Bản tin thời sự sáng 13/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Vietnam Airlines không được chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán; đề xuất đổi hướng tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ; 488 biệt thự, nhà liên kế xây sai phép tại Đồng Nai có 'dấu hiệu hình sự'; Hà Nội bác tin 'sẵn sàng học trực tuyến' vì Covid-19…

Vietnam Airlines không được chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán

Uỷ ban Chứng khoán vừa từ chối đề nghị tạm hoãn công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines không được chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán

Vietnam Airlines không được chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán

Theo quy định, công ty đại chúng phải công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 10 ngày kể từ khi báo cáo kiểm toán được ký phát hành, nhưng không được quá 90 ngày từ lúc kết thúc năm tài chính. Đối chiếu với quy định này, Vietnam Airlines đã quá hạn công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Trước đó, hôm 29/3, Vietnam Airlines đã gửi đơn lên Uỷ ban Chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) để xin tạm hoãn công bố thông tin Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Trong đơn, Vietnam Airlines không nêu cụ thể thời gian xin tạm hoãn.

Tuy nhiên, Uỷ ban Chứng khoán đã không đồng ý với đề xuất này. Theo Uỷ ban, lý do của Vietnam Airlines để xin chậm công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 không thuộc trường hợp được tạm hoãn công bố thông tin như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc các lý do bất khả kháng khác.

Vì vậy, cơ quan quản lý đề nghị Vietnam Airlines khẩn trương khắc phục công tác kế toán để hoàn thành việc công bố thông tin theo quy định.

Trước đó, Vietnam Airlines đưa ra nhiều lý do như có quy mô lớn hoạt động trên toàn cầu với 27 đơn vị trực thuộc (9 trong nước và 18 chi nhánh nước ngoài), 15 công ty con có quy mô vừa và lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực và cũng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất. Tổng công ty và các đơn vị đang sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục hậu quả đại dịch, từng bước tái cơ cấu nên cần thêm thời gian đối chiếu, xác nhận báo cáo, tổng hợp số liệu tuân thủ chuẩn mực kế toán.

Hồi tháng 2, HoSE đã cảnh báo nguy cơ huỷ niêm yết cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines nếu nếu tại Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.

Đề xuất đổi hướng tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ

Tuyến đường sắt cao tốc được đề xuất điều chỉnh hướng để đi song song bên trái Vành đai 3 qua TP.HCM và Bình Dương, nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng.

Theo phương án mới được đề xuất đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ sẽ đi song song bên trái Vành đai 3 thay vì Vành đai 2

Theo phương án mới được đề xuất đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ sẽ đi song song bên trái Vành đai 3 thay vì Vành đai 2

Đề xuất trên được PGS.TS Nguyễn Văn Trình, đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Vùng và đô thị, đưa ra tại Hội thảo Ý tưởng điều chỉnh hướng tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, ngày 12/4.

Đây là tuyến đường sắt tốc độ cao, được quy hoạch 10 năm trước, dài 174 km, đi qua 6 địa phương, gồm: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Điểm đầu tuyến ở ga An Bình (TP. Dĩ An, Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (quận Cái Răng). Riêng đoạn đi qua TP.HCM dài 33 km, đi song song bên trái Vành đai 2.

Dự án được nghiên cứu với tổng mức đầu tư khoảng 9 tỷ USD, thiết kế tiêu chuẩn đường đôi, khổ đường 1.435 mm. Tốc độ thiết kế lớn nhất 190 km/h. Đơn vị tư vấn đề xuất đầu tư công trình theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nhà nước chi trả tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho nhà nước theo hình thức hợp đồng BTL. Tuyến đường sắt dự kiến được triển khai trước 2030.

Nhóm nghiên cứu đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường sắt cao tốc thành đi song song về bên trái Vành đai 3. Theo đó, điểm đầu tuyến ở ga An Bình, sau đó theo hành lang đã quy hoạch đến ga Dĩ An, Bình Chuẩn rồi rẽ trái đi theo Vành đai 3 đến gần cao tốc Bến Lức - Long Thành. Từ đây, tuyến đi về Cần Thơ theo quy hoạch cũ. Phương án này được cho sẽ tạo tiềm năng lớn để phát triển các khu đô thị mới, góp phần phát triển giao thông công cộng.

