Bản tin thời sự sáng 13/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là vận hành thử đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội; Metro Bến Thành - Tham Lương có 90% mặt bằng 'sạch'; sắp thanh tra hai công ty bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng; TP.HCM dự kiến xây 4.500 phòng học trong hai năm…

Vận hành thử đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội

Trong một tháng rưỡi, tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, sẽ vận hành thử trước khi khai thác thương mại vào giữa năm nay.

Tàu tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội chạy thử đoạn trên cao ngày 12/3

Tàu tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội chạy thử đoạn trên cao ngày 12/3

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, metro Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu vận hành thử từ ngày 11/3, khung 7h45 - 16h45 từ thứ Hai đến thứ Sáu.

Vận hành thử là bước cuối cùng trong 8 bước thử nghiệm và căn chỉnh hệ thống trước khi đưa Dự án vào vận hành. 7 bước trước đó là thử nghiệm nghiệm thu tại nhà máy; lắp đặt; kiểm tra sau lắp đặt; thử nghiệm đơn động; thử nghiệm tích hợp tĩnh; thử nghiệm tích hợp động và chạy thử.

Bước thử nghiệm cuối cùng sẽ mô phỏng công tác vận hành khi không có hành khách, đánh giá kỹ năng và kiến thức của đội ngũ nhân viên.

Dự kiến, công tác vận hành chạy thử đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4. Tháng 6, nhà thầu sẽ hoàn thành chứng nhận an toàn hệ thống, kiểm tra nghiệm thu bàn giao của chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước để bàn giao, đưa đoạn trên cao vào vận hành thương mại tháng 7.

Metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, với 8 ga trên cao, 4 ga ngầm, đi qua 6 quận gồm Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Ba Đình. Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015. Nhưng sau 4 lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới toàn tuyến dự kiến là năm 2027, đoạn trên cao tháng 7/2024.

Tiến độ tổng thể toàn tuyến hiện đạt trên 77%, trong đó đoạn trên cao đạt hơn 99%, đoạn ngầm đạt 37%.

Metro Bến Thành - Tham Lương có 90% mặt bằng 'sạch'

Thêm 57 hộ bị ảnh hưởng bởi tuyến Metro Bến Thành - Tham Lương (Metro số 2) hoàn tất đền bù nâng tổng diện tích mặt bằng sạch của Dự án lên 90%.

Người dân ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Quận 3, tháo dỡ nhà để giao mặt bằng cho Metro số 2

Người dân ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Quận 3, tháo dỡ nhà để giao mặt bằng cho Metro số 2

Ngày 12/3, Quận 3 (TP.HCM) bàn giao mặt bằng của 42 hộ dân, 15 tổ chức cho Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (Chủ đầu tư). Với việc có thêm 57 mặt bằng được bàn giao sáng 12/3, toàn tuyến Metro số 2 hiện có 90% diện tích đất "sạch".

Ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND Quận 3 cho biết, tổng diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đi qua địa bàn gần 7.200 m2, với 112 trường hợp bị ảnh hưởng.

Sau thời gian dài vướng mắc chính sách đền bù, địa phương hiện cơ bản xong các thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để chi trả tiền cho người dân. Ngoài 57 mặt bằng đã hoàn tất thu hồi, các trường hợp còn lại Quận 3 đang đẩy nhanh giải quyết để giao toàn bộ mặt bằng triển khai tuyến Metro số 2.

Metro Bến Thành - Tham Lương đi qua 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, tổng diện tích giải phóng mặt bằng hơn 251.000 m2 với 585 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Trong đó, số trường hợp chưa giao đất cho Dự án còn nhiều nhất ở Quận 3 do thời gian qua gặp vướng mắc về đơn giá bồi thường.

Metro Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư hơn 47.800 tỷ đồng, dài hơn 11 km, trong đó 9 km đi dưới lòng đất, với 9 ga ngầm, 1 ga trên cao.

Trước đó, Metro Bến Thành - Tham Lương dự kiến hoàn thành năm 2026, nhưng do nhiều vướng mắc nên được gia hạn đến năm 2030. Đây là tuyến đường sắt đô thị thứ hai ở TP.HCM, sau Metro Bến Thành - Suối Tiên - dự kiến vận hành từ tháng 7 năm nay.

Sắp thanh tra hai công ty bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng

Sáu doanh nghiệp bảo hiểm nằm trong kế hoạch thanh tra của Bộ Tài chính năm nay, trong đó 2 công ty bán chéo sản phẩm qua ngân hàng.

