Đường 2 km ở Hà Nội gần 20 năm làm chưa xong
Được phê duyệt từ năm 2002, đường Vành đai 2,5 từ Đầm Hồng tới đường Giải Phóng, Hà Nội dài 2 km, đến nay chưa giải phóng xong mặt bằng.
Dự án tuyến đường Đầm Hồng - Giải Phóng dài 2,1 km, điểm đầu từ Đầm Hồng thuộc phường Khương Trung (quận Thanh Xuân), điểm cuối nối với đường Giải Phóng - Kim Đồng. |
Dự án có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, sau hơn 18 năm kể từ ngày được khởi động, đến nay chưa hoàn thiện giải phóng mặt bằng hơn 1 km từ Đầm Hồng đến sông Tô Lịch.
Dự án này mới được khởi động lại khoảng hơn một tuần trở lại đây, khi chính quyền địa phương hoàn tất giải phóng mặt bằng một số hộ dân ở phường Định Công, giáp ranh quận Thanh Xuân.
Để giải phóng mặt bằng làm tuyến đường, UBND TP. Hà Nội thu hồi 67.125 m2 đất tại phường Định Công, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai và phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Đến hết tháng 11, khu vực thuộc quận Thanh Xuân đã hoàn tất giải phóng mặt bằng, trong khi đó quận Hoàng Mai còn gần 80 trong số 588 người dân ở hai phường Định Công và Thịnh Liệt chưa nhận tiền đền bù.
Trên bản đồ quy hoạch cũng như thực địa, tuyến đường khi đi qua khu đô thị Định Công tạo thành hình vòng cung. Đây cũng chính là lý do hàng chục dân ở phường Định Công và Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) làm đơn kiến nghị, vì cho rằng dự án đã làm sai quyết định quy hoạch của Thủ tướng trong những năm 1998 và 2002, "từ đường thẳng nắn thành cong", khiến họ bị lấy đất, lấy nhà để làm đường.
Đại diện UBND quận Hoàng Mai cho biết, với các đoạn chưa giải phóng xong mặt bằng, đơn vị đã họp với các hộ dân nhiều lần, lên kế hoạch dự kiến chậm nhất đến quý III/2021 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư để hoàn thiện và sớm đưa vào khai thác vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Cựu Giám đốc CDC Hà Nội bị phạt 10 năm tù
Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị phạt 10 năm tù với cáo buộc chủ mưu nâng giá máy xét nghiệm Covid-19, ngày 12/12.
Ông Nguyễn Nhật Cảm (áo xanh) và đồng phạm đứng nghe tuyên án |
Toà án nhân dân TP. Hà Nội nhận định, hành vi của ông Cảm và 9 đồng phạm gây nguy hiểm cho xã hội, mất niềm tin trong nhân dân. Khi cả nước đang tập trung chống Covid-19, các bị cáo lại cùng nhau thực hiện hành vi trái pháp luật. Nhiều bị cáo vì lợi ích vật chất mà vi phạm quy định đấu thầu nghiêm trọng.
Ông Cảm là người đứng đầu, có vai trò cao nhất. Bị cáo Đào Thế Vinh sử dụng việc "mua đi bán lại" thiết bị xét nghiệm Covid-19 để nâng giá nên giữ vai trò thứ hai trong vụ án.
Toà án nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt 6 cựu cán bộ CDC Hà Nội phạm tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015. Trong đó, ông Cảm 10 năm tù; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán, 6 năm 6 tháng; Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, 6 năm tù; Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, 5 năm tù. Bị cáo Hoàng Kim Thư, Kế toán trưởng và Lê Xuân Tuấn, cán bộ Phòng Tài chính kế toán cùng nhận 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Bốn bị cáo còn lại: Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) 6 năm 6 tháng tù; Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành và Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech, mỗi người 6 năm tù; Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông 5 năm tù.
Về dân sự, toà tuyên CDC Hà Nội được nhận lại hơn 5,4 tỷ đồng trong vụ án, tịch thu công quỹ hơn 25 triệu đồng do bị cáo Tuấn hưởng lợi trái phép.
Ông Đinh La Thăng hầu tòa ở TP.HCM
Cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng được di lý từ Hà Nội vào TP.HCM để xét xử về sai phạm khi bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương trong phiên toà ngày 14/12.
Ông Đinh La Thăng |
Toà án nhân dân TP.HCM dự kiến xét xử đến ngày 25/12. Ông Đinh La Thăng (đang thụ án 30 năm tù); cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường; Nguyễn Chí Thành (quyền Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT) và 4 người khác bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, mức án 10 - 20 năm tù.
Liên quan đến vụ án, Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc", nguyên Phó Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, BQP) và 12 người khác bị cáo buộc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Cáo trạng xác định, Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, khoảng 9.800 tỷ đồng, nên việc bán quyền thu phí là bán tài sản Nhà nước.
Tháng 2/2012, ông Thăng chỉ đạo Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) để một công ty của Đinh Ngọc Hệ mua được quyền thu phí.
Hành vi này của ông Thăng được cho là "phớt lờ" các quy định về quản lý tài sản nhà nước và chuyển giao quyền thu phí.
Ông Thăng biết việc bán đấu giá không thực hiện đúng quy định của pháp luật, để Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh trúng thầu theo ý định ban đầu của mình.