Làm rõ thêm về đề xuất này, TS. Trịnh Văn Chính thuộc nhóm nghiên cứu cho biết, nếu đường sắt cao tốc chạy song song Vành đai 3 sẽ chỉ cần mở rộng thêm khoảng 20 m bên cạnh tuyến vành đai, giúp giảm diện tích giải phóng mặt bằng thay vì theo phương án cũ.

488 biệt thự, nhà liên kế xây sai phép tại Đồng Nai có 'dấu hiệu hình sự'

UBND tỉnh Đồng Nai chỉ ra hàng loạt sai phạm của cán bộ khi để hàng trăm biệt thự xây trái phép ở huyện Trảng Bom, và chuyển hồ sơ vụ việc cho công an điều tra.

Dự án khu dân cư Tân Thịnh xây dựng trái phép tại huyện Trảng Bom

Dự án khu dân cư Tân Thịnh xây dựng trái phép tại huyện Trảng Bom

Ngày 12/4, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành kết luận thanh tra 488 biệt thự xây trái phép ở xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, do Công ty CP Đầu tư LDG làm chủ đầu tư.

Qua thanh tra, UBND tỉnh Đồng Nai xác định hơn 20 lãnh đạo, cán bộ các sở ban ngành, UBND huyện Trảng Bom sai phạm, trong đó Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý đất đai (Điều 174 Bộ luật Hình sự).

Theo UBND Đồng Nai, năm 2016, khu dân cư Tân Thịnh được chính quyền tỉnh chấp thuận địa điểm dự án tại xã Đồi 61. Hai năm sau, Tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cũng như Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án và chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư.

Diện tích đất của dự án từ nguồn gốc 402 thửa đất của nông trường cao su An Viễn và các hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, có 339 thửa đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 26 hộ gia đình, cá nhân và Công ty cổ phần đầu tư LDG với diện tích hơn 15 ha. Công ty này sử dụng các thửa đất thông qua các hình thức nhận chuyển nhượng, ủy quyền sử dụng đất và mua bán đất bằng giấy viết tay không đúng quy định pháp luật.

Mặc dù chưa được giao đất và chuyển mục đích sử dụng, chưa được cấp giấy phép xây dựng để thực hiện đầu tư dự án, song Công ty đã xây 488 căn biệt thự, nhà liên kế, 290 căn đang xây dang dở. Dự án đã thi công hệ thống đường, cấp thoát nước, điện, xử lý nước thải công viên cây xanh; xảy ra nhiều thiếu sót, sai phạm trong quá trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Theo kết luận thanh tra, Công ty CP Đầu tư LDG đã ký hợp đồng bán nhà với 60 khách hàng với số tiền hơn 132 tỷ đồng. Khách đã thanh toán cho Công ty 25 - 95% giá trị hợp đồng, 7 hộ chuyển đến sinh sống. Trong khi đó, dự án này chưa đủ điều kiện bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật và kinh doanh bất động sản.

Hà Nội bác tin 'sẵn sàng học trực tuyến' vì Covid-19

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết hiện không có chủ trương dạy học trực tuyến khi có học sinh mắc Covid-19.

Hà Nội bác tin 'sẵn sàng học trực tuyến' vì Covid-19

Hà Nội bác tin 'sẵn sàng học trực tuyến' vì Covid-19

Trước đó, thông tin Hà Nội sẵn sàng chuyển sang học trực tuyến khi có học sinh nhiễm Covid-19 được lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều phụ huynh, học sinh và nhà trường bày tỏ lo ngại, bởi chỉ còn khoảng ba tháng nữa, học sinh lớp 9 sẽ thi chuyển cấp, còn lớp 12 thi tốt nghiệp THPT.

"Thông tin này không đúng sự thật", ông Cương khẳng định, chiều 12/4.

