của người dân thay vì tạo thêm khó dễ.

Kiến nghị thư nói thêm, việc đưa ra thời gian đóng cửa trước 21h cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bởi thời gian mở cửa kinh doanh quá ngắn, chưa đủ để thỏa mãn nhu cầu của thực khách.

Hiện nay, một số phường, quận ở Hà Nội chỉ cho phép hàng quán bán mang về. Với những địa phương cho phép phục vụ tại chỗ, thời gian mở cửa chỉ được kéo dài đến 21h.

12 quận huyện TP.HCM bị cắt nước cuối tuần

Nhà máy nước Thủ Đức bảo trì và thay van khiến 12 quận huyện, TP. Thủ Đức bị cắt nước trong khoảng 0h - 2h ngày 16/1.

12 quận huyện TP.HCM bị cắt nước cuối tuần

12 quận huyện TP.HCM bị cắt nước cuối tuần

Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), các địa phương bị cúp nước gồm: Quận 1, 3, 5, 10, Phú Nhuận và nhiều phường thuộc các Quận 4, 6, 8, 11, Tân Bình, Bình Thạnh và TP. Thủ Đức. Khu vực nước yếu gồm: xã Bình Hưng, Phong Phú (huyện Bình Chánh), Phường 2 - khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình).

Theo lãnh đạo Sawaco, việc thay van kết hợp bảo trì Nhà máy nước Thủ Đức cũng nhằm đảm bảo cung cấp nước trong dịp Tết Nguyên Đán cho người dân. Sau khi đóng nước trở lại một số khu vực ở xa nguồn thời gian cấp nước có thể chậm hơn. Để đảm bảo không bị gián đoạn nước tại các khu cách ly, điều trị Covid-19, Sawaco có phương án cấp nước bằng xe bồn, theo dõi việc điều phối nguồn nước tại các khu vực quan trọng.

Từ 1/1, giá nước sạch ở TP.HCM tăng 400 - 1.200 đồng mỗi m3, cùng với đó Thành phố bắt đầu phí dịch vụ thoát nước ở mức 15%, theo hóa đơn sử dụng mỗi tháng của người dân. Theo tính toán, giá nước sạch dành cho các hộ dân sau điều chỉnh tăng từ 400 đồng mỗi m3 so với năm 2021, tương ứng 6%.

VTV chưa thể thoái vốn tại K+

Do không có nhà đầu tư tham gia, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã hủy phiên đấu giá phần vốn góp của VTV tại Truyền hình K+.

VTV chưa thể thoái vốn tại K+

VTV chưa thể thoái vốn tại K+

Theo kế hoạch trước đó, HNX dự kiến tổ chức phiên đấu giá 15% trong 51% vốn góp của Đài truyền hình Việt Nam tại Công ty Truyền hình vệ tinh Việt Nam (VSTV), với giá khởi điểm 188,7 tỷ đồng vào ngày 13/1.

Tuy nhiên, HNX cho biết, đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc, không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia mua phần vốn góp. Vì vậy, HNX thông báo không tổ chức phiên đấu giá này.

Thành lập năm 2009, VSTV - đơn vị sở hữu Truyền hình K+ là công ty liên doanh của Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam - VTVcab (thuộc VTV) và Canal+, một trong những đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình lớn nhất châu Âu. Đến năm 2013, phần vốn góp vào VSTV của VTVcab được chuyển giao về VTV quản lý. Hiện tại, VSTV có vốn điều lệ 20,1 triệu USD. Trong đó, VTV nắm 51%, tương đương 10,2 triệu USD, Canal+ nắm 49% còn lại.

Chủ trương thoái vốn nhà nước tại VSTV đã được Chính phủ thông qua từ năm 2019 và xem việc tái cơ cấu doanh nghiệp này là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, với việc phiên đấu giá bị hủy, VTV chưa thể sớm thoát bớt vốn tại doanh nghiệp sở hữu Truyền hình K+ này.

Những năm gần đây, VSTV liên tục thua lỗ do khó khăn nội tại và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường truyền hình trả tiền. Năm 2019 và 2020, đơn vị sở hữu Truyền hình K+ lần lượt lỗ hơn 246 tỷ đồng và 265 tỷ đồng...

TP.HCM cho trẻ mầm non đi học từ tháng 2

Trẻ mầm non sẽ đến trường từ tháng 2 trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, theo quyết định của UBND TP.HCM ngày 12/1.

Trẻ đi học tại trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, quận Gò Vấp, TP.HCM trước khi có dịch bệnh

Trẻ đi học tại trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, quận Gò Vấp, TP.HCM trước khi có dịch bệnh

Quyết định ban hành kế hoạch khung thời gian năm học 2021 - 2022 với giáo dục mầm non của Thành phố được đưa ra theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Từ nay đến hết tháng 1, giáo viên, nhân viên các trường mầm non sẽ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn. Trường học sẽ vệ sinh khử khuẩn, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất đón trẻ. Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi việc học của bậc mầm non, quyết định cho trẻ nghỉ học trong các tình huống dịch bệnh, thiên tai hoặc thời tiết khắc nghiệt.

Từ đầu năm học đến nay, trẻ mầm non tại TP.HCM chưa đến trường và tham gia bất kỳ hoạt động học tập nào bởi ảnh hưởng của Covid-19. Trong kế hoạch khung năm học của Thành phố hồi tháng 8, trẻ mầm non chưa được nhắc đến, do dịch bệnh khi đó phức tạp.

Ở đợt dịch thứ tư này, hệ thống trường mầm non đã có gần 8 tháng dừng hoạt động, không có nguồn thu, dẫn đến nhiều khó khăn, không thể trả lương cho giáo viên, thầy cô phải kiếm sống bằng nghề khác.

