Bản tin thời sự sáng 13/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá trần vé máy bay nội địa có thể lên 4 triệu đồng; TP.HCM đề xuất chi 600 tỷ đồng xây kè chống sạt lở; người dân tăng gửi tiền ở ngân hàng; Đà Nẵng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng; TP.HCM đề xuất cho thuê vỉa hè để kinh doanh giá 20.000 - 100.000 đồng/m2…

Giá trần vé máy bay nội địa có thể lên 4 triệu đồng

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến tăng mức giá trần chặng nội địa thêm từ 50.000 - 250.000 đồng.

Giá trần vé máy bay hạng phổ thông nội địa dự kiến tăng từ 50.000 - 250.000 đồng, tùy đường bay, mức giá cao nhất lên 4 triệu đồng/vé.

Giá trần vé máy bay hạng phổ thông nội địa dự kiến tăng từ 50.000 - 250.000 đồng, tùy đường bay, mức giá cao nhất lên 4 triệu đồng/vé.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo dự thảo thông tư mới, với đường bay dưới 500 km, giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư 17.

Cụ thể, nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội vẫn có mức giá tối đa là 1,6 triệu đồng/vé một chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500 km có mức giá tối đa là 1,7 triệu đồng/vé một chiều.

Với các đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều. Trong khi theo quy định hiện hành, con số này là 2,2 triệu đồng/vé.

Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, cao hơn 100 nghìn đồng so với quy định hiện hành.

Ở khoảng cách đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, Dự thảo mới đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng, cao hơn 200 nghìn đồng so với quy định hiện hành.

Cuối cùng, mức giá 4 triệu đồng được đề xuất cho khoảng cách đường bay từ 1.280 km trở lên. Con số này cao hơn quy định hiện hành 250 nghìn đồng.

TP.HCM đề xuất chi 600 tỷ đồng xây kè chống sạt lở

Ba dự án xây kè bờ sông Cần Giuộc, Chợ Đệm và Sài Gòn được đề nghị triển khai với tổng vốn hơn 600 tỷ đồng từ ngân sách TP.HCM nhằm chống sạt lở cho khu vực.

Một căn nhà ven rạch Tôm, huyện Nhà Bè, bị sạt lở năm 2020

Một căn nhà ven rạch Tôm, huyện Nhà Bè, bị sạt lở năm 2020

Các công trình này nằm trong danh sách 11 dự án vừa được Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP.HCM, để chuẩn bị nội dung trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới.

Các vị trí triển khai dự án được đánh giá có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng các hộ dân xung quanh. Trong đó, lớn nhất là kè bờ phải sông Cần Giuộc, đoạn từ cầu Ông Thìn về thượng lưu, huyện Bình Chánh, tổng vốn 274 tỷ đồng. Đoạn nguy cơ sạt lở dài khoảng 160 m, rộng 7 m.

Cũng tại Bình Chánh, công trình xây kè và nạo vét luồng sông Chợ Đệm - Bến Lức, dự kiến tổng mức đầu tư 233 tỷ đồng. Đoạn có khả năng bị sạt lở dài khoảng 200 m, rộng 4 m.

Dự án còn lại ở bờ phải sông Sài Gòn (Phường 25, quận Bình Thạnh), tổng vốn gần 106 tỷ đồng. Đoạn này ở khu vực kho vũ trang 102 cũ do Quân khu 7 quản lý, phạm vi nguy cơ sạt lở dài khoảng 100 m, rộng 7 m.

Ba dự án xây kè trên nằm trong 32 vị trí nguy cơ sạt lở tại TP.HCM, ảnh hưởng khoảng 1.328 hộ dân. Trong đó, TP. Thủ Đức là địa phương có nhiều nhất với 8 địa điểm. Kế đến là Nhà Bè, Cần Giờ, mỗi huyện có 7 vị trí nguy cơ sạt lở. Huyện Bình Chánh, quận Bình Thạnh, mỗi địa phương cũng có 4 địa điểm...

Người dân tăng gửi tiền ở ngân hàng

3 tháng đầu năm, người dân gửi thêm vào ngân hàng 415.000 tỷ đồng - mức cao nhất trong hơn 10 năm qua, dù mặt bằng lãi suất giảm.

3 tháng đầu năm, người dân gửi thêm vào ngân hàng 415.000 tỷ đồng

3 tháng đầu năm, người dân gửi thêm vào ngân hàng 415.000 tỷ đồng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng vào cuối tháng 3 là 6,28 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, người dân "gửi ròng" thêm vào hệ thống 415.000 tỷ đồng. Bình quân của 7 - 8 năm gần đây, lượng tiền gửi của dân cư gửi thêm vào hệ thống ngân hàng trong quý đầu năm chỉ khoảng 150.000 tỷ đồng.