Một hợp đồng bảo hiểm được bán qua kênh ngân hàng

Một hợp đồng bảo hiểm được bán qua kênh ngân hàng

Thị trường bảo hiểm, nhất là kênh bán qua ngân hàng (bancassurance), vừa qua tăng trưởng nhanh, song xuất hiện nhiều mặt trái. Chẳng hạn, ngân hàng ép khách vay mua kèm bảo hiểm hoặc đánh tráo khái niệm giữa sản phẩm này với gửi tiết kiệm.

Tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm đa dạng, nhưng dịch vụ này khiến thị trường phức tạp hơn và cần chấn chỉnh.

Năm nay, Bộ Tài chính sẽ thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 2 đơn vị bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư với ngân hàng là Mirae Asset Prévoir và Cathay Life Việt Nam. Cùng với thanh tra, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm trường hợp phát hiện các đại lý bảo hiểm sai phạm.

Theo cơ quan quản lý, nhiều quy định được Bộ Tài chính đưa ra để tăng minh bạch thông tin và bảo vệ tốt hơn người mua bảo hiểm. Các doanh nghiệp phải chấn chỉnh việc bán chéo sản phẩm qua ngân hàng; giám sát hợp đồng đại lý bảo hiểm. Họ cũng bị cấm ép buộc người mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Bộ Tài chính cùng Cơ quan thanh tra, giám sát (Ngân hàng Nhà nước) quản lý, giám sát việc nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm liên kết đầu tư khi giải ngân khoản vay.

Bảo hiểm liên kết đầu tư gồm hai phần riêng biệt phí bảo hiểm và đầu tư thêm có rủi ro. Đây là loại sản phẩm phức tạp nhưng được các nhà bảo hiểm triển khai một cách ồ ạt, nhất là qua kênh ngân hàng, khiến nhiều người hiểu sai về sản phẩm này. Hàng loạt vụ khiếu nại xảy ra vào năm ngoái do khách hàng cho rằng họ đã bị đánh tráo khái niệm giữa tiết kiệm và bảo hiểm đầu tư.

Cũng theo báo cáo, 10 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bán sản phẩm liên kết đầu tư đã bị thanh tra trong 2 năm qua. Sau thanh tra, bộ này kiến nghị xử lý tài chính 21.000 tỷ đồng, xử phạt hành chính 2 doanh nghiệp 310 triệu đồng.

TP.HCM dự kiến xây 4.500 phòng học trong hai năm

TP.HCM dự kiến xây dựng 4.500 phòng học từ nay tới năm 2025, trong bối cảnh cần thêm 8.000 phòng học mới.

Cô trò trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP. Thủ Đức, trong ngày khai giảng năm học mới

Cô trò trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP. Thủ Đức, trong ngày khai giảng năm học mới

Đề án xây dựng 4.500 phòng học, từ nay đến năm 2025, được chính quyền Thành phố thông qua cuối tuần trước, hướng tới mục tiêu đạt 300 phòng học trên một vạn dân, chào mừng kỷ niệm 50 thống nhất đất nước.

TP.HCM hiện có khoảng 50.650 phòng học, đáp ứng hơn 1,7 triệu học sinh, trẻ mầm non. Lãnh đạo Thành phố đánh giá vẫn còn nhiều trường THCS, tiểu học có sĩ số cao hơn quy định (45 em một lớp với THCS và 35 em một lớp với tiểu học), tỷ lệ học sinh được học hai buổi trên ngày thấp; điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện không đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Trước đó, Thành phố từng đặt mục tiêu đạt 300 phòng học trên một vạn dân trong độ tuổi đi học (3 - 18 tuổi) vào năm 2020. Tuy nhiên, kết quả thực hiện không đồng đều giữa các quận, huyện. Đến tháng 8/2023, Thành phố mới đạt 294 phòng học trên một vạn dân.

Theo tính toán của Sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm, Thành phố có thêm 10.000 - 15.000 học sinh mỗi khối lớp. Với quy mô và tốc độ tăng dân số như hiện nay, để đạt chỉ tiêu trên vào năm 2025, Thành phố cần hơn 8.000 phòng học mới. Do đó, việc xây mới 4.500 phòng học là rất cấp thiết, theo UBND TP.HCM.

Để đạt mục tiêu, UBND TP.HCM cho biết sẽ giải quyết vướng mắc về quỹ đất, bằng cách di chuyển, thu hồi các khu đất bị bỏ hoang; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân để xây dựng trường; tăng ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư, xây dựng cơ sở giáo dục.