Ông Cương cho rằng, các hiệu trưởng, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cần thận trọng khi chia sẻ thông tin về dịch bệnh khi chưa có căn cứ từ cơ quan chuyên môn, tránh gây hiểu lầm và hoang mang. Công tác phòng chống dịch bệnh phải tuân thủ chỉ đạo của cơ quan quản lý và chuyên môn.

Bộ Y tế thống kê, từ ngày 3 - 9/4, cả nước ghi nhận 419 ca Covid-19, gấp bốn lần so với tuần trước đó. Hà Nội có số ca nhiễm cao và nặng nhất.

Do Covid-19, từ đầu năm 2020 - 2022, hơn 2,2 triệu học sinh và trẻ mầm non Hà Nội đã nhiều lần chuyển từ học trực tiếp sang trực truyến. Trong đó, giai đoạn giữa năm 2021, học sinh Thủ đô phải học trực tuyến tới 9 tháng. Hà Nội là địa phương cho học sinh ở nhà lâu và với quy mô lớn nhất cả nước thời điểm đó.

Thành phố Thủ Đức có thể được tăng quyền ở nhiều lĩnh vực

Thành phố Thủ Đức được đề xuất có thêm quyền ở các lĩnh vực như quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, kinh tế, đô thị, tài nguyên môi trường, văn hóa xã hội.

Xa lộ Hà Nội, đoạn qua khu vực quận Thủ Đức, TP.HCM

Xa lộ Hà Nội, đoạn qua khu vực quận Thủ Đức, TP.HCM

Dự thảo hồ sơ xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan soạn thảo) đề xuất HĐND, UBND, Chủ tịch TP.HCM giao một số chức năng, nhiệm vụ cho cấp tương ứng của TP. Thủ Đức trong quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý kinh tế, quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, quản lý văn hóa xã hội, tổ chức bộ máy quản lý hành chính của chính quyền đô thị, cán bộ, công chức, viên chức.

Tương tự, UBND và Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức được ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn.

Cơ quan soạn thảo lý giải, chính quyền TP. Thủ Đức thời gian qua chưa phát huy hết vai trò chủ động, tính tự chủ, dám làm dám chịu trách nhiệm để phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, quy định về phân cấp, ủy quyền chung cho TP.HCM đã có nhưng chưa quy định cụ thể với TP. Thủ Đức.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP. Thủ Đức chỉ có thẩm quyền ngang quận, huyện, chưa phát huy được vai trò của chính quyền đô thị đúng nghĩa và khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm.

Cơ quan soạn thảo kỳ vọng, việc tăng quyền cho TP. Thủ Đức ở nhiều lĩnh vực sẽ tạo chủ động trong quản lý, điều hành, hỗ trợ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là động lực để Thủ Đức thu hút nhiều nguồn vốn, động lực trong và ngoài nước, đáp ứng mục tiêu đóng góp 30% GRDP của TP.HCM và chiếm 7% GDP cả nước. Thí điểm tăng quyền cho Thủ Đức sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình thành phố thuộc thành phố tại địa phương khác.

Trong dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất HĐND TP.HCM quyết định bộ máy, số lượng, chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc TP. Thủ Đức. UBND TP.HCM sẽ lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu thanh tra xây dựng, trung tâm phát triển quỹ đất, Văn phòng đăng ký đất đai TP. Thủ Đức.

TP. Sầm Sơn chỉnh trang dự án du lịch do FLC trả lại

Chính quyền TP. Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã giao cho các đơn vị sửa chữa số hubway, nhà tắm tráng, khu vui chơi do Tập đoàn FLC trả lại để phục vụ mùa du lịch hè.

