Hộ chiếu Việt Nam tăng 4 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu
Công dân Việt có thể tới 55 điểm đến mà không cần xin thị thực (visa) hoặc chỉ cần thị thực điện tử (e-visa) hay thị thực tại cửa khẩu.
Hộ chiếu Việt Nam |
Chỉ số Hộ chiếu Hanley vừa công bố bảng xếp hạng hộ chiếu toàn cầu 2023, trong đó Việt Nam đứng thứ 88, tăng 4 bậc so với năm ngoái.
Công dân Việt có thể tới 55 điểm đến mà không cần xin thị thực (visa) hoặc chỉ cần thị thực điện tử (e-visa) hay thị thực tại cửa khẩu. Cuối năm 2022, Việt Nam đứng thứ 92.
Cũng theo bảng xếp hạng trên, Nhật Bản có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, theo đó công dân nước này được nhập cảnh 193 điểm đến mà không cần xin thị thực.
Trong top 10 hộ chiếu quyền lực nhất, Singapore cùng Hàn Quốc chia sẻ vị trí thứ 2 khi công dân hai nước này đến 192 điểm đến không cần thị thực.
Đức và Tây Ban Nha xếp thứ 3 với 190 điểm; các quốc gia châu Âu gồm Phần Lan, Áo, Italy, Luxembourg xếp thứ 4 với 189 điểm.
Vị trí thứ 5 gồm các nước Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, Pháp (188 điểm); Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha, Ireland chia sẻ vị trí thứ 6 với 187 điểm.
Mỹ cùng với Bỉ, Cộng hòa Séc, Na Uy, New Zealand, Thụy Sĩ cùng đứng thứ 7 với 186 điểm; Australia, Canada, Hy Lạp, Malta ở vị trí thứ 8 (185 điểm); Ba Lan, Hungary thứ 9 (184 điểm) và Litva, Slovakia đứng thứ 10.
Những quốc gia nằm cuối bảng xếp hạng tính từ dưới lên, lần lượt là: Afghanistan đứng hạng 109 với 27 điểm đến được miễn thị thực; Iraq xếp thứ 108 (29 điểm đến), Syria (30), Pakistan (32), Yemen (34), Somalia (35), Nepal (38) và Triều Tiên (40).
Chỉ số Hộ chiếu Henley là bảng xếp hạng thuộc Công ty Tư vấn Cư trú & Quốc tịch Toàn cầu Henley & Partners, có trụ sở tại London, Anh. Thống kê được thực hiện đối với 199 hộ chiếu và 227 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, cập nhật mỗi quý một lần.
Lọc dầu Nghi Sơn hứa khắc phục sự cố chậm nhất vào 15/1
Phân xưởng bị sự cố của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cơ bản đã khắc phục xong, sẽ vận hành trở lại chậm nhất ngày 15/1 và sau 3 - 4 ngày sẽ đạt 100% công suất.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đang khẩn trương khắc phục sự cố. |
Lãnh đạo Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn, đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cho biết thông tin trên.
Trước đó, vào ngày 28/12/2022, nhà máy này xảy ra sự cố rò rỉ xúc tác tại phân xưởng RFCC. Công ty đã phải tạm dừng và giảm công suất chung để khắc phục sự cố. Sự cố đã làm giảm sản lượng xăng dầu từ nhà máy khoảng 20 - 25% so với kế hoạch trong tháng 1 tương đương khoảng 200.000 m3.
Ông Lê Nguyễn Quốc Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho biết, hiện Nhà máy đã chuẩn bị, huy động đủ và kịp thời các nguồn nhân lực, vật tư và dụng cụ cần thiết để tiến hành công việc từ ngày 4/1, sau khi rút xúc tác và làm nguội thiết bị. Công tác sửa chữa tại hiện trường và chế tạo tại xưởng của NSRP được tiến hành khẩn trương 24/7.
Đến thời điểm hiện tại, tiến độ sửa chữa khớp nối đã hoàn thành, tiến độ sửa chữa vòng cấp khí đạt 94%, công việc còn lại là 2 mối hàn đang thực hiện và đắp vật liệu cách nhiệt xung quanh vùng mối hàn, tháo giàn giáo và đóng thiết bị.
Dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ và bàn giao thiết bị để khởi động lại trong sáng ngày 14/1. Sau khoảng 3 - 4 ngày, phân xưởng RFCC sẽ ổn định ở công suất 100% và sẽ tăng lên đến 105 - 107% để bù đắp sự thiếu hụt.
Về kế hoạch năm nay, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ tiến hành tổ chức thực hiện công tác bảo dưỡng tổng thể lần đầu cho toàn Nhà máy, với tổng thời gian thực hiện theo kế hoạch là 55 ngày, bắt đầu từ 25/8.
Năm 2022, Lọc dầu Nghi Sơn đạt công suất trung bình cả năm gần 88% tương ứng 33 chuyến dầu thô (8,9 triệu tấn). Tổng lượng hàng sản xuất và cung cấp ra thị trường 7,4 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó có 7,7 triệu m3 xăng dầu cho thị trường nội địa.
Kế hoạch năm nay nhà máy này đạt công suất gần 80% do có gần 2 tháng bảo dưỡng tổng thể, tương ứng chế biến khoảng 7,96 triệu tấn dầu thô.
PVN báo lãi kỷ lục 3,5 tỷ USD
PVN ghi nhận doanh thu 931.200 tỷ đồng và lãi hợp nhất trước thuế trên 82.000 tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn này đạt kỷ lục trong 61 năm phát triển ngành dầu khí, lần lượt 931.200 tỷ đồng (gần 40 tỷ USD) và 82.200 tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD) |
Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, năm 2022, Tập đoàn đạt tăng trưởng 3 - 26% tuỳ lĩnh vực so với 2021, nhiều kỷ lục mới được xác lập sau 61 năm phát triển.
Theo đó, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 16,97 triệu tấn, tăng 26% so với 2021. Khai thác dầu đạt 10,84 triệu tấn, trong đó khai thác trong nước đạt 8,98 triệu tấn, nước ngoài 1,86 triệu tấn.
Sản lượng khai thác khí đạt 8,08 tỷ m3, tăng 8,3% so với thực hiện năm 2021. PVN cung ứng 17,64 tỷ kWh điện; xăng dầu đạt 6,96 triệu tấn, tăng hơn 9% so với 2021.
Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn này đạt kỷ lục trong 61 năm phát triển ngành dầu khí, lần lượt 931.200 tỷ đồng (gần 40 tỷ USD) và 82.200 tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD).
Lý do PVN đạt doanh thu và lãi kỷ lục năm 2022, theo ông Lê Mạnh Hùng, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính tăng 3 - 26%. Cùng đó, giá dầu tăng cao trong năm ngoái (bình quân giá dầu Brent là 101 USD một thùng), việc tận dụng tốt cơ hội kinh doanh và đổi mới quản trị, nỗ lực của hơn 60.000 người lao động... cũng là những lý do giúp "ông lớn" dầu khí lãi đột biến.
Năm 2023, PVN đưa ra kế hoạch sản xuất cao hơn so với 2022, như gia tăng trữ lượng dầu khí 8 - 16 triệu tấn dầu quy đổi; khai thác gần 9,3 triệu tấn dầu; khí khoảng 5,94 - 8,11 tỷ m3; sản xuất đạm 1,6 triệu tấn, điện khoảng 24 tỷ kWh và xăng dầu (không gồm Nghi Sơn) 5,53 triệu tấn.
Với phương án giá dầu năm nay được Quốc hội thông qua là 70 USD một thùng, PVN dự kiến doanh thu năm nay (không gồm Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn) là 677.700 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất 34.000 tỷ đồng.
Đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng cải tạo đường sắt Bắc Nam
Quý I/2023, Bộ Giao thông vận tải sẽ khởi công 5 dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sắt Bắc Nam với tổng đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.
Sữa chữa đường sắt tại ga Bình Triệu, TP.HCM |
Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) đang triển khai 5 dự án nhóm B sử dụng vốn trong nước, gồm cải tạo đoạn Hà Nội - Vinh dài 319 km, tổng vốn hơn 810 tỷ đồng; đoạn Vinh - Nha Trang dài 995 km, tổng vốn dự kiến gần 1.190 tỷ đồng; đoạn Nha Trang - Sài Gòn hơn 1.090 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có Dự án Cải tạo ga đường sắt phía Bắc tổng đầu tư hơn 470 tỷ đồng (nâng cấp 3 ga hành khách và 4 ga hàng hóa); Dự án Nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (xây cầu đường sắt Đuống) với tổng vốn hơn 1.840 tỷ đồng.