Tổng cộng, Thành phố dự kiến đầu tư vào 277 dự án, số phòng học mới là hơn 5.900, tổng đầu tư từ ngân sách hơn 32.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thành phố dự kiến kêu gọi xã hội hóa 110 dự án với hơn 2.300 phòng học, số vốn lên đến hơn 541.000 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư đối tác công - tư (hợp đồng giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng, quản lý, vận hành), cho vay kích cầu, đầu tư xã hội hóa.

Từ 1/5, Bộ Công an cấp phép xe nước ngoài vào Việt Nam

Từ ngày 1/5, Bộ Công an sẽ thực hiện việc cấp phép cho các phương tiện cơ giới nước ngoài và người nước ngoài điều khiển phương tiện được tham gia giao thông trong lãnh thổ Việt Nam.

Chính thức chuyển Bộ Công an cấp phép cho xe nước ngoài vào Việt Nam

Chính thức chuyển Bộ Công an cấp phép cho xe nước ngoài vào Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về quản lý phương tiện cơ giới đường bộ đăng ký tại nước ngoài, do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch.

Điểm đáng chú ý nhất trong nghị định này là việc Chính phủ thay đổi cơ quan thực hiện chấp thuận cho tổ chức khách du lịch mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sang Bộ Công an.

Theo Bộ GTVT (cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định), việc chuyển đổi trên không làm tăng biên chế xử lý công việc và thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, không phải đầu tư thêm trang thiết bị.

Hơn nữa Bộ Công an cũng đã thống nhất tiếp nhận công việc này để đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát, tổ chức thuận lợi từ cơ quan của Trung ương đến địa phương đối với người và xe nước ngoài vào Việt Nam du lịch.

Nghị định quy định về quản lý phương tiện cơ giới đường bộ đăng ký tại nước ngoài vừa mới ban hành, Chính phủ cho phép phương tiện cơ giới nước ngoài và người nước ngoài điều khiển được tham gia giao thông trong lãnh thổ Việt Nam với mục đích du lịch.

Để được thực hiện việc này, các tổ chức cá nhân phải thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam. Có văn bản chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam của Bộ Công an cấp.

Đối với phương tiện cơ giới nước ngoài là ô tô có tay lái ở bên phải thì phải có công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam gửi Bộ Công an đề nghị và nêu rõ lý do cho xe tham gia giao thông tại Việt Nam. Các xe vào Việt Nam cũng phải làm thủ tục hải quan, tạm nhập, tái xuất theo quy định của pháp luật hải quan ngay tại cửa khẩu nhập xuất cảnh…

Dự kiến sẽ thông xe nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ vào cuối tháng 7

Một nhánh hầm băng qua nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) dự kiến được thông xe vào cuối tháng 7 giúp giảm ùn tắc cho cửa ngõ phía Nam Thành phố.

Công trường dự án hầm chui ở nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Công trường dự án hầm chui ở nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Thông tin được ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Chủ đầu tư), đưa ra khi Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên kiểm tra công trường dự án hầm chui ở nút giao nêu trên, chiều 12/3.

Đây là công trình trọng điểm của TP.HCM được triển khai từ năm 2020 với tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng (giai đoạn một). Dự án gồm hai hầm ở mỗi chiều đường Nguyễn Văn Linh, mỗi hầm dài 456 m, 3 làn xe, vận tốc 60 km/h; phía trên làm đảo tròn cùng các nhánh rẽ.

Theo ông Phúc, sau 4 năm triển khai, toàn Dự án hiện đạt khoảng 60% khối lượng. Trong đó, gói thầu xây lắp số 2 xây dựng hầm chui HC2 (hướng từ Quận 7 đi Bình Chánh) đạt 77%, dự kiến đơn vị sẽ cho thông xe vào cuối tháng 7. Nhánh hầm HC1 ở hướng ngược lại cùng toàn bộ hạng mục liên quan cũng được đặt mục tiêu hoàn thành cuối năm nay.

Đà Nẵng dự kiến giảm 9 phường

Theo phương án trình Bộ Nội vụ, 2 năm, tới TP. Đà Nẵng dự kiến sáp nhập, giảm từ 45 xuống còn 36 phường, sắp xếp lại nhân sự ở 9 phường mới.

Khu vực các phường sáp nhập chủ yếu nằm hai bên sông Hàn và khu đô thị cũ

Khu vực các phường sáp nhập chủ yếu nằm hai bên sông Hàn và khu đô thị cũ

UBND TP. Đà Nẵng vừa trình Bộ Nội vụ phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Hiện Đà Nẵng có 45 phường thuộc 6 quận và 11 xã thuộc 2 huyện, sau sắp xếp sẽ còn 36 phường và 11 xã.