Năm nay, TP.HCM có hơn 1.360 trường mầm non, trong đó khối công lập có 472 trường. Ngoài ra, thành phố có hơn 1.800 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục. Tổng số trẻ bậc học này là hơn 355.000.

Gần 16.000 công nhân Pou Chen quay lại sản xuất

Sau 4 ngày ngừng việc, hầu hết công nhân Công ty Pou Chen Việt Nam (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã quay lại sản xuất, nhà máy giữ nguyên mức thưởng như công bố trước đó.

Công nhân quay lại sản xuất từ sáng 12/1

Công nhân quay lại sản xuất từ sáng 12/1

Ông Nguyễn Tấn Pháp, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pou Chen Việt Nam cho biết, sáng ngày 12/1, hầu hết công nhân đã vào phân xưởng, chấm dứt chuỗi ngày ngừng việc phản ứng mức tiền thưởng Tết năm nay.

Trước đó, ngày 7/1, nhiều lao động không đồng tình chính sách thưởng Tết mà Pou Chen công bố chung cho toàn Tập đoàn. Cụ thể, tùy vào thâm niên, mỗi công nhân nhận từ 1 - 1,54 tháng lương. Với mức này, công nhân trực tiếp sản xuất nhận thấp gần 5 triệu đồng, cao nhất gần 20 triệu đồng. Trong khi đó, mức thưởng Tết cao nhất năm trước bằng 1,87 tháng lương, trước thời điểm Covid-19 xuất hiện là 2,2 tháng.

Lý giải mức thưởng giảm, ông Tsai Ming Jyh, Giám đốc Công ty Pou Chen Việt Nam cho biết, Covid-19 khiến hoạt động sản xuất nhà máy ngưng trệ, doanh thu và lợi nhuận giảm. Tuy nhiên, Công ty vẫn đảm bảo một phần tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội suốt thời gian nghỉ dịch gần 3 tháng cho tất cả lao động.

Công ty Pou Chen có khoảng 16.000 lao động, thuộc Tập đoàn Quốc tế Pou Chen đến từ Đài Loan. Đây là nhà máy đầu tiên mà tập đoàn đặt trụ sở khi đầu tư vào Việt Nam năm 1994. Ngoài cơ sở này, Tập đoàn còn có 7 nhà máy đóng ở một số tỉnh, thành phía Nam với hơn 130.000 lao động. Tập đoàn dự kiến chi hơn 1.200 tỷ đồng thưởng Tết cho người lao động.

Trung Quốc nhập thanh long trở lại qua cửa khẩu Lào Cai từ ngày 12/1

Cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) và Kim Thành (Lào Cai) thông quan trở lại các mặt hàng trái cây, trong đó có thanh long từ ngày 12/1.

Trung Quốc nhập thanh long trở lại qua cửa khẩu Lào Cai từ ngày 12/1
Trung Quốc nhập thanh long trở lại qua cửa khẩu Lào Cai từ ngày 12/1

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong các mặt hàng trái cây tươi được thông quan trở lại sang Trung Quốc ngày 12/1, có mặt hàng thanh long. Đây là cửa khẩu thứ 6 được phía bạn khôi phục thông quan sau cửa khẩu Trà Lĩnh, Sóc Giang (Cao Bằng) và 3 cửa khẩu, lối mở ở Móng Cái (Quảng Ninh).

Trước đó, nhập khẩu trái cây tươi từ Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu đã bị tạm dừng từ giữa tháng 7 sau khi phía Vân Nam phát hiện virus nCoV trên bao bì và thùng xe thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.

Như vậy, sau 5 tháng tạm dừng, quả thanh long Việt Nam đã được thông quan trở lại qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) - Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc). Hiện trái thanh long vẫn tạm dừng thông quan qua cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh (Lạng Sơn) đến 26/1.

Việc tỉnh Vân Nam khôi phục thông quan nhập khẩu trái cây tươi, hàng đông lạnh qua cặp cửa khẩu Hà Khẩu - Kim Thành sẽ giảm bớt áp lực ách tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới với Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng thanh long xuất khẩu đi Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai chiếm gần 35% tổng lượng xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đất liền và cảng biển năm 2020.

Đến sáng ngày 12/1, số lượng xe hàng tồn tại các cửa khẩu Lạng Sơn còn 1.721 xe, giảm 2/3 so với đầu tháng 12.

Hà Nội chính thức xử lý phương tiện chưa lắp camera

Sở GTVT Hà Nội cho biết đã lập 6 chốt tại các cửa ngõ, bến xe để kiểm tra, xử lý nghiêm xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát...

Thanh tra Sở GTVT kiểm tra xe kinh doanh vận tải về việc lắp camera

Thanh tra Sở GTVT kiểm tra xe kinh doanh vận tải về việc lắp camera

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, Thành phố hiện có hơn 34.300 ôtô kinh doanh vận tải chở khách trên 9 chỗ. Tính đến thời điểm cuối tháng 12/2021, có tổng cộng 11.032 phương tiện đã hoàn thành lắp đặt camera (chiếm 32% tổng số phương tiện).

Để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội vừa phối hợp với lực lượng liên quan lập 6 chốt tại cửa ngõ, bến xe.

Cụ thể, 6 khu vực được Thanh tra giao thông vận tải Hà Nội lập chốt lưu động dừng xe kiểm tra gồm: đường Giải Phóng, Kim Đồng (khu vực bến xe Giáp Bát, quận Hoàng Mai); Pháp Vân - Trần Thủ Độ (khu vực bến xe Nước Ngầm, quận Hoàng Mai), Phạm Hùng, Nguyễn Hoàng (khu vực bến xe Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm); khu vực xung quanh bến xe Gia Lâm (quận Long Biên); khu vực bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông); khu vực bến xe Sơn Tây (thị xã Sơn Tây).