Một trong số 14 hubway trên đường Hồ Xuân Hương, TP. Sầm Sơn đã được sơn mới, cải tạo các hạng mục hư hỏng

Một trong số 14 hubway trên đường Hồ Xuân Hương, TP. Sầm Sơn đã được sơn mới, cải tạo các hạng mục hư hỏng

Sáng 12/4, ông Lương Tất Thắng - Bí thư Thành ủy TP. Sầm Sơn cho biết, việc bàn giao Dự án cải tạo tuyến bờ biển phía đông đường Hồ Xuân Hương từ FLC chưa kết thúc. Song do mùa du lịch cận kề, công việc gấp rút nên thành phố trước mắt thống nhất giao đoàn thanh niên 11 phường xã (mỗi phường xã phụ trách một hubway) cùng Trung tâm Văn hóa Thông tin Du lịch (2 hubway) và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Thành phố (một hubway) vận hành khai thác.

Về lâu dài, sau khi hoàn thiện thủ tục, chuyển giao Dự án thành tài sản công, Thành phố sẽ lập đề án vận hành các công trình theo hướng đấu giá để tăng nguồn thu và khai thác hiệu quả không gian tuyến đường ven biển đẹp nhất Sầm Sơn. Với các hạng mục chưa hoàn thiện theo thiết kế ban đầu như quảng trường nhạc nước, khu vui chơi giải trí, TP. Sầm Sơn sẽ tiếp tục đầu tư.

Hiện chính quyền huy động nhân lực chỉnh trang các tuyến phố, bờ biển, hệ thống cơ sở lưu trú nhằm chuẩn bị khai trương mùa du lịch 2023.

Dự án cải tạo tuyến bờ biển phía đông đường Hồ Xuân Hương từ resort Vạn Chài đến chân đền Độc Cước dài 3,5 km, do UBND thị xã Sầm Sơn (nay là TP. Sầm Sơn) làm chủ đầu tư, kinh phí hơn 165 tỷ đồng. Tập đoàn FLC trúng thầu, theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT xây dựng, kinh doanh, chuyển giao).

Đi vào khai thác từ giữa năm 2016, nhưng đến nay FLC mới hoàn thành phần hạ tầng kỹ thuật, gồm 14/14 hubway, 14/17 công trình tắm tráng trong nhà, 12/18 công trình tắm tráng ngoài trời và một khu vui chơi giải trí. Giá trị đầu tư xây dựng ước đạt 100 tỷ đồng. Trước mùa du lịch 2023, các quầy bar, nhà vệ sinh, nhà tắm hư hỏng, nhiều khu phải đóng cửa.

Kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông

Uỷ ban Kiểm tra tỉnh Đắk Nông vừa có quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đắk Nông và những người có liên quan đến dấu hiệu vi phạm trong đấu thầu mua sắm thiết bị dạy và học tại các trường trên địa bàn Tỉnh.

Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông.

Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông.

Việc Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Đắk Nông kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông và những người liên quan được thực hiện sau khi Thanh tra Tỉnh có Kết luận số 19 về đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục trên địa bàn Tỉnh.

Kết luận thanh tra tỉnh Đắk Nông tập trung vào các gói thầu đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục thuộc Chương trình giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025.

Theo đó, trong 5 năm qua, Sở GD&ĐT Đắk Nông cùng các đơn vị liên quan mua sắm thiết bị giáo dục với tổng kinh phí gần 77 tỷ đồng. Đối với Sở GD&ĐT, Thanh tra khẳng định nhiều gói thầu mua sắm thiết bị có chênh lệch giá, không đúng nguồn gốc và có dấu hiệu thông thầu.

Những sai phạm của Sở GD&ĐT Đắk Nông và các đơn vị liên quan làm thiệt hơn 2,1 tỷ đồng. Cơ quan thanh tra đề nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,6 tỷ đồng, còn lại kiến nghị tự thu hồi, lắp đặt bổ sung, hoàn thiện các thiết bị.

Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét, xử lý theo quy định của Đảng về trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và cá nhân ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông đối với khuyết điểm trong việc quản lý, giám sát, nghiệm thu gói thầu.

Đồng thời, Thanh tra tỉnh Đắk Nông cũng chuyển thông tin sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh này để xem xét, xử lý các nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong hoạt động đấu thầu…

Tin cùng chuyên mục