Trên thực tế, tiền gửi của dân cư bắt đầu chảy mạnh vào hệ thống từ tháng 10 năm ngoái, trước sức hấp dẫn của lãi suất tiết kiệm. Lãi suất trong 3 tháng đầu năm nay có giảm nhiệt so với cuối 2022 nhưng vẫn duy trì mặt bằng cao so với giai đoạn trước Covid-19.

Từ tháng 4 đến nay, lãi suất tiết kiệm giảm nhanh và mạnh hơn, khiến kênh tiền gửi trở nên bớt hấp dẫn hơn. Vào cuối tháng 5, hầu hết ngân hàng đều điều chỉnh lãi suất đưa mức niêm yết cao nhất về 8,5% một năm, sau động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Ngược với xu hướng của dân cư, lượng tiền gửi của các tổ chức tại ngân hàng vào cuối quý I giảm gần 4,9% so với đầu năm, xuống còn 5,66 triệu tỷ đồng.

Tháo dỡ hai trạm BOT trên đường nối TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai

Hai trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1K qua địa bàn Đồng Nai và Bình Dương được cơ quan chức năng tháo dỡ sau gần ba năm dừng hoạt động.

Công nhân tháo dỡ trạm thu phí trên Quốc lộ 1K qua TP. Biên Hòa

Công nhân tháo dỡ trạm thu phí trên Quốc lộ 1K qua TP. Biên Hòa

Ngày 12/6, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết, trạm thu phí Quốc lộ 1K qua phường Hóa An, TP. Biên Hòa đã được tháo dỡ. Đơn vị thi công đang tái lập mặt đường, kẻ vạch phân luồng để người dân qua lại bình thường.

Trong khi đó, từ ngày 13/6, trạm thu phí qua phường Đông Hòa, TP. Dĩ An, Bình Dương cũng được tháo dỡ. Việc này dự kiến hoàn thành sau 3 ngày.

Quốc lộ 1K dài hơn 21 km là tuyến huyết mạch nối 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Trong đó, đoạn qua TP.HCM dài gần 2 km, Bình Dương khoảng 5 km, còn lại qua địa bàn Đồng Nai. Cách đây 15 năm, sau khi dự án nâng cấp tuyến đường theo hình thức BOT hoàn thành, hai trạm thu phí được đặt tại Bình Dương và Đồng Nai để hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Đến tháng 10/2020, việc thu phí hoàn thành, hai trạm BOT dừng hoạt động. Tuy nhiên, gần 3 năm qua, hai trạm này chưa được tháo dỡ do chưa hoàn tất các thủ tục của dự án.

Liên quan đến Quốc lộ 1K, Bộ Giao thông vận tải cũng vừa có quyết định giao tuyến đường này cho TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai quản lý, khai thác và bảo trì theo kiến nghị của các địa phương này.

Đà Nẵng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng

Vaccine 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ tại Đà Nẵng hiện nay đang thiếu, người dân phải chờ hoặc lựa chọn mua vaccine dịch vụ.

Nhiều địa phương thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên người dân phải chọn tiêm dịch vụ. Ảnh minh họa

Nhiều địa phương thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên người dân phải chọn tiêm dịch vụ. Ảnh minh họa

Từ nhiều tháng nay, Đà Nẵng bị thiếu vaccine 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trước đó, từ cuối tháng 5 vừa qua, Sở Y tế đã nhận được phản ánh của người dân về tình trạng thiếu vaccine 5 trong 1 (vaccine DPT-VGB-Hib) trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Sở Y tế Đà Nẵng xác nhận, trong thời gian qua, các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng được Bộ Y tế cung ứng cho các địa phương để tiêm chủng miễn phí cho trẻ trong độ tuổi nhằm phòng các bệnh thì từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, tình hình cung ứng vaccine bị gián đoạn.

Một số vaccine cung ứng bị thiếu hụt so với nhu cầu đề xuất của các địa phương, trong đó có vaccine DPT-VGB-Hib như phản ánh của người dân.

Theo thông báo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế, vaccine DPT-VGB-Hib được cung ứng cho các địa phương chỉ đến tháng 2/2023.

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố chỉ ra, hiện nay một số vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã hết (trong đó có vaccine DPT-VGB-Hib) và đây cũng là thực trạng chung của cả nước.

Sở Y tế Đà Nẵng cũng cho biết, hiện nay, Bộ Y tế có văn bản gửi các địa phương đề nghị bố trí ngân sách địa phương mua các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng để triển khai tiêm chủng cho trẻ khi Trung ương không cung ứng.

Tuy nhiên, khi triển khai rà soát các văn bản chỉ đạo, nội dung hướng dẫn, vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn khi địa phương triển khai bố trí kinh phí để mua.

UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho địa phương để có đầy đủ cơ sở pháp lý cho địa phương tổ chức triển khai mua sắm vaccine sớm và đảm bảo theo đúng quy định nhằm cung ứng kịp thời vaccine để tiêm chủng cho trẻ. Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có phản hồi, đây cũng là thực tế và khó khăn chung của các tỉnh/thành trong cả nước.

TP.HCM đề xuất cho thuê vỉa hè để kinh doanh giá 20.000 - 100.000 đồng/m2

Mức thu sử dụng vỉa hè để kinh doanh từ 20.000 - 100.000 đồng mỗi m2/tháng và mức thu sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe từ 50.000 - 350.000 đồng mỗi m2/tháng, tùy theo vị trí các tuyến đường.

Vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh (Quận 5) bên hông bệnh viện Chợ Rẫy bị trưng dụng giữ xe máy, đẩy người đi bộ xuống lòng đường

Vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh (Quận 5) bên hông bệnh viện Chợ Rẫy bị trưng dụng giữ xe máy, đẩy người đi bộ xuống lòng đường

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa ban hành Dự thảo Đề án “Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn” và tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học.

Cụ thể, Sở chia các quận, huyện ở TP.HCM làm 5 khu vực và dựa theo giá đất tại tuyến đường đó để đề xuất mức thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường.

Trong đó, khu vực 1 (gồm các quận: 1, 3, 4, 5,10, Phú Nhuận, khu A Khu đô thị mới Nam TP.HCM, Khu đô thị mới Thủ Thiêm) được đề xuất mức thu phí sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh là 50.000 - 100.000 đồng/m2/tháng. Mức thu sử dụng lòng đường để trông giữ ôtô, xe máy và xe đạp là 180.000 - 350.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 2 (quận 2 cũ, trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 6, 7, trừ Khu A Khu đô thị mới Nam TP.HCM, quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân), mức thu sử dụng hè phố để kinh doanh là 20.000 - 30.000 đồng/m2/tháng. Mức thu phí vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe là 70.000 - 100.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 3 (các quận: 8, 12, quận 9 cũ, Thủ Đức cũ, Tân Phú, Gò Vấp) và khu vực 4 (các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi), mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng và thu phí để trông giữ xe là 60.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 5 (huyện Cần Giờ), mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng và thu phí để trông giữ xe là 50.000 đồng/m2/tháng.

Sở thống kê, TP.HCM có 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5 m trở lên và 929 tuyến đường có vỉa hè có bề rộng từ 3 m trở lên. Việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường có thể đem lại nguồn thu ngân sách khoảng 1.522 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, số thu đối với lòng đường là 550 tỷ đồng/năm, số thu đối với vỉa hè là 972 tỷ đồng/năm. Mức thu phí vỉa hè đề xuất 20.000 - 100.000 đồng/m2/tháng được chủ cửa hàng và người bán hàng rong đồng thuận cao.

Dự kiến, sáng ngày 13/6, Ủy ban MTTQVN TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án này.

EU nới lỏng quy định với mỳ ăn liền Việt Nam

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ ngày 12/6 thông tin, từ ngày 27/6, các mặt hàng mỳ ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) sẽ không bắt buộc phải kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

EU nới lỏng quy định đối với mỳ ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh minh họa

EU nới lỏng quy định đối với mỳ ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh minh họa

Cụ thể, EU vừa đăng công báo Quy định (EU) 2023/1110 ký ngày 6/6/2023 sửa đổi Quy định 2019/1973 về các biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU. Theo đó, EU đã chính thức đưa các loại mỳ ăn liền của Việt Nam từ phụ lục II (kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu) sang phụ lục I với tần suất kiểm tra tại biên giới là 20%.

Như vậy, kể từ ngày 27/6 tới, các mặt hàng mỳ ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam sẽ không bắt buộc phải kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Với những nỗ lực của mình, chỉ 6 tháng sau khi EU thông qua quy định kiểm soát khẩn cấp đối với các loại bún, miến, mỳ của Việt Nam (hiệu lực từ ngày 1/1/2022), Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đã thành công trong việc thuyết phục EU đưa bún, miến, các sản phẩm từ gạo ra khỏi danh mục quản lý an toàn thực phẩm và 18 tháng sau thì thành công đưa mỳ ăn liền từ phụ lục II (kiểm soát theo chứng thư và tại cửa khẩu) sang phụ lục I (kiểm soát tại cửa khẩu).

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu mỳ ăn liền của Việt Nam phải liên tục kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, và kể cả xem xét áp dụng các biện pháp tự nguyện như tự xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm uy tín đối với các lô hàng mỳ ăn liền xuất khẩu vào EU.