Dự kiến tại quận Hải Châu, phường Hải Châu 1 và Hải Châu 2 được sáp nhập, lấy tên là phường Hải Châu 1; nhập Phước Ninh, Nam Dương và Bình Hiên thành phường Nam Bình Phước hoặc Nam Phước; nhập Bình Thuận với Hòa Thuận Đông thành phường Hòa Bình.

Tại quận Thanh Khê, phường Tam Thuận nhập với Xuân Hà thành Hà Tam Xuân; Thạc Gián nhập với Vĩnh Trung thành phường Thạc Gián; Tân Chính nhập với Chính Gián thành phường Tân Chính Gián; Thanh Khê Đông nhập với Hòa Khê thành phường Thanh Hòa.

Quận Sơn Trà có hai phường An Hải Đông và An Hải Tây được sáp nhập, dự kiến lấy tên gọi mới là An Hải Nam. Các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và Liên Chiểu không có phường nào sáp nhập do nhiều phường diện tích lớn, dân đông.

Thành phố dự kiến nhập một phần diện tích và dân số của quận Liên Chiểu vào quận Thanh Khê; nhập một phần diện tích và dân số phường Thuận Phước vào phường Thanh Bình (quận Hải Châu) và một phần diện tích phường Thọ Quang vào Mân Thái (quận Sơn Trà).

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng cho biết, sau khi Bộ Nội vụ thẩm định xong, phương án sẽ được trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện tên gọi các phường mới là tạm thời. Sau khi Bộ Nội vụ "chốt" phương án, Thành phố sẽ lấy ý kiến người dân và trình HĐND Thành phố về tên gọi cụ thể của phường mới.

Apax Leaders nợ phụ huynh TP.HCM gần 94 tỷ đồng học phí

Apax Leaders còn nợ phụ huynh gần 94 tỷ đồng học phí, xin trả 4,5 triệu đồng một người mỗi quý, từ năm 2025 đến khi hết.

Trung tâm Apax Leaders tại quận Phú Nhuận đóng cửa

Trung tâm Apax Leaders tại quận Phú Nhuận đóng cửa

Thông tin được nêu trong báo cáo gửi UBND TP.HCM về tình hình các trung tâm ngoại ngữ Apax Leaders của Sở Giáo dục và Đào tạo. Theo Sở, trong thời gian qua, Apax có gần 11.300 học sinh ở TP.HCM. Sau khi 39/41 trung tâm dừng hoạt động, phụ huynh của 4.400 em muốn rút học phí, 6.000 em bảo lưu và 839 em đang học.

Apax cho biết, tổng số tiền phải trả cho phụ huynh là hơn 108 tỷ đồng, đã trả được khoảng 14,2 tỷ đồng. Đơn vị này đề xuất phương án trả nợ dần từ năm 2025, mỗi quý trả cho một phụ huynh 4,5 triệu đồng cho đến khi hết.

Ngoài ra, Apax nợ 11,5 tỷ đồng tiền lương giáo viên, nhân viên; nợ tiền thuê mặt bằng 9 tỷ đồng. Theo thông tin từ Bảo hiểm Xã hội và Cục Thuế TP.HCM, chi nhánh của Apax Leaders còn chậm hơn 32 tỷ đồng các loại bảo hiểm cho người lao động và 15 tỷ tiền thuế, tính đến cuối năm ngoái.

Sở cho biết, trong buổi làm việc ngày 6/3, Apax xin giải thể 26 trung tâm, tổ chức lại và chuyển địa điểm 13 trung tâm. Với 2 trung tâm đang hoạt động tại Quận 6 và Phú Nhuận, Apax cũng kiến nghị tạm dừng đến tháng 6. Đại diện Apax cho biết, Công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính, chỉ đủ kinh phí để dạy online, ôn tập cho học sinh. Công ty cần thêm thời gian để xây dựng kế hoạch giải quyết các khoản nợ và vướng mắc hiện tại.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, Apax cần báo cáo phương án, lộ trình trả học phí cụ thể cho phụ huynh trước ngày 15/3. Trong 39 trung tâm của Apax đang bị đình chỉ hoạt động, Sở sẽ ra quyết định giải thể 26 trung tâm. 13 trung tâm còn lại sẽ được giải quyết sau khi Sở rà soát các giấy tờ, minh chứng hợp pháp.

Đồng thời, Sở sẽ vận động các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn hỗ trợ, tiếp nhận học sinh của Apax Leaders với học phí ưu đãi, trong trường hợp các trung tâm này không thể tiếp tục hoạt động.

Tin cùng chuyên mục