Dự án Nâng cấp tuyến vận tải sông Đuống bao gồm xây mới 2 cầu đường bộ, đường sắt thay vì kết hợp hai loại hình đi chung một cầu như hiện nay, nâng tĩnh không cầu để tăng năng lực vận tải đường thủy qua sông.
Trong mỗi dự án, nhà thầu sẽ nâng cấp cầu yếu, cải tạo một số ga hành khách và hàng hóa cùng hạ tầng trên tuyến.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, các dự án đều được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đây là các dự án giai đoạn 2, nối tiếp 4 dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Hà Nội - TP.HCM đã được triển khai giai đoạn 1 (2016 - 2020) trị giá 7.000 tỷ đồng.
MobiFone hạ mục tiêu lợi nhuận năm 2023 còn khoảng 2.170 tỷ
Sau khi lợi nhuận năm ngoái giảm mạnh, MobiFone tiếp tục hạ mục tiêu lãi 500 tỷ đồng, còn khoảng 2.170 tỷ năm 2023.
Năm 2023, MobiFone lại hạ chỉ tiêu lãi trước thuế còn 2.170 tỷ đồng |
Theo kế hoạch vừa được Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đặt mục tiêu từng bước chuyển đổi từ doanh nghiệp viễn thông thành doanh nghiệp số.
Năm 2023, nhà mạng này đặt kế hoạch đạt doanh thu công ty mẹ hơn 28.750 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức thực hiện năm ngoái. Tuy nhiên, MobiFone lại hạ chỉ tiêu lãi trước thuế còn 2.170 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ so với năm 2022.
Ngoài ra, MobiFone cũng đặt kế hoạch vốn đầu tư không quá 6.300 tỷ, nộp ngân sách nhà nước 2.100 tỷ đồng và không có nợ quá hạn, hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1. Doanh nghiệp cho biết các chỉ tiêu trên chưa tính đến yếu tố khách quan phát sinh theo quy định hiện hành của Nhà nước như chính sách đấu giá băng tầng, nộp phí viễn thông công ích...
Năm ngoái, do gặp nhiều khó khăn và thị trường viễn thông bão hoà, MobiFone đã không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh khi doanh thu và lợi nhuận chỉ đạt lần lượt 90% và 63% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, lãi trước thuế của công ty khoảng 2.710 tỷ, giảm đến hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2021.
Công ty để vỡ hồ chứa chất thải bị phạt 500 triệu đồng
Công ty Đại Nam bị phạt 500 triệu đồng sau sự cố hồ chứa chất thải rộng gần 5.000 m2 bị vỡ, nước hôi thối tràn ra môi trường và người dân.
Hai xe múc đắp đoạn bờ bao hồ chứa bị vỡ |
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành với Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam, ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ. Đồng thời công ty bị đình chỉ hoạt động hồ chứa 4,5 tháng.
Trước đó, tháng 10/2022, hồ chứa chất thải lót bạt của công ty rò rỉ, vỡ bờ bao cao 5 m, dài 3 m. Hàng nghìn m3 chất thải sinh hoạt đang được xử lý, tạo phân bón tràn ra khu đất kề bên, chảy vào suối Giao Kèo dài chừng 10 km, ảnh hưởng hàng trăm hộ dân hai bên.
Công ty Vinaceglass bị phạt do không công bố thông tin
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt 85 triệu đồng đối với Công ty CP Vinaceglass do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
UBCKNN vừa ban hành quyết định xử phạt 85 triệu đồng đối với Công ty CP Vinaceglass do không công bố đối với thông tin. Ảnh minh họa |
Công ty CP Vinaceglass không công bố thông tin đối với các tài liệu như báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2021, thông báo doanh nghiệp kiểm toán đã ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2020, thông báo doanh nghiệp kiểm toán đã ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021, công bố thông tin về việc lập danh sách cổ đông có quyền tham dự họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.