Theo cơ quan điều tra, ông Thăng biết Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh không thanh toán tiền trúng đấu giá như cam kết, vi phạm quy chế bán đấu giá, hợp đồng phải bị chấm dứt trước hạn và trả lại quyền thu phí cho Nhà nước. Ông Thăng không chỉ đạo chấm dứt trước hạn hợp đồng mà còn yêu cầu "để doanh nghiệp trả từ từ".
Đề xuất làm sân bay của nhiều địa phương bị loại khỏi quy hoạch
Dự kiến, tới năm 2030, Việt Nam sẽ chỉ có 26 sân bay, thay vì kế hoạch phát triển 28 sân bay như hiện hành. Một số địa phương đề xuất mở thêm sân bay tại địa phương mình đã không được đưa vào kế hoạch.
Sau khi đánh giá các điều kiện, một số sân bay đã được quy hoạch dự kiến lùi thời gian triển khai, trong khi một số đề xuất của địa phương không được đưa vào quy hoạch. Ảnh minh hoạ |
Cục Hàng không vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đó, hiện cả nước có 22 sân bay đang hoạt động, trong đó có 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Khu vực miền Bắc có 7 sân bay: Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Điện Biên, Đồng Hới.
Khu vực miền Trung có 7 sân bay: Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Tuy Hoà, Pleiku, Chu Lai.
Khu vực miền Nam có 8 sân bay: Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Côn Đảo, Cà Mau.
Theo quy hoạch phát triển sân bay tới năm 2020, định hướng 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2018, tới năm 2020 có 23 sân bay, tới năm 2030 có 28 sân bay. Ngoài các sân bay hiện có, sẽ đầu tư thêm các sân bay gồm: Long Thành (Đồng Nai), Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sapa (Lào Cai), Quảng Trị, Phan Thiết.
Với Dự thảo Quy hoạch mới tới năm 2030, định hướng 2050, Cục Hàng không đề xuất, tới năm 2030 chỉ phát triển 26 sân bay (giảm 2 sân bay so với quy hoạch hiện hành). Theo đó, giai đoạn này chỉ xây dựng 4 trong 6 sân bay đã được quy hoạch trước đó, tạm thời lùi thực hiện sân bay Nà Sản và Lai Châu cho giai đoạn sau năm 2030.
Về tổng mức đầu tư thực hiện các dự án trong quy hoạch, ước chi phí đầu tư giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 365.100 tỷ đồng; giai đoạn 2030 - 2050 khoảng 866.360 tỷ đồng.
Đường sắt tăng tàu khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng
Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, từ ngày 12/12 sẽ tăng tần suất tàu khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Đường sắt tăng tàu khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng |
Cụ thể, từ ngày 12/12, tổ chức chạy đôi tàu HP1/HP2 Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại, thay vì chỉ chạy các ngày cuối tuần như hiện nay. Như vậy, trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng hàng ngày sẽ chạy thường xuyên 4 đôi tàu HP1/HP2, LP2/LP3, LP5/LP6, LP7/LP8.
Tại Hà Nội, hàng ngày có 4 chuyến tàu từ Hà Nội đi Hải Phòng gồm: Tàu HP1; Tàu LP3; Tàu LP5; Tàu LP7.
Chiều ngược lại, hàng ngày từ Hải Phòng đi Hà Nội có 4 chuyến tàu gồm: Tàu LP2; Tàu LP6; Tàu LP8; Tàu HP2.
Các chuyến tàu chạy suốt Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại nhận đón trả khách tại các ga Thượng Lý, Phú Thái, Hải Dương, Cẩm Giàng, Gia Lâm.
Tuy nhiên, chỉ thứ Bảy, Chủ nhật, các tàu mới xuất phát và kết thúc tại ga Hà Nội, ngày thường trong tuần chỉ có tàu HP1 và HP2 được xuất phát và kết thúc hành trình tại ga Hà Nội, các tàu khác xuất phát và kết thúc hành trình tại ga Long Biên.
Đồng Nai tuyển dụng sai hơn 350 cán bộ, công chức
UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu xử lý nghiêm việc tuyển dụng, bổ nhiệm 358 cán bộ, công chức sai tiêu chuẩn và thủ tục, trong đó có nhiều hiệu trưởng, hiệu phó trường học.
Có đến 358 cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý hiện đang làm việc tại các đơn vị thuộc UBND TP. Biên Hòa |
Nội dung trên được đề cập trong công văn mới đây của UBND tỉnh Đồng Nai gửi UBND TP. Biên Hòa về việc xử lý những sai phạm trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương này.
Theo đó, khi kiểm tra, Sở Nội vụ phát hiện nhiều sai phạm tuyển dụng, bổ nhiệm ở TP. Biên Hòa. Hầu hết trường hợp vi phạm công tác ở trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Một số hiệu trưởng, hiệu phó trường học được bổ nhiệm khi chưa đủ tiêu chuẩn. Trong danh sách vi phạm còn có nhiều lãnh đạo phòng, ban thuộc UBND TP. Biên Hòa...
UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm. Các đơn vị, cơ quan thu hồi quyết định tuyển dụng trường hợp chưa thực hiện đúng quy trình, chưa hoàn thiện hồ sơ, điều kiện và tiêu chuẩn, báo cáo UBND Tỉnh trước ngày 10/1/2021.